Bình Luận

Nợ như chúa chổm

Saturday, 09/07/2016 - 09:34:35

Luật sư Michael Venditto, thành viên của hãng luật Reed Smith giải thích hình thức xin khánh tận của Trump là căn cứ trên “Chapter 11 tái tổ chức,” đạo luật này cho phép ngưng trả nợ, nhưng vẫn còn công ty, chứ không vĩnh viễn đóng cửa.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong lúc vận động tranh cử, ông Donald Trump thích nhắc lại thành tích của mình bằng câu “I'm the king of debt.” Người viết bài báo này cũng thích chí với lối dịch “tôi nợ như Chúa Chổm,” king of debt -vua nợ- mà dịch là Chúa Chổm thì quả là thoát nghĩa.

Tuy nhiên, vừa viết xong cái tựa cho bài báo, tôi đã hình dung ra câu con tôi sắp hỏi qua email, “Chúa Chổm là ai dzậy, Ba?”

Vào Google tìm sẵn câu giải đáp, và tìm ra một chuyện tình ngoại sử, khó tin, nhưng cũng xin chép lại để làm vui bạn đọc. Chuyện bên lề:

"Giai thoại dân gian kể rằng Lê Duy Ninh ngày bé tên là Chổm, mẹ ông từng tình cờ được gặp vua Lê Chiêu Tông khi vua đang bị Mạc Đăng Dung giam lỏng ở phường Đông Hà; sau đó có mang và sinh ra Chổm.
“Chổm lớn lên nhà nghèo, phải đi vay mọi người để sống qua ngày và hứa sẽ trả đủ nợ. Bỗng gặp lúc Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc, tìm được Chổm là dòng dõi nhà Lê nên lập làm vua.
“Công cuộc diệt Mạc thắng lợi, vua Chổm trở lại kinh thành Thăng Long. Khi đi qua làng cũ chỗ mẹ con Duy Ninh lánh nạn, một số người bán chịu cho Ninh ngày xưa đổ ra đòi tiền. Họ không biết Duy Ninh làm chức gì nhưng thấy được đi xe giá, quân lính hộ vệ thì chắc là Ninh đã thành đạt, nên họ nhắc lại lời hứa của Ninh. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Người người tấp nập đầy đường, chỉ vào mặt vua mà đòi nợ.
“Nhà vua không biết ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nợ, nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ. Mặt khác, triều đình ra lệnh cấm những người đòi nợ không được chỉ tay xúc phạm vua. Do đó có con đường nhỏ tên là Cấm Chỉ - còn tồn tại đến ngày nay ở Hà Nội.
“Nợ như chúa Chổm trở thành một thành ngữ chỉ những người thiếu nợ quá nhiều. Người đời có câu ca dao:
“Vua Ngô băm sáu tán vàng / Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì / Chúa Chổm mắc nợ tì tì / Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô.”

Giai thoại này không có thật. Trên thực tế Lê Duy Ninh tới hết đời vẫn chưa khôi phục được kinh thành Thăng Long, chưa được làm vua, nhưng vẫn làm Chúa -Chúa Chổm.

Vua Nợ Donald Trump tài hơn Chúa Chổm một điểm: ông vay ngân hàng, vay nhà nước bạc tỉ mà không cần trả, nhờ ngón võ bankruptcy, võ này cho ông được quyền, một mặt cứ có bạc tỉ trong tay, nhưng mặt khác vẫn vỗ ngực xưng “ta đây khánh tận” không có tiền trả nợ, vỡ nợ để rồi vỡ nợ.

Người khai xấu ông Trump là bà ứng cử viên Cộng Hòa Carly Fiorina, nguyên tổng giám đốc công ty điện tử Hewlett-Packard; trong cuộc tranh biện hôm 16 tháng Chín, 2015 được trực tiếp truyền hình trên CNN, bà Fiorina nói, “Người Mỹ chúng ta ý thức được việc chúng ta phải trả nợ cho các chính khách; họ dùng tiền của công chúng để khuếch trương thương vụ, lời thì họ ăn, lỗ thì vỡ nợ, khai khánh tận để khỏi trả nợ. Hàng núi nợ, Trump không vỡ nợ một lần, cũng không vỡ nợ hai lần, mà tổng cộng đến bốn lần ra tòa khai bankruptcies.”

Điều tố cáo của bà Fiorina là có thật, chứ không phải chuyện đặt ra để nói xấu kẻ tranh cử với mình; Trump cũng không cần phủ nhận; ông trả lời ngay trong cuộc “đì bệt,” “Tôi là một thương gia, quanh tôi hàng trăm công ty khai khánh tận; tôi chỉ khánh tận có bốn lần; có gì sai quấy đâu?”

Luật sư Michael Venditto, thành viên của hãng luật Reed Smith giải thích hình thức xin khánh tận của Trump là căn cứ trên “Chapter 11 tái tổ chức,” đạo luật này cho phép ngưng trả nợ, nhưng vẫn còn công ty, chứ không vĩnh viễn đóng cửa.


Carly Fiorina


Vỡ nợ 4 lần, nhưng vẫn toàn thắng, loại toàn bộ 16 ứng cử viên Cộng Hòa

Bốn lần vỡ nợ của Trump là:
Vỡ Nợ Lần Thứ Nhất: Sòng Bạc Trump Taj Mahal
Vụ vỡ nợ này xảy ra vào năm 1991, một năm sau ngày khai trương sòng bạc Trump Taj Mahal casino tại Atlantic City; Trump tiêu $1 tỉ vào việc xây cất sòng bạc này, nhưng công ty Trump Taj Mahal casino vay nợ đến $3 tỉ, trong số đó $900 triệu là nợ riêng của cá nhân Trump. (Tin The New York Time)

Vỡ Nợ Lần Thứ Nhì: Trump Plaza Hotel
Trump mua khách sạn này năm 1988 với giá $390 triệu; bốn năm sau công ty chủ khách sạn này mắc nợ $550 triệu, công ty do Trump lập ra để mua và điều hành khách sạn -nói cách khác: cả công ty lẫn khách sạn đều của Trump, nhưng ông không mắc nợ. Nhân danh công ty, ông cho sáu chủ nợ siết lấy 49% khách sạn (chi tiết do đài ABC News phổ biến), trong lúc ông vẫn là CEO của Trump Plaza Hotel.

Vỡ Nợ Lần Thứ Ba: Trump Hotels And Casinos Resorts, 2004
Sáu năm sau lần vỡ nợ đầu tiên với Trump Taj Mahal casino tại Atlantic City, Trump cho công ty này (cộng thêm khách sạn + cộng cả sòng bạc nổi Indiana) vỡ nợ lần thứ nhì, dưới sức nặng của $1.8 tỉ bạc nợ (tin Associated Press). Vẫn vỡ nợ kiểu Chapter 11 để tái tổ chức, và tái tổ chức bằng cách giảm số vốn của Trump từ 47% xuống còn 27%; sau khi giảm, Trump vẫn là người có nhiều cổ phần nhất trong công ty. Ông bảo phóng viên AP là số vốn lớn của ông trong công ty nhỏ hơn 1% tài sản của ông.

Vỡ Nợ Lần Thứ Tư: Trump Entertainment Resorts, 2009
Trump Entertainment Resorts là tên mới của một tài sản cũ Trump Hotels and Casinos Resorts, công ty thua lỗ không trả được số nợ $53.1 triệu tiền lời trái phiếu đáo hạn là tháng Chạp 2008 (tin ABC News); Trump họp Hội Đồng Quản Trị của công ty lại đề nghị từ chức chủ tịch công ty, mặc dù trên giấy tờ, ông vẫn đứng tên.
Luật Sư Venditto nhận định việc khai vỡ nợ, khánh tận tuy chẳng bảnh bao gì nhưng vẫn giúp công ty tiếp tục hoạt động, không đến nỗi phải đóng cửa, dẹp tiệm.

Bà Fiorina đồng ý, với trường hợp doanh nhân gặp khó khăn một lần hoặc quá lắm là lần thứ nhì, trong suốt một cuộc đời, nhưng lại lên án bốn lần vỡ nợ của Trump là một thành tích chứng minh một quan niệm bất chánh trong thương trường, lợi dụng biện pháp vỡ nợ luật pháp tạo ra để che chở những thương gia lương thiện, thất bại vì rủi ro.

Bà Fiorina đánh giá Trump là người bất xứng, không đáng được tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo quốc gia.
Tác giả bài báo này đánh giá Trump không lương thiện bằng Chúa Chổm; ông Vua Nợ (king of debt) đang sẵn giầu có, vay nợ để làm giầu thêm, trong lúc Chúa Chổm chỉ ăn chịu, mua thiếu vì không có tiền trả. Một điểm thiếu lương thiện nữa là Vua Nợ dùng mọi kẽ hở của luật pháp để trốn tránh, không trả nợ, trong lúc Chúa Chổm tha thuế cho dân làng để trừ nợ. (nđt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT