Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nồng ấm chiều nhạc thính phòng Tình Quê Hương

Saturday, 12/03/2016 - 12:43:40

Riêng với hai tiếng hát đơn ca Phạm Hà, Thương Linh, là hai khách mời đặc biệt của chương trình “Tình Quê Hương” đã không phụ lòng mong đợi của các khán giả, cả hai đã tạo được sức quyến rũ tuyệt vời trong phần trình diễn của mình.

Bài BĂNG HUYỀN

Chiều nhạc thính phòng “Tình Quê Hương” đã diễn ra tại hội trường nhật báo Người Việt vào chiều Chủ Nhật, ngày 6 tháng 3, 2016 trong không gian âm nhạc tha thiết, lắng đọng với những giọng ca truyền cảm, đã đưa người nghe về với những hoài niệm về một quê hương ở bên kia bờ đại dương.

Lời ca, tiếng đàn của các nghệ sĩ trong chương trình đã vẽ lại vẻ đẹp của quê hương bằng âm nhạc, chất chứa tất cả những gì về một quê hương tuyệt đẹp trong ký ức khiến những người con xa xứ vẫn luôn say đắm, bồi hồi khi nhớ về.

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi mở đầu chương trình chiều nhạc thính phòng Tình Quê Hương (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Buổi diễn còn “ấm áp” hơn khi qua chương trình, số tiền thu được ban tổ chức dành tặng cho Hội Hope Today để giúp đỡ những người bất hạnh trong xã hội, những gia đình nghèo khó ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S và một phần góp vào quỹ sinh hoạt của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

Ngay trong phần nghỉ giải lao của chương trình, vợ chồng thiện nguyện viên Đoàn Kiến Nam và Đoàn Ngọc Dzung của hội Hope Today đã trình bày với khán giả về một số hoạt động của hội giúp người nghèo tại Việt Nam, đã gieo lại trong lòng người xem một sự day dứt khó tả về những mảnh đời bất hạnh vẫn còn nhiều quá nơi quê nhà cần lắm sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm nơi hải ngoại.


Phần hát hợp xướng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” kết thúc chương trình (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vẻ đẹp đa sắc của hợp ca, hòa ca

Cũng như những chương trình có sự tham dự của các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, điểm đặc biệt của chương trình “Tình Quê Hương” chính là phần hát hợp xướng, hợp ca, song ca, tứ ca, nhóm ca Cát Trắng. Nếu nghe hát đơn ca, khán giả thường bị lôi cuốn bằng sự rung cảm đơn tính, thán phục trước tài năng cùng sự thăng hoa của người ca sĩ, nhưng lại làm cho bản thân người thưởng thức thường “lùi xa” để chiêm ngưỡng. Thì đối với hợp xướng ngoài sự rung cảm, nể phục những giọng hát đẹp, người nghe còn thấy sự ấm cúng, gần gũi, thậm chí dẫn đến trạng thái hòa mình vào cùng dàn hợp xướng, muốn trở thành một thành tố của âm nhạc mà mình đang thưởng thức.


Đôi song ca Vương Lan Như An (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi dưới sự bắt nhịp của ca trưởng Bùi Quỳnh Giao và tiếng đàn dương cầm của nữ nghệ sĩ Bạch Đằng đã đem lại sự thỏa mãn cho người nghe khi mở đầu chương trình bằng hai tiểu khúc: Mẹ Xinh Đẹp, Mẹ Đón Cha Về trích từ Trường Ca Mẹ Việt Nam do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, được hòa âm bởi nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Và khi thể hiện các tiểu khúc “Tôi đi từ ải Nam Quan-Ai đi trên dặm đường trường- Cửu Long Giang và Về Miền Nam” (trích từ trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy, hòa âm Hồ Đăng Tín) để kết thúc phần 1 chương trình, từng lời ca vang bay bổng, người nghe đắm chìm trong không gian âm nhạc tuyệt diệu, dường như không còn “cách trở” không gian và thời gian, người hát và người nghe đã cùng giao hòa trong cảm xúc, cùng một nhịp đập của trái tim, khơi lại tình cảm thiêng liêng cao vợi của những người Việt ly hương dành cho đất mẹ Việt Nam.

Tiếng hát trẻ Đan Tâm (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Còn khi nghe ban Hợp Xướng Ngàn Khơi cùng hát vang ca khúc Hương Xưa (Cung Tiến, hòa âm Hồ Đăng Tín) vẻ đẹp du dương của ca khúc này được khoác lên một tấm áo mới không kém phần quyến rũ khi được những tiếng hát của ban hợp xướng Ngàn Khơi hòa giọng cùng nhau vừa dày dặn và tinh tế trong cảm xúc khi chuyển tãi ca khúc này.

Những giọng nam Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi thể hiện thành công giai điệu vui tươi đằm thắm như nét đặc trưng của tâm hồn người Việt của bài dân ca Đi Cấy (Dân ca Thanh Hóa, hòa âm Vũ Ngọc Quang). Tứ ca Ngọc Sương, Kim Liên, Duy Hiển, Kim Anh đưa người nghe chậm bước vào chốn thiên thai của “Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên” (Từ Công Phụng, hòa âm Hồ Đăng Tín), những tiếng hát trong nhóm tứ ca này đã để lại nhiều lắng đọng trong lòng người nghe khi thể hiện “Lòng Mẹ” (Y Vân, hòa âm Trần Chúc). Ban Cát Trắng (Vinh Tín, Lộc Trần, Thúy Hằng, Lệ Thanh, Ngọc Mai) làm rộn ràng lòng người khi thể hiện “Khúc Nhạc Ngày Xuân” (Nhật Bằng, hòa âm Hồ Đăng Tín). Vẻ đẹp tuyệt mỹ của cảnh sắc quê hương yên ả, thanh bình, sự trải nghiệm sâu lắng về tình yêu quê hương, tình dân tộc tha thiết qua các ca khúc trữ tình “Nương Chiều” (Phạm Duy) do ban Cát Trắng hát.


Vợ chồng thiện nguyện viên Đoàn Kiến Nam và Đoàn Ngọc Dzung của hội Hope Today trình bày những hoạt động của hội trong giờ giải lao. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Đôi song ca Đỗ Quyên- Việt Hải (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Hai giọng ca Việt Hải và Đỗ Quyên đã chuyển tải thật duyên dáng chất đa tình, chắt chiu bao hoài niệm qua ca khúc “Đường Về Nhà Em,” hai bạn trẻ đã gửi vào giai điệu xưa ấy một hơi thở rất nay, mang màu sắc mới mẻ, trẻ trung, quyến rũ.

Cả hai cùng song ca đầy tình tứ trên sân khấu. Sụ hợp rơ trong tính cách cũng như từng hợp tác trong nhiều dự án khiến cho tiết mục của cả hai trở nên hòa quyện, nồng nàn. Song ca Kim Liên- Kim Anh khá thành công khi dẫn dắt người nghe chìm đắm vào giai điệu da diết, đượm buồn của ca khúc “Mưa Rừng” (Huỳnh Anh).

Song ca Vương Lan- Như An thể hiện thật tuyệt vẻ đẹp của ca khúc “Trở Về Huế” (Văn Phụng) trên nền nhạc 4/4, với những nhịp nhanh chậm xen nhau của giai điệu tango, khiến đôi chân của không ít khán giả nhún nhảy theo giai điệu ca khúc này. Còn khi cả hai trong trang phục áo tứ thân, gợi lại hình ảnh của các “liền chị” rất duyên, khi thong thả, lúc dồn dập, lúc lại chơi vơi thánh thót và kết thúc bằng một đoạn cao trào để rồi bản nhạc hết rồi mà còn âm vang mãi trong lòng qua ca khúc “Bèo Giạt Mây Trôi” (Dân ca, hòa âm Lê Văn Khoa).

Điểm đặc biệt của các phần hát hợp ca, tứ ca, nhóm ca, song ca chính là khả năng xử lý tinh tế phần phối bè, cùng với ưu điểm nổi bật của từng giọng hát trong nhóm hòa quyện với nhau, tạo nên một thể thống nhất đầy sắc màu.

                                        Ban Cát Trắng (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Nét đặc biệt của chương trình

Điểm nhấn mới mẻ cho chương trình nhạc thính phòng “Tình Quê Hương” là phần nhạc đệm mới lạ, nhiều màu sắc với tiếng dương cầm do nghệ sĩ dương cầm Bạch Đằng đã đưa khán giả đi đủ thăng trầm theo từng bài hát khi đệm cho phần hát hợp xướng, hợp ca nam, tứ ca. Tiếng dương cầm Phương Lan hòa cùng tiếng Tây Ban Cầm của nghệ sĩ Tây Ban Cầm Phương Thảo, với lối đệm đàn độc đáo, biên soạn theo kiểu hòa âm tân cổ điển cho nhạc cụ quyện với tiếng hát truyền cảm của các ca sĩ hát đơn ca Thương Linh, Phạm Hà, Bùi Quỳnh Giao, Đan Tâm, các đôi song ca, ban Cát Trắng đã đem đến một sắc thái mới lạ cho cung cách hòa âm và trình diễn nhạc thính phòng, đã dệt nên những giai điệu đẹp, cho các tiếng hát thêm sâu lắng, ngân vang.

Phần Tam Tấu của ba nhạc sĩ Phương Lan, Ngô Sỹ Hào, Phương Thảo (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Không chỉ đệm cho các tiếng hát, cả hai nhạc sĩ Phương Lan, Phương Thảo còn cùng nhau song tấu “Rồi Như Đá Ngây Ngô” (Trịnh Công Sơn, do Phương Lan soạn hòa âm) đem lại cho tác phẩm này một màu sắc mới, thật tĩnh tại, lắng đọng và tinh tế qua âm giai của 2 nhạc cụ. Cả hai còn kết hợp cùng tiếng kèn Harmonica của Ngô Sỹ Hào tạo nên một tác phẩm tam tấu Giọt mưa trên lá (Phạm Duy, phối khí Phương Lan) thật độc đáo khi khai thác được khả năng kỹ thuật cũng như tạo ra một mối giao hòa của từng nhạc cụ, vừa đem lại cho người thưởng ngoạn những cảm xúc mới mẻ đối với tác phẩm vốn đã rất thân quen.

Những tiếng hát đơn ca

Không chỉ đem lại nhiều cảm xúc cho người nghe bởi tài bắt nhịp rất sinh động khi điều khiển ban hợp xướng Ngàn Khơi, ca trưởng Bùi Quỳnh Giao với tiếng hát ấm nồng đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp cảnh huyền ảo tuyệt vời với hương thơm lâng lâng trong một đêm hè ở Huế qua ca khúc Dạ Lai Hương (Phạm Duy).


Ca sĩ Thương Linh (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đan Tâm trong trẻo và dịu dàng trong chiếc áo dài trắng đã gửi đến bản tình ca dung dị và cũng rất đỗi quen thuộc của nhạc sĩ Song Ngọc “Hà Nội Ngày Tháng Cũ”. Với chất giọng đẹp và trong veo của mình, Đan Tâm như đưa người nghe lạc bước về những hoài niệm về một Hà Nội hào hoa năm xưa, người nghe như say và bay lên cùng giai điệu du dương lúc nào không hay.

Riêng với hai tiếng hát đơn ca Phạm Hà, Thương Linh, là hai khách mời đặc biệt của chương trình “Tình Quê Hương” đã không phụ lòng mong đợi của các khán giả, cả hai đã tạo được sức quyến rũ tuyệt vời trong phần trình diễn của mình.

Chất giọng trầm ấm đầy tình cảm của Phạm Hà đã dìu người nghe vào giai điệu tình yêu đắm say khi anh hát “Ngậm Ngùi” (Phạm Duy), “Mộng Dưới Hoa” (Phạm Đình Chương), “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng” (Trịnh Công Sơn) thật dễ dàng chạm sâu vào cảm xúc người nghe.


Ca sĩ Phạm Hà (Băng Huyền/ Viễn Đông)
 

Giọng hát mạnh mẽ, sâu lắng của Thương Linh ẩn chứa chất tự sự trong cách biểu cảm như trút hết gan ruột khi thể hiện “Chiều Về Trên Sông” (Phạm Duy), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương) còn khi cô hát “Mưa Hồng” (Trịnh Công Sơn) chất hiện đại, phiêu linh của tiếng hát Thương Linh đã giúp cho ca khúc mưa của cố nhạc sĩ họ Trịnh vẻ đẹp mộc mạc an nhiên nhất có thể, để người nghe cảm nhận được sức mạnh và sự lay động của ca từ mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi gắm vào trong ca khúc khi cô mời khán giả hát theo đoạn cuối vì cô đã lỡ quên lời “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”

Bản hùng ca mang tên “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang) được chọn để kết thúc buổi diễn, sau phần trình diễn giàu cảm xúc qua tiếng hát của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, ca trưởng Bùi Quỳnh Giao đã quay xuống hàng ghế khán giả bắt nhịp để mọi người cùng hát vang với ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, lời ca đung đưa theo nhịp nhạc, những tiếng vỗ tay bắt nhịp của các khán giả trong khán phòng đã cùng vang lên như một theo nhịp điệu của ca trưởng Bùi Quỳnh Giao, dư âm ấy vang vọng, lưu dấu một cái kết thật đẹp cho chiều nhạc thính phòng “Tình Quê Hương.”
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT