Xe Hơi

Nước Coolant: Những điều ít khi được nói tới

Friday, 19/08/2016 - 10:34:37

Điều này khiến chúng ta thắc mắc: Tại sao một độc chất chết người như vậy lại có mùi vị ngon ngọt?
Đó là nhờ Ethylene Glycol, thứ hóa chất đặc biệt làm tăng độ chịu nóng và chịu lạnh của coolant.

Bài HAO SMITH

Nước Coolant luân lưu trong hệ giải nhiệt như dòng máu chảy trong cơ thể con người. Vì thế, chủ xe phải luôn luôn để ý tới nó, như con người để ý tới máu của mình vậy. Rất tiếc, có những điều căn bản mà nhiều người sử dụng xe chưa hiểu rõ về cái chất lỏng quan trọng này.

1. Coolant = Anti-freeze

Nhiều người quen gọi nó là nước coolant, một số người khác lại gọi anti-freeze. Mặc dầu nghĩa khác nhau, nhưng hai tên gọi này cũng chỉ về một thứ, là “dòng máu” luân lưu trong hệ giải nhiệt. Coolant có nghĩa là “làm cho mát”, còn Anfi-freeze có nghĩa là “chống đông đặc”.
Gọi là “coolant” bởi vì nó là nước giải nhiệt.

Cẩn thận khi rót coolant vào xe, đừng để rơi rớt ra ngoài



Nhưng xin nhớ rằng, cái dòng coolant ấy chẳng mát tí nào cả. Trái lại, nó rất nóng trong khi xe đang chạy hoặc vừa tắt máy sau khi chạy một quãng đường xa. Vì thế, phải tuyệt đối cẩn thận và chờ đến khi máy xe nguội hẳn mới nên mở nắp két nước (radiator) để kiểm tra, bằng không coolant nóng có thể bắn vào mặt gây phỏng nặng.

Gọi là “anti-freeze” bởi vì nó có khả năng chịu lạnh mà không đông đặc lại thành đá. Chúng ta biết nước lã thường sẽ đông đặc thành đá (ice) ở 35 độ F hoặc 0 độ C. Nhưng độ lạnh đó chẳng ăn thua gì đối với coolant, trong khi nước lã đóng lại thành đá cục, coolant vẫn là một chất lỏng trôi chảy nhẹ nhàng trong lòng máy. Ông Trời có làm lạnh thêm vài chục độ nữa cũng không sao. Chỉ khi nhiệt độ xuống tới - 34 độ F (tương đương – 37 độ C) thì coolant mới chịu thua, đành phải đông thành đá. Tại sao chúng ta lại cần một dòng antifreeze “lì” như vậy? Bởi vì, nếu sớm đông đặc thành đá, nó sẽ không thể luân lưu, và xe cộ ở những tiểu bang lạnh lẽo sẽ không thể chạy được trong mùa đông, khi mà nhiệt độ thường xuống tới – 20 độ F. Chỉ khi nhiệt độ xuống tới – 40 độ F hoặc dưới nữa, như đã từng xảy ra trong một vài ngày lạnh bất thường ở nước Mỹ thì xe cộ mới đành phải nằm nhà sưởi ấm, chứ không thể lăn bánh được. Rất may, những ngày lạnh như thế rất ít khi xảy ra.

Nhưng antifreeze không phải chỉ chống “đông,” nó còn chống “sôi.” Khi chiếc xe lăn bánh, nhiệt độ trong máy có thể lên tới 212 độ F, tương đương 100 độ C. Ở nhiệt độ này, nước lã bình thường sẽ sôi lên sùng sục, rồi từ từ bốc thành hơi bay đi hết. Nhưng Antifreeze không thể bốc thành hơi dễ dàng như vậy, nó phải ở lại làm việc, luân lưu trong máy dưới dạng chất lỏng, và chỉ chịu bốc hơi khi nhiệt độ lên cao hơn nữa mà thôi (antifreeze được cấu tạo để chịu đựng độ nóng tới 223 độ F, và do bị nén dưới áp suất cao, nó còn có thể chịu nóng tới 265 độ F mới bắt đầu sôi và bốc hơi). Trong khi đó, nhiệt độ của một đầu máy hoạt động “lành mạnh” biến thiên từ 195 độ F tới 220 độ F mà thôi. Nóng quá mức này, đầu máy cũng sẽ rã vì … overheat.

Do đâu antifreeze có khả năng chịu lạnh và chịu nóng khác thường như vậy? Nhờ một hóa chất đặc biệt: Etylene Glycol. Hóa chất này được pha hòa với nước lã theo tỷ lệ 50-50 để trở thành coolant dùng trong máy xe. Những bình antifreeze mua ngoài chợ thường được pha sẵn (premixed) để có thể sử dụng ngay mà không cần pha thêm nước lã. Nếu có antifreeze nguyên chất, chưa được premixed, bạn cần phải lấy nước lã pha loãng theo tỷ lệ 50-50 (nửa nước, nửa antifreeze) trước khi đổ vào xe. Vì thế, cần phải xem kỹ lời dặn dò trên nhãn hiệu để biết xem có cần pha thêm nước hay không.

2. Antifreeze: Ngọt như nước sinh tố

Không giống những thứ dầu nhớt khác, nước Coolant lại ngọt và dễ ngửi. Chính vì cái vị ngọt thơm này mà Coolant đã từng gây ra khá nhiều rắc rối. Như trong vụ án xảy ra cách đây 12 năm, một cư dân New Jersey, bà Maryann Neabor, giáo sư đại học, đã dùng mưu sâu đầu độc người anh chồng bằng một ly nước sinh tố, vắt từ trái dứa, trái cherries, pha với …. coolant. Mùi vị vẫn rất thơm ngon, nhưng coolant là độc chất có thể dẫn đến tử vong. Theo cáo trạng của công tố, nạn nhân không hề hay biết về ly thuốc độc, đã uống ngon lành và giẫy chết trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau đó.

Điều này khiến chúng ta thắc mắc: Tại sao một độc chất chết người như vậy lại có mùi vị ngon ngọt?
Đó là nhờ Ethylene Glycol, thứ hóa chất đặc biệt làm tăng độ chịu nóng và chịu lạnh của coolant.

Ethylene Glycone không màu, không hôi, không hắc, nhưng có vị ngọt, hòa hợp với nhiều thức uống như soda, nước ép trái cây, và những thức uống có đường. Trường hợp đầu độc là họa hiếm, nhưng ngộ độc vì vô tình uống phải coolant thì có nhiều.

Hằng năm, riêng tại nước Mỹ, người ta thống kê được 90,000 trường hợp chó mèo ngộ độc vì liếm nhằm coolant nhỏ ra trên nền garage. Không phải chỉ chó mèo, mà còn có tới 4,000 trẻ em ngộ độc hằng năm vì tưởng lầm coolant là nước trái cây. Nạn nhân cần phải được chữa trị ngay, nếu không có thể dẫn tới suy tim, suy thận, tổn thương não bộ và mất mạng nhanh chóng.

Chính vì vị ngọt của coolant mà trong dân gian có lời đồn ác rằng, một số cơ sở làm rượu nho vô lương tâm đã pha thêm coolant vào sản phẩm để mau chóng có được những bình rượu ngon với giá thành hạ. Lời đồn thực ra không hoàn toàn vô căn cứ. Vào năm 1985, người ta khám phá được một số cơ sở làm rượu tại Áo Quốc đã pha hóa chất diethylene glycol để làm cho rượu có vị ngọt.

Dù diethylene glycol không sánh được với Ethylene Glycol về tầm độc hại, nhưng nó vẫn là chất cấm, gây ra sự báo động kinh hoàng trong số những người uống rượu một thời. Nhưng vụ ấy có lẽ cũng chưa tệ bằng việc gần đây, người ta khám phá ra chủ các lò rượu còn pha thêm thuốc diệt sâu rầy để tạo ra màu rượu trong suốt hấp dẫn. Chắc các bạn cũng biết thứ rượu đó được làm ở đâu rồi? Không ai khác ngoài “Ma-dze in Việt cộng”, hoặc “ma-dze in china”.

Trở về chuyện bảo trì xe, chúng ta cần phải cẩn thận với mọi loại dầu nhớt, đặc biệt thứ dầu ngọt ngào như antifreeze. Lau sạch những vết dầu loang trên sân hoặc sàn nhà xe, ghi dấu và cất giữ antifreeze vào những nơi kín đáo, cách xa tầm với của trẻ em và chó mèo, đưa antifreeze cũng như mọi loại dầu nhớt cũ đến các trung tâm reclycle, không liệng bỏ bừa bãi trên sân…. Đó là công việc tối thiểu cần làm để cùng lúc bảo trì xe, chúng ta cũng đồng thời bảo vệ môi trường và những người sống chung quanh.
haosmith@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT