Bình Luận

Phá thai: Joe Biden phải chọn một phía!

Thursday, 12/05/2022 - 07:44:34

Từ khi nhậm chức tổng thống, ông Joe Biden chưa bao giờ nói đến chữ “phá thai” (abortion). Ông im lặng...


Tổng Thống Joe Biden đang đợi đến lúc đọc diễn văn tại Vườn Hồng ở Tòa Bạch Ốc ngày 9 tháng 5, 2022. (Yuri Gripas/ Abaca/ Bloomberg via Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Từ khi nhậm chức tổng thống, ông Joe Biden chưa bao giờ nói đến chữ “phá thai” (abortion). Ông im lặng cho tới khi cả nước Mỹ sôi nổi tranh luận phá thai, sau khi bản ý kiến của Thẩm Phán Tối Cao Samuel Alito bị tiết lộ.

Dư luận ồn ào vì án lệ Roe v. Wade xác nhận quyền phá thai có thể bị xóa bỏ. Nhưng các lời tuyên bố của ông Biden còn rất ôn hòa, không như các lãnh tụ Dân Chủ khác. Phó Tổng Thống Kamala Harris chẳng hạn, bà lên án những ý kiến của Thẩm Phán Alito là “tấn công trực diện trên quyền tự do.” Nghị Sĩ Chuck Schumer, (Dân Chủ-New York), tố cáo các vị Thẩm Phán bảo thủ đã nói dối Thượng Viện, khi trình bày ý kiến ôn hòa của họ về quyền phá thai rồi được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm.

Chính trị gia cả hai đảng bàn tán về thái độ dè dặt của ông Biden, cho tới nay. Những người vẫn tranh đấu cho quyền phá thai rất bất bình. Renee Bracey Sherman, người sáng lập tổ chức “We Testify” cay đắng nói rằng ông tổng thống đã “đào ngũ.” Trong hơn một năm qua We Testify đã thỉnh cầu ông đọc một diễn văn về chuyện phá thai mà chưa được. Đảng Cộng Hòa thì bắt ngay lấy một câu của ông Biden, ngày thứ Ba tuần trước. Khi nói đến hành động phá thai ông Biden dùng chữ “một đứa bé” (a child) - thay vì dùng chữ “một bào thai” (a fetus). Đó là cách diễn tả quen thuộc của những người tranh đấu chống phá thai, ví phá thai như giết người.

Thái độ dè dặt của ông Joe Biden có thể giải thích bằng tôn giáo: Ông đi lễ nhà thờ thường xuyên nhưng từng bị cánh bảo thủ trong đạo chỉ trích, vì lập trường đảng Dân Chủ quyết bảo vệ quyền phá thai. Đã có lời yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Mỹ không cho ông được nhận “mình thánh” cũng như các nhà chính trị ủng hộ phá thai khác, nhưng Tòa Thánh không chấp thuận yêu cầu này.

Vì thế, ông Biden vẫn đứng hai chân hai bên. Ông chọn thế tiến thoái lưỡng nan từ năm 1973 khi Tối Cao Pháp Viện tuyên án vụ Roe v. Wade. Năm đó, ông Biden đã nhận xét rằng phán quyết của Tòa Tối Cao coi phá thai là một quyền hiến định đã “đi quá xa.” Ông nói với một nhà báo rằng, trong vấn đề phá thai, lập trường của ông cũng “cấp tiến như bà nội ở nhà anh vậy.”

Năm 1973, một vị đàn anh thân mật hỏi Nghị Sĩ trẻ Biden, mới đắc cử vào Thượng Viện lần đầu, rằng ông sẽ quyết định thế nào nếu phải bỏ phiếu về vấn đề phá thai. Ông Biden nói rằng cá nhân ông, một người Công Giáo, ông chống phá thai và không muốn cho dùng công quỹ vào việc này. Tuy nhiên, ông không muốn áp đặt quan điểm tôn giáo của mình trên tất cả mọi công dân Mỹ; ông sẽ không bỏ phiếu xóa bỏ án lệ “Roe v. Wade.”

Trong cuốn hồi ký viết sau này, ông Biden nhắc lại lời của vị đàn anh, Nghị Sĩ Abraham Ribicoff, tiểu bang Connecticut, “Cậu bé ơi, lập trường của cậu rất khó giữ!” Ribicoff còn khuyên Biden, “Hãy đứng về một phía! Trong chính trị, đó là cách tốt nhất. Hãy chọn, đứng về một phía!”

Nhưng trong gần 50 năm qua, Joe Biden vẫn lảng tránh không đứng hẳn về một phía nào trong cuộc tranh luận về phá thai “đầy gió tanh mưa máu” trong chính trường. Nhiều lần ông đứng về phía chống phá thai, sau một thời gian lại chuyển sang phía bên kia. Có lúc ông định ủng hộ một tu chính án hiến pháp, trao quyền quyết định về phá thai cho nghị viện các tiểu bang – đó cũng là ý kiến chính của Thẩm Phán Alito mới được tiết lộ.

Trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2007, trước khi tranh cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, ông Biden tự xác định mình giữ lập trường “trung đạo.” Ông đã bỏ phiếu cấm phá thai trễ; ông cũng ủng hộ Tu Chính Án Hyde cấm chính phủ trợ cấp tiền cho người nghèo để phá thai.

Năm 2019, Biden đã đổi ý kiến, chống lại Tu Chính Án Hyde. Ông nêu lý do là Tu Chính Án này nhắm vào các phụ nữ nghèo nhất trong xã hội Mỹ, những người đang hưởng trợ cấp y tế (Medicaid hay Medical). Hơn nữa, nhiều tiểu bang đã thay đổi làm luật hạn chế quyền phá thai chặt chẽ hơn trước. Trước đó, với tư cách là chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp tại Thượng Viện, ông Biden đã bảo vệ quyền sử dụng thuốc ngừa thai, một vấn đề liên quan mật thiết đến phá thai. Giáo Hội Công Giáo Mỹ lên án cả hai hành động: ngừa thai và phá thai.

Năm 1987, Nghị Sĩ Joe Biden đã tấn công Thẩm Phán Robert Bork, người được Tổng Thống Reagan đề cử vào Tối Cao Pháp Viện. Ông Biden dùng mũi nhọn tấn công ông Bork dựa vào một án lệ năm 1965. Năm đó, phán quyết mang tên Griswold v. Connecticut lần đầu tiên cho phép các cặp vợ chồng được phép mua thuốc ngừa thai một cách hợp pháp. Vì ông Bork không đồng ý với quyết định Griswold, Biden không bỏ phiếu thuận. Cuối cùng, ông Robert Bork không được phong nhậm. Trận đấu này để lại một hình ảnh “cay đắng” cho quá trình bổ nhiệm thành phần Tối Cao Pháp Viện. Một vị thẩm phán có đầy đủ các điều kiện để gia nhập Tòa Án Tối Cao, nhưng bị gạt bỏ chỉ vì một vấn đề nặng tính chính trị.

Ông Biden vẫn hài lòng trong việc gạt bỏ Thẩm Phán Bork. Nếu ông Bork được phong nhậm thì từ đó tới nay án lệ Roe v. Wade có thể đã bị xóa bỏ rồi.

Tuy đứng hai chân hai bên, thay đổi ý kiến trong các vấn đề cụ thể, nhưng trước sau ông Joe Biden vẫn giữ một lý luận căn bản trong vấn đề phá thai. Ông đề cao quyền tự do quyết định của phụ nữ trên các vấn đề thuộc về thân thể của họ, như các thẩm phán Tòa Tối Cao đã dùng để cho phá thai, với một số giới hạn.

Vấn đề phá thai rắc rối vì khi bênh vực phá thai người ta viện dẫn một án lệ. Nói cách khác, các thẩm phán, tức là ngành Tư Pháp đã quyết định phụ nữ Mỹ có quyền tự do phá thai. Quyền này đáng lẽ phải do quốc hội quyết định. Quốc hội có thể làm luật cho phép phá thai, đặt ra các giới hạn họ muốn, tòa án sẽ xét xử theo luật đó. Trong khi tranh cử năm 2019, ông Biden đã hứa sẽ đề nghị một dự luật như vậy. Nhưng hiện nay, và có thể trong 100 năm nữa, các đại biểu hai đảng không thể nào thỏa hiệp để một đạo luật như thế ra đời!

Cuối cùng, ông Joe Biden sẽ phải bày tỏ thái độ rõ rệt, chọn đứng về một phía. Chắc chắn ông phải bảo vệ lập trường của đảng Dân Chủ. Cuộc tranh luận về vấn đề này sẽ ảnh hưởng trên lá phiếu bầu đại biểu quốc hội năm nay!
(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT