Người Việt Khắp Nơi

Những khó khăn trong việc giữ gìn tiếng Việt

Băng Huyền/Viễn Đông Tuesday, 17/01/2012 - 08:40:30

Chính từ những mối xung đột này, mà những người có tâm huyết thuộc thế hệ thứ nhất đã nhìn thấy nhu cầu giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam cho thế hệ tiếp nối.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 6)

Băng Huyền/Viễn Đông


Gian hàng của Hội Sinh Viên Việt Nam đại học Mt. San Antonio College trong Hội Chợ
Tết Sinh Viên năm 2011. Sinh hoạt ngoại khóa là dịp để các thanh thiếu niên Việt Nam
tìm hiểu về phong tục và tiếng nói của mình - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông.
Với những người Việt ly hương thuộc thế hệ thứ nhất, dù sống nơi xứ người nhưng cõi lòng luôn luôn hướng về “nơi chôn nhau cắt rốn”. Sống giữa lòng một cộng đồng ngoại ngữ, nhưng họ vẫn xem tiếng Việt là ngôn ngữ chính, là một nhịp cầu tình cảm nối với cội nguồn. Nhưng với thế hệ thứ hai thì ngược lại, quê hương họ được sinh ra lại không phải là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của cha mẹ, của ông bà. Họ lớn lên, đi học, nói cùng ngôn ngữ với bạn bè người bản xứ, hấp thụ văn hóa người bản xứ, và từ đó, cư xử như người bản xứ. Đến khi về nhà, họ phải thích nghi với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, để rồi những điều khác biệt ấy ngày càng trở nên đối chọi nhau vì bất đồng ngôn ngữ, vì sự xung đột văn hóa và phong tục Việt Nam mà họ phải tuân theo trong phạm vi gia đình, và văn hóa cùng suy nghĩ của Hoa Kỳ trong xã hội rộng lớn mà họ sinh hoạt.
Chính từ những mối xung đột này, mà những người có tâm huyết thuộc thế hệ thứ nhất đã nhìn thấy nhu cầu giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam cho thế hệ tiếp nối. Họ muốn con, cháu của mình dù sinh ra và sống tại hải ngoại nhưng vẫn lưu giữ được văn hóa Việt Nam, để “giàu hơn” so với những người chỉ có một nền văn hóa. Mà cách để gìn giữ văn hóa trước tiên chính là biết nói, đọc và viết tiếng Việt.
Tuy vậy, việc các phụ huynh cho con mình đi học tiếng Việt tại các trường, các trung tâm độc lập vào dịp cuối tuần cũng giống như những người bơi thuyền ngược dòng nước. Họ phải ra sức chèo chống thì mới đạt tới mục đích. Đây là công việc quá khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực nơi thế hệ trẻ hàng ngày với sự giúp sức của phụ huynh. Nếu họ không vững tay chèo và quyết tâm, thì việc này xem như thất bại. Như trường hợp chị Nguyễn Hằng (đã đề cập đến trong bài viết kỳ trước) đã phải đầu hàng việc ép con đi học tiếng Việt, vì các con không thích, vì không muốn gây áp lực cho con, và vì chị quan niệm tiếng Việt cũng chỉ là ngoại ngữ mà thôi, biết thì tốt, mà không biết, thì cũng không sao.
Nhưng may sao, các phụ huynh quan niệm như chị Nguyễn Hằng không nhiều. Khi đến một số trường, trung tâm dạy tiếng Việt, người viết vẫn tìm được những học trò mê học tiếng Việt, tự hào vì mình có thể nghe, hiểu, đọc, viết được tiếng Việt, dù rằng theo lời các thầy cô giáo chia sẻ, có khoảng hơn 70 phần trăm các em đi học tiếng Việt là vì bị ba mẹ ép. Làm sao để các em đến học tiếng Việt không còn chán nản, mà hoàn toàn tự nguyện, là mối trăn trở của nhiều thầy cô.
Ông Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng Khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Nam Á tại đại học University of California Los Angeles (UCLA) và đại học California State University Long Beach (CSULB) nói: “Các em chán lớp học Việt ngữ, đó là đương nhiên thôi. Em nào không chán mới là lạ. Vì em sẽ so sánh trường em học Việt ngữ cuối tuần với trường công lập mà em đang học hằng ngày. Nói thật, trường Việt ngữ mình nghèo nàn quá. Trong khi trường các em học hằng ngày là hệ thống của cả một bộ giáo dục. Thành ra cái gì cũng đủ hết. Từ sách giáo khoa đẹp, cho đến giáo viên được huấn luyện đâu vào đó, cho đến phòng ốc sáng sủa, đầy đủ dụng cụ, cho đến giờ học đủ, cách dạy hay, sinh động… Mọi thứ đều sẵn sàng và tốt hết. Các em hấp thụ cái đó hằng ngày. Đến khi cuối tuần, các em đến học tại trường Việt ngữ, thì cảm thấy lạc lõng. Sách giáo khoa, dù đã cố gắng, nhưng làm sao bằng sách trong hệ thống giáo dục được. Thầy cô giáo dù rất thiện chí và tâm huyết, cũng không thể bằng thầy cô giáo trong trường Mỹ. Phòng ốc của trung tâm, thì mượn của người ta. Mọi thứ đều hạn chế. Nhất là phương pháp dạy, đa phần các thầy cô đều là thiện nguyện, chỉ có tấm lòng muốn gìn giữ và truyền dạy tiếng Việt cho các em, nhưng không có phương pháp sư phạm. Mà nếu thầy cô nào có phương pháp sư phạm, thì lại là phương pháp cũ bên Việt Nam, khác với cách dạy của trường Mỹ. Chưa kể, nhiều giáo viên dạy tiếng Việt cho các em đã quan niệm đây là tiếng mẹ đẻ, nên phần lớn nói tiếng Việt khi dạy các em, nên việc tiếp thu bài học trên lớp của các em càng khó khăn hơn. Theo tôi thì hiện nay các thầy cô đang cố gắng tối đa cho các em không chán thôi. Chứ các em chán đi học tiếng Việt vào cuối tuần là chuyện bình thường”.


TS. Trần Chấn Trí đang nói chuyện về sách giáo khoa và công tác giảng dạy tiếng Việt
tại trụ sở của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California 
ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông.

Làm sao để phát triển việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng?
Phụ huynh Đặng Ngọc Trân chia sẻ: “Tôi nghĩ học đọc và viết tiếng Việt rất dễ đối với những em nhỏ biết nói tiếng việt, ngược lại quả là khó khăn đối với những em không nói tiếng Việt vì các em không biết bỏ dấu. Khi học bất cứ một ngoại ngữ nào, phải nghe đúng thì mới phát âm đúng. Đối với tiếng Việt có 6 thanh khác nhau, điều này cực kỳ quan trọng. Tôi có đọc một số tài liệu của các nhà nghiên cứu cho rằng, cách trẻ em học một ngôn ngữ khác với người lớn. Từ khi trong bụng mẹ cho tới khoảng 7 tuổi, các em có thể học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc mà không lầm lẫn, bộ óc các em sẽ phát triển và thông minh hơn. Vì vậy, ngay từ khi con tôi còn nhỏ đến nay (9 tuổi), vợ chồng tôi đã thường xuyên nói tiếng Việt với con, mua các chương trình DVD ca nhạc Việt Nam của các trung tâm tại hải ngoại để xem cùng các con. Tôi nghĩ mình phải tạo môi trường trong gia đình để gìn giữ tiếng việt, nếu cứ dễ dãi nói tiếng Anh với con, cháu sẽ không nói tiếng Việt nữa”.
Anh nói thêm: “Nhưng nếu để các cháu học Việt ngữ không, sẽ chán lắm. Ngay cả như mình nếu mới qua Mỹ, phải đi học ESL (Anh văn như ngôn ngữ thứ hai), cũng rất chán, học mà lúc nào cũng phải cầm cuốn từ điển. Vì vấn đề sống còn trên đất nước này, mình phải gắng học thôi. Còn các em, tiếng Việt chỉ là ngoại ngữ không bắt buộc, nên các em không thích thú. Các em chỉ thích nói tiếng Anh. Vì vậy, muốn các em yêu thích, cần phải lồng vào ngôn ngữ văn hóa và nghệ thuật. Nên tổ chức vừa học, vừa chơi trong tinh thần văn nghệ, kể chuyện, hay cho các em sinh hoạt văn hóa…”.
Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, giáo sư thỉnh giảng khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn, đại học University of California, Irvine (UCI), và là chủ tịch điều hành Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với các thầy cô để tìm cách tạo lớp học sinh khí hơn. Như viết kịch cho các em đóng. Tạo những buổi hùng biện cho các em. Tất cả luật lệ, chi tiết đều bằng tiếng Việt. Dạy các em hát những bài hát đồng dao, kể chuyện cổ tích… Tuy nhiên, tôi nghĩ, việc duy trì tiếng Việt cho con em phải bắt nguồn từ gia đình. Các trung tâm Việt ngữ chỉ là nơi giúp các em học về căn bản của tiếng Việt qua việc trau dồi ngữ vựng, dùng văn phạm chính xác. Vì các em chỉ ôm sách đến trường 2 đến 3 tiếng vào một ngày cuối tuần. Chỉ khi nào cha mẹ dùng tiếng Việt nói với các em, tạo cho các em không khí thoải mái, tham gia những sinh hoạt ngoại vi Trung Thu, thi quốc phục, thi viết chính tả… thì dần dần mới tạo ra sự yêu mến tiếng Việt cho các em được”.
Tiếp lời TS. Trí, ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, chia sẻ: “Phần đông các phụ huynh Việt Nam có quan tâm về việc gìn giữ tiếng Việt, văn hóa cho con em mình, nhưng hy sinh về tài chánh của họ vẫn không bằng các sắc dân khác. Thí dụ như sắc dân Ấn Độ, người ta có thể bỏ ra 1 năm từ 1.000 đến 2.000 Mỹ kim cho con em học tiếng của họ, văn hóa của họ. Việt Nam chúng ta chưa đạt được mức độ đó. Hiện nay, các trung tâm Việt ngữ cần phải có nguồn tài trợ lớn hơn để hoạt động có hiệu quả hơn. Số tiền niên liễm ít ỏi thu từ các phụ huynh chỉ đủ trả những chi phí cơ bản nhất. Tất cả giáo viên đều dạy tự nguyện không lương. Thậm chí phải tự bỏ tiền để đổ xăng, mua quà thưởng cho các em mỗi tháng trong lớp… Rất khó có điều kiện để nâng cấp được phẩm chất giảng dạy, để hấp dẫn các em theo học hơn… Tôi nghĩ đến lúc, các thầy cô không còn dạy tình nguyện 100 phần trăm nữa, mà phải được chuyên môn hóa, phải được trả lương, phải được đào tạo như những thầy cô đang dạy tại các trường trung học, đại học, thì lúc đó việc học tiếng Việt tại các trung tâm mới được phát triển thật sự. Chứ hiện nay việc dạy tiếng Việt cho các em tại các trung tâm chỉ mới dừng lại việc tồn tại mà thôi, số học sinh ghi danh không tăng thêm, vẫn có quá nhiều vấn đề đang được đặt ra cho tương lai của các trung tâm Việt ngữ của cộng đồng chúng ta”.

Tiếng Việt chỉ là ngoại ngữ
TS. Trần Chấn Trí đã tâm sự về những mối trăn trở của ông: “Cùng với những thành quả tốt đẹp do sự hội nhập nơi quê hương này, chúng ta cũng phải đối diện với những mất mát không thể tránh. Chúng ta e ngại ngôn ngữ và văn hóa Việt đang dần dần phai nhạt trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Chẳng vậy mà không biết bao nhiêu nỗ lực trong cộng đồng đã tiếp nối nhau trong sứ mạng bảo tồn tiếng nói và văn hóa: những trung tâm Việt ngữ, những nhật báo, tuần báo, nguyệt san bằng tiếng Việt, những đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, những sinh hoạt giáo dục và văn hóa..., tưởng chừng như khó có thể mà quên được tiếng mẹ đẻ và những truyền thống tốt đẹp của ông cha với ngần ấy nỗ lực của những tấm lòng nặng tình với tương lai cộng đồng người Việt hải ngoại.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta thử quan sát con em của mình về mặt sử dụng tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác. Càng sinh sau đẻ muộn tại xứ người, kiến thức và khả năng nói tiếng Việt của các em càng yếu kém.
“Tình trạng này do nhiều yếu tố khác nhau gây nên. Vài nguyên nhân nổi bật hơn cả là khi các em và gia đình cư ngụ tại những địa phương không có một cộng đồng người Việt đáng kể, hay các em lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ không khắt khe về việc gìn giữ tiếng Việt.
“Nhưng tôi muốn nêu lên một hiện tượng đáng lo ngại hơn nhiều, là tình trạng của những em nói được tiếng Việt nhưng lại không muốn sử dụng nó như một phương tiện giao tiếp chính trong đời sống hằng ngày, kể cả với những em khác cũng nói được tiếng Việt.
“Nguyên nhân chính yếu thứ nhất là nguyên nhân về ngôn ngữ. Ngay cả ở một số em sinh ra ở Mỹ, nói giỏi tiếng Việt ở nhà từ khi biết nói đến trước khi bắt đầu đi học, tiếng Việt của các em này sẽ biến mất một cách mau chóng chỉ một thời gian ngắn ngủi ở học đường. Điều này có thể xảy ra nếu cha mẹ các em không cố gắng giữ thăng bằng cho các em về mặt ngôn ngữ. Khi vào lớp, các em này có nhu cầu không muốn thua kém các bạn, hay có nhu cầu muốn được làm bạn với những em khác. Muốn vậy, chỉ có một ngôn ngữ duy nhất có thể giúp các em đạt được ý nguyện, là tiếng Anh.
“Mặt khác, tuy thời gian ở trong lớp ngắn hơn là thời gian các em ở nhà, tiếng Anh được dùng để truyền thụ kiến thức và dùng trong những sinh hoạt trong lớp hết sức sinh động. Điều đó cũng làm cho tiếng Anh trở thành thứ tiếng chủ động trong đầu của các em. Khi các em về đến nhà, nhiều khi cha mẹ các em vẫn còn đi làm, môi trường sinh hoạt của các em bị thu hẹp lại. Các em không có nhiều cơ hội để dùng tiếng Việt, hay nếu cần dùng, thì chỉ quanh quẩn với những sinh hoạt gia đình hạn hẹp. Tiếng Việt của các em không phát triển được mà xem chừng có cơ mỗi ngày một giảm sút. Đã vậy, khi các em bật truyền hình lên, những chương trình ưa thích của các em lại đem tiếng Anh đến, chiếm thêm thì giờ của các em ở nhà.
“Đó là tình trạng của những em nhỏ. Một số các em lớn thuộc trình độ trung học hay đại học, không rành tiếng Việt, muốn học các lớp tiếng Việt để khỏi quên và học hỏi thêm, nhưng việc học lại quá phức tạp đối với các em này, một phần vì hệ thống thanh âm, một phần vì hệ thống chính tả cần những dấu biểu hiện thanh và âm khiến các em cảm thấy bị thách thức và đâm ra nản lòng, nhiều em nói lơ lớ không khác gì người ngoại quốc tập nói tiếng Việt. Nói đã khó, viết lại càng khó hơn. Khi học tiếng Việt trong lớp, các em nhận ra rằng đây là loại tiếng Việt học thuật, tiếng Việt cao cấp, không phải loại tiếng Việt mà các em dùng ở nhà trong các sinh hoạt thu hẹp ở nhà bếp hay ở phòng ngủ”.
TS. Trí phân tích tiếp: “Lý do mà đa số các em không dùng tiếng Việt không phải thuộc về ngôn ngữ, mà là một điều quan trọng không kém gì nguyên nhân về ngôn ngữ, đó là nguyên nhân về tâm lý. Điều này có nghĩa là có những em không nói tiếng Việt, không phải là các em đó không nói được tiếng Việt, mà là không muốn nói tiếng Việt. Đối với những em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng bắt buộc phải dùng đối với những người không nói được tiếng Anh như ông bà hay những người đòi hỏi các em phải dùng tiếng Việt - như cha mẹ, thầy cô. Với các bạn đồng lứa hay anh chị em trong gia đình, các em dễ dàng nhận ra rằng dùng tiếng Anh để tâm sự hay để chơi đùa với nhau lúc nào cũng nhanh hơn là dùng tiếng Việt.
“Bên cạnh đó, khi các em nói tiếng Việt với chúng ta, lỡ phát âm sai một chữ, hay dùng một câu không chỉnh, chúng ta phì cười hay sửa các em bằng một thái độ thiếu xây dựng. Thái độ vô tình này có thể gây tổn thương tâm lý nặng nề cho các em. Những lần tới, hoặc là các em không muốn nói tiếng Việt với chúng ta nữa, hoặc là các em nói mà phải dè dặt, đâm ra khó mà nói được lưu loát.
“Tất cả những sinh hoạt để gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt ở hải ngoại ngày nay dường như chú trọng nhiều hơn về mặt dạy dỗ, tranh tài, mà lơ là đi mặt thực hành và tâm lý của nó. Tôi đã từng nghe nhiều em học sinh nhỏ xuất sắc đi dự thi chương trình đố vui bằng tiếng Việt, đã nói chuyện và đùa giỡn với nhau bằng tiếng Anh, trước và sau cuộc thi!
“Đối với hầu hết các em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng để học chứ không phải để hành, chỉ là thứ tiếng dùng để thi chứ không phải để nói. Khi các em trình diễn văn nghệ, múa hát bằng tiếng Việt, cũng mới chỉ dừng lại ở việc thuộc lòng tiếng hát, lời ca một cách thụ động, chứ chưa phải là trình độ sử dụng tiếng Việt một cách chủ động và sáng tạo”.
Về các sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên Việt Nam, TS. Trí nhận xét: “Có rất nhiều hội sinh viên người Việt trong các trường trung học và đại học ở Mỹ, nhưng khi các em hội họp với nhau, các em lại dùng tiếng Anh! Chính những chỗ ấy là những chỗ chúng ta cần giúp các em trở về cội nguồn ngôn ngữ. Những câu lạc bộ học sinh, sinh viên gốc Việt cần có những người dìu dắt các em, trước hết là làm gương cho các em. Chúng ta có thể tổ chức những buổi nói chuyện, mời những diễn giả trong cộng đồng đến nói với em về nhiều đề tài thiết thực và dùng một thứ tiếng Việt đơn giản, dễ hiểu cho các em tiếp nhận.
Dần dần, chúng ta có thể giúp các em tự trở thành những diễn giả dùng tiếng Việt và thảo luận với nhau cũng bằng tiếng Việt. Trong những sinh hoạt khác như tiệc tùng, văn nghệ, công việc thiện nguyện…
“Đây là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi thời gian, công sức và lòng kiên nhẫn”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT