Mẹo Vặt

Phân súc vật cho vườn cây

Thursday, 28/05/2015 - 07:38:27

Trước khi nói về phân súc vật, chúng ta cần phải hỏi ngay: Do con vật nào thải ra? Súc vật ăn rau, cỏ, lá cây… như voi, tê giác, hươu cao cổ, trâu bò, lừa ngựa, thỏ, gà vịt… thì OK, còn của những loài thú ăn thịt, như sư tử, hùm, beo, chó mèo… tuyệt đối không nên dùng.

Bài VŨ HẰNG

Còn một thứ phân bón có thể dùng cho vườn cây, đó là chất uế tạp từ cơ thể động vật và con người. Sau đây, Hằng chỉ xin nói về phân súc vật (manure), một thứ có rất nhiều mà lại miễn phí hoặc có thể mua với giá rất rẻ. Người yêu vườn thì không thể không yêu … phân nhé!
Trước khi nói về phân súc vật, chúng ta cần phải hỏi ngay: Do con vật nào thải ra? Súc vật ăn rau, cỏ, lá cây… như voi, tê giác, hươu cao cổ, trâu bò, lừa ngựa, thỏ, gà vịt… thì OK, còn của những loài thú ăn thịt, như sư tử, hùm, beo, chó mèo… tuyệt đối không nên dùng.

Phân ngựa nóng hơn, lại hay có mầm cỏ



Phân mới thâu thập từ chuồng trại gọi là phân tươi, cứ để vậy mà phóng vào vườn là cây rau sẽ cháy bỏng (burnt) hoặc cháy khô (dehydrate) hết cả. Trước tiên, cần phải ủ nó trong rơm rạ, và để cho nó “chín” trong thời gian vài tháng, dù là phân mới lấy từ chuồng trại, hay mua ngoài thị trường. Nhưng tốt nhất là, bỏ nó vào lò “chế luyện vàng đen” (composter), cùng với các thứ phế phẩm khác như cỏ, lá, vỏ trái cây….: Trong lò chế luyện, phân động vật là thành phần dễ cải biến và mau chóng trở thành một thứ “vàng đen” thật tốt, thoảng mùi thơm nhè nhẹ của đất chứ không còn mùi hôi thối nguyên thủy nữa. Phân súc vật còn làm cho thời gian chế luyện “vàng đen” nhanh hơn.
Sau đây là một vài đặc tính sơ lược về một số loại phân động vật thường gặp:
1. Phân Bò: Có thể nói đây là thứ phân dùng được cho mọi mục đích, với thành phần muối khoáng (NPK) tuy không nhiều nhưng tương đối cân bằng. Bởi vì bò có tới 4 dạ dầy (thực ra chỉ là 1 dạ dầy mà chia làm 4 ngăn), nên thực phẩm bò ăn được tiêu hóa kỹ, phân bò thải ra ngoài đương nhiên đã nhuyễn nhừ. Do tỷ lệ muối khoáng thấp, phân bò được coi là thứ “lạnh”, không có khả năng làm cháy rễ, và thường được dùng để cải thiện phẩm chất đất, hơn là bồi bổ trực tiếp cho cây. Nhân tiện, xin nhắc với các bạn về 3 thành phần khoáng chất căn bản trong đất và phân là: N (nitrogen) giúp lá tươi tốt, P (phosphorous) giúp rễ phát triên, và K (potassium) giúp thân cây khỏe mạnh. Phân bò ít N, nhưng điều đó không có nghĩa là tệ đâu. Bởi vì, nhiều N chỉ làm cây um tùm rậm lá, mà lại ít quả hoặc không có quả.
2. Phân ngựa: Thứ này “nóng” vì nồng độ N cao hơn. Nhưng tỷ lệ P và K vẫn thấp. Sau khi đã ủ hoặc chế luyện trong lò compost, phân ngựa có thể dùng cho những loại thảo mộc cần lá, như bồn cỏ, rau diếp, những loại củ như bắp, khoai tây, tỏi – nhưng dùng cho các loại cây lấy hoa và quả như hoa, cà chua, ớt…. thì không hiệu quả lắm.
3. Chiên, dê, cừu: Khô, nóng hơn phân bò. Có nhiều N và K hơn phân bò. Không đến nỗi làm cháy cây, nhưng có mầm cỏ dại, do chiên dê chưa tiêu hóa hết, khi sử dụng có thể ăn chặn dưỡng chất của vườn rau.
4. Phân gà, vịt: Nóng nhất, với tỷ lệ N và P gấp đôi so với phân bò. Vì thế, chỉ cần hòa trộn một ít phân gà vịt vào lò Composter là chúng ta đã có một thứ phân bón hữu cơ rất mạnh, tốt lá, tốt hoa, tốt quả. Nhưng để ý nếu thấy cây tốt lá mà quả không được như ý thì cần phải giảm phân gà lại đôi chút.
Thực ra, những đặc tính kể trên chỉ là vài điểm tiêu biểu thôi, chứ ngay những vị sư phụ của em cũng không dám nói chắc, mà sách vở thì mỗi cuốn mỗi khác. Điều này xét ra cũng hợp lý: Phân ở trong bụng súc vật còn lệ thuộc nơi đồ ăn chúng kiếm được thế nào, sau đó tiêu hóa ra sao…. Những thứ này có thể thay đổi, chứ đâu có chắc chắn và cố định như một công thức hóa học được. Chúng ta biết một vài đặc tính chung chung, khi dùng thì phải quan sát và gia giảm, như vậy mới gọi là “nghệ thuật làm vườn” chứ nhỉ?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT