Thế Giới

Quân đội NATO tập trận chống tàu ngầm

Monday, 04/05/2015 - 10:47:08

Vùng biển North Sea thời gian qua rất căng thẳng do các quốc gia Bắc Âu liên tục tố giác có “tàu ngầm lạ” xâm nhập lãnh hải, vì thế cuộc diễn tập này là nhằm tăng cường khà năng phát giác và tấn công tàu ngầm địch.

BRUSSELS - NATO đã tổ chức một trong các buổi diễn tập săn tìm tàu ngầm lớn nhất xưa nay ở biển North Sea, trong tình hình căng thẳng giữa NATO và Nga ngày càng gia tăng. Lần đầu tiên Thụy Điển, vốn không phải là thành viên của NATO, đã được mời tham gia cuộc diễn tập. Hơn một chục chiến hạm từ 11 quốc gia đã tham gia vào cuộc diễn tập mang tên Dynamic Mongoose. Tàu ngầm của Đức đóng vai trò con mồi bị săn.
Vùng biển North Sea thời gian qua rất căng thẳng do các quốc gia Bắc Âu liên tục tố giác có “tàu ngầm lạ” xâm nhập lãnh hải, vì thế cuộc diễn tập này là nhằm tăng cường khà năng phát giác và tấn công tàu ngầm địch.
Kể từ khi Nga sát nhập bán đảo Crimea, ba nước Cộng Hòa nhỏ thuộc vùng biển Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania cũng lo lắng là đến lượt họ sẽ chịu cùng chung số phận như Crimea. Phần Lan và Latvia tố cáo tàu ngầm Nga đã vị phạm hải phận của họ. Thậm chí chiến hạm Phần Lan đã bắn cảnh cáo tàu ngầm lạ.

Đức ủng hộ chủ trương nghe lén để bảo vệ dân
BERLIN - Thủ Tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Hai đã bênh vực chính sách của chính phủ Đức cho phép cơ quan tình báo BND của Đức giúp đỡ cơ quan an ninh liên bang Mỹ NSA nghe lén các chính phủ đồng minh. Đây là lần đầu tiên bà Merkel có ý kiến chính thức về chuyện nghe lén từng bị chỉ trích mạnh mẽ này.
Tuy công nhận là các quốc gia thân hữu thì không nên nge lén với nhau, nhưng bà bảo vệ mạnh mẽ hành động hợp tác với NSA của cơ quan điệp báo Đức BND để chống khủng bố. Chuyện giúp đỡ NSA nghe lén điện thoại của công chúng Đức đã bị công luận xứ này đả kích dữ dội, vì chuyện này gợi nhớ hành động theo dõi dân chúng của Phát Xít Đức và của cơ quan Stasi của Đông Đức trước đây.
Bà Merkel nói, “Chúng tôi kiểm soát BND, chuyện này là cần thiết nhưng khi các cơ quan điệp báo hợp tác với nhau để bảo vệ dân chúng thì chúng tôi sẽ làm mọi cách trong khả năng để giúp đỡ họ.”

Mỹ bảo vệ thương thuyền Anh ở eo biển Hormuz
HOA THỊNH ĐỐN - Các chiến hạm của Mỹ đã đi theo bảo vệ an ninh cho các thương thuyền của Anh qua eo biển Hormuz, sau khi Hải Quân Iran bắt giam tàu buôn trương cờ của Marshall Islands trong tuần qua. Phát ngôn viên Ngũ Giác Dài Steve Warren cho biết hôm thứ Hai là chiến hạm Mỹ đã hộ tống một tàu buôn của Anh, sau các thảo luận giữa các giới chức Hoa Kỳ và Anh, trong đó Anh yêu cầu Mỹ hãy bảo vệ cho thương thuyền của họ.
Sau khi chiếc tàu MV Maersk Tigris bị chận bắt, tàu chiến Mỹ đã hộ tống tất cả tàu buôn Hoa Kỳ đi qua eo biển Hormuz, vốn là một trong các hải lộ quan trọng nhất thế giới. Tình hình trong khu vực đã căng thẳng mạnh sau khi chiến cuộc ở Yemen bùng nổ.
Iran ủng hộ phiến quân người Houthi còn Hoa Kỳ ủng hộ liên minh quân sự Ả Rập giúp đỡ chính phủ người Sunni của Yemen. Hải Quân Mỹ cho hay tàu chiến của Iran đã gia tăng hoạt động trong vùng, trước khi chiếc Maersk Tigris bị chận bắt.

Chủ Tịch Quốc Hội Bắc Hàn đi thăm Nga
BÌNH NHƯỠNG - Thông tấn xã của Bắc Hàn loan báo hôm thứ Hai là Chủ Tịch Quốc Hội Bắc Hàn sẽ dẫn đầu phái đoàn đi dự lễ Chiến Thắng do Nga tổ chức ở Moscow, như thế đã chính thức xác nhận Kim Jong Un sẽ vắng mặt. Trong tháng Ba, chính phủ Nga cho hay Chủ Tịch Kim Jong Un sẽ là một trong nhóm lãnh tụ thượng khách tham gia lễ mừng 70 năm chiến thắng Phát Xít Đức, nhưng Bình Nhưỡng chưa bao giờ xác nhận Kim sẽ lên đường.
Kim Yong Nam, Chủ Tịch Quốc Hội, được thông báo sẽ đại diện Bắc Hàn tham gia lễ này. Ông Kim thường là nhân vật cao cấp nhất đại diện cho Bình Nhưỡng mỗi khi phải đi ra ngoại quốc. Tuy Bình Nhưỡng không đề cập gì đến lời mời của Moscow nhưng phát ngôn viên Dmitry Peskov của chính phủ Nga cho hay ông Kim Jong Un đã phải vắng mặt do “bận chuyện trong nước.” Một số nhà phân tích dự đoán Chủ Tịch Kim cho là xuất hiện cùng với nhiều lãnh đạo quốc tế khác cũng chưa xứng đáng tầm cỡ cho chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông ta.

Thủ tướng Ấn Độ dùng Weibo của Trung Quốc
NEW DELHI - Chỉ vài giờ sau khi loan báo đã sử dụng trang blog của Weibo, Thủ Tướng Ấn Độ Nerendra Modi đã lôi kéo thêm 20,000 ủng hộ viên cũng hòa nhập vào trang mạng này. Ông Modi sẽ lên đường đi thăm Trung Quốc trong tháng Năm. Nhiều ngàn bloggers Trung Quốc đã chào mừng sự kiện ông Modi sử dụng hệ thống Weibo, có người còn lên tiếng mời ông hãy ghé thăm tỉnh nhà của họ trong chuyến công du này.
Một người viết, “Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất của Châu Á, không có lý do gì ngăn cản chúng ta hợp tác cùng nhau.”
Ông Modi cũng gửi lời chào mừng ngày Phật Đản và chúc tất cả mọi người được an lạc. Con số 18% dân chúng Trung Quốc theo đạo Phật chỉ là ước lượng, thực tế có thể nhiều hơn. Tuy nhiên ông Modi cẩn thận không đá động gì đến Đức Dalai Lama, vốn là “cây gai” trong con mắt của Bắc Kinh. Có một số bloggers Trung Quốc đòi Ấn Độ trả lại phần đất Zangnan đã nhượng cho New Delhi, sau cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT