Hoa Kỳ

Quốc Hội bị chia rẽ giữa hai đảng trong lúc chuẩn bị biểu quyết dự luật truất phế ông Trump

Tuesday, 17/12/2019 - 07:25:27

Sự chia rẽ trầm trọng trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trong lúc Hạ Viện tiến hành cuộc biểu quyết luận tội Tổng Thống Donald Trump.


Mỗi đảng một hướng
Dân Biểu Jamie Raskin (Dân Chủ, Maryland), bên trái, và Dân Biểu Doug Collins (Cộng Hòa, Georgia) đang dự một cuộc họp của Ủy Ban Quy Luật Hạ Viện ngày thứ Ba, 17 tháng 12, 2019, về việc truất phế Tổng Thống Donald Trump. Hạ Viện sẽ biểu quyết dự luật truất phế ngày thứ Tư, với mỗi đảng được dự đoán bỏ phiếu chống hoặc bênh ông Trump. (Patrick Semansky-Pool/ Getty Images)


HOA THỊNH ĐỐN - Sự chia rẽ trầm trọng trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trong lúc Hạ Viện tiến hành cuộc biểu quyết luận tội Tổng Thống Donald Trump. Cuộc biểu quyết này sẽ diễn ra trong ngày thứ Tư.
Trước sự việc Hạ Viện đang tiến tới mặc dù chậm chạp với cuộc biểu quyết nhằm khiển trách tổng thống, ông Trump đã lớn tiếng la mắng bà Nancy Pelosi trong một lá thư dài sáu trang mà trong đó ông phủ nhận mọi lỗi lầm, được viết với lời lẽ có lúc rất cá nhân. Bà Pelosi là Chủ Tịch Hạ Viện và cũng là người xây dựng khung giàn cho kế hoạch luận tội ông Trump suốt mấy tháng qua.
Trong lá thư với lời lẽ chỉ trích rất nặng, ông Trump nói với bà Pelosi, “Bà đã làm cho việc truất phế trở thành một trò cười và bà hầu như không che giấu sự việc bà rất ghét tôi, ghét đảng Cộng Hòa, và ghét hàng chục triệu người Mỹ yêu nước.”

Lá thư của ông Trump đã liệt kê hết lời than trách này đến điều khiếu nại khác. Thường thì những lời lẽ như vậy đã được ông viết bằng tweet, chưa bao giờ trong một lá thư chính thức với dấu ấn của tổng thống.
Hầu như không có một đảng viên Cộng Hòa nào sẽ bỏ phiếu cho dự luật truất phế ông Trump. Về phía Dân Chủ, đảng này sẽ có một số ít dân biểu rời bỏ lập trường của đảng. Tuy nhiên, đa số đảng viên trung lập, những người đại diện cho những khu vực cử tri mà ông Trump đã nhận được phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đã tuyên bố rằng họ sẽ bỏ phiếu đồng ý với việc truất phế. Điều đó cho thấy lằn ranh trong nội bộ Dân Chủ đã được củng cố để chống ông Trump.
Điều chưa thể biết trước trong ngày thứ Tư là liệu các dân biểu, thuộc cả hai đảng, sẽ đọc diễn văn trong bao lâu trước khi cuộc bỏ phiếu được bắt đầu. Nếu các ông, các bà dân biểu chọn phát biểu khá dài thì cuộc bỏ phiếu có thể bị trì hoãn đến ngày thứ Năm.

Thế nhưng một điều khá chắn chắn là Hạ Viện sẽ thông qua dự luật truất phế ông Trump, biến ông thành vị tổng thống thứ ba trong lịch Hoa Kỳ bị yêu cầu bãi nhiệm. Nói chắc chắn là vì đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện. Khi dự luật biểu quyết này được đưa lên Thượng Viện trong tháng Giêng đầu năm sau, người ta cũng tiên đoán khá chắc chắn là Thượng Viện do đảng Cộng Hòa nắm đa số sẽ cương quyết không truất phế ông Trump.
Tuy không thể đẩy Tổng Thống Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc, ảnh hưởng của tiến trình truất phế ông sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử sắp tới, một điều mà ngay lúc này người ta chưa thể đoán biết là sẽ thuận lợi cho đảng nào và bất lợi cho đảng nào.
Hiện thời thì theo các thống kê thăm dò ý kiến mới nhất, công chúng Hoa Kỳ đã bị chia rẽ đồng đều trước vấn đề nên hay không nên truất phế ông Trump, đôi bên giữ vững lập trường ủng hộ hoặc chống đối theo khuynh hướng của hai đảng chính trị.
Nữ Dân Biểu Nancy Pelosi từng ngần ngại trong việc xúc tiến kế hoạch truất phế Tổng Thống Trump hồi mùa hè vừa qua. Thế nhưng qua vụ điều tra Ukraine, bà nói hành động xem thường luật pháp của tổng thống đã khiến bà phải thực hiện cuộc biểu quyết truất phế, mặc dù thiếu sự ủng hộ cần thiết của đảng Cộng Hòa.
Nói với nhật báo LA Times ngày thứ Ba, một ngày trước khi Hạ Viện tiến hành cuộc biểu quyết, bà Pelosi nói với các dân biểu Cộng Hòa, “Nếu họ không tôn trọng lời cam kết khi tuyên thệ nhậm chức dân biểu tại Hạ Viện, thì tôi không thể nào đứng cùng phía với họ. Tôn trọng lời cam kết hay không là quyết định của họ.”
Khi tuyên thệ nhậm chức, các dân biểu thề sẽ tôn trọng hiến pháp Hoa Kỳ bên trên tất cả, bên trên đảng phái và cá nhân.

Trong khi đó tại Thượng Viện, Nghị Sĩ Mitch McConnell đã gọi cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump của phe Dân Chủ Hạ Viện là cuộc điều tra “bất công nhất trong lịch sử Hoa Kỳ,” đồng thời ông cũng bác bỏ yêu cầu của phe Dân Chủ, muốn triệu tập thêm các nhân chứng mới trong phiên điều trần tại Thượng Viện.
Trong bài diễn văn bênh Trump mạnh mẽ tại Thượng Viện ngày thứ Ba, Lãnh Đạo Đa Số Thượng Viện McConnell đã chỉ trích Lãnh Đạo Thiểu Số Thượng Viện Chuck Schumer, vì ông Schumer đòi triệu tập thêm các nhân chứng mới để cho lời khai về cuộc điện đàm giữa ông Trump và Ukraine, gồm cả cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton và quyền chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mick Mulvaney.
Ông McConnell, nghị sĩ Cộng Hòa từ Kentucky, nói rằng việc đảng Dân Chủ cố gắng tìm thêm thông tin mới để củng cố cho cáo buộc của họ, cho thấy đảng này đã nhận ra “các kết luận điều tra của họ nhiều thiếu sót như thế nào.”
Ông McConnell cũng gọi quá trình luận tội của Hạ Viện là sản phẩm của “một công việc cẩu thả, không thể được dùng để luận tội một tổng thống được bầu cử hợp pháp.” Ông McConnell nói, bằng tiêu chuẩn tư pháp thông thường, những thông tin từ Hạ Viện Dân Chủ có vẻ là “không đủ để chứng minh cho những điều họ muốn cáo buộc.”

Nói về các yêu cầu triệu tập nhân chứng mới của phe Dân Chủ Thượng Viện, ông McConnell nói Thượng Viện chưa cần phải lập danh sách nhân chứng vào lúc này, khi thậm chí vẫn chưa nghe được các lời tranh luận mở đầu của các bên liên quan.
Đáp lại, lãnh đạo thiểu số Thượng Viện Chuck Schumer nói ông không hiểu vì sao các nhân chứng mà ông đề nghị lại không thể ra điều trần. Ông Schumer cũng thêm rằng ông hy vọng có thể thảo luận với ông McConnell về phiên xét xử của Thượng Viện trong vụ điều tra luận tội tổng thống.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT