Thể Thao

Sách lược bành trướng của Trung Cộng với bóng đá thế giới: tung tiền ra, chiêu mộ người vào

Tuesday, 30/08/2016 - 10:35:39

Trong đội Hà Bắc là vậy, còn đồng nghiệp cỡ lớn ở các đội khác là như ông Felipe Luis Scolari người Brazil 67 tuổi, cựu cầu thủ, cựu huấn luyện đội tuyển quốc gia cùng hàng hà sa số đội banh quốc tế khác, hiện đang cầm đầu đội hàng đầu của Siệu Hội Túc Cầu TQ là đội Quảng Châu!

Bài THANH NGUYỄN

Ông Manuel Pellegrini, 62 tuổi, người Chile, xuất thân là một cầu thủ đá banh, giải nghệ năm 1984 để từ đấy đi làm huấn luyện viên cho các đội bên Chile, Tây Ban Nha, Argentina, Ecuador v.v.. Gần đây nhất ông làm HLV cho một trong những đội hàng đầu của Premier League bên Anh là đội Manchester City từ 2013 đến 2016. Manchester City là một trong những đội giàu nhất bên Anh.

Cựu huấn luyện viên Manuel Pellegrini của Manchester City nay là HLV cho đội Hà Bắc bên Trung Quốc. (Michael Steele/ Getty Images)



Sau ba mùa bóng mà nhóm chủ nhân thấy ông Pellegrini (bố mẹ người Ý, sinh ra ông bên Chile) thấy ông vẫn không thể vực đội lên vị trí vô địch của Premier League cho nên họ mời Pep Guardiola người Catalan, cựu HLV của Barcelona và Bayern Munich qua thay! Tuổi đã cao, khi mất chức thì ông Pellegrini nói rằng nếu không có đội nào khác trong Premier League mời ông thì ông sẽ tính chuyện về hưu!

Nhưng "mới có" 62 tuổi và còn khỏe mạnh mà tính chuyện hưu trí thì có khi cũng hơi sớm, bởi vậy mà xa xa bên trời Đông khi đội "Hà Bắc Hoa Hạ Hạnh Phúc Túc Cầu Câu Lạc Bộ" (tiếng Anh chỉ ngắn gọn là "Hebei China Fortune") hiện đứng hạng 5 trong bảng xếp hạng các đội banh trong Siêu Hội Túc Cầu của Trung Quốc, thấy ông già rảnh rang thì họ bèn mời ông qua dìu dắt đội của họ! Tính ở lại nước Anh mà nay phải di chuyển trên dưới mười nghìn cây số theo đường chim bay qua phương Đông thì đúng là chuyện đổi đời. Bất đắc dĩ hay không thì ta không thể biết!

Chỉ biết là về mặt tiền nong lương bổng này kia thì ông Pellegrini khỏi phải lo! Mà rồi ông cũng không phải ngại cảnh chim lạc đàn bên đó. Trong đội ông sẽ dìu dắt đã có Gervinho, cựu cầu thủ của Arsenal, cậu trẻ tuổi Gael Kakuta, cựu cầu thủ Chelsea, và Ezequiel Lavezzi người Argentina, cựu cầu thủ của Paris Saint Germain.


Guochuan Lai, bên trái, hiện là chủ nhân đội West Brom Albion bên Anh. (Lynne Cameron/ Getty Images)

Trong đội Hà Bắc là vậy, còn đồng nghiệp cỡ lớn ở các đội khác là như ông Felipe Luis Scolari người Brazil 67 tuổi, cựu cầu thủ, cựu huấn luyện đội tuyển quốc gia cùng hàng hà sa số đội banh quốc tế khác, hiện đang cầm đầu đội hàng đầu của Siệu Hội Túc Cầu TQ là đội Quảng Châu!

Trong đội Quảng Châu, ông Scolari có dưới trướng ba cầu thủ đồng hương, một người Colombia, một cậu Nam Hàn, một cậu người Ý. Trung Quốc là nước lớn cho nên cỡ đội lớn như Manchester City bên Anh có 30 cầu thủ thì đội Quảng Châu có đến 50, (30 chính thức và 20 dự bị)! Rồi hai ông huấn luyện viên đó còn có thêm ông đồng nghiệp người Thụy Điển là Sven Goran Eriksson, 68 tuổi, dìu dắt đội "Thượng Hải Thượng Cảng" (Shanghai International Port Group Football Club (SIPG), khác với đội Shanghai Greenland), trên đất Thượng Hải. Đội ông Eriksson không chỉ có mình ông là người "Tây di" mà còn có hai cậu Brazil, một Argentina, một Nam Hàn và một Ghana!

Bức tranh sơ bộ về ông Pellegrini với hai ông đồng đồng nghiệp Âu Châu khác trên đất Trung Quốc, cùng với đám cầu thủ trong ba đội của ba ông là nằm trong bối cảnh chung của cái ta tạm gọi là "sách lược bành trướng của Trung Quốc trong lãnh vực bóng đá thế giới"!

Năm trước đây Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nêu ra chủ trương đưa nền bóng đá Trung Quốc lên hàng chen vai sát cánh với bóng đá cao cấp thế giới. Ông ta chủ trương bỏ ra trước mắt chừng $400 triệu Mỷ Kim để thực hiện kế hoạch đó. Hiện giờ thì đội tuyển quốc gia của Trung Quốc tạm được FIFA nó xếp vào hàng thứ 78 trên thế giới cái đã! Từ hạng thứ 78 mà tính chuyện leo lên để có mặt trong số 10 đội tuyển quốc gia hàng đầu thế giới thì chưa biết đám lãnh đạo ngành bóng đá TQ tính chước gì, bởi họ có thể chiêu mộ cầu thủ quốc tế cho các đội trong nước chứ còn đội quốc gia thì nhất thiết phải gồm cầu thủ mang quốc tịch Trung Hoa! Mà trong cả ngần ấy tỷ dân thì dường như đào luyện cho ra cỡ cầu thủ trong các nhóm Premier League, Ligue 1, Bundesliga, Serie A và Liga thì xem chừng cùng còn gian nan chán!
Còn trong khi chờ đợi cái ngày sáng tươi rực rỡ đó thì trước mắt Trung Quốc hẵng cứ vung tiền ra để mà đầu tư vào các đội bóng đá có tiếng tăm ở Âu châu cái đã! Và tình hình hiện nay là như sau:
Người Trung Quốc Wang Jianlin hiện đang nắm 20% vốn của đội Atletico Madrid bên Tây Ban Nha. Atletico là một trong ba đội hàng đầu của TBN!


Huấn luyện viên người Brazil là Luis Felipe Scolari trong một trận của đội Quảng Châu bên Trung Quốc hồi tháng Năm 2016. (Lucas Uebel/ Getty Images)


Người trung Quốc Guochuan Lai, tay tỷ phú đứng đầu một đại công ty ngành xây dựng, đã mua đứt đội West Brom bên Anh.

Đội banh nổi tiếng bên Ý là Inter Milan hiện kể như trong tay của tổ hợp công ty Trung Quốc Suning Holdings Group vì họ nắm trong tay 68.55% tổng số vốn! (31.05% vốn là trong tay người Nam Dương).
Cuối năm 2015, có tin giới đầu tư Trung Quốc đã sẵn sàng bỏ ra $400 triệu để nắm 13% vốn của đội Manchester City bên Anh!

Tất cả những con số cùng trường hợp nêu trên mới chỉ là những ví dụ điển hình. Và ấy là đề cập đến mặt người Trung Quốc tìm cách đưa tiền đầu tư vào các đội banh nổi tiếng thế giới để từ đấy làm chủ các đội banh đó trong một tương lai gần xa gì đấy thì người ngoài nhìn vào cũng rất dễ hình dung!

Còn cạnh đó là chuyện chiêu mộ người! Những cầu thủ sáng giá của Brazil chẳng hạn! Nếu trước đây họ mong được các đội giàu tiền của bên Âu châu rước đi thì trong ít năm trở lại đây ưu tiên chọn lựa để tiến thân đã có sự thay đổi! Các đội banh lớn của Âu châu trả lương cầu thủ họ muốn tuyển mộ ra sao thì Trung Quốc sẵn sàng trả lương từ gấp đôi đến gấp ba!

Yếu tố mạnh nhất cho đến nay ngăn trở luồng luân lưu cầu thủ từ các châu khác đi Trung Quốc là hai mặt địa dư và văn hóa. Bên cạnh một ông huấn luyện viên ngoại quốc ở các đội bên Trung Quốc thì đương nhiên phải có một thông dịch viên người TQ thông thạo ngôn ngữ các HLV đó trong sinh hoạt hàng ngày với từng đội ngũ. Cho dù ông HLV có thông thạo tiếng Anh đến mấy vì là ngôn ngữ thông dụng trên trường quốc tế, thì đâu phải cầu thủ TQ nào cũng rành tiếng Anh? Tức là trong quá trình tuyển mộ từ huấn luyện viên đến cầu thủ, các đội banh bên TQ đều chịu tốn kém, và xu hướng chung hiện nay là họ sẵn sàng chịu tốn kém!

Trước kia, mỗi lần một cầu thủ hay huấn luyện viên của một đội trong năm nhóm câu lạc bộ hàng đầu châu Âu chẳng hạn mà bị thải hồi thì báo chí thường đề cập đến triển vọng một đội này hay đội kia trên địa bàn châu Âu người ta có thể rước đi. Nay gặp trường hợp như vậy thì báo chí hầu như lúc nào cũng thòng vào câu: “Đương sự đang suy tính xem có nên đi Trung Quốc hay không"!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT