Người Việt Khắp Nơi

Tam Nhật Thánh & Đại Lễ Phục Sinh tại Giáo Phận Orange

Friday, 14/04/2017 - 07:16:51

Sau nghi thức Rửa Chân, thánh lễ tiếp tục cho đến khi kết thúc, và Mình Thánh Chúa được cung kính rước đến đặt tại một căn phòng ngoài thánh đường cho giáo dân kính viếng đến 12 giờ đêm.

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Giáo Hội Công Giáo cử hành Tam Nhật Thánh (thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy), ba ngày quan trọng nhất, thánh thiêng nhất trong phụng vụ của Giáo Hội toàn cầu.

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 13 tháng 4, 2017

Tại giáo xứ Saint Barbara, 730 S. Euclid St, Santa Ana, CA 92704. Một giáo xứ có cộng đồng giáo dân Việt Nam đông đảo nhất, do Linh Mục Joseph Phạm Ngọc Tuấn làm chánh xứ đã cử hành Thánh lễ Tiệc Ly vào lúc 6 giờ chiều với hàng ngàn giáo dân Việt Nam tham dự. Ngoài thánh lễ bằng tiếng Việt còn hai thánh lễ cử hành bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha lúc 8 giờ tối tại thánh đường và hội trường giáo xứ, với các Linh Mục Joseph Nguyễn Thái, Anthony Vũ Tận Hiến và một Linh Mục người Mễ Tây Cơ là ba cha phó xứ.


Linh mục chánh xứ Saint Barbara Phạm Ngọc Tuấn rửa chân cho giáo dân chiều thứ Năm Tuần Thánh, 13 tháng 4, 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Linh mục chánh xứ Phạm Ngọc Tuấn đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly lúc 6 giờ. Phụ lễ có thầy Phó Tế Nguyễn Ánh. Một số vị đại diện các hội đoàn trong giáo xứ rước kiệu chiên lên cung thánh. Sau hai bài Thánh Thư và bài Tin Mừng, Linh mục chánh xứ đã có bài giảng, nhắc lại cuộc khổ hình thập giá của Chúa Giêsu, và sau đó cha nhắc nhở giáo dân, “Trong bữa tiệc ly này, có ba việc Chúa đã làm cho chúng ta. Thứ nhất là Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu chết sống lại, Người đã hiện diện với chúng ta trong một cách sống mới là ban Mình và Máu Thánh Chúa, một bí tích tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã thiết lập để chúng ta được sống kết hiệp với Thiên Chúa, và chúng ta được liên kết với Người trong cuộc hành trình ở trần gian này để sau khi nhắm mặt lìa đời, chúng ta được trở về bên Chúa, nên nếu chúng ta siêng năng rước Mình và Máu Thánh Chúa thì đó là bảo chứng việc chúng ta sẽ được về Thiên Đàng.

“Việc thứ hai là Chúa thiết lập chức Linh Mục khi Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Vì thế, các Linh Mục khi cử hành thánh lễ Misa, đã nhân danh Chúa Kitô để lập lại những lời truyền dạy cho các môn đệ.

“Việc thứ ba là Chúa dạy các môn đệ bài học yêu thương phục vụ. Chúa đã hạ mình xuống đi rửa chân cho các ông, và linh mục nhắc nhở giáo dân hãy thực hành lời Chúa, sống khiêm nhường phục vụ, yêu thương nhau. Không phải cứ Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào nước Trời, mà phải biết thực hành lời Chúa dạy. Với những người tuổi già sức yếu, Linh Mục khuyên hãy gia tăng lời cầu nguyện, cầu nguyện cho con cháu, cho gia đình, cho Tổ quốc, cho Giáo Hội và đặc biệt cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và Linh Mục để Giáo Hội Chúa ngày càng phát triển trong tình yêu thương, bác ái.”

Sau bài giảng, một bà trong Hội Các Bà Mẹ Công Giáo đọc một đoạn kinh thánh nói về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Khi đọc đến đoạn “Đức Giêsu biết rằng, Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau...” Linh Mục Phạm Ngọc Tuấn thực hiện như lời vừa đọc, cha rửa chân cho sáu giáo dân, Thầy Phó Tế Nguyễn Ánh rửa chân cho sáu giáo dân. Mười hai giáo dân được tuyển chọn trong giáo xứ tượng trưng cho 12 môn đệ được Chúa Giêsu rửa chân cho khi xưa.

Sau nghi thức Rửa Chân, thánh lễ tiếp tục cho đến khi kết thúc, và Mình Thánh Chúa được cung kính rước đến đặt tại một căn phòng ngoài thánh đường cho giáo dân kính viếng đến 12 giờ đêm.


Giáo dân giáo xứ Westminster suy niệm 14 Chặng Đàng Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thứ Sáu Tuần Thánh

Ngày toàn thể Giáo Hội tưởng niệm Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại nên trong các thánh đường không đặt Mình Thánh Chúa trong nhà tạm, bàn thờ để trống, không trải khăn, không trưng bày hoa, nến; không đánh chuông, thổi kèn hay âm nhạc. Giáo dân tập trung trong thánh đường hay ngoài trời suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa qua 14 Chặng Đàng Thương Khó. Tại giáo xứ Blessed Sacrament Church quen gọi là nhà thờ Westminster, hiện do LM Nguyễn Văn Tuyên làm chánh xứ, là giáo xứ năm nào cũng tổ chức suy niệm 14 Chặng Đàng Thương Khó ngoài trời với một giáo dân vác Thập Giá.

Mấy năm trước, cha Phạm Ngọc Tuấn làm chánh xứ tại đây đã tình nguyện vác Thập Giá đi hết 14 chặng đàng thương khó và bị quân lính cầm roi đánh rất đau. Sau này có một thanh niên tình nguyện vác Thập Giá, chịu đóng đinh treo trên cây Thánh Giá. Sau khi suy gẫm 14 Chặng Đàng Thương Khó, các giáo xứ đều cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá. Giáo dân hôn kính Thánh Giá là biểu tượng của sự cứu rỗi, là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết để đền thay tội lỗi nhân loại.


Kiệu mừng Chúa Phục Sinh tại giáo xứ Blessed Sacrament Church vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thứ Bảy Tuần Thánh

Giáo Hội cử hành lễ Vọng Chúa Phục Sinh. Đây là đại lễ mừng Chúa sống lại, cao điểm của mùa Chay. Trong Thánh lễ này, tất cả đèn trong nhà thờ đều phải tắt để biểu hiện sự tăm tối khi Chúa chưa Phục Sinh. Linh mục chủ tế ra phía ngoài cửa chính thánh đường làm phép Lửa và Nước, làm phép cây Nến Phục Sinh. Nến Phục Sinh được Linh Mục thắp sáng bằng lửa mới, tượng trưng Chúa Giêsu Kitô vừa từ cõi chết sống lại đem ánh sáng đến xóa tan sự tăm tối. Linh mục rước Nến Phục Sinh lên cung thánh, ba lần giơ cao Nến và công bố: “Anh Sáng Chúa Kitô” và toàn thể cộng đoàn thưa “Tạ Ơn Chúa.”

Cây Nến Phục Sinh được đặt trên giá nến bên phải bàn thờ và thắp sáng trong các Thánh Lễ cho đến hết Mùa Phục Sinh. Thánh lễ bắt đầu với nhiều Bài Đọc diễn tả mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa và không bao giờ được bỏ bài Trích sách Xuất Hành, tả lại việc Chúa dẫn dân Do Thái vượt qua biển Đỏ khỏi tay người Ai Cập đang truy đuổi. Khi cộng đoàn hát Kinh Vinh Danh, đèn trong nhà thờ mới bật sáng, chuông, trống vang lên và hoa, nến mới được trưng bày để mừng Chúa Phục Sinh.
Cũng trong đại lễ Vọng Phục Sinh, hầu hết các giáo xứ đều có một số người lớn và thiếu niên gia nhập đạo Chúa, họ được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức ngay trong thánh lễ này.
Sau lễ Vọng vào tối Thứ Bảy, hôm sau Chúa Nhật ngày 16 tháng 4, 2017 là ngày Đại lễ Phục Sinh, và Chúa nhật sau đó (23 tháng 4) là Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Cũng sau đại lễ Phục Sinh có tám ngày gọi là Bát Nhật Phục Sinh, mỗi ngày đều là Lễ Trọng. Sau đó, Mùa Phục Sinh tiếp tục kéo dài đến ngày 4 tháng 6 là ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT