Người Việt Khắp Nơi

Thăm binh sĩ và gia đình Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Pendleton

Saturday, 30/09/2006 - 12:21:10

Nghị Viên Andy Quach hướng dẫn Hậu phương Westminster: Thăm binh sĩ và gia đình  Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Pendleton  Du Miên LITTLE SÀIGÒN.- Lần đầu tiên một phái đoàn “hậu ...

0_HN093006-3_W.jpg


Cùng với gia đình binh sĩ, phái đoàn Bảo Trợ Thủy Quân Lục Chiến Westmianster đến tham dự ngày “Hậu phương yểm trợ tiền tuyến” tổ chức tại Camp Pendleton, California ngày 16 thang 9 năm 2006.  (Hình Trần Đình Thục)




Nghị Viên Andy Quach hướng dẫn Hậu phương Westminster: Thăm binh sĩ và gia đình  Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Pendleton

 Du Miên

LITTLE SÀIGÒN.- Lần đầu tiên một phái đoàn “hậu phương yểm trợ tiền tuyến” thuộc thành phố Westminster đến viếng thăm căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại trại Pendleton, California vào ngày thứ bảy 16 tháng 9 năm 2006.

Hội Đồng Thành Phố Westminster thành lập Ủy Ban Bảo Trợ TQLC và cử Nghị Viên Andy Quách, gốc là cựu chiến binh Hoa Kỳ, làm chủ tịch. Nhiệm vụ của Ủy ban là tìm hiểu nhu cầu của Thủy Quân Lục Chiến, camp Pendleton, và gia đình binh sĩ để tùy nghi bảo trợ, giúp đỡ.

Bộ chỉ huy TQLC Pendleton mời Ủy ban vào thăm căn cứ. Nghị viên Andy Quách đã hướng dẫn một phái đoàn gồm nhiều viên chức thuộc thành phố, trong đó có các Comissioners, nhân viên sở Cảnh sát. Cựu thị trưởng Chuck Smith (đồng thời cũng là cựu Giám Sát Viên quận Cam), cựu chiến binh kiêm cựu Chỉ huy phó Cảnh sát Westminster BJ Savage cũng tham gia phái đoàn bên cạnh đông đảo truyền thông, báo chí Việt ngữ.

Trên 2 chiếc công xa của thành phố Westminster, 10 giờ sáng, phái đoàn xuôi Nam nhắm hướng Pendleton trực chỉ.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, nghị viên Andy Quách đã hoàn tất thủ tục an ninh, nộp danh sách những người tham gia phái đoàn để cơ quan lo về an ninh rà xét lý lịch. Sau biến cố 9/11, tất cả mọi cuộc thăm viếng các cơ quan chính phủ, các căn cứ quân sự đều phải qua thủ tục rà xét lý lịch tỉ mỉ.

Đúng 11 giờ trưa, phái đoàn đến khu vực thăm viếng. Không khí của khu vực, nằm sát bờ biển sóng vỗ trắng xóa, thật là vui nhộn với thân nhân gia đình binh sĩ, bạn hữu. Những chiếc áo trận xen lẫn những chiếc áo nhiều mầu của thân nhân, những vòng hoa, những vòng tay ôm, những nụ cười... đã tạo thành một bức tranh hài hòa của tình quân dân cá nước.

Trung Tá Peter Cushing và Trung Sĩ Nhất Gary Weiser tiếp đón phái đoàn một cách niềm nở. Vì trong phái đoàn có báo chí và các cựu quân nhân, bộ chỉ huy TQLC dành cho nhiều nghi thức đặc biệt, nhất là tại các khu diễn tập đậm tình quân dân.

Mọi người bắt đầu sống một ngày với lính, cho lính và tất cả cho tinh thần yểm trợ chiến sĩ nơi tiền tuyến Iraq, chống khủng bố, bảo vệ tự do dân chủ, an ninh cho quốc gia.

Các binh sĩ có mặt trong khu vực lúc nào cũng sẵn sàng nụ cười trên môi, niềm nở chuyện trò, hướng dẫn từng chi tiết của ngày hội vui. Các khu vực có trò chơi dành cho con em của lính nhộn nhịp nhất nhưng với người lớn thì không khí cũng không  kém phần hấp dẫn. Trò chơi thi đua dùng sức người kéo chiến xa thu hút đông đảo thành phần thanh niên. Không cứ là dân thường, mà ngay cả những TQLC cũng cùng tham gia. Không thấy nhóm thắng cuộc được phần thưởng gì nhưng mọi người tham dự vào cuộc chơi đều hò reo ra sức một cách nhiệt tình. May là nhờ biển mát gió mạnh, không thấy ai bận bịu lau mồ hôi.

BẮN, BẮN, BẮN

Khu diễn tập tác xạ có lẽ là nơi thu hút phái đoàn thành phố Westminster nhất.

Mở đầu là nữ phóng viên Roxanne Chow (đồng thời là Ủy Viên Kế Hoạch của thành phố Westminster) và cameraman của đài Little Sàigòn TV. Giống như một phóng viên chiến trường nhà nghề, Roxanne Chow diện quần lính bộ binh, đội mũ lính nhưng chiếc áo thun trắng của cô lại làm hình ảnh cô nổi bật giữa đám áo hoa sa mạc truyền thống của binh chủng TQLC Hoa Kỳ. Người chỉ huy khu diễn tập tác xạ truyền đạt quy luật nhập khu, yêu cầu mọi người phải nhét bông gòn vào tai (để bảo vệ cho màng nhĩ. A, mà phải nói thêm rằng bông gòn này thuộc loại... đại tư bản như Hoa Kỳ mới dám xài!, được sản xuất với phẩm chất cao, được bọc trong bao plastic thật đẹp). Có ba loại súng được sắp sẵn để bắn biểu diễn.

Trong lúc các viên chức thuộc phái đoàn thành phố Westminster bận họp bàn với các sĩ quan thuộc Bộ Chỉ Huy QTLC, phái đoàn truyền thông Việt ngữ được một hạ sĩ quan hướng dẫn đi từng khu vực. Phóng viên nhiếp ảnh Trần Đình Thục cặp kè bên Bùi Tiến Phát leo lên các xe tăng lội nước. Tôi cười “Chính chiếc xe này nói lên tên gọi của binh chủng này. Chúng ta gọi là Thủy Quân Lục Chiến và Việt Cộng thì gọi là Lính Thủy Đánh Bộ...” Cả nhóm cười ồ. Anh Long, một commissioner của Westminster góp vui: “Sao họ không nói là “lính nước đánh bộ” mà là “lính thủy đánh bộ” nhỉ?”

Đang lúc mọi người cười nói vui vẻ thì cô Roxanne gọi giật ngược: “Mời các anh  mau đến đây... Sắp có một màn hấp dẫn...”.

Chúng tôi quay trở lại khu tác xạ. Bây giờ không khí nhộn nhịp hơn nhiều. Số binh sĩ TQLC được tăng cường khá đông, có lẽ cấp số già một tiểu đội. Đến nơi chúng tôi mới được biết đây là phút vui hiếm có: cựu người nhái Andy Quách bắn biểu diễn những vũ khí của Thủy Quân Lục Chiến.

Trông Andy Quách trên sân bắn khác hẳn với một Andy Quách ở nghị trường hay ở những buổi lễ. Tuy không bận đồ lính nhưng anh ta tỏ ra thiện nghệ như một quân nhân tại ngũ, nhất là trước những vũ khí quen thuộc. Trong các thế tác xạ, dường như anh ta đang luận bàn với các binh sĩ về kỹ thuật. Chúng tôi thấy Andy Quách nhanh nhẹn nằm xuống ôm súng hướng về phía trước, nhắm đích nhả đạn liên hồi. Rồi anh đứng dậy, tay vẫn bồng súng không rời, thay đạn nhanh như điện xẹt, rồi vẫn trong tư thế vững như sư tử, xuống tấn, tác xạ trong thế đứng – vừa bắn vừa xung phong - hướng mũi súng về phía xạ trường tác xạ liên hồi giữa tiếng vỗ tay ầm vang của mọi người hiện diện.

“Ông ta quả là một quân nhân đã được rèn luyện kỹ càng. Trông ông còn thiện nghệ hơn một quân nhân tại ngũ”, một binh sĩ TQLC nói với chúng tôi. Mùi thuốc súng, tiếng đạn nổ liên hồi, trong phút chốc, hình ảnh của chiến trường xưa, của những lần theo lính ra trận 30 năm trước dần dần kéo chúng tôi về với cuộc chiến bảo vệ tự do của những người lính Việt Nam Cộng Hòa thân thương của chúng ta.

Sau khi rời sân tác xạ, Andy Quách tâm sự “Nếu không bị thương, chắc Andy sẽ ở mãi trong quân ngũ. Andy yêu đời quân ngũ lắm các chú, các anh chị ạ...” Lúc này, cảm tình của chúng tôi dành cho Andy Quách là cảm tình của một người hậu phương dành cho một chiến sĩ nơi tiền tuyến. Những lời nói hết sức chân tình của Andy Quách làm cho chúng tôi nhớ lại một thời chiến chinh trên đất nước điêu linh thuở nọ. Giờ đây, trên chiến trường mới, của trận chiến chống khủng bố, trong hàng ngũ binh sĩ tham gia trận chiến ở Iraq cũng có đông đảo những quân nhân Mỹ gốc Việt. Buổi viếng thăm, ủy lạo chiến binh TQLC hôm nay là một dịp tốt để cư dân thành phố Westminster chia xẻ những âu lo, khổ cực của chiến binh và gia đình, thân nhân của họ. Thành phố Westminster lại là thành phố cưu mang Little Sàigòn, nơi có đến hơn 30% cư dân là người Mỹ gốc Việt...

Nghị viên Andy Quách nhờ báo giới loan tin mọi cư dân ở thành phố Westminster muốn bảo trợ, ủy lạo binh sĩ TQLC căn cứ Pendleton vui lòng liên lạc với anh tại điện thoại (714) 898 - 3311 ext 274.

ĐOẠN ĐƯỜNG... XANH DA MẶT

Nếu khu tác xạ kéo chúng tôi  hồi ức về chiến xương trên quê hương xưa nhờ những tràng đạn liên thanh và mùi thuốc súng khét lẹt thì những giây phút kế tiếp mang ý nghĩa chia xẻ 1 đoạn đường chiến binh, đoạn đường chiến binh rất... Thủy Quân Lục Chiến.

Mọi người được phân phát áo giáp và nón sắt. “Quý vị sẽ được tháp tùng đoàn thiết giáp của binh chủng TQLC,” một cấp chỉ huy hướng dẫn giải thích. Đây là loại xe tăng lội nước chúng ta thường thấy trong các phim tài liệu, các phim về chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam thuở nào.

Nội việc leo lên quân xa cũng đã là... vất vả. Xe thì cao, mọi người - trừ Andy Quách, dĩ nhiên - đều cần được một TQLC nắm tay kéo lên xe qua một cầu thang nhỏ. Đây mới chỉ là chiếc GMC (Rem mờ xê, ngày xưa chúng tôi rất quen gọi những loại quân xa này như thế) chuyển tiếp.  Khi chiếc quân xa lăn bánh, mọi người vẫy tay chào đám đông người ở lại. Bầu không khí này, nào khác gì bối cảnh tiễn người ra chiến trận!

Vâng, chúng tôi đã mặc áo giáp, đội mũ sắt và cát bụi mịt mờ theo chúng tôi hướng về bờ biển xa phía trước.

Khi leo lên quân xa đã là vấn đề cho những người suốt đời chưa đi lính ngày nào thì khi xuống lại mặt đất cũng vất vả không kém, nhất là trong hàng chục người hiện diện có khá nhiều người không được gọn ghẽ như những quân nhân nhà nghề (trong đó có... Andy Quách!)

Đó mới chỉ là những phút giây chập chùng của màn dạo cảnh, chưa thật sự vào đề. Khi tất cả mọi người sẵn sàng ngồi vào vị trí trong chiếc xe tăng lội nước (không có “seat belt” đâu nhé! Lính mà lị! Lính luôn luôn sẵn sàng... đổ bộ, đeo “seat belt” vướng lắm bà con ơi!), dường như cuộc đời thường của hậu phương thật sự khép lại khi cửa sau của chiếc xe đóng nắp. Không gian chỉ còn trong một khoảng hẹp với người và người. Mà người nào cũng đều là... chiến binh cả, với quân phục, với nón sắt. Kể cả 4 nhóc tì, 3 nữ một nam. Mấy đứa bé dáng vẻ rất nghiêm trọng  nhưng không đứa nào tỏ ra sợ hãi. Trong ánh mắt chúng, mọi người thấy trộn lẫn sự tự hào hãnh diện và chứa chan tình yêu thương người cha chúng đang ở tận xứ sa mạc Iraq bụi mờ, nắng rát xa xôi.

Dave, cameraman của đài truyền hình ngồi cuối xe, đang thu hết những hình ảnh chuyến đi. Roxanne và Long ngồi sát Andy ở phía đầu xe. Roxanne đang mở micro để phỏng vấn những “chiến sĩ” đang trên đường ra... mặt trận (như thiệt!). Trong lúc đó Bùi Thế Phát phụ giúp nhiếp ảnh viên Trần Đình Thục nháy lia lịa những “bô” hình hấp dẫn.

Nhưng... phút giây bình yên không kéo dài. Andy cảnh giác mọi người “Xe bắt đầu... lội nước!”

Đúng vậy, nước biển tung tóe, càng lúc càng nhiều, tạt cả vào trong lòng xe. Khổ nhất là chiếc máy quay phim cồng kềnh nặng trịch. Dave hối hả lấy bao phủ ống kính, trong lúc Trần Đình Thục than “Bỏ mẹ, ướt ống kính thì chỉ có nước... húp cháo!” làm Bùi Thế Phát dùng cả hai tay phụ với Thục che giùm “con mắt của phó nhòm”. Nhưng đấy cũng chỉ là những phút... nháp tiếp tục mà thôi. Cao điểm đang chực chờ thách thức mọi người.

Tiếng động cơ nổ lớn hơn, báo hiệu cho việc tăng tốc lực. Tuy được cảnh giác trước nhưng mọi người bắt đầu choáng váng và xanh mặt khi xe tăng nhồi, lắc và lắc mạnh liên hồi như trèo đèo, băng suối, như vượt đá tảng, sình lầy, hay đang vượt sóng gào phẫn nộ của đại dương.

Cũng Dave, người thủ chiếc máy quay phim kềnh càng, bắt đầu... có vấn đề! Phần thì nước vào, phần thì xe nhồi liên tục. Andy sợ ống kính bị va vào thành chiến xa, súng (của phóng viên truyền hình) ta hư và chiến xa của bạn không hề hấn gì..., người cựu quân nhân của binh chủng Người Nhái Hoa Kỳ này nhanh như chớp lạn đến tiếp hơi cùng Dave. Roxanne tuy là thân bồ liễu  phải ra chiến... trận cũng tỏ ra rất mực... quân nhân, cũng không bỏ bạn đồng nghiệp một mình, lăn về phía Dave. Thế là chiếc máy quay được thêm 2 trợ thủ giữ chặt. Nhờ thế Dave mới trụ chặt hai chân, bám 1 tay vào vách xe tăng, thở dốc chịu trận. Nhìn kỹ lại, khi Roxanne di chuyển cứu bạn thì các “quân nhân”, kể cả các “quân nhân nhí” cũng phụ tay giữ giúp cái áo, cánh tay của... Roxanne. Một quân nhân TQLC cố ra dấu cho tài xế về tình hình... nguy ngập của các “binh sĩ bất đắc dĩ” nhưng xe xóc vẫn xóc, nhồi vẫn nhồi, coi bộ còn tăng nhịp dữ dội hơn trước...

Thời gian... Ôi thời gian như dừng lại. Như  đây là ngày... dài nhất không bằng! Có phải chúng tôi ảnh hưởng phim ảnh chăng (phim Ngày dài nhất, về chiến tranh) hay chính phim ảnh phản ảnh đúng tâm tư của những người tham gia vào trận chiến hào hùng. Hào hùng ư! Chúng tôi nào có hào hùng gì! Bất quá, chúng tôi được chia xẻ, được ảnh hưởng lây đời  hào hùng của chiến sĩ, chiến sĩ VNCH năm xưa , chiến sĩ TQLC Hoa Kỳ giờ phút này đây. Tuy chúng tôi chỉ là những người tham dự có 1 góc nhỏ, một khoảnh khắc phù du của đoạn đường chiến binh nhưng cũng đã đủ để thấy đời lính lúc nào cũng đối mặt với gian khổ chập chùng... Và cũng chính vì thế mà chúng tôi suốt đời biết ơn người lính. Người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa bảo vệ quê hương mẹ Việt Nam và người lính Hoa Kỳ ngày nay bảo vệ an ninh và tự do cho quốc gia nơi chúng ta nhận làm quê hương thứ hai này.

Khi vận tốc giảm theo tiếng động cơ chính là lúc ai nấy đều hoàn hồn, thở ra để lấy lại... bình  tĩnh. Nhưng ngầu thiệt là ngầu là Roxanne. Trông cô nàng không xám xanh da mặt như một vài đấng mày râu người Hoa Kỳ trên xe. Cô còn nhoẻn nụ cười tươi và rất duyên dáng hỏi thăm mọi người đồng hành trên xe.

Đây quả là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa.

DU MIÊN

 9/2006

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT