Hoa Kỳ

Thế Vận Hội năm nay mang đến niềm hãnh diện cho người trẻ Mỹ gốc Á Đông

Sunday, 18/02/2018 - 11:20:00

Thành quả đó cũng đưa đến sự tranh cãi khi Bari Weiss, một nữ ký giả của báo The New York Times, đã viết trên Twitter về kỳ công của Nagasu với câu, “Những di dân: Họ đã làm được việc.” Tuy là lời khen nhưng cũng còn bị vướng thành kiến.


Keita Horiko, 10 tuổi, trong vai “Peter Pan” thắng giải vô địch Mỹ dành cho trẻ vị thành niên. Em ao ước sẽ nối gót những người như Nathan Chen để đại diện nước Mỹ tại Thế Vận Hội. (Getty Images)

NEW JERSEY - Nhân dịp cuộc thi Thế Vận Hội Mùa Đông đang diễn ra sôi nổi tại miền cao nguyên Pyeongchang, Nam Hàn, hãng thông tấn AP đã có một bài viết nói về đội trượt băng nghệ thuật, và đội này đang nói lên niềm hãnh diện cho người Mỹ gốc Á Đông.

Bản tin được viết Hackensack, New Jersey cho biết mới đây em Keita Horiko đã trượt qua sân băng trong Ice House, tăng tốc độ khi em cố gắng làm một cú nhảy xoáy trên không trung, và em bị té khi rơi xuống lại mặt băng.

Nhưng không một chút sợ hãi, em trai mới có 10 tuổi này và đã đoạt giải vô địch dành cho trẻ vị thành niên Mỹ, liền đứng dậy và bắt đầu trượt băng lần nữa. Cách đó không xa thì em Yuki, 13 tuổi, anh của Keita cũng đang trượt trên sân băng, tập luyện những động tác trước khi trở về nhà ở Manhattan, và vào ngày hôm sau hai anh em trở lại đây để tiếp tục tập dượt.


Anh Nathan Chen của đội Hoa Kỳ đã giành được huy chương đồng trong mục thi đội tại Thế Vận Hội Mùa Đông và được chụp hình chân dung ngày thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018 tại Gangneung, Nam Hàn. (Marianna Massey/ Getty Images)

Keita và Yuki là thành viên của đội U.S. Figure Skating (Trượt Băng Nghệ Thuật Hoa Kỳ). Tuy còn nhỏ tuổi, hai anh em đã có ước mơ lớn ở tầm cỡ Thế Vận Hội. Và khi theo dõi môn thi trượt băng nghệ thuật tại Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, hai em có những tấm gương để bắt chước.

Năm nay một đội trượt băng nghệ thuật của Mỹ tham dự Thế Vận Hội có  tới một nửa số thành viên trong 14 người là người Mỹ gốc Á Đông.

Keita nói với AP, “Điều đó mang đến sự phấn khởi cho chúng tôi, và làm cho tôi ao ước rằng tôi muốn được giống như họ.”

Nhiều thể tháo gia môn trượt băng nghệ thuật là người Mỹ gốc Á Châu, từng đại diện cho Hoa Kỳ tại các kỳ Thế Vận Hội trước đây. Hai người nổi bật hơn cả là cô Kristi Yamaguchi đoạt huy chương vàng năm 1992, và Michelle Kwan lãnh huy chương bạc và đồng năm 1998 và năm 2002. Thế nhưng chưa bao giờ có đông đảo khuôn mặt Á Châu trong đội trượt nghệ thuật như năm nay.

Phía nữ giới có Mirai Nagasu, 24 tuổi, và Karen Chen, 18 tuổi. Bên nam giới có Nathan Chen, 18 tuổi, và Vincent Zhou, 17 tuổi. Trong số những người khiêu vũ trên băng, có hai anh em Alex Shibutani, 26 tuổi, và Maia Shibutani, 23 tuổi, cùng với Madison Chock, 25 tuổi.

Đây đúng là một thời điểm hào hứng, đặc biệt cho những người Mỹ gốc Á Đông, vì từ bấy lâu nay người ta vẫn có thành kiến là người Á Đông chỉ giỏi học, làm toán, làm việc bằng trí óc, hơn là giỏ về thể thao.
Bà Mai Hoàng Parmentier, 35 tuổi, ở Yakima, tiểu bang Washington, nói với AP, “Tôi nghĩ đây là thời điểm hết sức tuyệt vời và hấp dẫn.” Bà bắt đầu theo dõi môn trượt băng khi được mục kích cô Yamaguchi tranh tài hơn hai thập niên trước.

Bà nói, “Đối với tôi, khi lớn lên bạn nghe những định kiến, chẳng hạn như người Á Châu giỏi toán học, học thức khoa bảng, hoặc nghệ thuật hay âm nhạc. Tôi mong con gái tôi có thể thấy rằng con không bị bó buộc, rằng con có thể giỏi thể thao.”

Ông Scott Hamilton, một lực sĩ Thế Vận Hội nổi tiếng trong môn trượt băng, nói rằng việc cô Yamaguchi và cô Kwan không những trượt băng trên sân khấu thế giới, mà còn đoạt được chiến thắng nữa, vào đó là niềm khích lệ đối với một thế hệ trẻ hơn của những người Mỹ gốc Á Châu, và cha mẹ các em phải xem xét điều đó.

Thế Vận Hội năm nay đã có một số thành công cho người Mỹ gốc Á: khi trượt băng trong môn thi đấu theo đội, cô Mirai Nagasu trở thành phụ nữ Mỹ đầu tiên hoàn tất một cú nhảy xoáy ba vòng trên không trung trong Thế Vận Hội.

Thành quả đó cũng đưa đến sự tranh cãi khi Bari Weiss, một nữ ký giả của báo The New York Times, đã viết trên Twitter về kỳ công của Nagasu với câu, “Những di dân: Họ đã làm được việc.” Tuy là lời khen nhưng cũng còn bị vướng thành kiến.

Thật ra thì Mirai Nagasu đã chào đời ở California, chứ không phải là một di dân chào đời ở nước khác, và mục tweet từ đó bị xóa mất sau khi bị chỉ trích bởi một số người bày tỏ sự lo ngại rằng người Mỹ gốc Á Châu vẫn tiếp tục bị coi như người ngoại quốc, dù họ sống mấy đời ở Mỹ.

Cha mẹ của Mirai Nagasu đã quyết định đóng cửa nhà hàng của họ trong một tuần, lần đầu tiên trong nhiều năm nay, để xem cô con gái tranh tài tại Thế Vận Hội.

Thành kiến cho rằng người Mỹ gốc Á là người ngoại quốc cũng từng vang lên tại Thế Vận Hội trước đây, như vào năm 1998, sau khi Tara Lipinski giành huy chương vàng, một tờ báo tại Mỹ đăng hàng tít lớn: “Người Mỹ đánh bại Kwan.” Thật ra cô Kwan là người Mỹ sinh ra và lớn lên tại Nam California.

Trong kỳ Thế Vận Hội năm nay, người Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào anh Nathan Chen, một người từ Salt Lake, Utah. Lúc còn là một nhà vô địch mới 10 tuổi, anh đã dự đoán rằng sẽ được tham dự Thế Vận Hội 2018.

Chen được giới thiệu là một thể tháo gia đáng được xem năm nay, vì khả năng và trình độ thể thao vượt bực của anh, như sự việc anh có thể tạo nhiều cú xoáy bốn lần trên không trung. Chen được xem là người dẫn đầu trong đội nam, mặc dù anh đã gặp chút trở ngại trong chặng đầu.

Sự việc những người Mỹ gốc Á Châu đang đại diện Hoa Kỳ ở Thế Vận Hội Nam Hàn là một lời tuyên bố mạnh mẽ trước thành kiến cho rằng người nam gốc Á Châu chỉ giỏi toán và giỏi học, chứ không giỏi thể thao.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT