Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 9)

Sunday, 27/11/2016 - 10:12:13

“Trước đây người nào cần biên dịch gì, thì tôi nhận dịch, nhưng bây giờ khi đã quen dịch rồi thì cái nào tôi thích tôi mới nhận dịch, vì với tôi chuyển ngữ là việc tôi làm do yêu mến, chứ không phải ngành nghề để tôi kiếm sống.”

Bài BĂNG HUYỀN

Chị Tôn Nữ Bích Ngọc nói chị rất yêu ngôn ngữ và công việc dịch thuật, nên từ trước đến nay chị thường nhận thêm việc biên dịch (thông dịch viết) vì yêu thích. Trong biên dịch, theo chị Bích Ngọc đòi hỏi người dịch phải có khả năng sử dụng từ ngữ linh hoạt, sự sáng tạo đồng thời sự tinh tế và tỉ mỉ trong cách chuyển ngữ. Đòi hỏi người dịch phải cẩn trọng trong từng câu từ, ngữ nghĩa đến từng đoạn trong tài liệu gốc qua văn bản dịch. Vì vậy người biên dịch phải có khả năng diễn đạt, cẩn thận chọn lựa ngôn từ, ngữ điệu sao cho bản dịch chính xác, gãy gọn.

Người biên dịch phải có khả năng diễn đạt, cẩn thận chọn lựa ngôn từ, ngữ điệu sao cho bản dịch chính xác, gãy gọn. (Getty Images)


Việc nắm vững ngôn ngữ vẫn chưa đủ, người dịch rất cần hiểu ý tác giả, hiểu nguyên tác tài liệu. Phải có kiến thức về văn hóa và đời sống, vốn sống sẽ góp phần không nhỏ vào bản dịch. Người biên dịch cũng cần phải có khả năng viết, phân tích và khả năng biên tập tốt để diễn đạt sang ngôn ngữ dịch thật thanh thoát, tự nhiên như người bản xứ.

Khi dịch một tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt, chắc chắn một bản dịch của một nhà văn am tường ngoại ngữ sẽ luôn tốt hơn rất nhiều so với bản dịch của một người dịch chỉ thuần túy giỏi về ngoại ngữ. Cũng giống như thông dịch (dịch nói), khi biên dịch, rất cần người dịch trung thành với nguyên bản, phải đạt được sự chính xác cho dù có dịch thoát ý. Tuy nhiên điều này không đơn giản chút nào, vì người ta hay nói “dịch là phản lại,” dịch là “đôi khi giết tác giả.”

“Vì tác giả viết một ý, mình dịch theo ý của mình cho mượt mà thì đôi khi mình làm lạc hướng mất những điều tác giả muốn nói. Theo tôi muốn dịch một quyển sách, một tiểu thuyết hay một áng thơ văn, thì phải hiểu tác giả là ai. Riêng cá nhân tôi đa số biên dịch là sách kỹ thuật, chữ nào ra chữ đó, không cần dùng câu chữ mượt mà để dịch.

“Còn về sách thần học, sách tôn giáo, tôi nghĩ rằng muốn dịch được tốt, mình phải nhìn lại đời sống tâm linh của mình ở đâu. Vì các vị chân tu, các vị bậc tu hành lâu năm cũng sẽ nhìn một câu đó nhưng mà thấy được ẩn dụ sâu xa hơn là người mới nhập đạo. Khi nhận chuyển ngữ một quyển sách, tôi nhắm mình dịch nổi thì mới dám nhận, chứ không phải cái gì cũng nhận, thường đa số tôi nhận biên dịch nhiều nhất cho cơ quan Tin Lành tại Mỹ là dịch các tài liệu hướng dẫn đời sống của người phụ nữ phải đối diện hai nền văn hóa, phải làm như thế nào để dung hòa cả hai nền văn hóa, làm thế nào giữ được nét đẹp của văn hóa mình và đồng thời hội nhập vào văn hóa của người để tiến thân trên xứ người.

“Trước đây người nào cần biên dịch gì, thì tôi nhận dịch, nhưng bây giờ khi đã quen dịch rồi thì cái nào tôi thích tôi mới nhận dịch, vì với tôi chuyển ngữ là việc tôi làm do yêu mến, chứ không phải ngành nghề để tôi kiếm sống.”

Nói thêm về những kỹ năng, những yêu cầu bắt buột mà một thông dịch viên cần có để phát triển dịch thuật, chị Bích Ngọc bày tỏ, “Theo ý kiến của tôi thì trước hết người đó phải yêu mến sinh ngữ, phải luôn trau giồi kiến thức và văn hóa, cũng như đời sống tại địa phương, phải đọc và đọc, viết và viết cho đúng văn phạm, phải hành văn cho mạch lạc, gọn gàng , đủ ý và dễ hiểu . Đó cũng là một vài nguyên tắc căn bản đã giúp tôi trong vấn đề thông dịch.”

Để trở thành một biên dịch viên giỏi

Chị Bích Ngọc chia sẻ, “Thực tập và thực tập. Học hỏi để nắm vững vấn dề minh thông dịch và chuyển ngữ . Khi mình đủ kiến thức về y khoa, và y tế thì mới chuyển ngữ về y tế và y khoa đươc. Giả sử như một người không có kiến thức về văn thơ thì làm sao dịch thơ của Tagore hay thi sỉ Bùi Giáng? Ngoài ra, một thông dịch viên và một biên dịch viên giỏi, theo tôi, là một người, ngoài vấn đề năm vững từ vựng chuyên môn, nắm vững phương cách thông dịch, còn cần là một người yêu nghề, yêu người, yêu chữ nghĩa, và nắm giữ được cảm xúc của mình và của người để chuyển ngữ đúng trong những bối cảnh khác nhau. Thí dụ như câu "God bless you" đã được các sinh viên dịch ra rất nhiều câu khác nhau: "Xin Chúa ở cùng ông/bà," "Xin Phật độ cho ông/bà," "Thượng đế ở cùng ông/bà," "Thánh thần giúp ông/ba," "Trời soi thấu cho quí vị"...

Về những tiếng lóng được dạy trong chương trình huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án do đại học Cal State Fullerton mở, chị Bích Ngọc cho biết, “Tiếng lóng dùng rất nhiều và tiếng lóng địa phương đó là cả một chương trình thu thập từ nhiều người. Thật ra ngay khi trường mở lớp tập luyện cho các sinh viên thì hầu như sách vở về tiếng lóng tiếng Việt chỉ có từ Việt Nam qua mà thôi.

“Có rất nhiều tiếng lóng ở Việt Nam dùng: ví dụ mình ơi, thì phải dịch như thế nào? Nếu ta không hiểu được đó là chữ gọi giữa hai vợ chồng hay giữa hai bạn bè thân. Ví dụ, tối nay tôi hẹn mình đi chơi nhé. Hoặc mình ơi, tôi yêu mình lắm, tôi thương mình lắm. Hai câu này hoàn toàn khác nhau, nếu người thông dịch không nắm vững được vấn đề văn hóa, không nắm vững được ngôn ngữ tiếng lóng… thì rất khó dịch.

“Thật ra các sinh viên có thu thập với nhau các tiếng lóng, có soạn thảo và thành lập một website, cho đến giờ website đó vẫn còn lưu hành và các anh chị em sinh viên của khóa học tại Cal State Fullerton thực hiện cả tiếng lóng tiếng Việt và tiếng Anh, thầy và trò đều cùng bàn thảo với nhau tìm cách chuyển ngữ sao cho thật đúng phần tiếng lóng này.

Nhiều khi những tiếng lóng đó lại không có tiếng Anh tương đương để dịch. Làm sao để vào trong tòa để dịch để cho ông tòa hiểu được người Việt muốn nói gì, thì đó là điều mà đối với tôi rất thích thú. Đó cũng là điều mà ở trong lớp tôi luôn hướng dẫn sinh viên mình biết rằng mình dịch thì mình phải hiểu người đang nói chuyện mục tiêu là gì, ở trong hoàn cảnh nào và sử dụng chữ đó như thế nào.”

Chị Bích Ngọc nhận xét thêm, “Dịch tiếng lóng đã khó, điều mà tôi thấy còn khó hơn nữa là dịch những câu chuyện có phần hài hước, hoặc khi người ta nói dỗi (hờn), người ta giận nói một đằng nhưng nó lại có một chuỗi khác. Làm thế nào để dịch được lưu loát những điều đó thì theo tôi trong giáo trình Cal State Fullerton muốn nhấn mạnh vào điều đó. Vì họ nghĩ rằng từ vựng thì các sinh viên có thể đặt ra chữ, dịch ra chữ. Nhưng phải hiểu được tại sao trong lúc đó phải dịch như vậy, tại sao trong hoàn cảnh đó, chữ đó phải dịch như vậy. Thì đó là điều rất cần nhiều thì giờ để học và cũng cần phải có kinh nghiệm sống nữa.”

Còn về lời khuyên, chị Bích Ngọc cho rằng, “Nếu nói về lời khuyên, thì tôi mong các bạn nào muốn đi vào nghề thông dịch để kiếm tiền, thì tôi nghĩ các bạn sẽ phải đương đầu với sự thất vọng lớn, bởi vì nhu cầu rất ít. Về dịch văn bản thì hiện giờ có nhiều nơi dịch bằng máy (với phần phiên dịch văn bản), sau đó mới nhờ người Việt chỉnh lại. Khi mời chỉnh lại phần phiên dịch này, tôi nghĩ là những người Việt đã qua đây lâu, các chú, các bác đã nghỉ hưu, nhờ chỉnh thì vui lòng chỉnh, không cần lấy tiền thù lao.

“Thành ra tôi nghĩ để kiếm việc phiên dịch văn bản thì rất khó. Dùng song ngữ chỉ để làm nghề thông dịch hay phiên dịch văn bản thì tôi không thấy có nhu cầu rộng lớn. Nhưng người nào có chuyên môn ngành nghề của mình rồi mà có thêm song ngữ thì người đó phục vụ được cả người biết tiếng Anh và người biết tiếng Việt, vì số người chỉ biết tiếng Việt thôi cũng còn nhiều và người chỉ biết tiếng Anh thôi trong cộng đồng chúng ta cũng không ít.

“Riêng tại quận Cam trong ngành chuyên môn, nếu có song ngữ thông thạo, thì dễ kiếm việc hơn, như bên ngành Y Tế, rất cần song ngữ. Có một số cơ quan khi họ tuyển vào, nhất là những cơ quan chính phủ, những ai có song ngữ thông thạo sẽ được trả thêm phần tiền lương, bất cứ người nào có song ngữ là Việt- Anh hay Tây Ban Nha -Anh, Hoa- Anh… thì có thêm phần phụ trội cho bậc lương có phần song ngữ, vì khi cần thông dịch thì họ sẽ kêu mình ra thông dịch. Kiếm việc chuyên về thông dịch viên toàn thời gian thì khó tìm việc, nhưng nếu người đó đã có chuyên môn rồi kèm theo song ngữ thì sẽ giúp người đó đi rất xa trong nghề nghiệp.”

Tiếng Việt tại hải ngoại và tiếng Việt trong nước

Từ kinh nghiệm dạy hai khóa học chương trình huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án do đại học Cal State Fullerton mở ra, chị Bích Ngọc bày tỏ, “Tôi nhận thấy tiếng Việt Nam tại hại ngoại và tiếng Việt trong nước không song song với nhau. Mình là cư dân rất đặc biệt là cũng ngôn ngữ tiếng Việt nhưng nếu người Việt đi xa lâu ngày khi quay ngược lại Việt Nam, mình sẽ không thể tiếp nhận tiếp thu một cách dễ dàng nếu mình không theo dõi báo chí thường xuyên.

“Có sự khác biệt giữa tiếng Việt trong nước và tiếng Việt tại hải ngoại. Sinh ngữ nếu mình không biết từ đó là gì, không biết ngôn ngữ đó dùng trong trường hợp nào thì sẽ rất khó để dịch. Người thông dịch cần phải biết là mình chuyển ngữ cho đối tượng sống ở môi trường nào. Người sống trong nước trước 1975 sẽ phải chuyển ngữ khác với những người Việt mới qua sau này.

“Làm thế nào để hướng dẫn các sinh viên cần phải để ý đến vấn đề đó, chính là mục tiêu của Cal State Fullerton lúc bấy giờ khi mở khóa học. Ngay thời điểm mở khóa học, chúng tôi đã biết sẽ phải đối diện với tiếng Việt vô cùng phong phú, dung một cách khác biệt. Ngay trong nước, một người ở Quảng Nam, Quảng Trị sẽ nói khác so với người ở Hà Nội và khác với người từ Sài Gòn.”

Theo chị Bích Ngọc, “Bất cứ người Thông Dịch Hữu Thệ nào nếu họ cảm thấy không thể chuyển ngữ một cách trung thực trong một hoàn cảnh thì đều có thể xin phép họ không còn là người chuyển ngữ trong phiên xử đó và xin tòa cho người thông dịch khác thay thế. Vấn đề chuyển ngữ thì ngoài từ vựng, còn rất nhiều điều trong đời sống cá nhân của mình, lập trường của mình, ở trong cách suy xét của mình, vì vậy người thông dịch có quyền lựa chọn khi nhận thông dịch. Từ chối cũng là một lựa chọn tốt, chứ không phải là hỏng việc hết đâu.”

Chị Bích Ngọc tâm sự thêm, “Tôi nghĩ thế hệ mới của người Việt trên nước Mỹ càng ngày càng nhiều, làm thế nào cho cộng đồng người Việt hải ngoại có thể tiếp tục học hỏi cách dùng mới của những chữ mới ở trong nước, cái đó tôi nghĩ mình phải quan tâm. Muốn học sinh ngữ mới thì phải đọc sách báo, muốn biết người Việt nói như thế nào thì phải đọc sách báo, không chỉ đọc sách báo ngay địa phương ở đây mà đọc sách báo ngay trong nước. Tôi ao ước chúng ta có được cuốn từ điển mới ở hải ngoại.”

Với chị Bích Ngọc, sinh ngữ là cái gì rất “sống.” Chị nói, “Khi tôi nghĩ đến sinh ngữ thì có bao nhiêu người Việt Nam ở đây còn nhớ đến chữ Nôm, là một tiếng rất đặc biệt của người Việt xưa. Sinh ngữ đối với tôi là một phương tiện để hiểu nhau và để diễn đạt tư tưởng, thì nó cần có sự thông cảm của người nói và người nghe. Nếu tôi dùng một số chữ khi tôi nói mà không có ai hiểu, thì nghĩa là tôi chỉ nói cho chính mình, mà nếu tôi dùng những chữ đã chết rồi như là tiếng Nôm của mình thì tôi sẽ nói với ai. Đối với tôi người thông dịch đôi khi phải sống trung thực với ngôn ngữ và đôi khi phải gạt bỏ tâm tình riêng tư, suy tư riêng tư của mình qua một bên để làm thế nào diễn đạt đúng cho cả người nói và người nghe cùng có thể hiểu nhau.”

Bày tỏ thêm về những suy tư của mình trong vấn đề chuyển ngữ, chị Bích Ngọc chia sẻ, “Tôi nghĩ đây là điều mới mẻ trong cộng đồng mình sẽ phải dần dần đối diện, tôi không có thẩm quyền khuyên phải đối diện như thế nào ngoài vấn đề là khi tôi thông dịch, theo tôi người nói để tôi thông dịch, tôi có hiểu hết họ hay không, khi tôi thông dịch lại cho người nghe, thì tôi có thông dịch trung thực điều người đó nói hay không. Với tôi, vấn đề từ vựng chỉ là chữ, nhưng văn hóa là từ chữ, và nhiều thứ gộp lại, thì chữ cũng là điều rất quan trọng.”

Chị Bích Ngọc mong muốn, “Thế hệ người Việt kế tiếp tại hải ngoại sẽ nói gì, sẽ làm gì, để người Việt mới qua cũng hiểu, người Việt qua lâu cũng hiểu, người Việt bực mình cũng hiểu, người Việt yêu mến cũng hiểu, thì đó là điều mà người chuyển ngữ cần có sự khôn khéo, bình tĩnh, đồng thời cũng phải chú ý trung thực trong vấn đề chuyển ngữ.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT