Thế Giới

Thử thách cho chính sách dân chủ của Mỹ trong cuộc bầu cử ở Miến Điện

Friday, 06/11/2015 - 09:12:05

Nếu các quan sát viên quốc tế báo cáo có tình trạng gian lận hoặc sự đe dọa cử tri xảy ra tràn lan, hoặc nếu Suu Kyi phủ nhận các kết quả tuyển cử, hay là quân đội từ chối tuân theo những kết quả ấy, thì điều đó có thể nhận chìm đất nước vào cảnh hỗn loạn về chính trị, và gieo rắc nghi ngờ nơi những người ủng hộ chính yếu tại Hoa Kỳ.

Đi bầu ở xứ Phật
Hai người thuộc Đảng Liên Minh Đoàn Kết Và Phát Triển đang cầu nguyện trước các pho tượng biểu tượng cho tăng đoàn của Đức Phật tại Yangon ngày thứ Sáu, với hy vọng đảng đang cầm quyền này sẽ thắng cử. Vào ngày Chủ Nhật, hơn 30 triệu người Miến Điện sẽ tham gia một cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong nửa thế kỷ. Kết quả sẽ cho thấy tiến trình dân chủ do Mỹ khuyến khích đã đi đến đâu tại đất nước này. (Hình: Lam Yik Fei/Getty Images)


YANGON - Trong một chuyến bay ngắn trên chiếc Air Force One, Tổng Thống Obama gọi một cú điện thoại mà ông hy vọng sẽ đưa đến những kết quả lâu dài.

Ở đầu bên kia của đường dây là bà Aung San Suu Kyi, vị lãnh tụ đối lập dân chủ của Miến Điện. Việc bà được trả tự do sau 15 năm bị tù và bị quản thúc tại gia là tín hiệu rõ ràng nhất, cho thấy chính quyền quân phiệt ở nước này có thái độ nghiêm chỉnh về việc kết thúc một nửa thế kỷ mà Miến Điện bị cô lập trên thế giới.

Trong lúc Tổng Thống Obama bay từ Úc đến Bali, Nam Dương, trong mùa thu năm 2011, ông mong bà Suu Kyi tán thành việc chính phủ Mỹ gây áp lực đối với tiến trình cải cách của Miến Điện. Bà đã đồng ý.
Kết quả của việc Obama đặt kỳ vọng vào Miến Điện sẽ được chứng nhận vào ngày Chủ Nhật này, khi các cử tri ở quốc gia với 51 triệu dân này đến các phòng phiếu để tham gia một cuộc bầu cử toàn quốc. Các quan sát viên nói rằng đây có thể là kỳ tuyển cử cởi mở và dân chủ nhất trong năm chục năm qua.
Các kết quả cũng có thể cho thấy một chặng đường dài, trong việc xác định sự thành công của những nỗ lực của ông Obama, nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, cũng như phản ảnh trí phán đoán của bà Hillary Rodham Clinton, người có thể kế nhiệm ông Obama. Với tư cách là ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã đóng một vai trò quan trọng, trong chính sách của chính phủ Obama vận động Miến Điện tham gia.

Ông Obama đã thực hiện hai chuyến đi tới nước này, trong đó có chuyến viếng thăm vào mùa thu năm ngoái. Đối với Obama, sự thành công hay thất bại của cuộc cải cách ở Miến Điện không phải chỉ là một chuyện đặt kỳ vọng vào một nước nghèo này ở Đông Nam Á, mà còn hơn thế nữa. Miến Điện nằm tiếp giáp với Trung Quốc. Vị trí này làm cho Miến Điện trở thành một đối tác chiến lược quan trọng. Cuộc bỏ phiếu sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về chính sách của ông về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở ngoại quốc.
Kỳ bầu cử vào ngày Chủ Nhật là một bước tiến quan trọng để cho thấy Miến Điện vẫn còn phải đi bao xa nữa, để thực hiện sự hứa hẹn mà Obama đã tưởng tượng ra cách đây bốn năm.

Bà Suu Kyi, 70 tuổi, là người đứng đầu Liên Đoàn Dân Chủ Quốc Gia. Bà bị hiến pháp ngăn chặn không cho bà trở thành tổng thống. Bà không hội đủ điều kiện vì bà đã kết hôn với một người Anh, và hai con trai của bà đều là người Anh. Đó là chỉ là một trong nhiều vấn đề gây rối trong cuộc bầu cử lịch sử này.
Các số ghi danh cử tri ở nhiều nơi trên toàn quốc Miến Điện bị xem là đầy dẫy những sai lầm và thiếu sót. Bạo động sắc tộc tràn lan, chống lại những người Rohingya thiểu số theo đạo Hồi, sẽ khiến cho nhiều phòng bỏ phiếu phải đóng cửa vì sợ hãi. Và Đảng Liên Minh Đoàn Kết Và Phát Triển đang cầm quyền đã yêu cầu quân đội giữ lại ít nhất 25 phần trăm trong tổng số ghế tại quốc hội, bất kể kết quả của cuộc bầu cử sẽ ra sao.

Nếu các quan sát viên quốc tế báo cáo có tình trạng gian lận hoặc sự đe dọa cử tri xảy ra tràn lan, hoặc nếu Suu Kyi phủ nhận các kết quả tuyển cử, hay là quân đội từ chối tuân theo những kết quả ấy, thì điều đó có thể nhận chìm đất nước vào cảnh hỗn loạn về chính trị, và gieo rắc nghi ngờ nơi những người ủng hộ chính yếu tại Hoa Kỳ.

Cách đây mấy năm, chính phủ Obama nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế, khi Tổng Thống Miến Điện Thein Sein trả tự do cho các tù nhân chính trị, và áp dụng những biện pháp khác để xúc tiến cuộc cải cách. Nhưng các lãnh tụ Quốc Hội đã giám sát chặt chẽ tiến trình ấy, và các cơ sở kinh doanh Mỹ do dự trong việc đầu tư vào nước này, vì tình hình chính trị bất ổn.

Trong một bài diễn văn đọc tại Thượng Viện cách đây ba tuần, Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa, Kentucky), lãnh tụ khối đa số, nói, “Kỳ bầu cử này là một cuộc trắc nghiệm mà chính phủ phải vượt qua. Nếu chúng ta kết thúc với một cuộc tuyển cử mà dân chúng Miến Điện không chấp nhận là phản ảnh ý muốn của họ, thì điều đó sẽ gây ra thêm khó khăn cho việc tiếp tục bình thường hóa các mối quan hệ.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT