Thế Giới

Thủ tướng Đức công du Tây Phi

Wednesday, 29/08/2018 - 08:03:59

Một số nước châu Âu tin rằng, việc đầu tư thêm vào Tây Phi sẽ giúp cư dân khu vực này chịu ở lại quê hương. Đức đã thông báo sẽ giúp cung cấp điện cho 300 ngôi làng ở Senegal.

DAKAR – Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã đến Senegal vào cuối ngày thứ Tư, trong chuyến công du 3 quốc gia Tây Phi, nhằm thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế và di dân. Bà Merkel sẽ gặp các tổng thống Senegal, Ghana, và Nigeria, để bàn về việc đầu tư thêm vào khu vực này, nơi vốn là quê hương của nhiều di dân đang tìm đường đến châu Âu. Người di dân từ châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng vấn đề này vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Bà Merkel, người đã mở cửa biên giới trong cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, đang bắt đầu trở nên cứng rắn hơn để cứu chính phủ của bà khỏi sự phản đối của người dân.
Một số nước châu Âu tin rằng, việc đầu tư thêm vào Tây Phi sẽ giúp cư dân khu vực này chịu ở lại quê hương. Đức đã thông báo sẽ giúp cung cấp điện cho 300 ngôi làng ở Senegal. Ghana và Senegal là 2 trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại châu Phi, và cũng nằm trong nhóm các quốc gia ổn định nhất. Nigeria là nước đông dân nhất và là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, nước này lại bị cản trở bởi nạn tham nhũng tràn lan và mối đe dọa từ các tổ chức cực đoan, như Boko Haram và các nhóm liên hệ với Nhà Nước Hồi Giáo.

Lãnh đạo Iran sẵn sàng hủy thỏa thuận hạt nhân
TEHRAN – Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015, nếu thỏa thuận này không còn phục vụ lợi ích của Iran. "JCPOA (thỏa thuận hạt nhân) không phải là mục tiêu, nó chỉ là công cụ. Nếu chúng ta nhận thấy rằng thỏa thuận này không duy trì lợi ích quốc gia, chúng ta sẽ dẹp nó sang một bên,” Lãnh đạo Khamenei tuyên bố trong cuộc họp với chính phủ Iran hôm thứ Tư.
Vị giáo sĩ Iran cũng cho biết, các cuộc đối thoại với châu Âu vẫn nên tiếp tục, nhưng Tehran "sẽ không đặt hết hy vọng vào các nước châu Âu" về những vấn đề như thỏa thuận hạt nhân hay tương lai nền kinh tế. Nói về Hoa Kỳ, nước đã đơn phương rời bỏ thỏa thuận, ông Khamenei khẳng định sẽ không trở lại đàm phán với chính quyền của Tổng Thống Trump. Trước đó, Tehran đã cáo buộc Washington "bội tín,” "không thành thật" và "nghiện" sử dụng các biện pháp cấm vận.
Vào ngày 7 tháng 8, Hoa Kỳ tái áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt chống Iran, gồm ngăn chặn Tehran thu mua Mỹ kim, cấm các hoạt động xuất nhập cảng kim loại, than, các chương trình điện toán liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất xe hơi. Washington còn dự định trừng phạt mạnh tay hơn, nhắm vào việc xuất cảng dầu, dự kiến bắt đầu vào tháng 11, đồng thời vận động để tiến tới việc "không nước nào mua dầu từ Tehran.” Thỏa thuận hạt nhân Iran đạc được dưới thời Tổng Thống Barack Obama, được xem là giải pháp để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng Thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào đầu tháng 8, vì cho rằng thỏa thuận có quá nhiều thiếu sót.

Bắc Hàn hối thúc thực hiện các thỏa thuận liên Triều
SEOUL - Truyền thông Bắc Hàn hôm thứ Tư đã nhắc lại lời kêu gọi Nam Hàn nhanh chóng thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa hai lãnh đạo, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đang rơi vào bế tắc. Tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Công Nhân cầm quyền, đã mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ vì áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, nói rằng hành động này đi ngược lại các nỗ lực cải thiện quan hệ và hợp nhất 2 miền Triều Tiên. Tờ Rodong Sinmun viết rằng, nhằm ủng hộ các hoạt động gần đây liên quan đến việc hòa giải và hợp nhất, hai miền Nam – Bắc Hàn nên tiếp tục thực hiện các thỏa thuận trong bản tuyên bố Panmunjom, và không nên để bị ảnh hưởng bởi thế lực nước ngoài.
Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã cùng đưa ra bản tuyên bố chung Panmunjom vào sau cuộc họp hồi tháng 4 năm nay. Trong bản tuyên bố, 2 bên đồng ý hợp tác tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đình chỉ các hoạt động thù địch chống lại nhau, và thúc đẩy các hoạt động trao đổi liên Triều. Tuy nhiên, Bắc Hàn trong thời gian gần đây đã tỏ ra tức giận vì việc hợp tác kinh tế giữa 2 miền diễn ra quá chậm. Trong khi đó, Nam Hàn lại khá ngần ngại do vẫn còn bị kềm chế bởi các lệnh trừng phạt đánh lên Bình Nhưỡng. Hoa Kỳ cương quyết duy trì các lệnh trừng phạt cho tới khi Bắc Hàn hoàn toàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Washington mới đây đã ban hành thêm một số lệnh trừng phạt nhắm vào các tàu Nga và công ty Nga vì có giao thương với Bắc Hàn.

Trung Quốc bác bỏ tin tức về kế hoạch đặt căn cứ quân sự ở Afghanistan
BẮC KINH – Chính quyền Trung Quốc vào ngày thứ Tư đã bác bỏ tin tức cho rằng nước này đang định xây dựng căn cứ quân sự tại Afghanistan, sau khi một tờ báo Hong Kong nói rằng Bắc Kinh đang xây một trại huấn luyện cho quân đội Afghanistan, và có thể cũng sẽ gởi binh sĩ đến cơ sở này. Tờ Tin sáng Hoa Nam dẫn một nguồn tin ẩn danh nói rằng, Bắc Kinh đang xây căn cứ tại khu vực Hành lang Wakhan, nối liền Afghanistan và Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Doanh, nói rằng mọi tin đồn về việc xây dựng hay huấn luyện quân sự đều là không có thật.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc được cho là tìm cách đặt cơ sở quân sự tại Afghanistan, dù nước này luôn không thừa nhận. Vào tháng 1, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin tương tự, vốn cho rằng nước này định xây căn cứ quân sự và đang cho xe tuần tra hoạt động ở Afghanistan. Trung Quốc lâu nay vẫn lo ngại sự bất ổn tại Afghanistan có thể tràn vào vùng Tân Cương, quê hương của cộng đồng người Hồi giáo Uighur và là nơi thường xuyên xảy ra xung đột bạo lực. Trong những năm gần đây, hàng trăm người đã thiệt mạng tại vùng viễn tây Trung Quốc, được cho là do các phiến quân Hồi giáo gây ra. Vào năm ngoái, Trung Quốc đã mở căn cứ nước ngoài đầu tiên tại đất nước Djibouti ở vùng Horn of Africa. Bắc Kinh không thừa nhận là đang có kế hoạch xây thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ có thêm cơ sở quân sự, và nhiều khả năng sẽ đặt tại Pakistan.

NATO lo ngại trước cuộc tập trận lớn nhất lịch sử của Nga
BRUSSELS - Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Ba cho biết, khoảng 300,000 binh sĩ, 1,000 máy bay quân sự các loại, hai hạm đội Hải quân và toàn bộ các đơn vị đổ bộ đường không, sẽ được huy động tham gia cuộc tập trận Vostok-2018, dự kiến diễn ra ngày 11 đến 15 tháng 9 tại Siberia và Viễn Đông. Trước sự kiện này, phát ngôn viên NATO Dylan White bình luận: "Vostok-2018 diễn ra ở phía đông dãy Ural nên Nga không bắt buộc phải thông báo cho phương Tây, và cũng không cần mời quan sát viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tới theo dõi. Cuộc tập trận này là hành động phô trương, thể hiện sự cứng rắn và tham vọng mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga.”
Đợt tập trận Vostok-2018 diễn ra vào thời điểm Nga phải chịu các lệnh cấm vận mới của Hoa Kỳ, liên quan tới cáo buộc nước này đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh hồi đầu năm. Quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây cũng đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến Tranh Lạnh. Theo giới quan sát, Vostok-2018 dường như là phản ứng của Moscow trước các cuộc tập trận lớn gần đây của NATO gần biên giới Nga. Hồi tháng 6, Ba Lan tổ chức đợt diễn tập Dragon 17 với sự góp mặt của 17,000 binh sĩ và 3,500 phương tiện quân sự đến từ 9 nước NATO cùng Gruzia và Ukraine.

Vỡ đập ở Myanmar, 100 ngôi làng ngập trong nước lũ
BAGO - Hơn 50,000 người ở 100 ngôi làng miền trung Myanmar hôm thứ Tư đã buộc phải di tản, sau khi một con đập ở đây bị vỡ do mưa lớn dài ngày. Nhà chức trách địa phương cho biết, đập Swar Chaung ở Bago, miền trung Myanmar, bị vỡ vào rạng thứ Tư, làm ngập khoảng 100 ngôi làng xung quanh và đường xa lộ chính trong khu vực. Ước tính có khoảng 54,000 người thuộc 12,000 gia đình đã phải di tản. Hiện chưa có báo cáo về số thương vong.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT