Mẹo Vặt

Thực phẩm hữu cơ: Có xứng đáng đồng tiền? Bài II

Tuesday, 02/02/2016 - 07:42:58

Còn về phân bón, nhà nông organic không dùng phân hóa học tổng hợp, mà chỉ dùng phân xanh (compost), phân chuồng (chất thải của các loài ăn cỏ như trâu, bò, lừa, ngựa, vịt, gà…), kể cả phân bắc (chất thải của con người).

VŨ HẰNG


Cứ như mẹ chúng ta ngày xưa, cầm giỏ đi chợ thì chỉ cần “nhìn mặt gửi … tiền.” Còn chúng ta bây giờ, chọn thực phẩm bằng cách “nhìn mặt mà bắt hình dong” như các cụ là lầm chết: Trông mặt chúng giống nhau, nhưng trong bụng có thể khác nhau rất nhiều. Người tinh ý bảo rằng cái bắp này là GMO, trái dưa chuột kia là Organic, còn đám cải ở đây là Conventional. Đó là sự phân loại tùy theo phương pháp nuôi trồng. “Thời trang” lúc này đang là Organic (thực phẩm hữu cơ): Mặc dầu đắt tiền hơn, người ta vẫn không “ke” vì cho rằng tiền nào của ấy, thực phẩm Organic tốt hơn nên đương nhiên nó phải đắt. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Hôm nay mình tiếp tục tìm hiểu tại sao lại có những ý kiến khác nhau nhé.

Thử xem có thấy gì khác biệt không?

An toàn hơn?

Trên hết, thực phẩm Organic được cho là tốt hơn, an toàn hơn vì không nhiễm các hóa chất độc hại từ thuốc trừ sâu diệt cỏ hoặc phân hóa học trong lúc nuôi trồng. Nhưng người khác cãi lại rằng, không dùng hóa chất tổng hợp nhân tạo thì thảo mộc phải tự mình chống lại sâu rầy và cỏ dại bằng các chất thiên nhiên xem ra cũng độc hại không kém.

Còn về phân bón, nhà nông organic không dùng phân hóa học tổng hợp, mà chỉ dùng phân xanh (compost), phân chuồng (chất thải của các loài ăn cỏ như trâu, bò, lừa, ngựa, vịt, gà…), kể cả phân bắc (chất thải của con người). Nhưng dùng các thứ phân này liệu có an toàn hơn không? Liệu thực phẩm hữu cơ có bị lây nhiễm E. Coli từ những nguồn phân này không?

Những người phê bình hỏi như vậy có lẽ để nêu lên khía cạnh rủi ro, chứ thực tế không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hữu cơ lại bị ô nhiễm hơn các loại thực phẩm khác cả. Nhà nông hữu cơ không thể dùng phân một cách bừa bãi, để có thể dán nhãn hiệu “organic” lên thực phẩm, họ phải theo những tiêu chuẩn rất khắt khe do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đặt ra khi phơi ủ phân xanh, phân chuồng, và nhất là phân bắc.

Tuy nhiên, về phần người tiêu thụ, chúng ta có thể rút được một bài học rất hay: Dù thực phẩm có là hữu cơ hay không, chúng ta cũng phải rửa thật sạch trước khi ăn. Nhất là khi ăn rau quả sống. Ở đây, các thầy cô muốn nhắc nhở một điều quan trọng: Phương pháp rửa an toàn là rửa trong luồng nước chảy, chứ không phải là rửa trong nước đã chế sẵn vào chậu hoặc vào bồn. Thậm chí, những thứ trái cây có vỏ cứng ăn không được như trái dưa hấu, trái chanh… cũng phải được rửa sạch trước khi gọt vỏ, bằng không con dao sẽ bị nhiễm trùng khi cắt qua lớp vỏ bẩn rồi lây lan vào bên trong.

Bổ dưỡng hơn?

Nhà sản xuất nông phẩm hữu cơ thường cho rằng sản phẩm của mình bổ dưỡng hơn, vì có nhiều vitamin C, nhiều chất antioxidants chống già, chống bệnh tim mạch và chống … cả ung thư.
Theo các nhà khoa học thì chưa đủ bằng chứng khách quan để xác nhận điều ấy. Nhưng các thầy cô khuyên khi dùng nông phẩm như rau trái hoa quả, dù là organic hay không, hãy dùng lúc chúng còn tươi; để lâu ngày thì có cất kỹ trong tủ lạnh chăng nữa những lợi ích ấy cũng sẽ tự biến mất theo thời gian.

Có xứng đồng tiền?

Mặc dầu những cuộc nghiên cứu chưa đưa ra kết luận, nhưng thực tế là nông phẩm hữu cơ vẫn cứ đắt hơn nông phẩm thường. Dù nông phẩm hữu cơ có an toàn hơn, bổ dưỡng hơn hay không, ý kiến chung của các thầy cô là nên chọn organic, nếu điều kiện tiền bạc cho phép. Bởi vì, nếu nhìn rộng rãi hơn, cách nuôi trồng hữu cơ có ích cho sức khỏe môi trường và sự lành mạnh của xã hội hơn.

Cô Katherine DiMatteo, giám đốc của Hiệp Hội Nuôi Trồng Hữu Cơ, giải thích, “Hóa chất tổng hợp trong thuốc diệt rầy diệt cỏ tích lũy trong đất, trong các mạch nước ngầm, rồi tích lũy trong cơ thể chúng ta về lâu về dài. Hạn chế sử dụng những hóa chất này được phần nào là giảm ô nhiễm môi sinh được phần ấy.”
Nhưng nếu chưa có đủ điều kiện để hoàn toàn ăn uống organic, chúng ta nên theo lời khuyên của thầy Carl Winter, giám đốc chương trình FoodSafe tại trường Đại Học University of California, Davis, “Nên ăn nhiều rau quả và hạt ngũ cốc, và ăn được càng nhiều thứ khác nhau càng tốt, dù chúng có là organic hay không.”
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT