Tiêu Thụ

Tiền lương của người làm từ thiện là bao nhiêu?

Saturday, 03/02/2018 - 12:30:32

Những con số hậu kết này nếu được công bố chắc chắn sẽ làm chúng ta tròn mắt ngạc nhiên. Vậy hậu kết là gì? Đó là những số tiền thưởng lên tới cả triệu đô mà tổ chức có thể cấp cho thành viên trong ban điều hành của mình, nhiều năm sau khi được tuyển dụng.

Bài ERIC TRẦN

Làm từ thiện là thực thi việc bác ái vô vụ lợi, ai trong chúng ta cũng nghĩ thế. Không thể phủ nhận có những con người hy sinh, hoàn toàn vô vụ lợi trong các công tác cộng đồng, các công trình tôn giáo... Phúc đức thay cho xã hội, con số này thực tế không nhỏ. Sự hiện diện của họ, thường rất âm thầm nhưng mang lại nhiều phúc lành cho nhân loại.

Tuy nhiên, nếu hoàn toàn vô vụ lợi, họ chỉ có thể làm việc từ thiện part-time, hoặc trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi nào đó, chứ không thể liên lỉ “ăn cơm nhà vác ngà voi” mãi được. Trong khi đó, xã hội cũng cần những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, vốn hoạt động khá rộng rãi và qui mô tại hoa kỳ. Những tổ chức này đương nhiên phải tuyển dụng những người làm việc full-time, và trả lương cho họ, không phải chỉ bằng một con số tượng trưng, nhưng là con số xứng đáng với sự chuyên nghiệp, khả năng và thời giờ họ cống hiến.

Bên cạnh những người làm từ thiện nhận lương chuyên nghiệp lại cũng có người chỉ “theo đóm ăn tàn,” mượn danh làm từ thiện để lo cho cái túi tiền của mình trước. Thành phần này, rất tiếc, dù không phải là ít, nhưng họ không phải là đối tượng mà chúng tôi muốn nói tới hôm nay. Bài viết dưới đây là một nỗ lực tìm hiểu về những người làm việc chuyên nghiệp, điều hành các tổ chức từ thiện thành danh, hợp pháp với ngân quĩ hoạt động lên tới nhiều triệu đô la mỗi năm.


Giới tiêu thụ Hoa Kỳ, mặc dầu có lòng hảo tâm, nhưng không dễ “dụ khị.” Họ thường bỏ giờ ra để xăm xoi công việc của các tổ chức từ thiện trước khi mở hầu bao.

Giới tiêu thụ tại hoa kỳ, tuy quảng đại đóng góp cho những công cuộc bác ái nhưng cũng không phải là những người dễ... dụ khị. Họ tương đối khôn ngoan mỗi khi mở hầu bao. Thông thường, người ta sẽ xem tờ báo cáo tài chánh hằng năm, rồi xếp hạng của những tổ chức watchdogs (chuyên theo dõi, đánh giá thành quả của những tổ chức từ thiện).


Một trong những chi tiết đáng để ý là “lương bổng của những thành viên điều hành tổ chức bác ái là bao nhiêu?”

Không thiếu người “xăm xoi” lương bổng của ban điều hành, xem làm việc bác ái như họ thì lãnh được bao nhiêu tiền một tháng. Chi tiết về lương bổng của thành phần này không phải là bí mật, mà được phổ biến công khai trên nhiều trang mạng internet. Tuy nhiên, theo điều tra của charitywatch, một tổ chức watchdog, thì những con số được niêm yết công khai ấy không phản ánh đúng sự thật: những số lương khá thấp thường dễ thuyết phục công chúng tin rằng tổ chức làm việc khá hiệu quả. Thực ra, những con số ấy mới chỉ là “một nửa câu chuyện.” Để xác định uy tín một tổ chức từ thiện, nhà mạnh thường quân phải tìm tòi nhiều hơn, xa hơn là những số lương bề mặt ấy.

Những số lương hậu-kết (delayed payment) đáng kinh ngạc!

Những con số hậu kết này nếu được công bố chắc chắn sẽ làm chúng ta tròn mắt ngạc nhiên. Vậy hậu kết là gì? Đó là những số tiền thưởng lên tới cả triệu đô mà tổ chức có thể cấp cho thành viên trong ban điều hành của mình, nhiều năm sau khi được tuyển dụng.

Trong khi các tổ chức từ thiện buộc phải khai trình tiền lương trả cho nhân viên, kể cả tiền hưu, dù chưa được lãnh, nhưng còn một loại tiền gọi là “hậu kết” (delayed payment) thì sở thuế Hoa Kỳ lại miễn, không buộc tổ chức từ thiện khai báo. Trong những trường hợp như vậy, người đóng góp dù khôn ngoan cách mấy, nếu chỉ dựa vào số lương ít ỏi mà “ông tổng giám đốc” hiện nay nhận được, cũng sẽ lầm to. Nói vậy hơi khó hiểu, charity watch đưa ra một vài trường hợp cụ thể:

Tiger missing link foundation, cũng được biết dưới tên tiger creek wildlife refuge, là một tổ chức từ thiện chuyên lo bảo vệ cọp và các loại thú quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Mới đây, tổ chức này đã chấp thuận trả cho ông Brian Werner, hiện giữ chức tổng giám đốc (ceo/executive director), sáng lập viên, một số tiền lương cho “công tác thực hiện từ những năm 1995 tới 2013,” cộng với tiền lãi do số lương hậu kết ấy sinh ra.

Điều khó hiểu đối với người quan sát là số lương này, mặc dầu được chi trả cho công việc làm trong nhiều năm quá khứ, lại chỉ được công bố trong báo cáo tài chánh năm 2015. Chưa nói tới số lương chính thức ($130,000 một năm), riêng tiền lãi, tính trên 7.5% lãi suất, đã lên tới $1,670,324.18 (hơn 1 triệu rưỡi đô la). Tiền lãi này tiếp tục phát sinh cho tới ngày số lương chính thức được chi trả trọn vẹn. Chỉ riêng số tiền lãi này cũng khiến những người có tấm lòng mạnh thường quân... chùn tay. Nhưng cũng may, con số này không hề được công bố cho mãi tới năm 2015 vừa qua.
Những trường hợp như trên không thiếu, charitywatcho còn có thể cho chúng ta thêm nhiều thí dụ khác. Hẹn gặp lại các bạn trong bài lần sau.
Erictran216@yahoo.com




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT