Người Việt Khắp Nơi

Tony Trương sắp đua thuyền vòng quanh thế giới, để vinh danh thuyền nhân Việt Nam

Friday, 28/08/2015 - 12:08:31

Điều quan trọng hơn nữa, anh lo lắng về việc không có mặt ở nhà để mừng sinh nhật lần thứ năm của con gái tên Kloe trong tháng Mười sắp tới.

Tony Trương trong một bức hình được cung cấp cho hãng thông tấn Canada Press.


LUÂN ĐÔN – Một thanh niên Gia Nã Đại gốc Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc hành trình rất cam go. Thế nhưng chuyện lướt buồm trên đại dương bao la không thật sự khó so với những gì mà anh phải đối phó trên đất liền trước khi ra khơi. Anh phải bỏ việc làm khá lương, bị người thân trách móc rằng tại sao anh lại dại quá như vậy. Anh muốn căng buồm để lướt sóng trong một cuộc đua với hàng trăm tay đua tài tử khác trên khắp thế giới, chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn và để vinh danh các thuyền nhân từng rời bỏ quê hương để tìm tự do, dù biết rằng họ có thể chết chìm dưới đại dương như số phận tàn bạo của cả hàng chục ngàn người Việt Nam sau năm 1975.
Thanh niên này là anh Tony Trương, 35 tuổi. Theo nhật báo Winnipeg Free Press số ra ngày thứ Tư, 26 tháng Tám, 2015 vừa qua, Tony sẽ là một trong 13 thủy thủ thuyền buồm thuộc hạng “amateur” của Canada tham dự cuộc đua quốc tế Clippers Round the World (Thuyền Buồm Lướt Sóng Vòng Quanh Thế Giới). Cuộc đua khởi hành tại thủ đô Luân Đôn tại Anh quốc vào ngày Chủ Nhật sắp tới.
Tony Trương là một chuyên gia sinh hóa tại Montreal. Anh nói với nhật báo rằng anh chấp nhận thử thách lái thuyền buồm vòng quanh địa cầu nhằm vinh danh những thuyền nhân mà trong đó có cả các thân nhân của anh, như các chú, các bác, dì cô, từng phải vượt biển trong hai thập niên 1970 và 1980 sau khi miền Nam Việt Nam bị cộng sản xâm chiếm.
Tony nói với nhật báo từ Montreal trong tuần qua về các thuyền nhân, “Họ đã không biết sự rủi ro sẽ như thế nào ngoài biển khơi, nhưng họ vẫn có đủ can đảm để ra khơi và đối phó trước thử thách lớn này. Nhờ họ đã vượt biển như vậy mà tôi mới được sống trong tự do như bây giờ.”
Tony nói tiếp, “Tôi chỉ muốn sống lại sự thử thách mà họ đã trải qua, và đây cũng là một cách đẹp nhất để bày tỏ lòng biết ơn trước tất cả sự hy sinh mà họ đã làm.”
Cuộc đua sẽ kéo dài 11 tháng với tổng cộng tám chặng đua. Có 12 đội tham dự. Mỗi đội gồm những tay đua tài tử này sẽ có một tay đua chuyên nghiệp giữ vai trò thuyền trưởng. Bản tin cho biết cuộc đua thuyền buồm này đã có gần 700 người từ 44 quốc gia tham dự.
Trong cuộc đua năm ngoái, tay đua thuyền buồm chuyên nghiệp Eric Holden từ Vancouver, Canada đã hướng dẫn đội của anh giành được chiến thắng. Và sau đó Eric được trao giải Thủy Thủ Canada Xuất Sắc Nhất Trong Năm.
Tony Trương nói rằng hành trình của Eric Holden đã đóng góp một phần cho quyết định tham dự của anh.
Trong lúc đi tìm một sở thích mới trong mùa hè, Tony Trương và bạn gái đã có ý định chơi thuyền buồm tại Montreal. Với nguồn gốc chào đời tại miền cao nguyên Đà Lạt, anh hầu như không có một chút kinh nghiệm gì trên biển cả, cũng không biết bơi. Thế nhưng khi tìm hiểu về thuyền buồm và tình cờ được biết câu chuyện của Eric Holden, anh Tony bỗng rất chú ý và rồi mê thích được phiêu lưu trên đại dương.
Cũng trong thời gian này, anh được một chương trình tài liệu trên đài phát thanh nói về những chuyến vượt biển đầy gian nan thập tử nhất sinh của người tị nạn Việt Nam, và thế là “mọi thứ bỗng ăn khớp với nhau,” anh tìm ra một mục đích cá nhân cho chuyến phiêu lưu bằng thuyền buồm.
Tony cho biết anh đến Canada vào ngày 23 tháng 11, 1993. Khi nghe ý định của Tony, các thân nhân cũng như những người trong cộng đồng đã có những ý kiến khác nhau.
“Người đầu tiên mà tôi nói là mẹ tôi, và bà ấy đã la tôi, Con có điên không vậy? Con có việc làm, con có nhà, có một đứa con, vậy tại sao lại liều mạng như vậy? Hồi trước người tị nạn Việt Nam phải vượt biển vì họ không có một lựa chọn nào khác. Còn bây giờ thì con có quyền lựa chọn. Vậy tại sao con lại chọn như vậy?” Tony Trương kể lại với nhật báo. “Một trong những người chú của tôi, và cũng là một thuyền nhân, cũng không ủng hộ tôi chút nào. Chú ấy nói, Sao cháu lại muốn làm như thế với mạng sống của mình?”
Trong những ngày trước khi bắt đầu chuyến phiêu lưu, Tony Trương đã gặp thêm những khó khăn trên đất liền. Anh không thể xin sở làm cho anh nghỉ không ăn lương, và rồi sở ép buộc anh phải nghỉ việc. Rồi anh còn phải xin ngân hàng tái tài trợ cho món nợ nhà, gánh thêm một món nợ và xin tiền hỗ trợ qua một website.
Điều quan trọng hơn nữa, anh lo lắng về việc không có mặt ở nhà để mừng sinh nhật lần thứ năm của con gái tên Kloe trong tháng Mười sắp tới.
“Tôi thật không ngờ sự việc lại khó khăn đến như vậy,” Tony Trương tâm sự. “Tôi muốn con gái nghĩ rằng tôi là một người cha rất cừ khôi, một người lướt buồm vòng quanh thế giới, thế nhưng tôi cũng không muốn con nghĩ rằng tôi là một người cha vô trách nhiệm, không dành thời giờ cho con.”
Tuy vậy, Tony cảm thấy sự việc mình được chọn sự rủi ro là điều rất đáng ca ngợi.
“Lý do mà tôi có sự lựa chọn ngày nay là nhờ sự hy sinh của các thuyền nhân lúc trước,” anh nói. “Tôi được tự do để chọn, được quyền làm điều mình muốn, trong khi họ đã không có sự tự do như vậy. Đó là lý do tại sao tôi muốn thực hiện chuyến đi này, để chứng tỏ cho họ thấy rằng những gì họ từng làm đã cho chúng ta được tự do ngày hôm nay.”
Thật sự thì cuộc đua Clippers Round the World sẽ an toàn hơn rất nhiều so với những chuyến vượt biển của người Việt Nam trên những chiếc thuyền mong manh. Tuy nhiên, cuộc đua cũng có những thử thách riêng của nó. Chẳng hạn như giông tố và sóng lớn có thể nhận chìm chiếc tàu của Tony Trương và các đồng đội. Họ phải đối phó sự mệt mỏi và thời gian căng buồm rất dài và đầy gian nan.
Tất cả những người tham dự đều phải tập luyện trước đi đến Luân Đôn. Anh Tony đã đến Anh quốc để học hỏi và thực tập bốn lần trong vòng một năm qua. Người chỉ huy đội của anh là bà Diane Reid, 42 tuổi, từ Toronto. Bà là phụ nữ Canada đầu tiên được giữ vai trò thuyền trưởng cho một đội tham dự Clippers Round the World. bà nói rằng khó khăn lớn nhất chính là tinh thần chiến đấu của một thủy thủ. Nữ thuyền trưởng nói rằng hầu hết các tay lướt thuyền buồm tài tử đều chưa từng ra khơi dài hơn một tuần. Vì vậy công việc quan trọng nhất của bà là làm sao hướng dẫn được toàn đội, thúc đẩy tinh thần họ được bền vững trong một thời gian khá dài.
Một trong những chặng khó khăn nhất là chặng thứ sáu, bắt đầu từ Thanh Đảo ở Trung Quốc vượt qua bắc Thái Bình Dương để đến Seattle, Bắc Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT