Người Việt Khắp Nơi

Tro cốt của nữ tử tù Việt Nam được chôn ở Semarang

Tuesday, 20/01/2015 - 08:24:49

Jumadi, một viên chức hỏa táng khác, cho biết tằng một số cảnh sát viên và các giới chức Kejati đã hộ tống một đoàn đưa thi hài của A Sien từ Boyolali đến đây. Ông nói thêm rằng các giới chức tiểu bang đã lấy đi một chiếc bình sứ đựng tro của nữ tù nhân này.

Trần Thị Bích Hạnh trong nhà giam. (Solopos)

JAKARTA - Tử tù Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, đã bị xử bắn vào sáng Chủ Nhật vừa qua, tại Boyolali ở miền trung Java, Nam Dương. Nắm tro tàn của cô được chôn cất bên cạnh ngôi mộ của vị thầy tinh thần của cô, trong khu nghĩa trang Kedungmundu ở Semarang, cũng ở miền trung Java.
“Đó là theo lời yêu cầu cuối cùng của cô, xin chôn cất tro của cô ở bên cạnh ngôi mộ của một vị linh mục, là người đã trở thành vị thầy tinh thần của cô,” Eko Suwarni, phát ngôn viên của Văn Phòng Công Tố Miền Trung Java (Kejati) cho biết như vậy, ở Semarang vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Một, 2015.
Sau khi bị xử bắn, thi thể của A Sien (tên mà cô được gọi ở trong tù và tại Indonesia), tức Trần Thị Bích Hạnh, đã được đưa đến lò thiêu Kedungmundu, lúc 4 giờ 36 giờ địa phương vào hôm Chủ Nhật.
Viên chức hỏa táng Karyono nói rằng A Sien được thiêu xác trong khoảng hai giờ đồng hồ, kể là khá nhanh.
Ông nói, “Việc hỏa táng đã được hoàn tất vào lúc 7 giờ sáng.”
Jumadi, một viên chức hỏa táng khác, cho biết tằng một số cảnh sát viên và các giới chức Kejati đã hộ tống một đoàn đưa thi hài của A Sien từ Boyolali đến đây. Ông nói thêm rằng các giới chức tiểu bang đã lấy đi một chiếc bình sứ đựng tro của nữ tù nhân này.
Theo ông Eko cho biết, tiến trình hỏa táng là phù hợp với các quy định và thủ tục hiện hành. Ông cũng nói rằng nhà chức trách Indonesia đã cung cấp đầy đủ thông tin cho gia đình của A Sien, từ lúc hành quyết cho đến khi hỏa thiêu.
Ông Eko nói, “Chúng tôi đã chuyển tin tức thông qua Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Jakarta.”
Vào hôm Chủ Nhật, chính phủ Indonesia cũng hành quyết năm tử tù khác bị kết tội buôn bán ma túy.
Sáu tử tù gồm năm người ngoại quốc và một người Nam Dương. Ngoài Hạnh, phụ nữ còn lại trong nhóm là một công dân Nam Dương. Họ bị kết tội buôn lậu ma túy trong những vụ án khác nhau từ năm 2000 đến 2011.
Chính phủ Indonesia đã cương quyết thực hiện án tử hình mặc dù có sự lên tiếng can thiệp của hai quốc gia.
Nữ Tổng Thống Dilma Rousseff của Brazil đã kêu gọi tha mạng cho cựu phi công Marco Moreira. Sau khi án tử hình được thi hành, chính phủ và người dân Brazil đã bày tỏ sự phẫn nộ. Họ muốn trừng phạt Indonesia bằng một biện pháp nào đó.
Chính phủ Hòa Lan đã kêu gọi tha mạng cho ông Ang Kiem Soei.
Trong khi đó phía cộng sản Việt Nam không những không lên tiếng can thiệp để cứu Trần Thị Bích Hạnh mà còn nói là cô ta phạm tội và cần được xét xử theo luật của Indonesia. Hai tù nhân khác là công dân Nigeria và Malawi.
Năm tù nhân bị xử bắn tại một nhà tù nằm trên đảo Nusakambangan. Riêng Trần Thị Bích Hạnh, cô bị xử bắn tại Boyolali. Cả hai địa điểm đều nằm ở Java. Tổng Thống Joko Widodo của Indonesia đã bác đơn xin ân xá của các tử tù vào tháng 12 năm ngoái.
Bích Hạnh bị kết án tử hình ngày 22 tháng 11, 2011 tại tòa án huyện Boyolali, gần thủ đô Jakarta. Tử tù này đã mang ma túy 9 lần vào Indonesia.
Bị bắt trong lần mang thứ 9 tại sân bay Adi Soemarmo, Bích Hạnh mang trong người 1.1 kg ma túy hóa chất methamphetamine, trị giá khoảng $175,000 Mỹ kim.
Một thầy giáo tên là Shinta Ardhan chuyên dạy trong nhà tù, đã nói với báo chí Úc rằng Bích Hạnh là một học trò rất thông minh. Ông cho biết cô đã nhận tội và nhận trách nhiệm, không đổ thừa cho người khác.
Indonesia áp dụng án tử hình bằng hình thức xử bắn đối với tội phạm ma túy. Tuy nhiên, nước này đã tạm ngưng thi hành án tử trong 5 năm, bắt đầu từ 2008 và tái tục năm 2013.
Tổng thống Joko Widodo nhậm chức tháng 10, 2014 và tuyên bố không khoan dung đối với các tội phạm ma túy bị kết án tử, bất chấp chỉ trích của báo chí và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Danh sách sáu người bị xử bắn hôm Chủ Nhật gồm Bích Hạnh, 37 tuổi, công dân Việt Nam, bị kết án năm 2011; Ang Kiem Soei, 62 tuổi, công dân Hòa Lan, bị kết án năm 2003; Marco Archer Cardoso Moreira, 53 tuổi, công dân Brazil, bị kết án năm 2004; Namaona Denis, 40 tuổi, công dân Malawi, bị kết án năm 2001; Daneil Enemuo, 38 tuổi, công dân Nigeria, bị kết án năm 2004; Rani Andriani, 38 tuổi, công dân Indonesia, bị kết án năm 2000.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT