Hoa Kỳ

Trump dọa đánh thuế hàng Mễ, giới tiêu thụ và công nhân Mỹ có thể bị ảnh hưởng

Thursday, 26/01/2017 - 10:31:54

Peter Navarro, người đứng đầu Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia Tòa Bạch Ốc, nói rằng trong cuộc vận động thứ thuế ấy sẽ không gây tổn hại cho công ăn việc làm của Hoa Kỳ.

Đề tài thời sự nóng nhất trong ngày thứ Năm vừa qua là cuộc chiến ngoại giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Mexico City, hay đúng ra là cuộc gây hấn của Tổng Thống Donald Trump đối với Tổng Thống Enrique Pena Nieto và người Mễ Tây Cơ.

 

Tổng Thống Donald Trump đang bắt tay với Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, trong lúc Phó Tổng Thống Mike Pence đứng giữa, tại tiệc ăn trưa của Đảng Cộng Hòa ở Philadelphia ngày thứ Năm (Bill Clark-Pool/ Getty Images)


Sau khi đưa ra chỉ thị tiến hành dự án xây tường dọc theo biên giới để ngăn chặn di dân từ các nước Châu Mỹ La Tinh, vào ngày thứ Năm ông Trump tăng thêm cường độ cho cuộc chiến với nước láng giềng phương nam khi đưa ra ý kiến đánh thuế 20% trên các món hàng nhập cảng vào Mỹ từ Mễ Tây Cơ. Ông Trump nói rằng tiền thuế này sẽ dùng để xây tường chặn người Mễ.

Ý kiến đánh thuế này cộng với dự án xây tường đã khiến Tổng Thống Enrique Pena Nieto tuyên bố hủy bỏ chuyến công du thăm Hoa Thịnh Đốn trong tuần sau. Theo thói quen, ông Trump không chịu là người bị kẻ khác hủy bỏ cuộc gặp với mình, vài giờ sau khi ông Nieto tuyên bố bỏ chuyến thăm theo truyền thống, ông Trump nói rằng đôi bên đã đồng ý bỏ cuộc gặp gỡ.


Một trong hàng ngàn người biểu tình chống ông Donald Trump bên ngoài tiệc ăn trưa của Đảng Cộng Hòa tại Philadelphia ngày thứ Năm. (Timothy A. Clary/ Getty Images)


Theo truyền thống trước đây, mỗi khi Hoa Kỳ có tân tổng thống, vị lãnh đạo ở Mễ Tây Cơ luôn là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Tòa Bạch Ốc để tạo mối quan hệ tốt với chính phủ mới. Lần này thì truyền thống sống hòa bình với nước láng giềng gần như không còn.

Về việc tăng thuế 20 phần trăm trên các sản phẩm từ Mễ Tây Cơ, các chuyên gia nói rằng không chừng chính giới tiêu thụ Mỹ mới là nạn nhân, vì nhiều món ăn snack, bia và xe hơi được sản xuất ở Mễ Tây Cơ và nhập cảng vào Mỹ. Nếu có tăng thuế, người Mỹ sẽ phải trả tiền cao hơn cho các món hàng.
Mặt khác, hiềm khích gây ra bởi chính phủ Trump cũng sẽ ảnh hưởng đến giới lao động tại Mỹ, vì hàng của họ có thể bị giảm xuất cảng qua Mễ Tây Cơ.

Hôm thứ Năm Tổng Thống Trump viết trên Twitter rằng Mỹ đang thua Mễ Tây Cơ về thương mại.
Ông Trump nói, “Đó là một thỏa thuận một chiều từ lúc khởi đầu của NAFTA, với số lượng rất lớn công ăn việc làm và các công ty bị mất đi.” Ông nhắc đến hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, và Mễ Tây Cơ.

Nhưng thương mại không phải chỉ là một con đường hai chiều, mà còn nhiều hơn nữa.
Các chuyên gia muốn nêu ra một sự kiện quan trọng: Trong một sản phẩm điển hình của Mễ Tây Cơ, 40% của các bộ phận đều bắt nguồn ở Hoa Kỳ, theo Bộ Thương Mại cho biết.

Điều đó chạm vào cốt lõi của vấn đề thương mại tự do hoạt động tại Bắc Mỹ Châu và chuyển qua các chuỗi cung ứng như thế nào. Một số sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, những sản phẩm khác ở Canada, và những sản phẩm khác ở Mexico. Việc lắp ráp sản phẩm cũng diễn ra vượt qua biên giới.
Chẳng hạn, trước khi một chiếc xe hơi được đưa tới một đại lý địa phương, các bộ phận của xe đã vượt qua cả biên giới phía nam và phía bắc nhiều lần.

Tất cả hiện tượng tròng chéo ấy là một lý do chính yếu giải thích tại sao 6 triệu việc làm của Mỹ tùy thuộc vào thương mại chỉ với Mễ Tây Cơ, theo Phòng Thương Mại Hoa Kỳ cho biết.

Ông Trump dọa đánh một “thuế biên giới lớn” trên những công ty nào sản xuất ở Mễ Tây Cơ và bán sản phẩm tại Hoa Kỳ. Ông Trump nói rằng mức thuế ấy có thể cao từ 20% tới 35%, đánh trên các sản phẩm của Mễ Tây Cơ.

Các chuyên gia thương mại nhấn mạnh rằng thuế đánh trên các sản phẩm Mễ Tây Cơ sẽ gây tổn hại cho các việc làm tại Hoa Kỳ, chính xác là vì con số 40% ấy. Những mức thuế ấy có nguy cơ làm gián đoạn dòng chảy tự do của hàng hóa giữa ba quốc gia Bắc Mỹ Châu. Điều đó có thể gây tổ hại cho các việc làm ở cả ba nước.

Peter Navarro, người đứng đầu Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia Tòa Bạch Ốc, nói rằng trong cuộc vận động thứ thuế ấy sẽ không gây tổn hại cho công ăn việc làm của Hoa Kỳ.

Trong cuộc vận động, ông Navarro nói đài CNNMoney, “Mức thuế ấy không phải là hồi kết thúc một trò chơi. Đó là một chiến lược, một chiến lược thương lượng lại về các thỏa thuận thương mại. Những mức thuế ấy sẽ không gây nguy cơ cho công ăn việc làm tại Hoa Kỳ.”

Navarro và các cố vấn khác của ông Trump đang tổ chức ngày thứ hai của họ trong các cuộc đàm phán với ông Ildefonso Guajardo, bộ trưởng kinh tế Mexico, và ông Luis Videgaray, bộ trưởng ngoại giao. Theo dự trù, ông Trump vẫn sẽ gặp Tổng Thống Enrique Pena Nieto trong tuần tới. NAFTA và bức tường biên giới nằm ở hàng đầu của chương trình nghị sự.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT