Thế Giới

Trung Cộng chính thức khai trương Ngân Hàng AIIB, đối đầu Mỹ-Nhật

Monday, 29/06/2015 - 10:58:23

Tuy nhiên một khó khăn mới cũng nảy sinh là việc điều hành ngân hàng cần khả năng hợp tác và tuân thủ các quy chuẩn quốc tế từ phía Bắc Kinh.

Chủ Tịch Tập Cận Bình chụp hình chung với các đại diện của hơn 50 quốc gia trong buổi lễ khai trương ngân hàng AIIB ngày thứ Hai. (Getty Images)


BẮC KINH – Các đại diện của hơn 50 quốc gia đã chính thức ký thỏa thuận thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Á Châu, được gọi tắt là AIIB (Asia Infrastructure Investment Bank), tại Bắc Kinh ngày thứ Hai. Trung Quốc đóng góp 30% trên tổng số $100 tỷ Mỹ kim vốn ban đầu, kiểm soát 26% quyền bỏ phiếu. Trên nguyên tắc AIIB bắt đầu hoạt động kể từ tháng 12 năm 2015. Trụ sở của AIIB được đặt tại thủ đô Bắc Kinh.
Trong buổi lễ chính thức thành lập ngân hàng, Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố, “Sáng kiến do Bắc Kinh đề xướng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Á Châu và đẩy mạnh hợp tác khu vực.” Hiện đã có 50 quốc gia hưởng ứng đề nghị của Trung Quốc. Bảy nước khác, gồm Đan Mạch, Ba Lan, Nam Phi, Kuwai, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Thái Lan sẽ tham gia từ nay đến cuối năm.
Hai cường quốc kinh tế Hoa Kỳ và Nhật Bản đều không tham dự vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á. Hoa Thịnh Đốn và Đông Kinh xem AIIB là đối thủ trực tiếp của Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu. Mỹ-Nhật lo ngại định chế tài chính đa quốc gia này trở thành công cụ để phục vụ cho những quyền lợi kinh tế của Bắc Kinh.
Thế nhưng, nhiều đồng minh của Hoa Kỳ và Nhật Bản như Anh, Pháp, Úc, Nam Hàn, đều có tên trong danh sách 50 quốc gia thành viên của AIIB
Tuy nhiên một khó khăn mới cũng nảy sinh là việc điều hành ngân hàng cần khả năng hợp tác và tuân thủ các quy chuẩn quốc tế từ phía Bắc Kinh.
Hôm thứ Hai, các đại diện từ 57 quốc gia tụ họp tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh để ký kết các điều khoản thành lập AIIB từng được đề nghị vào năm 2014.
Mặc dù một số nước Đồng minh của Mỹ cũng ký kết hợp tác với AIIB, Trung Quốc cũng bị Mỹ phản đối mạnh mẽ ngay từ đầu, với quan ngại ngân hàng mới sẽ làm giảm các chuẩn mực về môi trường, xã hội và chống tham nhũng.
Khi đưa AIIB vào hoạt động, Trung Quốc phải đối phó với nhiệm vụ dẫn dắt một tổ chức đa phương phức tạp với nhiều lợi ích quốc gia khác nhau dưới cùng một chuẩn mực quốc tế, một nhiệm vụ vô cùng nặng nề đối với một nước vốn quen đứng một bên để chỉ trích trật tự thế giới đương đại.
Bắc Kinh có quyền phủ định rất công hiệu trong phần lớn các quyết định của ngân hàng này với hơn 25% lượng đầu phiếu, dẫn đến nhiều quan tâm về phương thức vận hành sắp tới của tổ chức này.
Li Xi, một chuyên gia tại Đại Học Khoa Học Công Nghệ Hồng Kông, cho biết Trung Quốc thường dùng cách đe dọa hoặc dùng tiền để giải quyết các thách thức về lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, để vận hành một thể chế đa phương như AIIB thì Trung Quốc cần phải có cách tiếp cận một cách tinh tế hơn.
Theo ông, “Nếu không cẩn thận, Trung Quốc sẽ không nhận ra được nước này cần nhiều hơn tiền hay quyền để AIIB vận hành trơn tru.”
Tuy vậy, giám đốc lâm thời của AIIB, Jin Liqun, cũng là cựu thứ trưởng tài chính của Trung Quốc và có thể sẽ là chủ tịch đầu tiên của ngân hàng này, nhận được nhiều đánh giá cao về khả năng thích ứng của ông trong vấn đề điều hành AIIB.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT