Tiêu Thụ

Trương mục ngân hàng có phải là nơi giữ tiền an toàn không?

Friday, 17/06/2011 - 07:49:26

Cái từ ngữ to lớn ấy bây giờ chẳng dính dáng gì với sự giầu có, thực ra nó chỉ có nghĩa là “tôi có một trương mục tại nhà ...

Eric Trần

Sống trong thế kỷ 21 trên đất Mỹ, chẳng mấy ai không biết tới sự ích lợi của ngân hàng. Không kể những nhà kinh doanh lớn, một người dân bình thường đi làm với mức lương tối thiểu cũng có thể “mở nhà băng”.


Cái từ ngữ to lớn ấy bây giờ chẳng dính dáng gì với sự giầu có, thực ra nó chỉ có nghĩa là “tôi có một trương mục tại nhà băng”. Trương mục ấy có thể có tới bạc tỉ, vài tỉ, hoặc chỉ có… 1 Mỹ kim! Dù bao nhiêu chăng nữa, mọi trương mục đều được hưởng sự bảo vệ ngang nhau. Nhưng tại sao tôi lại nên mở một trương mục ngân hàng để đưa đồng tiền làm ăn khó nhọc của mình gửi cho những người lạ mặt giữ giùm? Hơn nữa, lại có tin hệ thống nhà băng lớn nhất thế giới là Citibank từng bị kẻ gian đột nhập… thì tôi có nên đặt niềm tin vào nhà băng nữa không? Hay tốt nhất, “đồng tiền giữ liền khúc ruột” như lời khuyên dạy của tổ tiên trước đây là an toàn nhất?

* Ích lợi của trương mục ngân hàng
Đối với người làm ăn thì chẳng nói làm chi: Họ cần ngân hàng giữ giúp những khoản tiền lớn để làm ăn buôn bán. Nhưng đối với người bình dân, ít tiền và ít bon chen giành giật… thì ngân hàng vẫn cần thiết và hữu dụng không kém. Chúng ta cần có một trương mục ngân hàng để “cash” nhiều thứ ngân phiếu nhận được trong tháng, như ngân phiếu tiền lương, ngân phiếu tiền Welfare, ngân phiếu an sinh xã hội…. Chúng ta cần nó để ký check trả nợ tiền nhà (Mortgage), tiền thuê nhà, tiền điện, tiền gas, tiền nước, tiền rác….
Là một nhà kinh doanh lớn, bạn lại càng cần đến ngân hàng nhiều hơn. Trước tiên, nó là nơi giữ tiền cho bạn, giải thoát bạn khỏi những nỗi băn khoăn ngày đêm về trộm đạo. Sau nữa, khi mua hàng, bạn chẳng cần phải mang đi những túi tiền lớn để thanh toán mà chỉ cần ký một miếng giấy nhỏ trao cho người bán để làm tin. Bù lại, bạn cũng phải nhận một mảnh giấy nhỏ sau khi đã bán cho người bên kia một món đồ có thể là rất quí giá. Những tấm giấy này chính là các tờ ngân phiếu (check) trên đó có ghi số tiền, ghi bao nhiêu thì tấm giấy có giá trị bấy nhiêu.
Dù ở hạng bậc nào, chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi làm sao mình có thể sống được trong xã hội ngày nay nếu không có một trương mục tại một nhà băng nào đó.
Thêm nữa, với cuộc cách mạng thông tin, với sự phổ cập của kỹ thuật Internet, sự hữu dụng của ngân hàng bây giờ lại tăng lên gấp bội. Chỉ cần một màn ảnh vi tính kết nối với xa lộ thông tin (information highway), chúng ta có thể mua bán, giao dịch với mọi người trên thế giới. Và dĩ nhiên, có tiền trong trương mục ngân hàng là một điều kiện không thể thiếu.
Cũng chỉ cần một màn ảnh vi tính có kết nối Internet, chúng ta có thể vào xem trương mục ngân hàng của mình để kiểm tra từng chi tiết về chi thu….
Với những tiện lợi như thế, sự hấp dẫn của một trương mục ngân hàng là một điều khó có thể cưỡng lại. Nhưng đồng tiền kiếm được khó nhọc của chúng ta gửi trong ngân hàng có thực sự an toàn không? Vụ gian phi đột nhập ngân hàng Citibank gần đây thực ra diễn tiến như thế nào? Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu thêm về sự việc này.

* Ảnh hưởng của sự kiện Citibank
Hôm 9 tháng Sáu vừa qua, hệ thống ngân hàng Citibank phải chính thức thừa nhận, mạng lưới an toàn của họ phần nào bị xâm phạm, khiến cho kẻ gian đột nhập và ăn cắp lý lịch của một số khách hàng thân chủ nhà băng. Số thân chủ bị ảnh hưởng chỉ vào khoảng 1%, tương đương 210.000 người trong tổng số 21 triệu khách hàng của Citibank trên toàn thế giới mà thôi. Bên cạnh đó, nhà băng chỉ nói đến hồ sơ khách hàng bị xâm phạm – như số thẻ tín dụng, tên, địa chỉ nhà ở, địa chỉ email, số an sinh xã hội… - chứ chưa đề cập gì về số tiền thực sự bị mất cắp.
Nhưng, như các bạn đã biết, trong thế giới ngày nay, bị mất cắp lý lịch có thể còn nguy hại hơn là bị mất tiền nữa. Với chi tiết về lý lịch của nạn nhân trong tay, kẻ gian có thể dùng nó trong rất nhiều ý đồ đen tối, mà ăn cắp tiền chỉ là một mục đích gần nhất và cụ thể nhất.
Nhưng không phải chỉ có Citibank, kho dữ liệu của nhiều công ty tên tuổi khác như Sony, Lockheed Martin và các cửa hàng Michael’s Stores cũng đã bị xâm nhập. Ông Adam Levin, một chuyên gia về an toàn lý lịch, nguyên giám đốc Nha Nghiên Cứu Vấn Đề Người Tiêu Thụ tai tiểu bang New Jersey, lên tiếng, “Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn. Nhà băng có hệ thống bảo vệ tân kỳ đến đâu thì bọn gian phi cũng có kỹ thuật đột nhập tân kỳ đến đó. Và nhiều khi, kẻ xấu còn đi trước người tốt nữa”.
Một giới chức nhà nước, chuyên gia bảo vệ người tiêu thụ mà còn phát biểu như vậy, thì chúng ta biết xử trí thế nào? Chúng ta sẽ đề cập thêm chi tiết về việc này trong bài lần tới.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT