Đạo và Đời

Từ bi hỷ xả - Phần 1

Wednesday, 23/03/2016 - 09:36:53

Đức Phật thường nói trong 10 sức mạnh của ngài, Từ lực là sức mạnh của lòng dễ thương; Bi lực là sức mạnh của lòng ấm áp, tình thương vô hạn. Từ và Bi rất quan trọng trong đạo Phật.

Bài giảng của Thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm

Bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả là bốn chữ mà có lẽ chúng ta nghe nói tới nhiều nhất, thường xuyên nhất. Khi nói tới đạo Phật, lúc nào chúng ta cũng nghe nói đó là đạo của Từ Bi. Đối với người tu, lúc nào chúng ta cũng có hai phạm trù.

Một phạm trù là lúc ta ngồi tu luyện để phát triển thiền định và trí huệ Bát Nhã. Việc ngồi tu một mình thường các bác thấy là hình ảnh của các vị tăng hay các vị thiền sư. Các bác đọc những cuốn sách như Truyện Nang Lục, lúc nào chúng ta cũng thấy nói tới các vị thiền sư, hình ảnh của nhà Phật, hình ảnh của những nhà sư ngồi thiền, trầm lặng vô cùng. Nhiều khi các bác vô chùa thấy hình ảnh đức Phật ngồi trên hoa sen không thôi, các bác cũng cảm nhận được sự tĩnh lặng. Cho nên thường thường chúng ta hay nói đạo Phật là đạo của thiền định và của trí huệ Bát Nhã, tức là sự suy nghĩ siêu việt, không dính bụi trần.
Nhưng đó chỉ là nói tới hình ảnh của sự tu luyện (Practice) mà thôi. Hình ảnh thứ nhì mà chúng ta cần thấy nhiều hơn, là hình ảnh của sự tu hành, người Mỹ gọi là Cultivation. Tu hành là ta sống như thế nào. Ta sống với lòng từ bi hỷ xả; nhưng tu luyện thì ta tu luyện cái thiền định.

Thưa các bác đây là điểm độc đáo nhất của đạo Phật, là có hai mặt: một mặt là thiền định, trí huệ Bát Nhã và một mặt là từ bi hỷ xả.

Ngày hôm nay chúng ta nói về từ bi hỷ xả.
Bốn chữ này khi cộng lại, thường thường chúng ta gọi là tâm vô lượng, một tâm thái không có biên giới.

Đầu tiên là chữ Từ
Chữ Từ nếu dịch theo tiếng Hoa là lòng thương hay sự dễ thương, hiền lành, tiếng Mỹ gọi là Loving Kindness. Chữ Kindness này được đức Đạt Lai Đạt Ma hay nhắc tới, cho rằng đạo Phật là đạo của Kindness, của sự hiền từ. Chữ Hiền Từ này có tính chất không bạo động. Nhưng nói thế vẫn chưa lột hết được ý nghĩa thâm sâu của chữ Từ.

Thường thường chúng ta cũng nghe nói tới từ phụ, từ mẫu tức là sự hiền từ, nhẹ nhàng của cha mẹ. Nhưng chúng ta chưa diễn tả được hết chữ Từ. Nếu coi lại chiết tự của chữ Từ trong chữ Hán thì chúng ta thấy như thế này:

Chữ Từ gồm có phần trên là hình vẽ của chữ Thảo, tức là cây cỏ, phía dưới là chữ tư, tức là sự tạo thành, xum xuê của cây cỏ, nhiều vô cùng. Như vậy chúng ta thấy vừa có hoa, có cỏ, có cây cối đầy rẫy. Và cuối cùng hết là chữ Tâm. Có nghĩa là trong cái Tâm đã tạo ra đầy đủ, xum xuê các sắc màu tươi tốt của sự sống.

Các bác ra một khu vườn đầy bông hoa, cây cối um tùm rất đẹp. Đương nhiên là khi có cây cối um tùm, bác sẽ thấy có nước, nhấp nhô những ngọn đồi. Từ là hình ảnh một cái vườn đầy hoa đẹp. Do đó Từ biểu hiện cho tấm lòng nuôi dưỡng, tạo ra sức sống. Cho nên ta dùng chữ Từ này để nói lên một tâm địa (mặt đất) đầy sức sống, đầy những khả năng tạo nên cuộc sống, sự sống.

Có chúng sanh nào mà không cần tới mặt đất đâu? Ai cũng nhờ đất mà sống cả. Nhờ đất mà ta có cây cối, hạt mầm nở ra từ trong lòng đất. Người có lòng từ là người có lòng nuôi dưỡng kẻ khác. Tánh tình nuôi dưỡng kẻ khác được gọi là tánh Từ.

Người xưa có câu “thương cho roi cho vọt”, nhưng khi ta đập đánh ai thì ta không nuôi dưỡng được người nào cả, vì người ta sợ mình, lánh xa mình. Con cái sẽ bỏ mình, lớn lên nó không gần mình vì không cảm thấy gần gũi, không được nuôi dưỡng. Đặc tánh nuôi dưỡng đó sau này chúng ta gọi là giáo dục của tình thương. Có tình thương là có khả năng nuôi dưỡng. Bây giờ nếu các bác ngồi nghĩ lại thì sẽ thấy những người mình thương là những người mình muốn sống gần gũi. Khi đã gần gũi rồi thì đặc tính nuôi dưỡng rất lớn. Bởi ta gần gũi để làm gì? Để học, muốn thấm nhuần những đặc tính tốt của người đó.

Thầy xin kể các bác nghe một câu chuyện. Có người hỏi thầy: “Thưa thầy, đặc tính nuôi dưỡng này ở đâu mới có?” Thực ra đặc tính nuôi dưỡng này có trong tất cả các người mẹ. Thầy xin tóm tắt một câu chuyện mới được nghe gần đây. Có bà mẹ chồng nọ đến ở nhà vợ chồng người con hai tuần vì con dâu mới sanh. Bà mới ngoài ngũ tuần, còn hai vợ chồng người con cũng chỉ ngoài 20 tuổi. Cậu con trai lần đầu làm cha nên không có kinh nghiệm, chỉ biết mỗi ngày đi làm về thì vào thăm vợ và ôm con một lát. Sự nuôi dưỡng đứa con hoàn toàn nhờ vào người vợ. Người vợ cũng lần đầu tiên làm mẹ, đêm nào cũng thức trắng đêm để nuôi con, cho con bú sữa. Một đêm nọ bà mẹ chồng thức giấc ra ngoài phòng khách, thấy con mình đã ngủ mà TV vẫn còn mở. Cô con dâu thì đang ngồi một mình ru con, nét mặt có vẻ buồn. Bà tới nói chuyện cô con dâu và hỏi sao không để chồng cô phụ giúp. Cô không có thái độ giận dữ hay trách mắng người chồng, mà còn nói một câu rất hay: “Đứa nhỏ này cần tình thương và con phải cho nó hết tình thương của con. Mình có thể ngưng một công việc đang làm, nhưng tình thương thì phải cho ra một cách trọn vẹn.” Tình thương trọn vẹn là có sự nuôi dưỡng. Tình thương không trọn vẹn là cho ra mà còn giữ lại hoặc có sự so sánh, hoặc đòi hỏi người chồng phải làm việc này, điều nọ.

Câu chuyện này khiến thầy cảm động khi nghe chính bà mẹ chồng thuật lại. Tức là tình thương cho trọn vẹn đó, tình thương nuôi dưỡng đó, đã có sẵn trong tất cả bà mẹ, nhưng nhiều khi chúng ta bị tràn ngập bởi những khó khăn của cuộc sống, hoặc ta so sánh bên này với bên kia, ta tức giận, bị stress, nên từ từ ta đã quên đi sự nuôi dưỡng đã sẵn có.

Lòng từ khiến ta vẫn có thể thương những người chưa quen biết. Các bác nghe lại chuyện Mẹ Teresa. Khi chọn đi Ấn Độ, bà đã nói rằng đây là một sự lựa chọn hay nhất trong đời bà, sung sướng nhất trong đời bà, vì đã chọn được một con đường Chúa an bài cho bà. Khi bà giúp người, họ là những khuôn mặt xa lạ mà bà chưa hề biết tới. Nhưng bà tin rằng chỉ lòng thương của bà, sự nuôi dưỡng của bà là biểu hiện cuộc sống, tình thương của Chúa.

Lòng từ không giới hạn trong một tôn giáo nào, cũng không hạn chế ở những người đã thành đạo mà nó là cái lòng nuôi dưỡng của tất cả. Khi ta bắt đầu cởi mở, bắt đầu có lòng nuôi dưỡng kẻ khác thì tự nhiên chúng ta thấy mình được thương nhiều. Chúng ta không thế nào nuôi dưỡng người ta mà giận dữ, la rầy, nói xấu sau lưng người ta được. Không làm được đâu các bác. Lòng từ nó lạ lắm, và lời nói của ta tự nhiên nhẹ nhàng xuống, không thể nào gắt gỏng hay dữ dằn được.

Thầy hay dịch chữ Từ ra thành dễ thương. Đó là hậu quả của nuôi dưỡng. Các bác hãy thử ngồi nhớ tới bà ngoại, bà nội hay người mẹ của mình. Chúng ta nhớ tới những hình ảnh rất hiền lành. Và chúng ta cũng nhớ tới những cử chỉ, hành động không những khiến ta cảm thấy ấm cúng mà còn như được nuôi dưỡng. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta có lỡ làm điều chi sai lầm thì người đó cũng sẵn sàng mỉm cười với mình.
Có một ông thiền sư nọ ngồi thiền rất chuyên chú, ông đi vào một khu rừng có rất nhiều yêu ma, mà ai vô đó cũng bị phá quấy. Vị thiền sư này vô đó ngồi thiền. Có một con quỷ nanh vuốt dữ tợn tới định hại ông, nhưng ông không chút sợ hãi, nhìn con quỷ mỉm cười và nói với nó rằng: “Con có biết mình có nhiều đau khổ? Con có biết mình đã đánh mất sự tĩnh lặng của nội tâm? Ta thương con vì con đã không nếm được mùi vị của sự tĩnh lặng đó.” Ông này đang bày tỏ lòng từ của mình và cũng không biết rằng sau đó con quỷ biến mất. Không những con quỷ này mà cả đám quỷ sống trong khu rừng đó dời đi nơi khác hết, không trở lại vùng đó nữa. Khu rừng nhờ vậy trở nên yên tịnh. Vị thiền sư này đã cảm hóa đám ma quỷ trong khu rừng đó bằng lòng từ bi.

Đức Phật thường nói trong 10 sức mạnh của ngài, Từ lực là sức mạnh của lòng dễ thương; Bi lực là sức mạnh của lòng ấm áp, tình thương vô hạn. Từ và Bi rất quan trọng trong đạo Phật.

Khi các bác vào một ngôi chùa, điện đầu tiên mà các bác gặp là điện của đức Từ Thị tức là đức Di Lạc. Đó là ngôi điện mà các bác vừa bước vô thì thấy tượng đức Di Lạc to cao, bụng bự đứng cười vui vẻ vô cùng. Trên mình ngài có sáu đứa nhỏ phá ngài đủ chuyện mà ngài vẫn mỉm cười. Lòng từ là sự nuôi dưỡng mà lục tặc không thể nào phá được. Đó là lý do khiến chúng ta rất thích đức Di Lạc bồ tát. Người Mỹ gọi là Happy Budha hay Smiling Budha, Laughing Budha, Lucky Budha đủ thứ...

Như vậy khi tu lòng từ là chúng ta tu làm sao để người khác muốn gần gũi với ta. Người ta gần gũi mình không phải vì mình giỏi hay vì mình giàu, có quyền có thế, mà người ta gần mình vì mình dễ thương. Ta nuôi dưỡng được họ, ta khiến cho họ cảm thấy như có một bàn tay nâng đỡ họ. Khi tu lòng từ, cuộc sống của ta tự nhiên trở nên nhẹ nhàng vô cùng. Những người đến với mình bởi vì họ muốn được nuôi dưỡng. Người ta muốn được nuôi dưỡng thì ta hãy nuôi dưỡng họ. Bằng cách gì? Ta nên cho họ từ vật chất đến tinh thần.
Cho nên chữ Từ này đi với một chữ rất quan trọng là chữ đầu tiên của 10 Ba La Mật là Bố Thí. Từ đi với tâm, còn bố thí đi với hành động. Bố thí đó là bố thí để nuôi dưỡng người ta.

Bây giờ chúng ta qua chữ Bi
Bi là Compassion, cũng đặc biệt vô cùng. Chữ bi ở đây không có nghĩa là đau thương. Chữ Bi ở đây chiết tự gồm hai chữ, ở trên là chữ Phi nghĩa là không phải. Phi còn có nghĩa là không hạn lượng, không định nghĩa được. Thí dụ ta nói “phi nhân” nghĩa là phủ nhận, không có gì khẳng định đâu, không có gì đóng khung, mà ra ngoài sự đóng khung. Dưới chữ Phi là chữ Tâm, phi tâm tức là không phải sự hạn lượng của cái Tâm. Phi mà trên chữ Tâm thì trở thành Tâm vô hạn lượng. Thí dụ có người nào nói ta một câu nặng, ta thấy trong lòng khó chịu. Ta khó chịu vì ta bị kẹt trong câu nói nặng nề đó. Bị ai mắng thì ta tức. Tại sao tức? Vì tâm ta bị kẹt trong câu nói đó. Một chuyện gì hay một hành động gì xảy ra làm ta buồn vô cùng, nghĩa là lòng ta bị kẹt trong chuyện đó. Những cái buồn, cái tức, cái giận đó là những tâm thái mà ta có thể định nghĩa và thấy được, nhưng tâm không hạn lượng, không hạn chế thì vô biên. Đức Phật gọi tâm vô hạn lượng đó là tâm Đại Bi. Đức Phật cũng kể lại một câu chuyện trong tiền kiếp ngài đã là là một con hổ mẹ, đã hy sinh thân xác để nuôi hổ con. Bác nào đi hành hương bên Népal, lên đó sẽ thấy có một cái động mà người ta vẫn còn thờ con hổ đó. Nhưng chúng ta sống vào thời đại bây giờ, nhiều khi cũng tự hỏi chẳng lẽ mình cũng đi cắt thịt, lóc thịt như Na Tra lóc thịt ngày xưa, hay hy sinh thân mạng mình. Nhưng lòng thương thì vô hạn. Gần đây có câu chuyện hai anh em nhà nọ, người anh bị hư thận đang chờ có người hiến tặng. Người em hy sinh một trái thận của mình để tặng cho anh. Câu chuyện rất cảm động, người bình thường không thể làm được vì đã thể hiện được tình thương vô biên.

Thầy nhớ cách đây mấy chục năm, sư phụ của thầy được tin ông bị tiểu đường và có thể phải ghép thận. Một vị tăng đã vào đại điện thông báo cho các anh em chư tăng ni là sư phụ có thể cần ghép thận. Sau khi thông báo như vậy rồi, đại chúng đều đứng im không nói một lời nào, không khí rất căng thẳng. Mọi người thì chảy nước mắt, người thì buồn, nhưng không ai nói câu gì. Thầy cũng chảy nước mắt, không biết phải làm gì. Hôm sau sư phụ thầy xuất hiện và nói: “Hôm qua ta có một sự thử thách cho các con, nhưng ta thấy không ai qua được cả”. Tất cả đại chúng đều chưng hửng không hiểu ngài nói cái gì. Ngài nói tiếp:”Hôm qua có người thông báo cho các con biết là ta bị thận hư có thể phải thay thận, nhưng ta không thấy có ai đứng lên nói là sẽ hiến thận cho ta cả”. Sự việc này khiến thầy nhớ hoài vì cái phản ứng đầu tiên cho biết tâm ta ở đâu. Vì khi nghe tin, mình chưng hửng, sợ quá, không biết nên làm gì.

Nhưng tình thương, sự đại bi thì vượt ra ngoài sự sợ hãi, mà lúc nào cũng nghĩ tới sự hiến thân của mình cho người khác. Lòng từ thì không nghĩ như vậy. Lòng từ là làm sao nuôi dưỡng người khác, nhưng ta không hành động như sự biểu hiện của lòng đại bi. Như các bác thấy đó, một cái nhà đang cháy mà có người vẫn đi ngược vô trong đó để cứu những người còn kẹt lại trong căn nhà đó. Vĩ đại vô cùng.

Đó là lòng Bi vô hạn, không phải lòng Từ. Lòng Bi đẩy mình tới chỗ mình phải làm một việc gì đó tích cực. Trong lúc chữ Bi không phải là dễ thương mà là thực hành sự dễ thương đó, phát triển lòng thương đó, đem lại sự ấm áp và có một con đường tích cực. Lòng Từ không làm như thế. Ngồi nghĩ lại, các bác sẽ thấy rất nhiều người xung quanh ta có tình thương cho người khác. Họ sẵn sàng không nhớ tới họ mà chỉ nghĩ tới người khác, sống vì người khác.

Gần đây thầy có đọc một câu chuyện nói về một em nhỏ ở Syria. Câu chuyện kể lại rằng tại một thành phố nọ đã cạn kiệt lương thực, có một em còn duy nhất một hộp thức ăn đóng hộp. Em đã nói với mẹ em hãy cầm hộp thức ăn này sang cho bà hàng xóm. Bà này có con nhỏ đang bú sữa mẹ và bà cần có đầy đủ chất bổ để nuôi con. Câu chuyện tuy nhỏ nhưng rất cảm động vì đang đối diện với những khó khăn của sự sinh tồn mà em vẫn có thể hy sinh được. Thật là bất khả tư nghị, các bác có thể đọc câu chuyện trên online. Ngoài ra hàng ngàn người đang sống trong trại tỵ nạn, đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng hàng ngày cũng có không biết bao nhiêu sự hy sinh cho nhau.

Chúng ta hiện đang sống sống sung sướng, an toàn trong một đất nước hùng mạnh, thì cũng nên nghĩ tới và giúp đỡ những người khốn khổ đó. Không nhất thiết là chuyện gì chúng ta cũng chỉ giúp người Việt, mà nhiều khi chúng ta cũng giúp những người khốn khó, khác màu da, khác chủng tộc, khác tiếng nói. Khổ thì ở khắp mọi nơi, nếu chúng ta có cái duyên nào thì hãy giúp đi.

Thầy đang nói tới sự vô hạn lượng của lòng đại bi. Lòng đại bi không có giới hạn bằng chủng tộc, bằng tuổi tác, bằng quan niệm, mà phải là sự mở rộng ra của tất cả để ta không bị gò bó vào bất cứ yếu tố nào. Người có lòng đại bi hay có tình thương rất dễ tha thứ. Người có lòng từ không nở nói nặng với ai cả. Người có lòng bi thấy sự đau khổ của người khác họ cảm thông với sự đau khổ này. Bởi vậy khi thấy một người nào làm lỗi, họ thông cảm với người này, thấy sức nặng của lỗi lầm đó quá lớn nên sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng mở tay ra ôm người đó vào lòng.

Đạo Phật hay ở chỗ là chúng ta phải có cả Từ lẫn Bi. Hai tấm lòng lòng kết hợp lại nhau thì ta mới đem lại sự ấm áp cho người khác Có một vị tăng trong một ngôi chùa đó một lần đi ăn cắp rất nhiều thức ăn trong chánh điện, lấy tiền trong thùng Phước Sương. Chùa phạt vị tăng này, đánh 30 roi và cấm không ai được nói chuyện với vị tăng này và phải làm những việc cực nhọc. Mọi người đều xem thường và không tin tưởng vị tăng này. Có một chú Sa Di ngày ngày ra ngồi cạnh vị tăng này an ủi rằng: “Thầy ơi đừng buồn, lỗi lầm này chưa phải là chết. Thầy ngã xuống thì bây giờ hãy đứng lên trở lại. Con chia sẻ, phụ giúp với thầy đôi chút. Có lỗi thì sửa lại thôi.” Vị tăng ngạc nhiên hỏi chú Sa Di biết gì mà nói. Chú trả lời:”Con không biết gì, nhưng nhìn đôi lông mày của thầy trĩu xuống, gương mặt thầy xệ xuống, nụ cười của thầy biến mất. Con chỉ muốn gánh bớt những nặng trĩu này để thầy có lại nụ cười mà thôi. Con chỉ biết vậy và hy vọng thầy tìm lại được nụ cười.”

Thưa các bác, đó là từ bi, là lòng thương. Cho nên, nhiều lúc thấy người ta khổ, thấy người ta đau, thấy người ta lỗi lầm, chúng ta đừng làm như cảnh sát la rầy hoặc chê bai, mà hãy đứng ở chỗ đỡ được những đau khổ của họ, làm cho họ có nụ cười trở lại. Đó là lòng từ bi của nhà Phật.
Lần sau thầy sẽ nói tiếp về Hỷ và Xả. Cám ơn các bác đã lắng nghe.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT