Thế Giới

Tư nhân hóa giáo dục ở Philadelphia, so với trường bán công ở Cali

Vanessa White/Viễn Đông Friday, 15/06/2012 - 09:47:12

Mặc dù nhà báo Denvir nói rằng “cuộc khủng hoảng tài khóa ngân sách là chuyện có thực”, Pennsylvania đã sử dụng cơn khủng hoảng này để thúc đẩy việc tư nhân hóa học đường.

Vanessa White/Viễn Đông
(viết từ Philadelphia)


PHILADELPHIA, Pennsylvania – Sau khi đưa tin về vấn đề cắt giảm ngân sách tài trợ cho giáo dục trung tiểu học (K-12), ở New York City cũng như ở tiểu bang California, nhật báo Viễn Đông tiếp tục cung cấp tin tức về chuyện những trường học nhanh chóng bị đóng cửa ở Philadelphia.
Trong tháng 5 năm 2012, trên trang tin tức của báo điện tử Democracy Now!, ký giả Daniel Denvir ở Philadelphia nói rằng thành phố này là một trong nơi có những kế hoạch lớn nhất nhằm tư nhân hóa học đường, với ý định đóng cửa 64 trường học cho đến hết năm 2017, và tư nhân hóa 40 phần trăm trong tổng số các trường thuộc học khu của thành phố. Ông Denvir nói thêm rằng cũng giống như nhiều tiểu bang khác, Pennsylvania phải chịu những khoản cắt giảm lớn nơi số tiền tài trợ cho giáo dục, nhằm cố gắng tìm cách cân đối lại ngân sách, và thống đốc của tiểu bang này đã cắt giảm 1 tỉ Mỹ kim từ ngân khoản dành cho giáo dục công lập trên toàn tiểu bang, trong năm 2011-2012.
Mặc dù nhà báo Denvir nói rằng “cuộc khủng hoảng tài khóa ngân sách là chuyện có thực”, Pennsylvania đã sử dụng cơn khủng hoảng này để thúc đẩy việc tư nhân hóa học đường. Tuy nhiên, ông nói tiếp rằng thay vì để cho công chúng tham gia vào một cuộc thảo luận về cách thức điều chỉnh tình hình tài chánh của tiểu bang, thì những nhà tài trợ ở bên ngoài lại trả tiền mướn Boston Consulting Group, một công ty cố vấn, để khai triển một kế hoạch cho thành phố Philadelphia, trong đó bao gồm việc tư nhân hóa ngành giáo dục.
Ông Denvir cho biết thêm rằng các trường bán công (charter school) tại Philadelphia không bị giám sát hoặc không phải chịu quy trách nhiệm, và bất chấp một quan niệm ngộ nhận cho rằng các trường bán công đều được quản trị một cách tốt hơn và chuẩn bị cho các học sinh một cách hiệu quả hơn so với các trường công lập, thì các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng mức thành đạt của các trường bán công trong thực tế “còn tồi tệ hơn”. Ông Denvir nói: “Những trường này không thành đạt về giảng dạy học hành, và đang trao hàng trăm triệu Mỹ kim một năm ở Philadelphia cho những nhóm quan tâm lợi ích tư nhân hoàn toàn không được kiểm soát điều tiết. Khi điều ấy xảy ra ở bất kỳ nơi nào, nhưng đặc biệt là ở một nơi như Philadelphia, thì thế nào người ta cũng sẽ thấy lộn xộn rắc rối xảy ra”.

Những quan điểm về trường bán công ở California, và sự thúc đẩy tư nhân hóa học đường toàn quốc
California đang chuẩn bị cho việc đem ra biểu quyết các sáng kiến vào ngày 6-11-2012, có thể quyết định về chuyện các trường công lập có bị cắt giảm tiền tài trợ hay không. Tuy nhiên, đề nghị ngân sách tiểu bang cho năm tài khóa 2012-2013, do Thống đốc Jerry Brown của California đưa ra và được sửa đổi lại trong tháng 5 năm 2012, có dành ra một ngân khoản tăng thêm 3,4 triệu Mỹ kim dành cho các trường bán công, vì hiện nay loại trường này đang phát triển trên khắp tiểu bang.
Giới giáo chức, phụ huynh, các nhà hoạt động, các tổ chức phi lợi nhuận, hoặc các trường đại học đều có thể lập các trường bán công. Mặc dù nhận được những ngân khoản trợ cấp từ tiểu bang, những trường bán công này đều có thể do các công ty điều hành, và cũng được phép nhận tiền từ các nhà tài trợ tư nhân. Một số trường bán công được thành lập để dạy chuyên môn một số lãnh vực nào đó, trong khi ấy những trường khác được mở ra nhằm mục đích cung cấp những cơ hội khác nhau cho giáo dục tiểu học và trung học, không giống như những trường khác trong khu vực.
Vào hôm 2-6-2012, nhật báo Viễn Đông đưa tin về những quan điểm của bốn ứng cử viên ra tranh cử vòng sơ bộ vào Hội Đồng Giáo Dục Quận Cam (OCBE) Khu Vực 1, vào ngày 5-6-2012, cho biết họ nhìn như thế nào về sự phát triển các trường bán công nói chung và những trường bán công tại địa phương. Hầu hết các ứng cử viên đều nói với Viễn Đông rằng họ ủng hộ các trường bán công địa phương. Trong một bức điện thư gởi hồi tháng 5 năm nay, ông Robert Morris Hammond – người chiến thắng trong cuộc tuyển cử vừa qua, nguyên là một giáo chức làm chủ nhân một cơ sở kinh doanh ở Quận Cam – viết cho nhật báo Viễn Đông rằng các trường học bán công đều đem lại một sự cạnh tranh lành mạnh về giáo dục, làm cho các trường học được trở nên vững chắc, mặc dù ông có nói thêm rằng những điều kiện, nghĩa vụ do chính phủ giao cho các trường thường gây ảnh hưởng đến số tiền tài trợ mà những trường bán công nhận được.
Trong khi các ứng cử viên khác, qua những e-mail gởi trong tháng 5 năm nay, cũng cho Viễn Đông biết rằng họ ủng hộ các trường bán công, chia sẻ rằng các trường học đem lại thêm sự tự do và thêm việc kiểm soát được địa phương hóa đối với các trường học và các bậc phụ huynh, thì ông Eleazar Guardiola Elizondo – chuyên viên cố vấn về các vấn đề công cộng và là một cựu giáo chức – trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hồi tháng 5 năm nay, cho biết rằng mối quan ngại của ông là chuyện các trường bán công đang được sử dụng như là một cái cớ để “tách ra khỏi học khu”, và trong một mức độ nào đó, “làm rỗng ruột học khu”. Ông Elizondo nói: “Phụ huynh không nên rơi vào bẫy của một hệ thống, nếu nó không làm đàng hoàng một công việc giáo dục trẻ em”. Ông cho biết một lý do để ủng hộ cho các trường bán công, mặc dù lý do này được đưa thêm vào như là một lập luận phản biện cho rằng những mối thách thức mà nền giáo dục gặp phải chính là chuyện dẫn các học khu tới chỗ bỏ cuộc. Điều này có thể mở rộng cửa ra cho các công ty tham gia vào việc điều hành ngành giáo dục, cho phép một mô hình kinh doanh công ty làm việc với động lực là lợi nhuận. "Điều đó khiến cho tôi đâm ra nghi ngờ”. Tuy nhiên, ông Elizondo chia sẻ rằng ông sẽ ủng hộ bất cứ “con đường” nào mà các bậc cha mẹ quyết định, liên quan đến việc lựa chọn nơi giáo dục con cái của họ.
Giữa lúc số lượng các trường bán công đang gia tăng ở California và Philadelphia, thì đương kim Tổng Thống Barack Obama, người được Đảng Dân Chủ tái đề cử ra tranh cử tổng thống năm 2012, lại tán thành đạo luật Không Để Trẻ Em Nào Lại Phía Sau (No Child Left Behind – NCLB). Luật này cấp phát tiền tài trợ của liên bang cho các trường công lập, căn cứ trên tiêu chuẩn là nhà trường có đạt được thành tích khả quan trong việc giảng dạy hay không. Đồng thời, luật này cũng được coi là hỗ trợ cho việc gia tăng số lượng các trường bán công. Mới đây, cựu Thống Đốc Mitt Romney của tiểu bang Massachusetts và cũng là ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống năm nay, đã lên tiếng công khai ủng hộ các trường học bán công. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT