Người Việt Khắp Nơi

Tưởng niệm thuyền nhân tử nạn trên đường tìm tự do

Tuesday, 28/04/2015 - 07:47:47

Trên đây là một phần trong bài diễn văn khai mạc buổi lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân của nhà thơ, nhà báo Thái Tú Hạp, thuộc Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân vào trưa Chủ Nhật tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong khu nghĩa trang Westminster Memorial Park.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - “Ngày hôm nay, Chủ Nhật 26 tháng Tư năm 2015. Chúng ta đang ở vào thời điểm 30-4. Ngày Tưởng Niệm Quốc Hận của người Việt tỵ nạn cộng sản hải ngoại. Nếu không có ngày Quốc Hận 30-4-1975 sẽ không bao giờ có hiện tượng bi thảm Thuyền Nhân.”
Trên đây là một phần trong bài diễn văn khai mạc buổi lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân của nhà thơ, nhà báo Thái Tú Hạp, thuộc Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân vào trưa Chủ Nhật tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong khu nghĩa trang Westminster Memorial Park.
Buổi lễ do nữ sĩ Ái Cầm làm Trưởng Ban Tổ Chức và có sự tham dự của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, các vị dân cử từ tiểu bang đến các thành phố Westminster, Garden Grove, thân hào nhân sĩ, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Hội Đồng Hương Quảng Nam - Đà Nẵng, Cộng Đồng Người Việt San Diego, CLB Hùng Sử Việt San Diego; Ban Tù Ca Xuân Điềm, các cơ quan truyền thông và hàng trăm đồng hương.
Mở đầu buổi lễ có nghi thức chào quốc kỳ Quốc Gia VN và Hoa Kỳ cùng phút mặc niệm do các cựu quân nhân TQLC/VNCH dưới sự chỉ huy của TQLC Nguyễn Phục Hưng. XNV Minh Phượng và Nghị Viên Tyler Diệp điều hợp chương trình buổi lễ.
Trong diễn văn khai mạc, sau khi đề cập đến hậu quả của Hiệp Định Paris ký kết năm 1973 đưa đến việc quân đội VNCH “mặc dù tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường nhưng phải đau lòng chấp nhận buông súng tan hàng,” nhà báo Thái Tú Hạp nói tiếp, “Trong cuộc hành trình đi tìm tự do đã có đến hàng trăm ngàn thuyên nhân, bộ nhân tử nạn vì đói khát, hải tặc, bão tố và những cơn biến động nghiệt ngã kinh hoàng bi thảm trên biển Đông và nơi rừng sâu núi thẳm! Chưa có một cuộc di tản nào trong lịch sử dân tộc Việt Nam thể hiện sự can trường của người Việt chấp nhận đi vào con đường chết để tìm sự sống như hiện tượng Thuyền Nhân. Những đau thương thống khổ không thể nào tả xiết là một minh chứng hùng hồn nói lên quyết tâm của người Việt tỵ nạn thiết tha yêu chuộng Tự Do – Dân Chủ và Nhân Quyền, Hãy Cho Tôi Tự Do Hay Là Chết!”
Ông Thái Tú Hạp cũng đề cập đến những ân nhân của người Việt tỵ nạn, trong đó có Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ Jimmy Carter mà nhiều người Việt gọi thân thương là “Tổng Thống Của Thuyền Nhân” cùng với lòng bao dung của người dân Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Ông nhấn mạnh, “Bốn-mươi năm nhìn lại, chúng ta rời khỏi quê hương, nhưng quê hương không bao giờ rời khỏi trong tâm khảm chúng ta,” và “Nếu chúng ta vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc Việt Nam, chúng ta cũng cần phải vinh danh những người đã tử nạn trong hành trình tìm tự do. Họ chính là những chiến sĩ đã hy sinh cho tự do của dân tộc, của chính mỗi người chúng ta, và của con cháu muôn đời chúng ta đang được đãi ngộ xứng đáng ở các xứ sở tự do, dân chủ trên khắp thế giới.”
Cũng trong bài diễn văn cảm động này, nhà báo Thái Tú Hạp không quên cám ơn Thị Trưởng Tạ Đức Trí tác giả Nghị Quyết Vinh Danh Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân và Ngày Thuyền Nhân Việt Nam được HĐTP Westminster đồng thuận ban hành ngày 12 tháng Tám, 2009. Cuối cùng, thay mặt ban tổ chức, ông Thái Tú Hạp chân thành cảm tạ mọi người đã hiện diện trong buổi lễ mang ý nghĩa tâm linh này.
Bác sĩ Lê Hồng Sơn, thành viên Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân có một diễn từ bằng Anh ngữ. Sau đó ban tù ca trình bày hoạt cảnh “Nhớ Về Biển Đông” sáng tác của nhạc sĩ Xuân Điềm.
Thị Trưởng Tạ Đức Trí và HĐTP Westminster cùng ông Jeff Gibson, Giám Đốc Westminster Memorial Park được ban tổ chức tặng hoa và mời phát biểu cảm tưởng. Kế tiếp, một bản hợp ca “Bạch Đằng Giang” được ban hợp ca trình bày. Sau cùng, các vị lãnh đạo tôn giáo đến trước Tượng Đài Thuyền Nhân thắp hương cầu nguyện và thả bong bóng kéo theo những lời nguyện cầu bay lên cao.


                            Nhà báo Thái Tú Hạp đọc diễn văn khai mạc. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Một số đồng hương chia sẻ cảm nghĩ

Xung quanh khu vực Tượng Đài có hàng chục phiến đá lớn khắc tên những thuyền nhân tử nạn. Một bác cao niên ở Anaheim cùng với ba người con cúi nhìn tên thân nhân mình. Bà nói với chúng tôi trong nước mắt, “Con, cháu tôi đi vượt biên năm 1987 tại bãi Cần Giờ, gia đình tôi 7 người mất thằng con trai tên Lục Phương Dinh, hai cô nó là Lục Phương Hồng, Lục Phương Hoàng, chồng của cô nó là Nguyễn Văn Của (Thiếu tá KQ), em nó là Huỳnh Tịnh Khiêm, Huỳnh Tịnh Duy đều tử nạn. Sau 40 năm rồi, tôi vẫn đau buồn, tôi vẫn hận cộng sản. Tôi không ra đây thì thôi, ra đây tôi hận lắm. Năm nào tôi cũng ra, coi như nơi đây là nơi an nghỉ của con, cháu tôi rồi tại vì bây giờ mình đâu có biết xác ở đâu nữa!”
Người con dâu của bà nói với Viễn Đông, “Con tên là Phương, lần đầu tiên con đến đây. Nhìn những tên khắc trên tấm đá này con thấy đó là nỗi đau buồn của mỗi gia đình. Con đến đây để cầu nguyện cho những linh hồn này được an nghỉ trên chốn vĩnh hằng”.
Chị Huệ Trần, cư dân Westminster đang thắp nhang cho người thân và cả những tấm bia khác. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, chị cho biết, “Tôi có người cô là Huỳnh Thanh Niệm và người em là Huỳnh Ngọc Khôi cùng chết trong chuyến tàu vượt biên năm 1989 đi từ Cà Mau. Tôi buồn thì buồn thiệt nhưng cũng mừng vì có nơi này ghi khắc tên cháu, coi như phần mộ cháu ở đây. Tôi rất biết ơn những người thành lập ra Tượng Đài Thuyền Nhân này.”
Chị Nguyễn Thị Bích, một người rất tích cực trong các sinh hoạt đấu tranh của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali. Khi được hỏi, 40 năm rồi, bây giờ ngồi trước Tượng Đài Thuyền Nhân, chị nghĩ gì? Chị trả lời, “Cái cảm nghĩ của tôi là rất xúc động, bùi ngùi, tưởng nhớ sau 40 năm, biến cố đau thương xẩy ra cho dân tộc mà tất cả người Việt đều cho rằng đó là ngày Quốc Hận, rất chính xác, vì là ngày giặc cộng đem tang thương, gây chết chóc, chia lìa gia đình và gây hận thù. Hôm nay tôi có mặt để tưởng niệm anh linh các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh và đồng bào mình đã tử nạn, một việc làm thật ý nghĩa của ban tổ chức”.
Một chiến hữu, anh Trương văn Thưởng, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cho Viễn Đông biết cảm nghĩ của anh khi ngồi trước Tượng Đài Thuyền Nhân: Bốn-mươi năm rồi, tôi vẫn cảm thấy rất đau đớn cho dân tộc VN, và các thân nhân của mình còn kẹt bên quê nhà cùng với gần 100 triệu đồng bào trong nước vẫn đang phải sống dưới chế độ cộng sản mà người ta gọi là nhà tù lớn, thành ra tôi cảm thấy rất bùi ngùi, thương tiếc cho đồng bào còn ở lại. Gia đình tôi cũng là gia đình thuyền nhân vượt biên, chịu nhiều sóng gió nhưng may mắn qua tới đây được là nhờ ơn Thượng Đế và tôi hằng cảm tạ.”
Cô Nguyễn Thu Hà, Hội Trưởng Young Marine (Hậu Duệ TQLC/VNCH), một người trẻ hết sức tích cực trong các cuộc đấu tranh và sinh hoạt cộng đồng chia sẻ cảm nghĩ của mình với độc giả Viễn Đông, “Hôm nay Thu Hà đến đây cùng với đồng hương tham dự buổi lễ Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Năm nào cháu cũng đến và cũng bùi ngùi vì cháu cảm thấy rất may mắn là người đã đến được bến bờ tự do nhưng nhiều thuyên nhân khác đã không được may mắn như cháu. Bản thân cháu cũng là một thuyền nhân dù lúc đó còn rất nhỏ nhưng cháu cũng hiểu chuyến hành trình thật là vô vọng, không biết mình có đền được miền đất tự do hay không nên cái cảm xúc mà khi đọc tên từng người trên các mộ bia có một cái gí đó làm cho cháu nấc ngẹn trong lòng. Theo cháu, đây là một trang sử khó quên của dân tộc nói chung và của người Việt tỵ nạn nói chung, đồng thời cũng là một tội ác không thể nào biện minh được của chế độ cộng sản Việt Nam.”
Chị Thanh Liễu, phu nhân nhạc sĩ Xuân Điềm, cho biết chị “Mất một người con trên đường vượt biên, lúc đó cháu 11 tuổi. Chị Thanh Liễu chia sẻ, “Thực ra, sau 40 năm rồi mà Thanh Liễu thấy như những hình ảnh đang ở trước mặt mình, nên rất buồn, buồn vô cùng vì người Việt mình đi tìm tự do đã phải trả cái giá quá đắt, hàng trăm ngàn người chết vì đói khát hay bị hải tặc hãm hiếp, bị đắm tàu v.v. ôi buồn quá! Nhất là vợ chồng Thanh Liễu cũng mất một người con. Ngày hôm nay, Ban Tù Ca tới đây để cùng ban tổ chức nói lên những gì thay cho những thuyền nhân đã tử nạn.” Chị xúc động quá không nói tiếp được.
Viễn Đông hỏi nhạc sĩ Xuân Điềm: Anh nghĩ thế nào khi anh chọn bài nhạc “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của nhạc sĩ Vũ Thành An” để hát mở đầu trong chương trình hôm nay?

           Gia đình này có 7 người thân tử nạn trên đường tìm tự do, đang ngồi trước phiến đá ghi tên thân nhân. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Nhạc sĩ Xuân Điềm trả lời, “Tất cả những người đang nằm đây, hầu hết là đi tỵ nạn cộng sản, nhiều nhất là những người đi trên những chiếc thuyền mỏng manh. Họ biết nguy hiểm nhưng họ vẫn cứ đi, và muốn con thuyền ra khơi họ phải cần có dầu, và để qua mặt bọn công an cộng sản, họ phải tìm mọi cách chôn từng lít dầu cho đến khi đủ số dầu mới dám vượt biển, nhưng rồi tàu chìm vì sóng to gió lớn, người chết vì hải tặc tấn công, vì khát, vì đói thành ra tôi chọn nhạc phẩm đó để nói lên cái đêm tối hãi hùng đó.”
Anh Lý Vĩnh Phong, cựu Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali, hiện là đại diện cho Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, chia sẻ cảm nghĩ của mình với độc gỉa Viễn Đông, “Tượng Đài Thuyền Nhân này rất đặc biệt, tại vì khi biến cố 30 tháng 4 xảy ra cách nay 40 năm, bây giờ mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, không ai không cảm động khi nhìn thấy những hình ảnh thuyền nhân. Trên thế giới chưa có quốc gia nào có biến cố đau thương khiến hàng trăm ngàn đồng hương mình phải bỏ nước ra đi. Cho dù thế hệ trẻ không hiểu biết nhiều về chiến tranh Việt Nam nhưng họ cũng phải đặt câu hỏi trong đầu họ là Tại sao những người này phải bỏ nước ra đi, phải bỏ chạy hốt hoảng như vậy? Thì đó là chứng cớ lịch sử rõ ràng nhất cho giới trẻ Việt Nam xem, đất nước chúng ta đã rơi vào cái thể chế rất xấu, rất không tốt nên mới khiến người dân phải bỏ nước ra đi.

Nén hương cho thuyền nhân VN bỏ mình vì tự do
Một người đang khấn nguyện cho những đồng bào Việt Nam đã tử nạn trên đường tìm tự do thoát khỏi chế cộng sản VN, bằng đường biển cũng như đường bộ, trong buổi lễ tưởng niệm được tổ chức vào trưa Chủ Nhật vừa qua, tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong khu nghĩa trang Westminster Memorial Park. Một bác cao niên có con cháu tử nạn trên đường vượt biển, nói, “Sau 40 năm rồi, tôi vẫn đau buồn, vẫn hận cộng sản. Năm nào tôi cũng ra, coi đây là nơi an nghỉ của con, cháu tôi rồi, tại vì bây giờ mình đâu có biết xác ở đâu nữa!” Xem bài trang A10. (Hình: Thanh Phong/Viễn Đông)




“Những thế hệ đi trước và thế hệ đi sau đã biết đó là vấn nạn cộng sản Việt Nam. Lần nào Phong đến đây Phong cũng xúc động vô cùng, và luôn cầu nguyện cho các người tử nạn được sớm siêu thoát. Và Phong nghĩ, Tượng Đài Thuyền Nhân là một chứng tích hùng hồn cho người trẻ biết lý do tại sao họ có mặt tại đất nước Hoa Kỳ này để họ cố gắng thay thế cha ông mình lấy lại giang sơn tổ quốc, dẹp bỏ chế độ cộng sản, xây dựng một thể chế tự do, dân chủ như hấu hết các quốc gia hiện nay trên thế giới.”
Tượng Đài Thuyền Nhân được khánh thành vào ngày 25 tháng Tư, 2009 thực hiện bởi một Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân VN gồm cố nhạc sĩ Việt Dzũng, BS Lê Hồng Sơn, Thu Thủy, Minh Phượng, Chí Thiện, GS Vân Bằng, LS Từ Huy Hoàng, Khúc Minh, Đan Tâm, Hiền Nhi, Doanh Doanh, Thái Tú Hạp và Ái Cầm và sự hỗ trợ của Ban Giám Đốc Westminster Memorial Park. (tp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT