Thế Giới

Ukraine bắt nữ dân biểu âm mưu khủng bố quốc hội

Thursday, 22/03/2018 - 10:31:29

Bà Savchenko từng được coi là biểu tượng chống Nga khi liên tục tuyệt thực trong hai năm ngồi tù. Vào tháng 5, 2016, bà Savchenko được trả về Ukraine để đổi lấy tự do cho hai điệp viên của Cơ quan Tình Báo Quốc Phòng Nga.

KIEV - Một nữ dân biểu Ukraine đã bị bắt, với cáo buộc chuẩn bị tấn công quốc hội nước này bằng súng cối, lựu đạn và súng bắn tỉa.
"Nadiya Savchenko lên kế hoạch tấn công khủng bố quy mô lớn vào trung tâm thủ đô của Ukraine. Dân biểu này đã tìm mua nhiều vũ khí như súng cối cỡ nòng 120 ly, súng trường bộ binh, súng bắn tỉa và lựu đạn," theo lời Chánh Công Tố Yuriy Lutsenko tuyên bố hôm thứ Năm.
Quốc hội Ukraine đã tước quyền miễn trừ của Dân Biểu Savchenko. Chánh Công Tố Lutsenko khẳng định, vụ tấn công này sẽ gây ra "biển máu và hỗn loạn" tại thủ đô Kiev.
Ông Lutsenko cũng công bố video dài 30 phút, cho thấy một phụ nữ giống bà Savchenko nói chuyện với hai sĩ quan Ukraine về kế hoạch tấn công quốc hội. Lệnh bắt bà Savchenko được quốc hội phê chuẩn chỉ sau vài phút với tỷ lệ 268 phiếu ủng hộ và 10 phiếu chống.
Hồi năm 2016, bà Savchenko bị bắt khi đang chiến đấu chống lực lượng dân quân Đông Ukraine. Bà sau đó được đưa tới Nga và nhận án tù vì bị cáo buộc có liên quan tới vụ hai phóng viên Nga thiệt mạng trong một trận nã pháo.
Bà Savchenko từng được coi là biểu tượng chống Nga khi liên tục tuyệt thực trong hai năm ngồi tù. Vào tháng 5, 2016, bà Savchenko được trả về Ukraine để đổi lấy tự do cho hai điệp viên của Cơ quan Tình Báo Quốc Phòng Nga.

Trung Cộng bán kỹ thuật hỏa tiễn cho Pakistan
BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc mới đây đã bán cho Pakistan một hệ thống dò tìm hiện đại, có thể giúp đẩy nhanh chương trình chế tạo hỏa tiễn nhiều đầu đạn của Islamabad. Tin tức về vụ mua bán xuất hiện vào 2 tháng sau khi Ấn Độ thử nghiệm loại hỏa tiễn liên lục địa tân tiến nhất của nước này, với tầm bắn đủ xa để bay đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Nhà chức trách Trung Quốc công bố tin tức về thương vụ này vào ngày thứ Tư. Một thông cáo trên trang web của Học viện Khoa học Trung Quốc CAS cho biết, nước này là quốc gia đầu tiên bán thiết bị quân sự nhạy cảm như vậy cho Pakistan.
Ông Zheng Mengwei, nhà nghiên cứu tại Học viện CAS, xác nhận Pakistan đã mua một hệ thống đo lường và theo dõi quang học quy mô lớn và hết sức tinh vi. Ông Zheng cho biết thêm rằng, quân đội Pakistan hiện đang sử dụng hệ thống này để thử nghệm và phát triển các hỏa tiễn mới. Ấn Độ và Pakistan đang chạy đua để tăng cường năng lực vũ khí nguyên tử. Các hỏa tiễn của Ấn Độ đều là hỏa tiễn lớn, tầm bắn xa, và chỉ có thể lắp ráp 1 đầu đạn. Trong khi đó, Pakistan tập trung mọi nỗ lực để phát triển loại hỏa tiễn tầm ngắn, có thể mang theo nhiều đầu đạn để tấn công các mục tiêu khác nhau. Loại hỏa tiễn này có thể vượt qua sức chống đỡ của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, và quét sạch kho vũ khí nguyên tử của đối thủ chỉ bằng 1 vụ tấn công bất ngờ. Một số chuyên gia lo ngại rằng, kỹ thuật hỏa tiễn nhiều đầu đạn có thể làm thay đổi sự cân bằng quân sự chiến lược giữa Ấn Độ và Pakistan, gây bất ổn cho khu vực.

Quân nổi dậy Syria rời đông Ghouta
HARASTA - Vào thứ Năm, phe nổi dậy ở Syria đã rời khỏi một thị trấn ở đông Ghouta trên những chiếc xe bus, trao quyền kiểm soát thị trấn cho quân chính phủ. Đây là đợt đầu hàng đầu tiên của phe nổi dậy, kể từ khi Damacus bắt đầu cuộc tấn công đẫm máu tại đông Ghouta vào hơn 1 tháng trước. Việc nhóm đối lập Ahrar al-Sham chấp nhận đề nghị của chính phủ và rời khỏi thị trấn Harasta, đã mở đường cho Damacus nắm chắc một trong các chiến thắng lớn nhất trước phe nổi dậy, kể từ sau trận chiến ở Aleppo năm 2016. Sau khi trời tối vào ngày thứ Năm, khoảng 30 xe bus chở các chiến binh nổi dậy và gia đình của họ đã rời khỏi thị trấn Harasta.
Theo truyền thông Syria, các xe bus chở khoảng 1,580 người, bao gồm 413 tay súng, đã được cung cấp lộ trình an toàn để đến vùng tây bắc Syria. Một đơn vị truyền thông quân sự, được quản lý bởi tổ chức Hezbollah, đồng minh của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, nói rằng 1,500 chiến binh và 6,000 thành viên gia đình đã đồng ý rời đi. Một viên chức quân sự của Syria khuyến cáo rằng, các chiến binh nổi dậy nào không chịu đầu hàng sẽ có kết cục sau cùng là cái chết. Khoảng 15,000 thường dân, những người vẫn còn ở lại thị trấn Harasta, được bảo đảm rằng họ sẽ không gặp nguy hiểm. Harasta là thị trấn nhỏ nhất trong 3 khu vực bị phe nổi dậy chiếm đóng tại đông Ghouta. Chiến dịch của quân đội Syria tại đông Ghouta là một trong những đợt tấn công dữ dội nhất trong suốt cuộc nội chiến dài 7 năm, giết chết hơn 1,500 người, bao gồm cả nhiều trẻ em.

Mỹ trì hoãn xây căn cứ hỏa tiễn tại Ba Lan
WARSAW - Bộ Quốc Phòng Ba Lan hôm thứ Năm cho biết, việc xây dựng điểm phòng thủ hỏa tiễn Hoa Kỳ tại Ba Lan sẽ bị trì hoãn 2 năm, dời đến năm 2020, do một số vấn đề kỹ thuật. Căn cứ phòng thủ hỏa tiễn, nằm gần bờ biển Baltic phía bắc của Ba Lan, là một phần trong chương trình lá chắn của NATO. Chương trình này một khi hoàn tất sẽ bao phủ vùng đất trải dài từ Greenland đến Azores. Theo Bộ Quốc Phòng Ba Lan, các viên chức Hoa Kỳ đã được thông báo về sự trì hoãn xây dựng tại địa điểm Redzikowo, và sự việc này là do lỗi của nhà thầu.
Theo các viên chức của liên minh NATO, chương trình lá chắn có mục tiêu bảo vệ các nước thành viên, chống lại các cuộc tấn công của những nước như Iran, hoặc các tổ chức như al-Qaeda. Tuy nhiên, chương trình này đã khiến Nga tức giận, do coi đây là một sự phô trương lực lượng của các đối thủ từ thời Chiến Tranh Lạnh, cùng các nước trước đây thuộc nhóm xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Cựu bộ trưởng quốc phòng Ba Lan, ông Tomasz Siemoniak, thuộc đảng đối lập PO, nói rằng sự trì hoãn là một thất bại chính trị của chính quyền hiện nay.
Vào tháng 5, 2016, Hoa Kỳ đã khởi động một điểm phòng thủ hỏa tiễn trị giá $800 triệu Mỹ kim tại Romania, và khởi công xây dựng địa điểm tại Ba Lan sau đó trong cùng năm. Toàn bộ chương trình lá chắn hỏa tiễn sẽ bao gồm nhiều chiến hạm và radar được đặt trên khắp châu Âu, với sự chỉ huy và kiểm soát đến từ một căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Đức.

Czech: Nổ lớn tại nhà máy hóa chất, 6 người chết
PRAGUE - Một vụ nổ đã xảy ra ở nhà máy hóa chất tại thị trấn Kralupy nad Vltavou, phía bắc thủ đô Prague, Cộng Hòa Czech, làm 6 người thiệt mạng. "Chúng tôi nhận được thông tin về 6 người chết và một số người khác bị thương, theo lời một viên chức lực lượng cứu hỏa cho biết. Những người bị thương đã được đưa tới bệnh viện. Danh tính các nạn nhân chưa được tiết lộ. Vụ nổ xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Năm.
Ông Peter Holecek, viên chức thị trấn, cho biết vụ nổ xuất phát từ một bồn chứa hóa chất. Tuy nhiên, hiện chưa rõ chiếc bồn này chứa loại hóa chất gì. Nhà chức trách khẳng định, các cộng đồng dân cư xung quanh không bị đe dọa. Nhà máy hóa chất thuộc sở hữu của hãng Unipetrol. Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra. Unipetrol là một trong các hãng hóa chất và nhà sản xuất nhựa lớn nhất tại Czech. Nhà máy hóa chất vừa phát nổ của Unipetrol sản xuất 3.2 triệu tấn dầu tinh luyện mỗi năm. Ngoài ra, nhà máy cũng sản xuất chất dẻo và cao su tổng hợp, dùng cho giày dép và dụng cụ thể thao.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT