Người Việt Khắp Nơi

Vì chính sách di trú của Trump, một thanh niên Thượng bị trục xuất về VN

Sunday, 20/08/2017 - 01:16:40

Đáng chú ý nhất, từ ngữ “Montagnard” (Người Thượng) không bao giờ được nghe thấy trong cả cuốn băng. Từ ngữ đó có nguồn gốc tiếng Pháp, một tàn tích của quá khứ thuộc địa ở Việt Nam, và có nghĩa là “dân miền núi.”


Những người tham gia biểu tình chống chính sách trục xuất di dân tại San Francisco. (Justin Sullivan/ Getty Images)


CHARLOTTE, North Carolina – Chính sách cứng rắn của Tổng Thống Donald Trump trong vấn đề di trú đã ảnh hưởng không chỉ di dân từ các Hồi giáo mà còn gây hại cho di dân từ một số quốc gia khác, kể cả Việt Nam.

Trong một bản tin đầu tuần này, báo mạng Politico nhắc tới trường hợp một thanh niên Việt gốc Thượng đã bị trục xuất về Việt Nam, vì chính sách bài ngoại của chính phủ Trump, và vì các viên chức Mỹ mau chóng đuổi thanh niên này về Việt Nam mà không hề biết người Thượng bị Cộng Sản Việt Nam xem là kẻ thù.

Trong thời chiến Việt Nam, những người sắc tộc miền núi từng chiến đấu bên cạnh Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ (Green Berets), gây thiệt hại đáng kể cho quân cộng sản.

Trong tháng Bảy vừa qua, con trai của một cựu chiến binh người Thượng đã bị trục xuất về lại Việt Nam. Hành động này gây sửng sốt cho nhiều người trong cộng đồng người tị nạn Việt gốc Thượng, vì lịch sử của người Thượng trong chiến tranh, và cho đến nay người Thượng vẫn tiếp tục bị ngược đãi bởi chế độ cộng sản về mặt chính trị cũng như kinh tế ở Việt Nam.

Báo Politico cho biết sự trục xuất xảy ra ngay sau khi Tòa Bạch Ốc gây áp lực, buộc Hà Nội phải làm nhiều hơn nữa, để giải quyết số lượng tồn đọng của những lệnh trục xuất những người Việt chưa có quốc tịch bị kết trọng tội ở Mỹ

Khi thủ tướng CS Nguyễn Xuân Phúc cầm đầu một phái đoàn cao cấp đến Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng Năm, chính phủ Trump đã hai lần nêu vấn đề Việt Nam phải cấp tốc nhận những người gốc Việt bị kết tội. Một lần được nêu ra trực tiếp tại Tòa Bạch Ốc, và lần kia trong cuộc họp riêng rẽ với Bộ Trưởng Bộ Nội An John Kelly.

Ông Nguyễn Thành Tín, một luật sư chuyên về di trú ở Charlotte, North Carolina, đang đại diện cho anh Chuh A, 31 tuổi, người đã bị trục xuất trong tháng Bảy. Luật sư Tín nói rằng ông không biết trước đây có một người Thượng tị nạn nào bị trả về Việt Nam.

Luật sư cho biết chỉ vài sau cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 31 tháng Năm giữa hai ông Trump và Phúc, các giấy tờ được Mỹ đòi hỏi đã được Việt Nam gởi qua. Luật sư này được xem hồ sơ tòa án nộp vào ngày 22 tháng Sáu. Và ngày trục xuất hành đã mau chóng được ấn định là ngày 10 tháng Bảy, bất chấp những lời khẩn khoản xin xem xét việc trục xuất.

Luật sư Tin đã được thuê khá trễ, chỉ vài ngày trước khi anh Chuh A bị đưa về Việt Nam. Luật sư đã nộp một bản toát yếu ngắn gọn vào ngày 6 tháng Bảy cho cơ quan Thực Thi Công Lực Di Trú Và Quan Thuế Hoa Kỳ (ICE), để báo động về nguồn gốc người Thượng của anh Chuh. Thế nhưng văn bản đó liền bị bác bỏ một cách quá nhanh, đến nỗi luật sư Tín nói rằng ông chỉ biết kết quả bác đơn đó khi vợ của Chuh gọi điện thoại báo tin rằng chồng cô đã bị lên máy bay.

Văn bản thông báo chính thức của ICE về việc từ chối cho Chuh A ở lại Mỹ đã đến cách sau đó mấy ngày, đóng dấu bưu điện ngày 14 tháng Bảy. Đến lúc đó thì máy bay đưa Chuh đến Sài Gòn, nơi anh phải tốn nhiều tiền mặt vì bị quan thuế gây khó dễ về giấy tờ đi lại của anh, và Chuh A phải tìm đường trở về ngôi làng cũ ở tỉnh Kon Tum.

Trường hợp của Chuh A cho thấy sự phức tạp trong hệ thống di trú Hoa Kỳ, bị làm cho tệ hơn bởi áp lực từ Tòa Bạch Ốc khi ban lệnh phải giải quyết các hồ sơ với kết quả nhanh chóng hơn. Điều đáng nói trong trường hợp này là sự thiếu hiểu biết về lịch sử, vì Chuh A không phải là một di dân bình thường, vì cha của anh từng là chiến sĩ Thượng chiến đấu cùng lính Mỹ.

Tháng Sáu 2016, Chuh lần đầu tiên nhận được lệnh trục xuất. Vào thời điểm đó, Chuh bị giam tại một cơ sở giam giữ ICE ở Irwin County, tiểu bang Georgia. Anh hoàn tất thời hạn tù vì bị tội ở North Carolina, liên quán tới việc buôn ma túy tổng hợp MDMA, thường được gọi là “ecstasy” (thuốc lắc). Anh ta vẫn không có cố vấn pháp lý, và phải nói chuyện qua lại bằng liên kết video với thẩm phán Tòa Di Trú Liên Bang William A. Cassidy của Atlanta, cách chừng 180 dặm.

Báo Politico đã nhận được một băng thu âm về thủ tục tố tụng từ Bộ Tư Pháp, căn cứ theo Đạo Luật Tự Do Thông Tin. Toàn cuộc điều trần của Chuh A để giải thích về trường hợp của anh với quan tòa chỉ kéo dài 5 phút, 2 giây, và hai người, ông quan tòa Cassidy và anh Chuh, có thể đã gặp nhau chỉ được một, hai lần rồi thôi.

Chuh nói với Cassidy rằng anh sợ bị tra tấn nếu anh bị trả về Việt Nam. Ông Cassidy, một cựu công tố viên, đã không điều tra tại sao Chuh lại sợ bị tra tấn. Thẩm phán không tỏ dấu hiệu cho thấy ông biết rằng ông đang cứu xét một bị can người Thượng, chứ không phải là một người Việt Nam điển hình.
Thỉnh thoảng ông Cassidy gọi một cách không đúng tên Chuh là “A. Chuh.” Ông không biết rằng A là cái họ gồm một chữ của Chuh, và là một dấu hiệu rõ rệt của người Thượng. Tiến trình cứu xét đã diễn ra quá vội vàng, đến nỗi ông Cassidy vô tình nói với Chuh câu “Buenos dias” (vì tưởng anh là người nói tiếng Tây Ban Nha).

Đáng chú ý nhất, từ ngữ “Montagnard” (Người Thượng) không bao giờ được nghe thấy trong cả cuốn băng. Từ ngữ đó có nguồn gốc tiếng Pháp, một tàn tích của quá khứ thuộc địa ở Việt Nam, và có nghĩa là “dân miền núi.”

Ông Tony Ngiu, 71 tuổi, cha của Chuh, đã chiến đấu cùng lính Mỹ, và sau đó ông phải trả giá đắt, khi ông bị cộng sản Bắc Việt tuyên án 9 năm trong trại cải tạo và khổ sai. Cuối cùng ông đã tìm đường thoát khỏi Việt Nam và đến Mỹ năm 1998 cùng với gia đình, trong đó có Chuh, khi đó được 13 tuổi.
Như nhiều người Thượng tị nạn, ông định cư ở tiểu bang North Carolina. Khi cha anh chính thức trở thành một công dân Mỹ, Chuh không được hưởng quyền tự động trở thành công dân, vì anh đã 18 tuổi.
Ông Ngiu nói với Politico, “Tôi rất buồn. Tôi muốn họ cho con trai tôi về nhà để anh ấy có thể chăm sóc con cái.”

Vợ chồng anh Chuh có bốn đứa con từ 5 đến 12 tuổi, và gánh nặng hầu hết chất lên vai vợ của Chuh là Rex Ny. Cũng như chồng, Rex Ny cũng là người Thượng. Cô làm thợ nail trong khu vực Raleigh, trong khi đang học tiếp để có thể trở thành một chuyên viên trong ngành nha khoa. Không như chồng, Rex đã có quốc tịch Mỹ.

Rex Ny nói về tình trạng tài chánh, “Lương làm được đồng nào xài đồng ấy. Mỗi đêm tôi cầu nguyện với Chúa rằng có một cách nào đó anh ấy có thể về nhà để giúp tôi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT