Người Việt Khắp Nơi

VN như cá nằm trên thớt của Trung Cộng tại Biển Đông, phải bỏ các dự án dầu hỏa dù tiền nợ quốc gia đang gia tăng

Sunday, 29/04/2018 - 03:00:27

Đó là ý kiến của ông Bill Hayton, một phân tích gia chuyên về Á Châu - Thái Bình Dương. Bài viết của ông đăng trên mạng Chatham House thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Vụ Hoàng Gia tại Anh Quốc (The Royal Institute of International Affairs) được chuyển ngữ với nội dung tóm lược dưới đây.


Một chiếc tàu chiến của Cảnh Sát Biển Trung Cộng gần một dàn khoan dầu của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tàu chiến này xua đuổi tất cả tàu đánh cá của Việt Nam dám bén mảng đến gần. (Getty Images)

Mặc dù vùng biển ngoài khơi Việt Nam là thuộc về Việt Nam theo luật pháp quốc tế, nhà cầm quyền Hà Nội dường như không có một chiến lược nào nhằm sử dụng luật pháp để giành lại lãnh thổ một cách chính đáng. Và sự thiệt hại kinh tế đối với Việt Nam trước tình trạng khó xử này đang mỗi ngày một gia tăng. Đó là ý kiến của ông Bill Hayton, một phân tích gia chuyên về Á Châu - Thái Bình Dương. Bài viết của ông đăng trên mạng Chatham House thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Vụ Hoàng Gia tại Anh Quốc (The Royal Institute of International Affairs) được chuyển ngữ với nội dung tóm lược dưới đây.

Việt Nam vừa thua thêm một trận hải chiến khác: một dự án khai thác dầu hỏa và khí đốt trị giá $200 triệu Mỹ kim, được gọi là phát triển 'Hoàng Đế Đỏ (Red Emperor) ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Việt Nam, đã bị trì hoãn và có thể bị hủy bỏ hoàn toàn. Niềm hy vọng tăng thêm lượng dầu hỏa để tạo tiền dành cho ngân sách nhà nước của Hà Nội đã bị xóa tan. Và thủ phạm phá niềm hy vọng của Việt Nam chính là nước láng giềng tốt, đồng chí tốt và bạn tốt của Việt Nam ở phương bắc.

Dự án này từng được hình thành trong nhiều năm, và là một liên doanh giữa Repsol của Tây Ban Nha, Mubadala của Abu Dhabi, và công ty năng lượng quốc doanh PetroVietnam. Theo dự trù, việc khoan dầu khí thương mại bắt đầu vào tháng Tư này, dầu hỏa và khí đốt sẽ được khai thác trong ít nhất 10 năm. Thế nhưng một giàn khoan chuyên dụng được xây dựng tại hải cảng Vũng Tàu vẫn nằm đắp ụ, cũng như giàn khoan hợp đồng và tàu bồn chứa dầu khí.

Cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam chưa công nhận rằng dự án đó đã bị đình chỉ. Họ cũng không xác nhận rằng một dự án khác của công ty Repsol trên một lô đáy biển gần đó đã bị hủy bỏ trong năm vừa qua.
Cả hai lô khai thác của Repsol đều nằm trong khu vực kinh tế độc quyền được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Một cách giải thích hợp lý về luật pháp quốc tế sẽ cho Việt Nam quyền khai thác trên các nguồn lực trong các lô này. Không may cho Việt Nam, Trung Cộng không nhìn sự việc hợp lý như vậy.

Trong mười năm qua, Trung Quốc gia tăng mức độ đe dọa mà họ sẵn sàng dùng để đạt cho được những mục tiêu chiến lược của họ tại Biển Đông. Vào năm 2007, Bắc Kinh đe dọa các công ty năng lượng quốc tế, gợi ý rằng các cơ sở doanh nghiệp của các hãng này ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ theo đuổi các liên doanh ngoài khơi với Việt Nam. Hai công BP và Chevron nằm trong số các công ty chịu trận.

Trong năm 2011 và năm 2012, các tàu Trung Quốc dùng vũ lực đối với các tàu khảo sát dầu hỏa của Việt Nam, cắt và tịch thu những sợi dây cáp địa chấn của những chiếc tàu ấy. Trong năm 2017, Trung Quốc đe dọa tấn công các vị trí của Việt Nam trên rạn san hô Vanguard Bank ở Biển Đông, nếu hoạt động khai thác của Repsol không ngưng lại.

Vẫn chưa rõ loại đe dọa nào được đưa ra trong cuộc đối đầu mới nhất này. Nhưng quyết định của Việt Nam trùng hợp với việc Trung Quốc đang đưa một đội tàu hải quân gồm 40 chiếc ở ngoài khơi đảo Hải Nam, một nơi chỉ cách hai ngày tàu chạy từ vị trí khoan dầu. Đây là tình huống mà giới lãnh đạo Việt Nam đang phải đối phó: một người hàng xóm khổng lồ sẵn sàng ám chỉ việc dùng vũ lực để đe dọa những mối lợi ích kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Việt Nam đang gặp phải những tai họa kinh tế đáng kể. Nợ công của nước này là cao nhất trong số các nước ASEAN. Mức nợ đã tăng nhanh từ 50 phần trăm tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong năm 2011, lên tới mức 64 phần trăm trong năm 2016, và hiện giờ đang được cho là đang chạm mức trần pháp lý là 65 phần trăm. Để tránh vượt qua mức giới hạn đó, việc bán cổ phần trong các công ty quốc doanh đã tăng mạnh, và các bộ trưởng cam kết cắt giảm số lượng nhân viên chính phủ, trong đó có công an cảnh sát. Tình trạng thắt lưng buộc bụng bị áp đặt lên trên những dụng cụ truyền thống của việc Đảng Cộng Sản nắm quyền kiểm soát.

Ngoài ra, các mức thuế đang gia tăng. Nhà cầm quyền đã đưa ra một khoản thuế mới về nhiên liệu, bề ngoài có vẻ là để cắt giảm lượng khí thải carbon, nhưng thực ra là tìm cách làm cân bằng ngân sách. Việc tăng thuế không bao giờ được dân ưa thích, nhưng khi các mỏ dầu hiện hữu trở nên cạn kiệt, chính phủ cần phải khẩn cấp thay thế các nguồn thu nhập bị sụt giảm. Các bãi Red Emperor được dự định sản xuất dầu khí trong nhiều tháng, nhưng việc trì hoãn hiện nay tạo ra một lỗ hổng trong ngân sách nhà nước trong năm tới. Đáng ngại thay, hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông đã khiến cho đồng chí cộng sản của họ càng dễ bị tổn thương nhiều hơn trên đất liền.

Hà Nội có cách lựa chọn nào khác? Trong mấy năm, họ tìm cách xây dựng hỏa lực của hải quân để ngăn chặn đối phương bằng những chiếc tàu, tiềm thủy đĩnh và hỏa tiễn mới. Việt Nam có thể đánh chìm một vài chiếc tàu Trung Quốc nếu có xung đột giữa hai nước, nhưng hậu quả cho Việt nam, về cả quân sự lẫn kinh tế, sẽ rất là thê thảm.

Bằng cách chịu thua về việc khai thác dầu hỏa này, Việt Nam chứng tỏ tình trạng thiếu khả năng ngăn chặn Trung Cộng bằng hải quân. Ngay cả chuyến thăm của một trong những chiến hạm hùng mạnh nhất trên trái đất, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, đến Đà Nẵng, vào ngày trước khi bắt đầu việc khoan dầu của Repsol theo dự trù, cũng không đủ để mang lại cho Việt Nam lòng tin tưởng để phớt lờ những mối đe dọa của Trung Quốc.

Một cách lựa chọn khác là ngoại giao. Trong những ngày sau quyết định của Repsol, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghi sang thăm Hà Nội. Các cuộc nói chuyện đều thân thiện bề ngoài, nhưng có một sự rạn nứt rõ nét trong các văn bản chính thức. Phía Bắc Kinh nói về việc thăm dò những cách thức khả thi để cùng phát triển chung. Trong khi đó Hà Nội gợi ý rằng 'các vấn đề phải được giải quyết liên quan đến Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển.'

Hoạt động ngoại giao với các nước thứ ba là điều khó khăn đối với Việt Nam, vì thái độ ác cảm từ lâu đối với các đồng minh và việc Đảng Cộng Sản không tin cậy Hoa Kỳ. Hàng ngũ lãnh đạo hiện thời của Việt Nam, dưới thời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, là “những người trung thành với hệ thống đảng” quyết tâm duy trì quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.

Họ xem đối tác Trung Quốc của họ đáng tin cậy hơn so với những người Mỹ yêu chuông nền tự do dân chủ. Những người theo đường lối cứng rắn hiện thời đang tham gia vào một cuộc đàn áp nghiêm trọng nhắm vào những người bất đồng chính kiến, lý luận rằng chắc Hoa Thịnh Đốn không trừng phạt họ, vì bầu không khí chính trị hiện thời. Vì chính những lý do đó, Bắc Kinh có thể chắc chắn rằng Hà Nội sẽ không chuẩn bị theo Mỹ chỉ vì mất đi nguồn thu nhập từ dầu hỏa ở Biển Đông.

Những cách lựa chọn của Hà Nội đều rất hạn chế, dường như không có một chiến lược để phát triển các nguồn lực mà luật pháp quốc tế nói là thuộc về Việt Nam một cách đúng đắn . Và mức tổn hại kinh tế của tình trạng khốn khó này đang gia tăng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT