Đời Sống Việt

Áo Dài Quê Hương

Thursday, 02/10/2014 - 08:31:49

Ôi từ lâu cảm xúc thẩm mỹ của chúng ta đã bị thui chột mất rồi! Hôm nay nó mới có cơ hội sống lại. Làm sao mà không vui, không ngây ngất cho được...

Phượng Vũ

Sau đó trong kỳ họp HĐ tháng tiếp theo, bà Hiệu Trưởng ra lệnh cho các cô phải mặc áo dài đến trường bắt đầu từ tháng tới. Rồi sang năm học mới, các nữ sinh sẽ mặc áo dài trắng đi học. Giờ giải lao các cô than trời như bộng, không hiểu sao bà thay đổi ý kiến nhanh thế? Từ đề nghị qua bắt buộc, từ chỉ một ngày Thứ Hai qua cả tuần? Tôi cũng thắc mắc nên một cô kéo tôi ra ngoài nói nhỏ:
-Tại chị đó! Tội chị lớn lắm, ở đó mà còn lo thắc mắc!
Tôi ngơ ngác:
-Tội gì? Chị có làm gì đâu?
Cô kể:
-Thứ Hai tuần trước, sau lễ chào cờ, chị mặc áo dài, xách cặp đi dưới sân. Bà HT và một số thầy cô giáo đứng trên lầu, em đứng gần bà, bà chỉ chị đang đi dưới sân rồi nói với em, Xem kìa, cô giáo mặc áo dài trông duyên dáng đầy nữ tính, đẹp thế kia mà các cô khác còn không chịu mặc? Kỳ tới họp HĐ tôi sẽ ra lệnh bắt các cô mặc áo dài mới được! Thiệt tình em thấy dáng chị cao, mặc áo dài đẹp thiệt nên em cũng phụ họa với bà. Những tưởng bà nói vậy rồi thôi! Ai dè bà làm thiệt, nên chị là “đầu dây mối nhợ” trong vụ này, “tội” chị là vậy đó!
Tôi nghe giật mình:
-Thiệt vậy sao? Thôi làm ơn đừng nói ai biết kẻo chị bị các cô “giũa” chết!
-Vậy thì chị phải “hối lộ” em cái gì để em “giữ bí mật” giùm chị.
-Được rồi, ngày mai chị sẽ mua cho em 1 gói bánh, chịu chưa?...
Sau đó tôi nghe bà HT tâm sự:
-Ở miền Bắc chúng tôi sống khổ quá, cơm không có mà ăn, toàn ăn khoai sắn nên làm gì có áo dài mà mặc. Còn trong Nam các cô có áo dài tại sao không chịu mặc?
Nghe bà than thở tôi bỗng nhớ lại câu chuyện của một số nhà văn, nhà thơ miền Bắc vào miền Nam thời gian đầu: Khi đi ngang các cổng trường trung học vào giờ tan trường nhìn thấy những tà áo dài trắng của các nữ sinh bay rợp khắp các ngả đường như một đàn bướm xinh, các ông sững người đứng ngắm đến ngơ ngẩn, rồi bảo nhau:
-Ngoài kia bọn mình cứ lo hô hào, cổ vũ mọi người xây dựng thiên đường XHCN, nhưng hình ảnh thiên đường nào thấy đâu? Ngay cả mấy cô tiếp viên hàng không cũng chỉ quần đen áo sơ mi trông chán chết!
-Vào Nam, họ chả hô hào xây dựng thiên đường gì cả, nhưng bao nhiêu là hình ảnh đẹp tuyệt vời như cảnh trước mắt chúng ta đây. Ngắm mà không thích mắt sao?
-Ôi từ lâu cảm xúc thẩm mỹ của chúng ta đã bị thui chột mất rồi! Hôm nay nó mới có cơ hội sống lại. Làm sao mà không vui, không ngây ngất cho được...
Thì ra XHCN: “Nói vậy mà không phải vậy” hay “Hô hào vậy mà không phải vậy”, chỉ toàn là “bánh vẽ”, là “một rổ danh từ” thôi!
Trở lại với vụ phân công văn nghệ trong nhóm, nhìn đồng hồ tay thấy còn 10 phút là tới giờ vào lớp buổi chiều, nên tôi vội vàng nhận việc:
-Thôi để tôi phụ trách phần viết và đọc lời giới thiệu. Phần còn lại các bạn chia nhau làm nghen!
Mọi người đồng ý lẹ. Rồi cả nhóm xúm nhau bàn nên làm gì? Diễn tả làm sao? Chưa đâu vào đâu hết thì đã tới giờ học buổi chiều. Phải chi BTC cho thời gian họp nhóm và biết đề tài từ tối qua thì đỡ biết bao! Đúng là BTC chơi ép các thầy cô quá, khiến cho nhiều người muốn bắt chước nàng Kiều mà thưa rằng: “Chút lòng “văn nghệ” từ nay xin chừa” vì cập rập quá không có giờ để suy nghĩ và chuẩn bị gì cả!
Rời nhóm, tôi vội vàng đi tìm phòng của môn “Điều hành lớp học” do cô Diệu Quyên phụ trách. Ai đã từng đi dạy cũng đều biết khả năng điều hành lớp học rất quan trọng, thiếu khả năng này, chúng ta sẽ không dạy học sinh được. Cô Diệu Quyên cung cấp nhiều kỹ năng và kinh nghiệm mà cô đã có khi dạy ở trường Mỹ để giúp các thầy cô điều hành lớp học cho tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được nghe các thầy cô khác chia sẻ những kinh nghiệm đặc biệt khi điều hành lớp học rất thú vị, như làm thế nào để hòa mình với các em, thân cận với các em... Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn“
Lâu lắm mới được trở lại với “vị trí học sinh”, tôi bắt chước các em học sinh ngày xưa: thích ngắm nhìn cô giáo mặc áo dài. Cô Diệu Quyên có rất nhiều áo dài đẹp. Áo dài mặc trong lễ nghi bái tổ quá xuất sắc, quá phù hợp, rồi những lần sau đó áo dài nào của cô cũng đẹp, “mỗi áo một vẻ, mười phân vẹn mười”. Tà áo dài Việt Nam đã được bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ, nhà văn khen ngợi vì nó lột tả được hết nét đẹp duyên dáng, dịu dàng, nhưng cũng không kém phần lôi cuốn hấp dẫn của phụ nữ Việt Nam. Do đó tà áo dài cũng là biểu tượng của Quê Hương Việt Nam, vì vậy khi xa quê hương, người Việt Nam muốn giữ lại quê hương của mình qua hình ảnh tà áo dài thân thương ấy! Đó có lẽ cũng là lý do trong khóa tu nghiệp kỳ này các cô giảng viên và cả những cô trong BTC đều mặc áo dài mỗi ngày, rất đẹp, rất duyên dáng làm tôi cảm thấy sân trường đại học Long Beach mang đầy dáng dấp hình ảnh quê nhà thân yêu! Đúng là “Chúng ta đi, mang theo quê hương”. Mới đây trong một chuyến đi cruise ở Châu Âu do nhóm cựu học sinh trường Sương Nguyệt Anh tổ chức, cô trò chúng tôi rủ nhau vào “Đêm Thuyền Trưởng” sẽ mặc áo dài. Khi nhóm chúng tôi xuất hiện, ai trông cũng yêu kiều duyên dáng với nhiều tà áo dài bông hoa, màu sắc khác nhau khiến bao khách nước ngoài trông thấy đều không tiếc lời khen ngợi (Oh! Beautiful, Wonderful, Very Interesting, Très bien...) Lúc cô trò chúng tôi chụp hình chung với nhau, một số khách thích hình ảnh chiếc áo dài quá, bèn xin chụp hình chung, kể cả vị thuyền trưởng. Thật đáng hãnh diện thay với chiếc áo dài Việt Nam.
Giờ học tiếp theo là giờ của BS Tâm Lý Đông Xuyến nói về tâm lý trẻ em (mà cũng có thể áp dụng cho người lớn). BS tâm lý nói chuyện thì bao giờ cũng hấp dẫn và lôi cuốn nên mọi người im lặng lắng nghe!
Trước hết cô cho biết khi người ta làm việc chung với nhau (kể cả hát, đi chơi, đi ăn... chung) sẽ nảy sinh ra sự gắn kết giúp tâm người ta dịu xuống, giảm bớt sự căng thẳng và gần gũi nhau hơn. Thực tế, tôi thấy đi chơi chung, rồi đi ăn cả nhóm là thấy vui và giảm stress thấy rõ. Điều căn bản của tâm lý là “hiểu ta, hiểu người” kiểu như câu nói nổi tiếng “Biết người, biết mình trăm trận, trăm thắng” là vậy! Các thầy cô phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh các em khi đi học Việt Ngữ, hướng các em về điều tích cực. Tìm cơ hội để khen các em hơn là chê trách, để các em thấy vui thì học mới vô. Tránh cho các em cảm giác Sợ và Giận ( tức) vì theo tâm lý học khi những cảm giác tiêu cực này xảy ra thì bộ não sẽ cản trở khả năng tư duy và trí nhớ khiến các em không học được, cũng không kiểm soát được hành vi và lời nói của mình..., kiểu như ông bà xưa thường nói “Giận mất khôn”.
Nên khuyến khích các em hoạt động nhiều, chơi nhiều vì càng chơi nhiều các em sẽ năng động và thông minh hơn. Nhưng không phải là chơi game, mà chơi những trò chơi có tương quan xã hội, với những người chung quanh. Ngoài ra BS còn tiết lộ một chuyện lạ: Theo các nghiên cứu khoa học mới đây cho biết những trẻ em hay chơi đất, nghịch cát, lại là những đứa trẻ khỏe mạnh hơn (vì có nhiều kháng thể hơn, nên có sức đề kháng tốt hơn). Hèn gì ngày xưa thấy con nhà nghèo lê la lấm đất, lấm cát lại khỏe mạnh cùi cụi, còn trẻ càng được giữ kỹ chừng nào càng dễ ốm đau sổ mũi, ấm đầu liên miên. Các phụ huynh ở Mỹ nên lưu ý điều này để bớt vệ sinh kỹ lưỡng quá, chỉ làm trẻ yếu đi! Cô cũng nhắc nhở việc các thầy cô giáo phải ăn mặc đẹp để tạo hứng khởi cho học sinh học tốt. Do đó bắt học sinh mặc đồng phục thì được, nhưng bắt các thầy cô giáo mặc đồng phục là điều không nên! Dĩ nhiên là phải mặc đẹp trang nhã, phù hợp với vai trò cô giáo. BGH các trường nên xem xét lại vụ này vì yếu tố thẩm mỹ khi đứng lớp cũng rất quan trọng.
Cô cũng nhấn mạnh cần phải “Quên cái Tôi” của mình: Khi học sinh hỏi, nếu không biết thì thành thật nói không biết, hẹn lần tới. Khi thầy cô giáo nói sai thì xin lỗi và đính chính lại, vì không có ai là người hoàn hảo cả! Nét văn hóa Mỹ này có lẽ không chỉ áp dụng trong lớp học, mà nên áp dụng cả trong các gia đình Việt Nam. Vì theo văn hóa xưa các ông bố gia trưởng thường thích câu “Muốn nói ngoa, thì làm cha mà nói”, nên đôi khi tạo sự bất mãn nơi các con, ảnh hưởng đến bầu khí vui vẻ trong gia đình. Bởi vậy “Quên cái Tôi” luôn là điều khó làm, nên người ta mới nói “Chiến thắng chính mình là chiến thắng quan trọng nhất của một đời người”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT