Văn Nghệ

Ca sĩ Mỹ Lan tổ chức Dạ tiệc tưởng nhớ 12 năm Nhật Trường- Trần Thiện Thanh

Friday, 21/04/2017 - 08:18:22

Chính nhờ tình yêu thương của mọi người dành cho nhạc của anh và cho gia đình Mỹ Lan nên Mỹ Lan quyết định mỗi năm sẽ thực hiện một chương trình nhạc của anh nhân ngày anh ra đi, để chúng ta có một đêm nghe nhạc ấm cúng trong thâm tình như một gia đình.”

Bài BĂNG HUYỀN

Một năm trước, những khán giả yêu nhạc Trần Thiện Thanh tại quận Cam, đã có những kỷ niệm đẹp khi tham dự đêm nhạc chủ đề “Không Bao Giờ Ngăn Cách” do ca sĩ Mỹ Lan, người bạn đời của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh (1942-2005) tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant vào ngày 13 tháng 5 năm 2016, nhân 11 năm ngày ông rời xa nhân thế.



Poster chương trình

Năm nay, nhân 12 năm ngày giỗ của ông, ca sĩ Mỹ Lan sẽ tiếp tục thực hiện đêm nhạc chủ đề “Anh không chết đâu anh”, để hạnh ngộ với các khán giả yêu thương dòng nhạc Trần Thiện Thanh, sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ tối Thứ Sáu, ngày 12 tháng 5 năm 2017 cũng tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant (15583 Brookhurst St., Westminster, CA 92683). Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc mang đậm chất hồi tưởng với những tuyệt phẩm đã vang bóng của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, để mọi người có dịp cùng nghe lại những bài hát bất hủ của cố nhạc sĩ tài hoa, tưởng nhớ những cống hiến của ông cho nền âm nhạc Việt Nam.

Ngoài 2 tiếng hát không thể thiếu trong chương trình là ca sĩ Mỹ Lan và bé Anh Chí (con trai út của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca sĩ Mỹ Lan), đêm nhạc còn có sự góp mặt của các ca sĩ: Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Mai Lệ Huyền, Carol Kim, Băng Châu, Philip Huy, Mỹ Huyền, Quốc Anh, Đăng Vũ, Đức Vượng, Xuân Lan, Vy Lan, Khánh Hoàng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Thành. Cùng với sự phụ họa cho các nhạc cảnh là thành viên của Hội Bảo Tồn Truyền Thống Quân Lực VNCH. MC Đỗ Thanh điều khiển chương trình. Âm nhạc The Young Brothers Band. Thiết kế sân khấu: Nguyễn Thành Thống. Ánh sáng- chụp hình Richard Long.
Ca sĩ Mỹ Lan cho biết: “Sau thành công của chương trình nhạc kỷ niệm 11 năm anh Nhật Trường Trần Thiện Thanh với chủ đề “Không Bao giờ Ngăn Cách”, bạn bè, các anh chị em ca nghệ sĩ, các khán giả gặp Mỹ Lan đều nói Mỹ Lan ráng cố gắng mỗi năm thực hiện một chương trình nhạc tưởng nhớ anh. Chính nhờ tình yêu thương của mọi người dành cho nhạc của anh và cho gia đình Mỹ Lan nên Mỹ Lan quyết định mỗi năm sẽ thực hiện một chương trình nhạc của anh nhân ngày anh ra đi, để chúng ta có một đêm nghe nhạc ấm cúng trong thâm tình như một gia đình.”


Ca sĩ Mỹ Lan và Anh Chí chụp lưu niệm trong buổi hát gây quỹ Gia đình Bác Ái Phao Lô (Hình cung cấp)

Những nhạc cảnh giá trị được dàn dựng trong đêm nhạc
Nói về lý do chọn chủ đề “Anh không chết đâu anh“cho chương trình năm nay, ca sĩ Mỹ Lan giải thích: “Anh Nhật Trường đến Mỹ định cư năm 1993, cũng trong năm này, anh đã thực hiện chương trình “Nhật Trường tái ngộ”. Anh đã dàn dựng một nhạc cảnh anh hát với nữ ca sĩ Băng Châu, tên gọi nhạc cảnh đó là “Anh không chết đâu anh”. Lần này, Mỹ Lan sẽ dựng lại nhạc cảnh như cách anh Nhật Trường đã dàn dựng như 24 năm trước. Mỹ Lan mời được ca sĩ Băng Châu hát lại nhạc cảnh này với bé Anh Chí, Anh Chí nay đã gần 16 tuổi, không còn bé nữa, mà ra dáng thanh niên rồi. Khi Anh Chí mặc bộ quân phục nhảy dù lên, ai cũng bảo rằng cháu giống bố quá, là một Nhật Trường Junior, sẽ thể hiện lại nhạc cảnh này gửi đến quý khán giả.
Ca sĩ Mỹ Lan tiết lộ “Anh không chết đâu anh” là nhạc cảnh chủ đề chính của chương trình và cũng là nhạc cảnh chọn để kết thúc buổi diễn. Ca sĩ Quốc Anh, Đức Vượng, Băng Châu, Mỹ Lan và Anh Chí sẽ hát nhạc cảnh này, gồm 5 bài hát, cùng phần phụ họa của các thành viên trong Hội Bảo Tồn Truyền Thống QLVNCH. Mở đầu sẽ là bài “Chiều trên phá Tam Giang”, lần lượt các bài còn lại là “Người Ở Lại Charlie”, Người chết trở về” , “Từ đó em buồn” và kết thúc với bài “Anh không chết đâu anh”. Nhạc cảnh được dàn dựng để gợi tả lại giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam cận đại, trận chiến “Mậu Thân 1968”, “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972”, hình ảnh người cô phụ khi nhận tin báo tử... Vinh danh những người lính VNCH đã “nằm xuống”, các anh đều là những anh hùng bất tử, qua những tác phẩm “Người Ở Lại Charlie” (viết về cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo đã anh dũng hy sinh trên đồi Charlie Tân Cảnh Komtum), “Anh Không Chết Đâu Anh” (ca ngợi tinh thần bất khuất của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Đại úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương).


Ca sĩ Mỹ Lan hát trong chương trình nhạc “ Không bao giờ ngăn cách” tưởng niệm 11 năm ngày mất nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (Hình cung cấp)

Ngoài nhạc cảnh chủ đề của chương trình, ca sĩ Mỹ Lan cho biết chị còn dàn dựng thêm nhiều nhạc cảnh khác nhau. Chị giới thiệu: “Thời gian gần đây, những ai theo dõi tin tức thời sự trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại đều thấy rằng đồng bào trong nước và ở hải ngoại cùng xuống đường biểu tình chống đối công ty Formosa đã gây ra thảm họa về môi trường tại Việt Nam, nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam đã thao túng, không bồi thường cho những ngư dân của chúng ta. Trong chương trình này, mở đầu sẽ là nhạc cảnh mang tính thời sự với 2 bản nhạc “Người Lính không quân trang” và “Đôi tiếng tự do” đã được anh Nhật Trường Trần Thiện Thanh viết trước đây, nhưng nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Bài hát “Người Lính Không Quân Trang” được anh sáng tác vào năm 1997. Lúc đó, bà con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đang chú ý tới những cuộc biểu tình của giáo dân đòi chính quyền Việt Nam trả lại đất đai đã bị tịch thu, cưỡng chế của các giáo xứ ở tỉnh Thái Bình, xã Kim Nỗ (Đông Anh) gần Hà Nội, giáo xứ Xuân Lộc ở trong miền Nam... Vì vậy anh đã viết bài hát này ca ngợi những người dân xuống đường biểu tình, họ không được trang bị bằng quân sự, nhưng được vũ trang bằng lòng yêu nước Việt Nam. Sức mạnh của họ như những sư đoàn.

“Hỡi người lính chiến không quân trang

Xuống phố trưa nay với hằng sư đoàn
Người lính thầm lặng nhiều năm trước
Vẫn trang bị bằng lòng yêu nước
Bằng hồn thiêng sông núi Việt Nam!
Xưa người chiến đấu giữ Khe Sanh
Xưa đã giương cao ngọn cờ Cổ Thành
Người lính nhục nhằn nhận lệnh buông súng
Thản nhiên nhận tù đày ngăn cấm
Từ một ngày tháng Tư bàng hoàng. 
(Trích bài hát “Người lính không quân trang”)

“Chúng ta cùng đọc..đọc hai chữ..chữ Tự Do!
Chúng ta ca ngợi cuộc đời ta trên ấm no
Cất cao lời đọc..đọc hai chữ..chữ Tự Do!
Vang lên một lời bằng hai chữ..hai chữ Tự Do!
(Trích bài hát “Đôi tiếng Tự Do)
Toàn ban các anh chị em nghệ sĩ sẽ hát mở màn 2 bài này cùng phần phụ họa là các thành viên của Hội Bảo Tồn Truyền Thống VNCH.”

Nhạc tình và nhạc lính
Trong gia tài sáng tác với hơn 100 tác phẩm của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, bên cạnh những ca khúc về tình yêu quê hương, thì chủ đề lớn xuyên suốt là tình yêu và tình lính, vinh danh người lính VNCH. Mỗi ca khúc là một câu chuyện, một số phận với nguồn cảm xúc đa dạng và phong phú. Vì bản thân nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng là một người lính đã có dịp gần gũi và sống qua cảnh ngộ của những người cùng cảnh nên những ca khúc của ông làm cho người lính yêu cuộc đời của mình hơn và làm cho người khác cũng yêu cuộc đời của người lính hơn.

Dù là những bài nhạc có tiết tấu vui tươi như “Màu mũ anh, màu mắt em”, “Cho anh xin số nhà”, “Gặp nhau làm ngơ”, “Tình có như không” vân vân … hay những ca khúc trữ tình, êm ả như Hoa Trinh Nữ… đều giúp cho người nghe có thêm niềm yêu sống với đời, cảm thấy được an ủi, được vỗ về và sẻ chia cả những niềm vui, nỗi cùng cực, tuyệt vọng và những đớn đau mất mát.

Đêm nhạc “Anh không chết đâu anh” sắp tới còn có nhạc cảnh hát cho lính và những người yêu lính, với các ca sĩ Khánh Hoàng, Nguyễn Tiến Dũng, Đăng Vũ, Xuân Lan... sẽ gửi đến khán giả các ca khúc Hoa trinh nữ, Lời tình viết vội, Mùa xuân lá khô, Tình thư của lính, Người yêu của lính, Đám cưới đầu xuân. Và những bài ngợi ca tình yêu Ai Nói Yêu Em Đêm Nay, Khi người yêu tôi khóc, 7 ngày đợi mong, Cho anh xin số nhà.... qua những tiếng hát của Carol Kim, Mỹ Huyền, Philip Huy, Quốc Anh, Mỹ Lan, Vy Lan...

Tâm sự về ý nghĩa những đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà chị đã từng tổ chức từ trước đến nay vào dịp giỗ cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, ca sĩ Mỹ Lan chia sẻ: “Trong suốt 12 năm qua, khi tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ anh Nhật Trường- Trần Thiện Thanh, luôn có quay, để gia đình nhìn lại mỗi năm Anh Chí trưởng thành. Từ nhỏ Anh Chí mê hát nhạc của bố và thích mặc đồ lính, nhưng bé chỉ hát nhạc của bố như một cái máy thôi. Con nít mà, kêu làm, thì làm thôi, chứ chưa có khái niệm gì về người lính VNCH, cũng chưa có khái niệm được nhạc của cha bé sâu sắc thế nào, tình yêu của cha dành cho người lính VNCH nói riêng hay tình yêu của cha dành cho quê hương đất nước Việt Nam ra sao. Anh Chí có thể nói được tiếng Việt, nhưng chưa thể hiểu sâu sắc nghĩa, mà nhạc của anh Nhật Trường có lời giống như thơ vậy, rất văn chương. Khi cất lên lời hát là người ta có thể mường tượng ra hình ảnh, câu chuyện, nhưng Anh Chí chưa hiểu hết được khi bé còn nhỏ. Trải qua suốt 12 năm qua, mỗi năm Anh Chí hát nhạc của bố, bé bắt đầu thấm hơn. Càng lớn, Anh Chí càng hiểu hơn, nếu không hiểu, bé hỏi Mỹ Lan phải giải thích cặn kẽ cho con rõ hơn để giúp bé diễn tả được nội dung mà cha bé đã viết.”

Ngưng lặng vài giây, giọng chị nghẹn ngào khi tâm sự: “Cứ mỗi lần Mỹ Lan nhìn con hát, là Mỹ Lan lại khóc, vì cứ nghe và nhìn con hát là nhắc Mỹ Lan nhớ rằng bé là trẻ mồ côi cha lúc mới có 3 tuổi thôi. Mỹ Lan thấy thương bé vô cùng, vừa nhớ anh Nhật Trường, vừa thương con vô cùng. Cũng may bé lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, của anh trai là Trần Thiện Anh Chính (con riêng của nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, đem từ Việt Nam qua) và con trai riêng của Mỹ Lan, 3 đứa sống chung trong một ngôi nhà từ nhỏ đến lớn, cháu nhận được tình yêu thương của Mỹ Lan và 2 anh trai, nên cháu cũng đỡ tủi thân.”

Chị bảo chị không chỉ cho Anh Chí hát trong chương trình tưởng niệm nhạc sĩ Trần Thiện Thanh do chị tổ chức, mà còn đưa bé đi hát những chương trình từ thiện trong cộng đồng “để cho cháu biết những sinh hoạt trong cộng đồng, qua những sinh hoạt đó cho cháu gần gũi với cộng đồng Việt Nam chúng ta, để cháu hiểu đi làm từ thiện, giúp đỡ những người kém may mắn, còn khi đi gặp các đoàn thể, gặp các quân binh chủng hải quân, không quân, bộ binh... để cháu giữ được tinh thần của nhạc của bố luôn dành vinh danh những người lính VNCH. Chắc có gene của bố và mẹ, nên Anh Chí rất mê nhạc, nơi bé học tại trường Marina high school, Anh Chí tham gia sinh hoạt văn nghệ rất nhiệt tình, nhưng chủ yếu hát tiếng Anh. Mới đây bé khoe với Mỹ Lan bé sáng tác được 2 bản nhạc bằng tiếng Anh, vì bé không tự tin là tiếng Việt giỏi để sáng tác nhạc tiếng Việt, và đã hát trong trường. Mỹ Lan khuyến khích bé hãy tiếp tục sáng tác. Giờ Anh Chí lớn nên đã hiểu là bố bé rất nổi tiếng, vừa là nhạc sĩ và là ca sĩ nữa, nên bé cũng muốn thử nối nghiệp bố, vừa hát vừa sáng tác nhạc.”



Bé Anh Chí trong đám tang nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (Hình cung cấp)


Bé Anh Chí lúc còn nhỏ (Hình cung cấp)

Ca sĩ Mỹ Lan cho biết chương trình “Dạ tiệc tưởng nhớ 12 năm Nhật Trường- Trần Thiện Thanh” vào thứ Sáu, ngày 12 tháng 5 năm 2017 sắp tới tại tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, đúng 6 giờ tối sẽ có phần chụp hình lưu niệm. Từ 7 giờ là đến 8 giờ 30 là phần dạ tiệc gồm 8 món do nhà hàng Paracel phụ trách. Đúng 8 giờ 30 là vô chương trình chính của đêm nhạc chủ đề “Anh không chết đâu anh”.



Anh Chí hát trong chương trình nhạc “Không bao giờ ngăn cách” tưởng niệm 11 năm ngày mất nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (Hình cung cấp)

Ca sĩ Mỹ Lan nói: “Cám ơn nhật báo Viễn Đông cho Mỹ Lan có cơ hội để Mỹ Lan tâm tình nỗi niềm của mình khi thực hiện chương trình nhạc tưởng nhớ anh Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Cám ơn các khán giả là một đại gia đình đã thương yêu mẹ con Mỹ Lan, nếu không có sự thương yêu của tất cả mọi người, những khán thính giả khắp nơi cũng như anh chị em ca nghệ sĩ đã thương mến Mỹ Lan và Anh Chí, thì suốt 12 năm qua, Mỹ Lan sẽ không có sự nỗ lực nào thực hiện được chương trình nhạc tưởng niệm anh Nhật Trường như thế này. Xin cám ơn tất cả mọi người, những sự yêu thương mà mọi người đã dành cho Mỹ Lan và gia đình bấy lâu nay, mong rằng vẫn với tình yêu thương đó khán giả hãy đến với đêm nhạc năm nay. Một chương trình mà Mỹ Lan tràn đầy năng lượng và tâm huyết dàn dựng ngay khi vừa có ý định thực hiện. Hãy gọi điện cho Mỹ Lan, số điện thoại 714.330.1437. Cũng như năm ngoái, Mỹ Lan là người sắp xếp bàn, ai gọi trước thì Mỹ Lan sắp trước, ai gọi sau thì sắp ra sau. Mong quý vị tiếp tục đến để thưởng thức lại những bản nhạc của anh Nhật Trường.”


Anh Chí hát trong một chương trình nhạc (Hình cung cấp)

Giá vé VIP $50, vé thường $40, bao gồm ẩm thực 8 món, kèm tặng DVD hay CD Nhật Trường, liên lạc Mỹ Lan, số điện thoại 714.330.1437.
(B.H)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT