Đời Sống Việt

Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống trung học

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 15/04/2012 - 08:19:32

Muốn vào học tại trường đại học thuộc hệ thống University of California (UC), các học sinh cũng phải bỏ ra ít nhất hai năm để học cùng một ngoại ngữ, mặc dù trường đề nghị họ học ba năm.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 16)

Băng Huyền/Viễn Đông


Trong chương trình trung học công lập tại California, tất cả những học sinh nào muốn tốt nghiệp đều phải học một ngoại ngữ trong vòng ít nhất một năm. Điều này có nghĩa là tất cả các học sinh trung học ở California đều có cơ hội học tiếng Việt trong ít nhất một năm. Ngoài ra các học sinh này có thể có cơ hội để học tiếng Việt, vì việc nhập học vào trường đại học trong hệ thống công lập California State University (CSU) yêu cầu các sinh viên phải theo học cùng một ngoại ngữ trong ít nhất hai năm. Muốn vào học tại trường đại học thuộc hệ thống University of California (UC), các học sinh cũng phải bỏ ra ít nhất hai năm để học cùng một ngoại ngữ, mặc dù trường đề nghị họ học ba năm.


“Em tự hào là người Việt Nam” - một biểu ngữ của học sinh các lớp tiếng Việt trường trung học La Quinta trong cuộc diễn hành Tết Nhâm Thìn 2012 trên đại lộ Bolsa ở Little Saigon 
ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Nếu chương trình dạy tiếng Việt, lịch sử, văn hóa Việt ở một số đại học tại Hoa Kỳ (như đã trình bày trong những bài viết trước) đã được các giáo sư, nhân sĩ, phụ huynh, học sinh, các nghị viên, dân biểu… kiên trì vận động thành công, để những môn học này đưa vào chương trình dạy tại những đại học ở Hoa Kỳ từ những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 của thế kỷ 20, thì chương trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại các trường trung học ở Hoa Kỳ lại muộn màng hơn, chỉ tập trung nơi những cộng đồng Việt Nam đông đúc nhất. Như khu vực San Jose, California, học khu East Side Union High School District có 17 trường trung học, hầu hết đều có chương trình học Việt ngữ kéo dài 4 năm. Tại trường Charter School ở New Orleans, Louisiana, có chương trình tiếng Việt cấp tiểu học. Tại Quận Cam, California, có 4 trường trung học có chương trình Việt ngữ.
Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Cao Dương mô tả: “Tùy theo đường lối của từng học khu, từng trường, từng khu vực, có nơi người ta cởi mở không bảo thủ, chương trình song ngữ dạy tiếng thiểu số được chấp nhận. Thêm vào đó là sự trợ cấp tài chánh của chánh phủ liên bang. Trường trong khu vực không phải mất tiền, dân chúng địa phương không chỉ trích. Có người đứng ra thúc đẩy và thực hiện. Tiếng Việt được dạy như là một phần của giáo dục song ngữ rồi trở thành ngoại ngữ là hoàn toàn hợp pháp, đúng chương trình và tồn tại nếu có học sinh theo học và nhà trường không gây khó dễ, phụ huynh sẵn sàng tranh đấu hỗ trợ”. Riêng về một trong những cộng đồng Việt Nam đông nhất tại Quận Cam, GS. Phạm Cao Dương nhận xét: “Nhưng ở Quận Cam thì hơi khác. Ở Quận Cam người ta bảo thủ hơn, phụ huynh Việt Nam mình thì thụ động quá hoặc muốn cho con em mình hội nhập thật mau, từ đó chỉ học tiếng Anh thôi. Đến khi họ nhận ra những hậu quả thì đã quá muộn. Mãi đến năm 2001, trường trung học Westminster thuộc học khu Huntington Beach High School District (HBUHSD) có khá đông học sinh gốc Việt theo học, mới có môn Việt ngữ vào trong chương trình dạy các ngoại ngữ thế giới. Đến năm 2002, trường Bolsa Grande và La Quinta thuộc học khu Garden Grove School District, nơi tập trung các em học sinh gốc Việt đông nhất đã đưa thêm môn tiếng Việt vào chương trình. Và năm 2004, trường Garden Grove High School (cũng thuộc học khu này) bắt đầu có chương trình tiếng Việt”.

Thành công của cuộc vận động đưa tiếng Việt vào dạy trong hệ thống trung học
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy Viên Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, cho biết: “Khoảng năm 1999-2000, trước khi tôi đắc cử vào Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove (2002), LS. Nguyễn Quang Trung đã vận động đưa tiếng Việt vào chương trình dạy chính thức. Thật ra, điều này đã được thực hiện trên San Jose (Bắc Cali) từ trước rồi. Dư luận, báo chí cũng đã bắt đầu đề cập đến vấn đề này cho Quận Cam, nơi có người Việt sinh sống nhiều nhất. Rõ ràng tại Quận Cam, luật bằng tiếng Việt cũng quan trọng không kém hơn luật bằng tiếng Tây Ban Nha, rõ ràng là quan trọng hơn tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng La Tinh, thành ra nhu cầu của tiếng Việt là ngôn ngữ để phát triển nền kinh tế của California, chưa nói đến nền kinh tế của Hoa Kỳ, chưa nói đến nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ nhận biết được tầm quan trọng của ngôn ngữ này, thì phải xem nó là một ngoại ngữ thực thụ hơn là một tiếng chỉ để duy trì văn hóa của một sắc dân nào đó. Khi đưa ra những vấn đề trên LS. Nguyễn Quang Trung đã vận động thành công và đề nghị học khu đưa chương trình tiếng Việt vào”.
LS. Nguyễn Quốc Lân nói thêm: “Vì Quận Cam của California vốn là nơi rất bảo thủ, họ không muốn đổi mới, họ nghĩ nếu đưa ngoại ngữ của sắc dân này, mà không đưa sắc dân kia thì sẽ ra sao… Vì sao phải bớt chương trình tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp để mở tiếng Việt… họ có đủ các lý do để kháng cự. Nhưng vì áp lực chính trị của cộng đồng Việt Nam, và tư thế chính trị trong khu vực này của cộng đồng chúng ta, thành ra họ phải đồng ý thôi, mặc dù trong lòng họ không muốn. Nhưng đến khi họ đồng ý mở lớp tiếng Việt, thì mới thấy ra nhiều khó khăn khác: không có thầy cô giáo được huấn luyện bài bản trường sư phạm dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Thời gian đầu, học khu phải mời giảng viên gốc Việt dạy toán hoặc dạy Anh văn có khả năng lưu loát tiếng Việt qua dạy tiếng Việt. Cái khó tiếp theo là kiếm sách vở để dạy. Sách có sẵn thì là sách của Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho chúng ta. Nhưng không ai dám dùng đến. Còn sách của các trung tâm độc lập dạy Việt ngữ cuối tuần lại là sách dạy vần cho các em, nhưng cách biên soạn vẫn là dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em Việt, nó khác với việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho trẻ em Mỹ, cũng như học tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp…”. (Lần lượt trong những bài viết tiếp, chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn về vấn đề này).

Lợi ích của việc dạy tiếng Việt như là một ngoại ngữ

Theo LS. Nguyễn Quốc Lân thì điều quan trọng cần quan tâm chính là những lợi ích của việc dạy và học Việt ngữ như là một ngoại ngữ vẫn chưa được trình bày một cách thỏa đáng vì việc học Việt ngữ như là một ngoại ngữ khác với phong trào dạy Việt ngữ tại các trung tâm Việt ngữ nơi có đông người Việt Nam vào cuối tuần. Phong trào dạy Việt ngữ này thường chỉ nhắm vào các trẻ em Việt Nam với mục tiêu duy trì tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Tuy đây là đối tượng và mục tiêu chính đáng, chương trình dạy và học Việt ngữ cũng cần phải nhắm vào những ai không phải người Việt Nam và các mục tiêu khác, ngoài việc duy trì và phát huy văn hóa Việt. Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cũng giống như cách dạy tiếng Pháp hay Tây Ban Nha cho tất cả các học sinh theo học một ngoại ngữ.
Đặc biệt, hiện nay cộng đồng và văn hóa Việt Nam đang trở thành một thành tố quan trọng trong xã hội đa chủng tại Hoa Kỳ. Nhất là tại tiểu bang California, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quan trọng thứ tư sau Anh ngữ, Tây Ban Nha và tiếng Hoa. LS. Lân cho rằng, việc hiểu biết thêm về các lợi ích của việc học tiếng Việt như là một ngoại ngữ là một bước nhận thức rất quan trọng nhằm giúp đỡ những người quan tâm đến phong trào giảng dạy Việt ngữ thích ứng hơn với phương thức cũng như mục tiêu giảng dạy.
LS. Nguyễn Quốc Lân cũng mong ước việc trau dồi kiến thức về Việt ngữ, đặc biệt là từ cấp trung học, sẽ góp phần chuẩn bị nền tảng cho các chuyên khoa nghiên cứu chuyên môn tại các trường đại học hay viện nghiên cứu cao cấp. Muốn nghiên cứu về các ngành chuyên môn như tâm lý học, xã hội học, văn chương, lịch sử, chính trị, nhân văn, v.v., có liên hệ đến Việt Nam, người sinh viên cần phải có sẵn một số kiến thức căn bản về Việt ngữ trước khi có thể bắt đầu các công trình nghiên cứu trong lãnh vực chuyên môn. Việc trau dồi, luyện tập Việt ngữ cho mục đích này tốt nhất là phải thực hiện được ở cấp trung học. LS. Lân cho rằng, nếu đợi lên đến đại học rồi mới học Việt ngữ thì hầu như khó có sinh viên nào có thể có đủ thời giờ để khởi sự các công trình nghiên cứu với vốn liếng Việt ngữ hiện có của mình.
Theo LS. Nguyễn Quốc Lân thì nếu có được chương trình giảng dạy Việt ngữ tại cấp trung học và được bổ túc thêm ở cấp đại học, chẳng bao lâu cộng đồng Việt Nam sẽ có những công trình nghiên cứu cho luận án tiến sĩ hay cao học với các đề tài như so sánh truyện Thúy Kiều với Shakespeare, liên hệ giữa các trận đánh quân nhà Minh của Trần Hưng Đạo đối với cuộc thôn tính Âu Châu bởi đạo quân Mông Cổ, đào sâu thêm về bí mật chiến tranh Việt Nam trong văn khố mật thư của Hoa Kỳ, hay tâm lý khủng hoảng của người di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ chẳng hạn.
LS. Nguyễn Quốc Lân khẳng định với những công trình nghiên cứu này, nền văn hóa và văn minh Việt Nam mới có cơ hội được giới thiệu và phát huy ngang hàng với nền văn minh hay văn chương Âu Tây thay vì như phạm vi khuôn khổ của cộng đồng Việt Nam.

Ích lợi của Ấn Chương Song Ngữ
Hiện nay, đã có 3 trường trung học là Bolsa Grande, La Quinta và Garden Grove tập trung đông học sinh gốc Việt nhất trong tổng số 7 trường thuộc Học Khu Garden Grove có tiếng Việt được dạy như một ngoại ngữ. Như nhật báo Viễn Đông đã đưa tin, vào ngày 21-2-2012, Học Khu Garden Grove đã biểu quyết chấp thuận tham gia vào một chương trình mới nhằm mục đích thăng tiến tính cách đa dạng và việc học ngoại ngữ, con dấu đặc biệt sẽ xuất hiện lần đầu tiên trên các tấm văn bằng, dành cho những học sinh tốt nghiệp trong và sau năm 2013, sẵn sàng cấp cho các trường đại học, cũng như cho những người sau này có thể tuyển dụng các học ấy vào làm việc, để xem xét về chuyện quyết định chấp thuận và tuyển dụng học sinh. Ông Nguyễn Quốc Bảo, phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove là người đưa ra đề nghị này.
Được biết, trong tháng 10 năm 2011, Thống Đốc Jerry Brown đã ký ban hành luật AB 815, vinh danh những học sinh tốt nghiệp trung học bằng một ấn chương đặc biệt in vào trên những tấm văn bằng hoặc học bạ của họ, nếu họ đạt được trình độ thành thạo cao trong việc nói, đọc và viết Anh ngữ, cũng như một hoặc nhiều ngôn ngữ khác.
Để nhận được con dấu đặc biệt này, các học sinh như vậy phải hoàn tất những điều kiện nhất định, chẳng hạn như tốt nghiệp với một mức điểm trung bình ít nhất là 3.0 GPA, trong chương trình ngoại ngữ bậc trung học kéo dài trong bốn năm. Vì các học sinh có thể chọn theo học một lớp ngoại ngữ để tốt nghiệp từ một trường trung học California, và phải học hai năm ngoại ngữ để nhập học tại một trường đại học nằm trong hệ thống công lập UC hoặc CSU, các học sinh nhận được “Seal of Biliteracy” (Ấn Chương Song Ngữ) sẽ phải chứng minh rằng mình sẵn sàng đạt mức xuất sắc vượt lên trên cả mức độ cần thiết.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông Nguyễn Quốc Bảo nói với nhật báo Viễn Đông rằng: “Biết được nhiều ngoại ngữ là một đặc tính rất là Mỹ”.
Theo ông, những người nào thông thạo lưu loát hơn một thứ ngôn ngữ đều kiếm được tiền nhiều hơn, vì họ có giá trị đối với những người tuyển dụng, giúp cho những người chủ này kiếm được thêm nhiều khách hàng. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ngoài chuyện đi tìm công ăn việc làm, thì khả năng nói đọc viết được nhiều ngôn ngữ cho phép người ta liên kết được một cách sâu xa hơn với nhau. Ông đặc biệt nhắc tới khả năng của ông sử dụng lưu loát tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, hữu ích trong việc hiểu được những nền văn hóa khác nhau, được đại diện tại khu vực Quận Cam.
Ông nói tiếp rằng đối với những học sinh gốc Việt Nam nào có thể cảm thấy chịu áp lực buộc mình phải hòa đồng vào trong xã hội chính lưu, và quên lãng mất cội nguồn tổ tiên của mình, thì việc học tiếng Việt có thể được xem là một điều quí giá, thay vì bị coi là một chuyện đáng xấu hổ. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT