Tiêu Thụ

Dịch bệnh Robocalls và những tệ nạn (bài 2)

Friday, 02/10/2015 - 10:15:06

Sự mất mát này, không cần dài lời phân bua, chúng ta cũng thấy là một mất mát lớn, còn hơn là tiền bạc nữa.

Bài ERIC TRẦN

Nói tiếp về dịch bênh robocalls, chúng ta cần phải biết rằng những kỹ thuật gọi điện thoại tân tiến ngày nay giúp cho đội ngũ kẻ gian phát triển như “nấm sau mưa”. Với kỹ thuật VoIP, kẻ gian không cần phải dựa vào cái điện thoại bàn vốn gắn liền với một địa chỉ cụ thể. Sử dụng VoIP, một kẻ gian có thể ngụy trang dưới rất nhiều số điện thoại gọi đi để đánh lừa việc nhận diện của Callers ID. Từ bất cứ một góc đường nào đó ở Iowa, kẻ gian có thể gọi đi, núp dưới mã vùng Washington DC để đánh lừa người nhận, tưởng rằng vụ việc trầm trọng thật vì có điện thoại từ “thủ đô” goi tới.

Với kỹ thuật robocalls (người máy gọi điện), kỹ nghệ quảng cáo có thể phát đi cả triệu cú phone mỗi ngày mà không tốn bao nhiêu công phu.



Sở thuế IRS cho biết, những số điện thoại ngụy danh có thể moi được tới 19 triệu đô la “tiền thuế” của những nạn nhân nhẹ dạ. Chưa hết, kỹ thuật điện thoại qua Internet ngày nay còn giúp bọn họ thực hiện những “điệp vụ” quốc tế một cách dễ dàng bởi vì một cú phone gọi từ Nigeria sang Mỹ, từ Ấn Độ sang California… cũng miễn phí như gọi từ Westminster sang Garden Grove ở vùng Little Saigon mà thôi.
Ăn cấp số mã vùng, hoặc số điện thoại của những cơ quan lớn còn được, huống hồ là ăn cắp số điện thoại cá nhân. Nếu một ngày kia bạn nhận được phone của một người nào đó, xem Caller ID thì thấy đó là số phone của chính mình, nghĩa là mình gọi cho mình, thì bạn đừng ngạc nhiên, nhưng phải cẩn trọng đề phòng, bởi vì kẻ gian đang gõ cửa nhà mình.

Bà Elenore R. ở Washington cho biết, “Một ngày tháng Ba, 2015, robocallers ăn cắp số điện thoại bàn của tôi - chỉ ăn cắp số thôi, chứ chính cái điện thoại lại chẳng có gì quan trọng – để gọi tràn lan khắp nước Mỹ. Lý do tôi phát giác ra là vì, sau đó tôi nhận được rất nhiều cú phone gọi tới, kỳ kèo là tại sao tôi cứ liên tục gọi đến để làm phiền họ vậy. Thực là oan thị kính. Tôi có gọi điện cho hãng phone của tôi, và thông báo với FBI, cơ quan điều tra tội phạm liên bang Hoa Kỳ, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Tôi chỉ còn một biện pháp cuối cùng là bỏ cái số điện thoại này, số điện thoại mà tôi đã giữ suốt 40 năm nay để làm đường dây liên lạc với bạn bè.”

Sự mất mát này, không cần dài lời phân bua, chúng ta cũng thấy là một mất mát lớn, còn hơn là tiền bạc nữa.

Đối mặt một cơ cấu hoạt động tân kỳ như vậy, bạn có thể tưởng tượng bọn gian phải tổ chức thành hệ thống với một tổng hành dinh rất nhiều máy móc tân kỳ mới có thể phát ra nhiều cuộc gọi thế giới như vậy. Sai! Rất có thể “bọn” họ chỉ là một người, với một cái cell phone, đứng ở một góc đường trên một góc phố tồi tàn nào đó ở Phi Luật Tân mà thôi.

Danh mục Do Not Call

Danh mục “Do Not Call” là một biện pháp chính phủ Hoa Kỳ thiết lập cách đây năm, bảy năm để đối phó với tệ nạn gọi phone quảng cáo: Nếu bị quấy rầy quá đáng, bạn chỉ cần ghi nhận số điện thoại của người gọi đến và báo cáo với chính phủ là người đầu dây sẽ không thể làm phiền bạn lần thứ hai, nếu đương sự không muốn đóng tiền phạt hoặc gặp rắc rối với luật pháp. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau khi ra đời, biện pháp “Do Not Call” đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Là vì, nó chỉ có thể ngăn chặn được những cơ sở làm ăn lương thiện, có “mặt mũi” trên thị trường thôi. Những thành phần đó, bây giờ, xét ra chỉ là một con số nhỏ, rất nhỏ…. Đa số những thành phần dùng Robocalls bây giờ đã bất chấp tất cả những qui định của các cơ quan nhà nước liên bang Hoa Kỳ như FCC (Federal Communications Commission) hoặc FTC (Federal Trade Commission), thậm chí còn có vẻ như thách thức giới thẩm quyền truy tìm ra tông tích họ. Mà đúng vậy: Chỉ cần một nhóm vài ba tên cũng có thể cho phát đi hàng triệu cú gọi Robocalls, với một chi phí rất rẻ gần như miễn phí!

Nhận được một cú phone mà người gọi lại là … chính mình, và khi biết rằng đang bị robocalls tấn công, bạn phát điên, muốn đập nát cái phone ra cho rồi.


Nói như vậy không có nghĩa là giới thẩm quyền chỉ trơ mắt ếch đứng nhìn. Họ có ra tay, có truy lùng, nhưng tội phạm nhiều quá, quét không xuể. Năm 2012, một chiến dịch do FTC tung ra đã phát giác được đường dây tội phạm hoạt động trong 5 căn nhà kho, chuyên phát đi những cuộc gọi với nội dung “Đây là Rachel từ văn phòng phục vụ tín dụng. Chúng tôi có thể cho bạn hưởng một lãi suất rất thấp thay thế cho lãi suất tín dụng mà bạn đang phải trả.” Đại đa số chúng ta đều gác phone khi nghe giọng điệu ấy, nhưng bọn gian đâu cần nhiều, chỉ cần 1 trong số 100 người nghe vướng tròng là đủ: Sau 1 triệu cú phone phát đi với tỷ lệ 1% đáp ứng, bọn họ cũng ăn cắp được 10,000 hồ sơ cá nhân, (ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số an sinh xã hội….) để từ đó gây ra những vụ lừa gạt tài chánh khác.

Ý thức được thế yếu của mình qua biện pháp “Do Not Call,” nhà nước Hoa Kỳ năm 2012 đã công bố trọng thưởng $50,000 tiền mặt cho những ai sáng chế được một biện pháp kỹ thuật hòng chặn đứng Robocalls. Kẻ gian lợi dụng kỹ thuật để gây tội ác được, mà người ngay không biết dùng kỹ thuật để chống tội ác? Nhiều nhà khoa học đã đáp ứng lời thách thức trên đây. Kết quả, có ba phát minh trúng giải. Một trong ba tác giả là anh Aaron Foss, sáng chế được một software mang tên Nomorobo có khả năng chặn đứng Robocalls với tỷ lệ chính xác lên đến 95%....

Nhưng sự thành công của Foss lại dẫn chúng ta tới một thắc mắc khác: Một cá nhân đơn lẻ có thể thành công được như vậy, còn các công ty lớn với tài lực nhân lực dồi dào gấp cả trăm lần, tại sao họ lại không ra tay giải quyết vấn nạn này trước? (Xin xem tiếp bài 3)
Theo Consumer Reports
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT