Văn Nghệ

Đưa văn hóa Việt và Phở vào Nhạc Vũ Kịch Ba Lê

Friday, 07/02/2020 - 07:18:34

Ai cũng biết Phở là một món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Ngày nay Phở được yêu thích và hiện diện khắp nơi trên toàn cầu




Bài TRỊNH THANH THỦY

Ai cũng biết Phở là một món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Ngày nay Phở được yêu thích và hiện diện khắp nơi trên toàn cầu nên có thể gọi Phở đã trở nên một món ăn quốc tế. Trong những ngày sắp tới, nhạc sĩ Phan Quang Phục và hội VASCAM có sáng kiến đưa Phở và một số văn hóa VN vào văn hóa Tây Phương, trên sân khấu nhạc vũ kịch Ba Lê (ballet). Một buổi hoà nhạc với chủ đề "Ám Ảnh Phở- Obsessed Pho More" sẽ được ra mắt ở nhà hát MUSCO Center for the Arts tại Orange vào Chủ Nhật, ngày 8 tháng 3, lúc 4 giờ chiều.
VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music) là một Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật Và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt, do giáo sư tiến sĩ Phan Quang Phục cùng vợ ông, và ba người bạn khác ở nhiều nơi khác nhau trên nước Mỹ thành lập vào tháng 11, 2015. Trong chương trình Ám Ảnh Phở/Obsessed Pho More lần này, VASCAM trình diễn tác phẩm của 4 nhà sáng tác nhạc thuộc 4 thế hệ khác nhau: Chris Vũ, Việt Cường, Khôi Đặng, Phan Quang Phục. Năm 2017 và 2018, hội đã mang đến Quận Cam một đêm Nhạc Kịch Opera mang tên “Góc Nhìn Qua Thời Gian” với những dàn dựng đầy ý nghĩa và đặc sắc trong vở nhạc kịch "Câu Chuyện Bà Thị Kính." Chương trình có sự phối hợp của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi cùng nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi về tham gia và góp sức.

Vũ đoàn Ba Lê


Lần này đặc biệt hơn trong sáng kiến đưa nhạc chầu văn, hầu đồng, ca trù, cung đình vào các ca khúc và nghệ thuật múa Ba Lê đương đại, hội VASCAM sẽ mở ra một chân trời nghệ thuật sáng tạo mới. Phải mất một năm để sửa soạn chương trình, đề tài và đặt người viết nhạc, hội còn phải đưa các vũ công Ba Lê giỏi, nổi tiếng, và chuyên nghiệp từ tiểu bang Indiana qua California. Ngoài chi phí thuê mướn, hội đã đài thọ khoản vận chuyển, ăn ở, v.v. để các vũ công đã được tập luyện hàng tháng trong một năm trời mới có thể hiện diện ở các màn vũ nhạc kịch. 

Nhan đề của buổi trình diễn "Ám Ảnh Phở-Obsessed Pho More" cũng là nỗi thắc mắc, ám ảnh trong trí tôi không dứt. Tại sao Phở lại là nỗi ám ảnh quá sức như vậy? Ám ảnh thường có ý tiêu cực hơn là tích cực. Khi bạn sợ hay bị ám ảnh một điều gì, nó thường lởn vởn trong trí bạn, dừng lại ở đó, mãi không đi. Tuy nhiên khi bạn yêu thích một hình bóng ai, yêu người đó quá, bạn cũng bị ám ảnh bởi hình bóng đó, khó lòng từ bỏ. Bạn bị ám ảnh.
Phở là một món ăn được yêu thích trong khẩu vị nhiều người. Bạn ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, bất cứ lúc nào cũng thích hợp. Người giàu, kẻ nghèo, nam, phụ lão, ấu, bất kể tuổi tác, giai cấp, đều mê món Phở. Da trắng, da màu, da đỏ, da vàng, không phân biệt màu da, đều hì hụp chan nếm Phở. Bạn đi bất cứ đâu, Paris, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha, Canada, Úc, Đại Hàn, Hawaii, nơi nào bạn cũng ngửi được mùi Phở thơm lừng. Bạn có thấy bạn yêu Phở không? Có bị nó ám ảnh không? Có đó bạn! Thiếu nó bạn sẽ nhớ và quyết định, "Phải đi ăn Phở."


Vũ đoàn Ba Lê

 


Và tôi chợt tỉnh ra "Ám Ảnh Phở" là gì, vì nó là một thứ tình yêu mà người mến nó đã yêu và bị nó ám ảnh mỗi khi nghĩ đến hương vị của nó. Nem Nướng hay Nem Lụi cũng vậy, chỉ cần nướng lên, mùi thơm đi xa cả nửa cây số. Khi ăn, người ta cần phải có thêm rau, bánh tráng và nước chấm. Đó là một tượng trưng cho một sự kết hợp hài hoà giữa nhiều thứ khác biệt làm nên một tình yêu tinh thần thiêng liêng. Nó cũng là những ý chính của buổi hoà nhạc kết hợp hai nền văn hoá Đông Tây được GS Phục cho biết.
GS TS Phan Quang Phục đã diễn giải cặn kẽ về buổi hoà nhạc "Ám Ảnh Phở" trong buổi họp mặt thân hữu cuối năm được Bác sĩ Nguyễn X Vinh bảo trợ tại tư gia ở Riverside. Ông bảo rằng ông đã chọn Phở và Nem Nướng để đưa vào một khúc nhạc kịch có lời. Lý do là chúng đến từ hai nét văn hoá ẩm thực rất xưa của VN ở miền Bắc và miền Trung. Phần truyện kịch do GS Phục tự viết, nội dung có tính sinh động và khôi hài. Ngoài ra còn phần trình diễn khác về thơ ca do 3 người viết nhạc trẻ người Mỹ gốc VN là Việt Cường, Khôi Đặng và Chris Vũ viết nhạc. Vì được sinh ra ở nước ngoài, lại hấp thụ nền văn hoá Phương Tây, nên phần nhạc cho thơ của Nguyễn Khuyến và Hồ Xuân Hương đã được họ trở về cội nguồn VN để tra cứu và tìm hiểu thêm. Đây cũng là một cơ hội cho các thanh thiếu niên lớn lên ở hải ngoại hiểu biết thêm về văn hóa VN.

Bạn có biết môn Vũ Ba Lê là một nét văn hoá có kỹ thuật cao tột mà người Tây Phương rất tự hào về nó. Người múa hầu như lúc nào cũng luân chuyển trên đầu ngón chân, bay giang hai chân, và xoay nhiều vòng trên đầu ngón chân. Người múa Ba Lê coi thân thể họ như một kho tàng quý giá tạo ra một vẻ đẹp vô thường. Họ đi trên đầu ngón chân, khuôn mặt ngước 30 độ, ngực ưỡn phồng, lưng cong chút đỉnh, đưa cổ cao lên- tất cả để tạo một vẻ đẹp hơn người. Lần này các nàng thiên nga có đôi chân tuyệt vời sẽ tung hê những bước nhảy thoăn thoắt đầy nghệ thuật trên sàn nhảy nhà hát MUSCO. Ấy là nơi có trang bị sàn nhảy với cấu trúc đặc biệt bằng một lớp cao su để người múa không bị tổn thương, vì múa Ba lê đòi hỏi một nhu cầu vật chất cao.

Buổi trình diễn sắp tới, VASCAM sẽ bắt đầu một bước thử nghiệm mới với 5 nhạc khúc vũ kịch Ba Lê pha trộn các thể loại nhạc VN truyền thống như Nhạc Cung Đình, Cồng Chiêng và Chầu Văn. Các nhạc cụ được sử dụng là nhạc khí Tây Phương. GS Phan Quang Phục cho biết:
- Phần múa Ba Lê là một kết cấu phối hợp giữa tinh thần và mỹ thuật. Giữa âm nhạc VN và kỹ thuật tuyệt đỉnh Tây Phương. Đoàn Múa Ba Lê Bloomington sẽ diễn giải và mô tả 6 câu chuyện. Trong đó có những câu chuyện nói lên những khía cạnh đời sống và lịch sử văn hóa Việt Nam. Một màn diễn tả tính ngây thơ của trẻ em qua trò chơi kèn lá chuối. Một màn mô tả cao điểm cảm xúc của một người vợ khi biết chồng mình tử trận. Một màn khác với tựa đề "Tiếng Khóc Trong Đêm" kể lại khoảnh khắc tác giả nghe được một tiếng khóc thương tâm đầy ấn tượng trong thời chiến. "Lên Đồng" sẽ là một màn múa đi sâu vào văn hoá âm nhạc dân gian tuyệt đỉnh của Việt Nam. Trong màn này, khán giả sẽ được chứng kiến sự kết hợp lạ lùng giữa một "cô bóng" phương Đông trong hình bóng một "cô bóng" phương Tây múa Ba Lê qua tiếng nhạc “rùng rợn” đôi lúc “man rợ”, đi từ chậm đến mau, từ yên đến động, và từ đơn giản đến phức tạp.

Cuối cùng là tâm sự của GS Phục nói thay cho hội VASCAM, "Chúng tôi muốn đi theo con đường sáng tạo hơn là con đường truyền thống thuộc về công việc bảo trì văn hoá. Chúng tôi quan niệm văn hoá là một sinh vật hơn là một đồ vật. Nó cần phải sống, phải đứng, đi và trưởng thành. Nó có thể chết nhưng thế hệ mới sẽ sản sinh và làm công việc kết hợp cùng sáng tạo. Tôi nhận thấy giới trẻ VN mình có tài năng rất cao. Tôi mong họ không đi quá xa mà bỏ cộng đồng mình lại đằng sau. Nên chủ trương của chúng tôi là nêu lên cái đẹp của văn hóa Việt Nam để những người trẻ nhìn vào thấy hãnh diện được. Nếu có thể, xin các bậc phụ huynh khuyến khích các em đi xem để các em tiếp xúc với cái hay, cái đẹp của hai nền văn hoá kết hợp.”
Mời quý đồng hương tham dự buổi Nhạc Vũ Kịch Ba Lê "Ám Ảnh Phở- Obsessed Pho More" sẽ được ra mắt ở nhà hát MUSCO Center for the Arts tại Orange, CA, vào ngày Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020 lúc 4:00PM. Giá vé: $15-60, $150. Liên Lạc BTC (714)675-8761. Mua tại Viễn Đông (714)379-2851, Tú Quỳnh (714)531-4284. www.muscocenter.org

Vài nét về nhà soạn nhạc P.Q. Phan

Giáo sư nhạc sĩ P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sinh tại Việt Nam năm 1962, là một nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ điển đương đại (contemporary classical music), hiện sống tại Mỹ. Ông tốt nghiệp cử nhân âm nhạc tại đại học USC, cao học và tiến sĩ âm nhạc tại University of Michigan.
Sáng tác của ông đã được trình tấu tại Mỹ, Canada, Mexico, nhiều nước Âu Châu, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đại Hàn và Nhật Bản. Nhiều giàn nhạc nổi tiếng đã chơi nhạc và đặt ông soạn nhạc.

Ông nhận nhiều giải thưởng âm nhạc giá trị: Rome Prize, Rockefeller Foundation Grant, Meet the Composers: Music Alive Residency Award with the American Composers Orchestra, ASCAP Standard Awards, Ohio Arts Council Individual Artist Fellowships, Charles Ives Center for American Music, the Concordia Orchestra, v.v..
Ông có vở grand opera lớn đầu tiên về đề tài văn hóa Việt Nam được dàn dựng quy mô trên sân khấu lớn ở Mỹ: The Tale of Lady Thị Kính (Câu Chuyện Bà Thị Kính). Ông đã từng dạy nhạc tại University of Illinois ở Urbana-Champaign và Cleveland State University. Hiện ông là giáo sư ngành sáng tác tại trường nhạc Jacobs School of Music, thuộc trường đại học Indiana University, ở thành phố Bloomington.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT