Tiêu Thụ

Giao thiệp với nhà băng, coi chừng bị mất tiền vì Overdraft Protection

Friday, 14/01/2011 - 05:47:57

Những chuyện ấy xảy ra được, là vì một điều mà đối với người Việt Nam nghe vẫn còn rất lạ tai: Overdraft Protection. À, đây là một một biện ...

Eric Trần/Viễn Đông

Chắc hẳn các bạn đã nghe chuyện một gallon sữa giá 3 Mỹ kim, rốt cuộc trả thành bốn chục; vài ba món chi tiêu lặt vặt tổng cộng lên tới mấy trăm…


Những chuyện ấy xảy ra được, là vì một điều mà đối với người Việt Nam nghe vẫn còn rất lạ tai: Overdraft Protection. À, đây là một một biện pháp của nhà băng, giúp khách hàng của mình không rơi vào tình cảnh Ký Check Lủng (Non Sufficient Fund Check). Nếu vậy thì đây là một biện pháp tốt. Nhưng cũng như một con dao hai lưỡi, rất hữu dụng hoặc rất nguy hiểm tùy theo cách dùng của người cầm dao, Overdraft Protection có thể làm cho chúng ta – những người bình dân trong giới tiêu thụ - phải mất đi những món tiền oan uổng.

Overdraft Protection là gì? Tại sao lại là một biện pháp tốt?
Sống ở Mỹ chẳng ai là không có tiền … gửi nhà băng, một điều mà ngày xưa ở quê nhà chúng ta chỉ nghe nói về những người giàu có. Thực ra, mở một trương mục ngân hàng chẳng cần đòi hỏi phải có nhiều tiền. Chỉ cần có 1 Mỹ kim thôi, là nhiều nhà băng sẵn sàng cho phép chúng ta mở một trương mục, và cấp cho một cuốn sổ ngân phiếu rất đẹp, giá trị cả mấy chục Mỹ kim để sử dụng. Chuyện này, sống ở Hoa Kỳ chỉ một vài tháng là ai cũng biết.
Một trương mục ngân hàng chẳng những rất tiện lợi, mà còn là một điều cần thiết. Người còn đang trong tuổi đi làm, cần nó để có thể nhận ngân phiếu trả lương của chủ. Người già cả, không còn đi làm, cũng cần nó để đổi những tấm ngân phiếu trợ cấp của nhà nước. Đó là “tiền vào”. Về phần “tiền ra”, thì chúng ta cần nó để trả tiền điện thoại, tiền nợ xe, nợ nhà, tiền điện, tiền nước… Chỉ việc ký một tấm ngân phiếu gửi đi là xong!

Đúng, ký tấm ngân phiếu gửi đi là xong, với điều kiện trong trương mục của mình còn có tiền. Bởi vì, nếu không còn đủ tiền trong trương mục ngân hàng, thì cái check đó vô giá trị. Nó sẽ bị trả lại cho người gửi, kèm thêm một món tiền phạt 20 hoặc 30 Mỹ kim! Trường hợp đó gọi là “Check Lủng” hoặc gọi một cách lịch sự hơn, là Check Không Tiền Bảo Chứng, là Non Sufficient Fund Check… Chẳng hạn, bạn ký một cái check 175 Mỹ kim để trả “biu” điện trong tháng 12. Khi công ty điện đem cái check đó đi lấy tiền, thì mới biết là trương mục của bạn không đủ số 175 Mỹ kim. Bất kể là thiếu bao nhiêu, dù 100 Mỹ kim hay chỉ thiếu 1 Mỹ kim, cái check vẫn bị hoàn lại, và trở thành “check lủng”, “không tiền bảo chứng”.
Để xảy ra một trường hợp, hay nhiều trường hợp như thế, thì ngoài món tiền phạt, chúng ta cảm thấy rất mất mặt. Bởi vì, nó nói cho mọi người biết rằng, bạn là người nghèo hơn thiên hạ, một người làm ít xài nhiều, một người không biết chi tiêu tính toán… Và trong một trường hợp khác, nó có thể làm ngăn trở những công việc lớn. Thí dụ: Bạn gửi cho Bộ Ngoại Giao một tấm check 420 Mỹ kim để nộp đơn xin bảo lãnh cho người vợ trẻ ở Việt Nam sang Mỹ đoàn tụ. Ấy vậy mà khoảng 1 tháng sau, đơn xin bị hoàn lại, bởi vì bạn đã ký một cái “check không tiền bảo chứng”! Thân danh một ông “kỹ sư” Mỹ, về quê vợ tiêu tiền như nước, ai ngờ lại là một người xài check lủng. Quê xệ chết được!

Không hiểu người khác nhìn bạn như thế nào, chứ nhà băng thông cảm cho bạn lắm: “Con người mà, ai chẳng có lúc quên, nhất là một người bận rộn vì công ăn việc làm như bạn”. Nghe lời bào chữa đó, bạn cảm thấy lên tinh thần lắm: “Ừ, có thế chứ!”. Và càng cảm thấy vui hơn nữa, khi nghe nhà băng đề nghị, “Thông cảm tình cảnh đó, chúng tôi mới tính như thế này, thiếu nhiều không biết sao, chứ nếu thiếu mấy chục, hoặc vài ba trăm, thì chúng tôi có thể ứng ra cho bạn được. Rồi cuối tháng, lãnh lương bạn gửi check bù vào đó. Tiền bạc của chúng tôi có mất đi đâu mà sợ”.

Biện pháp đó gọi là Overdraft Protection: Bảo vệ thân chủ trong những trường hợp ký check quá mức số tiền hiện có trong trương mục.
Có lý quá chứ. Đúng ra phải nói, như vậy là rất có tình, tình cảm giữa ban giám đốc ngân hàng và thân chủ. Vuốt mặt được cho bạn trong những lúc bối rối họa hoằn ấy, mới đúng là tình nghĩa. Như vậy là bạn chấp nhận ghi tên vào chương trình Overdraft Protection, với những điều khoản cụ thể như sau: “Lỡ ra tôi có ký một cái check không tiền bảo chứng, thì nhà băng sẽ sẵn sàng bù đắp cho tôi, để check đừng bị trả về làm tôi mất uy tín. Bù lại, tôi sẵn sàng trả lại cái khoản thiếu đó cho nhà băng vào cuối/hoặc đầu tháng, cộng với một khoản lệ phí là 36 Mỹ kim cho một lần”. Thiết tưởng mất cả trăm đồng cũng xứng đáng, chỉ có 36 Mỹ kim mà giữ được uy tín và mặt mũi cho mình còn là quá nhẹ”.
Thực chất của Overdraft Protection đúng là như thế. Vậy thì tại sao lại có người ì xèo chống đối? Nghe đâu lại có cả ông Obama xen vào, và quốc hội Washington ra luật này luật kia, để cản trở cái chương trình “tốt lành” này! Chúng ta sẽ xem cái diễn biến lạ đời này trong bài lần sau.

Eric Trần
Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT