Đời Sống Việt

gừng già, gừng thanh

Thursday, 20/03/2014 - 10:42:58

Ông Vũ Ánh đã đột ngột qua đời tại nhà riêng ở Quận Cam, California vào trưa thứ Sáu, 14 Tháng Ba, 2014, thọ 73 tuổi. Sinh ngày 5 tháng Năm, 1941 tại Hải Phòng, ông tham gia hệ thống truyền thanh VNCH từ năm 1964, lúc 23 tuổi. Sau đó, ông nhận lệnh động viên,

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: TRANGĐ’OLIVIER
Riêng tặng VA-YT



Bóng tuy lẻ, nhưng lòng không lẻ
 
Về nhà báo Vũ Ánh: Ông Vũ Ánh đã đột ngột qua đời tại nhà riêng ở Quận Cam, California vào trưa thứ Sáu, 14 Tháng Ba, 2014, thọ 73 tuổi. Sinh ngày 5 tháng Năm, 1941 tại Hải Phòng, ông tham gia hệ thống truyền thanh VNCH từ năm 1964, lúc 23 tuổi. Sau đó, ông nhận lệnh động viên, rồi làm phóng viên chiến trường, trước khi được điều về Phòng Bình Luận hệ thống truyền thanh VNCH, và trở thành Chánh Sở Thời Sự.

Trong thời gian làm việc tại hệ thống truyền thanh, nhà báo Vũ Ánh đã rất nhiều lần chấp bút cho những bài diễn văn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc trước Quốc Hội, hay trước quốc dân, đồng bào. Vũ Ánh là một trong số ít các nhà báo chứng kiến những giây phút cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa vào trưa ngày 30 tháng Tư, 1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông vào tù Cộng Sản như nhiều quân cán chính VNCH khác, và đã phải chịu tới 13 năm tù. Với tinh thần can trường và chính khí của người lính, ông cùng một số bạn tù làm tờ báo mang tên Hợp Đoàn, khiến ông bị biệt giam nhiều lần, trong khoảng thời gian kéo dài sáu năm.

Khi ra tù năm 1988, ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống và nuôi mẹ già tại Sài Gòn, từ đạp xích lô, xẻ gỗ tại xưởng mộc, cho đến dạy Anh ngữ cho người sắp đi định cư nước ngoài. Năm 1992, ông sang Mỹ định cư tại tiểu bang Virginia theo diện H.O. Năm 1993, gia đình ông chuyển về California, và ông trở lại nghề báo. Ông từng là chủ bút nhật báo Viễn Đông, tổng thư ký và chủ bút nhật báo Người Việt nhiều năm. Ông cũng cộng tác với các cơ quan truyền thông Việt ngữ khác tại Quận Cam như nhật báo Việt Herald, tuần báo Sống, đài phát thanh VNCR và đàii truyền hình SBTN.

‘Rãnh ghé chơi!’

Mồng Bốn, Tết Tây. Đây là lần thứ hai, Mẹ con tôi rối rít sang làm phiền Cô Chú, tận hưởng niềm vui như con cháu ở xa được về ‘thăm nhà.' Lần đầu có chồng tôi, nhưng chưa có Bé Tí. ‘Ở xa’ là vì tuy chúng tôi ở cách Cô Chú chỉ ít phút lái xe, nhưng tôi bận bịu hai con nhỏ, không đến chơi với Cô Chú thường xuyên được. Mà tôi cũng rất ít có dịp đi thăm người quen trong mấy năm vừa qua vì khan thời gian và hiếm sức khoẻ. Đến thăm Cô Chú, có cảm giác mình ở xa về, vì ngôi nhà tĩnh lặng đầy thiền vị ấy thuộc về một cõi riêng của hai tâm hồn rất mực nhẹ nhàng, thân thiện, và tinh hoa. Rất riêng - từ sân vào nhà, từ cung cách của chủ nhân cho đến cách bày trí trong nhà và vườn sau. Xa hẳn cái xôn xao của Quận Cam phồn thịnh, náo nhiệt.

Cô đón hai thằng bé từ ngoài đường, đưa chúng tôi vào nhà. Chú đang làm vườn. Tôi không biết Chú khoẻ và tháo vác vậy. Cô nói:

- Chú thích làm vườn. Nhưng chỉ được dọn, không được tỉa.

Đó là vì Cô thích tỉa theo ý Cô, và có lẽ Chú không khéo bằng Cô chăng. À, lệnh ông sao bằng cồng bà! Cô Chú có khối cháu nội ngoại, đứa nào cũng xinh như Ông Bà của chúng. Nhưng mỗi lần mẹ con tôi đến thăm, Cô Chú vẫn luôn thân thương đón tiếp. Tôi đùa:

- Hôm nay, Chú không đi hoang à?

Cô ngạc nhiên:

- Con không biết à? Chú không thích đi hoang. Chú hiền lắm! Không hút thuốc, không uống rượu, không đi quán cà phê. Đi ăn tiệc ở đâu, ai mời rượu, Chú giao cho Cô uống!

Tôi trêu:

- Sao Cô may thế! Tìm ở đâu ra người như Chú!

Vũ Ánh. Một người đàn ông hiếm hoi. Chắc tại vậy, nên Cô Yến Tuyết cưng chiều ra mặt. Mua xe mới toanh cho Chú đi, dù Chú không nghĩ tới. Mỗi ngày Cô đều nấu thức ăn ngon cho Chú, dù Cô vẫn đi làm toàn thời gian. Đến thăm một đôi uyên ương hoạt động tư tưởng và chữ nghĩa, nên Mẹ con tôi mang biếu Cô Chú mấy quyển sách bằng Anh ngữ, về Thiền và liên quan đến lịch sử Việt Nam. Chú thích thú nói:
- Quyển này, Chú thấy họ quảng cáo dữ lắm, nhưng chưa đọc.

Tôi đắc chí vì đã chọn đúng quà. Tôi nói:

- Chú đọc, rồi cho con biết nhận xét của Chú.

Cô đang học Thiền, nên thích sách này. Cô nói:

- Cô có đọc quyển này tiếng Việt, nhưng chưa đọc tiếng Anh.

Tôi đáp:

- Nhiều khi đọc bằng tiếng khác, lại có cảm nhận khác, và ngộ ra những điều mới đó Cô.

Chú với tay mượn sách. Cô giả vờ nhăn mặt:

- Thấy chưa, sách gì Chú cũng thích!

Tôi nhắc Cô:

- Cô đừng để Chú giành đọc trước nghe! Chú chỉ được độc quyền cuốn kia thôi!

Chúng tôi ra vườn sau. Nắng tháng Giêng nhẹ chảy. Gió lơ lửng. Cô chạy vô garage, đem ‘đồ nghề dụ con nít' ra. Bộ mini golf. Cái xe gắn máy cỡ nhỏ. Thấy Bé Con chơi cái gì thích, Cô cũng bảo:

- Bà cho con đó! Con đem về nhà chơi đi!

Tôi phải cản, vì sợ lần sau đến, không có cái để Bé Con chơi, thằng bé lại bắt tôi bồng, thì tôi mất cơ hội thủ thỉ với Cô. Lần đầu chúng tôi đến, Cô Chú cho Bé Con cả chiếc xe đạp tí hon còn chưa bóc hiệu mang về. Nó vừa về tới nhà thì hớn hở đạp quanh sân. Trên cổ xe có ba nút, Bé Con tha hồ bóp còi inh ỏi và mở nhạc xập xình. Thích vô tận. Lần này, chúng tôi về, Cô còn nấn níu, dúi theo mấy quyển sách cho trẻ con. Cô cho Bé Con áo dài, vì thằng bé đi đâu cũng mặc áo dài Việt Nam. Tôi dạy con cúi đầu chào và cám ơn Ông Bà. Chú đưa tay ra, bắt tay với nó. Tôi bảo Bé Con ôm hôn Ông Bà, nó xà tới liền. Chú ngồi trên ghế, nhấc thằng bé lên, hôn vào hai má nó. Nó cười toe. Chú dặn tôi:

- Rãnh ghé chơi!

Tôi vừa cười vừa nói:

- Hì hì, con mà được rãnh thì hơi lạ đó Chú ơi!

chưa kịp ghé...

Thật ra, thấy Chú rủ ghé chơi, tôi cũng thích lắm. Việc sắp xếp ghé thăm Cô Chú thì không khó lắm, vì cuối tuần vợ chồng tôi chỉ chăm sóc con cái là chính. Nhưng tôi rất sợ làm phiền người khác. Dù biết rằng Cô Chú thân tình, nhưng cứ nghĩ mình đến, cũng làm mất nửa ngày của gia chủ, lại ngại trong lòng. Nhưng tôi thật sự yêu cái không gian của Cô Chú. Ngày hôm đó, lúc đứng giữa vườn, tôi đã nói với Cô:
- Cô ơi, chắc Cô Chú phải cho chồng con đến đây chụp ảnh nghệ thuật. Còn con, con sẽ xin một writing residency với Cô Chú, để đến đây ở một tuần, mỗi ngày ra vườn ngồi viết.

Cô hưởng ứng liền:

- Được đó! Con tới đi!

Cô mới sắm bộ bàn ghế mây, mới toanh, thật điệu, để ngoài vườn. Tôi chỉ cần ngồi ở đó mà viết. Thật ra, tôi mà tới thì chắc tíu tít với Cô đã hết ngày, mà Chú có ở nhà thì lại càng mau hết hơn! Nên chuyện đến vườn Cô Chú để viết thì chắc… hơi khó! Cũng ngay lúc đó, tôi nghĩ đến mái ấm của Cô Chú, nghĩ đến mối tình keo sơn đã qua biết bao gián đoạn từ những trái ngang của lịch sử, và đến đoạn cuối này thật đẹp, thật thơ. Còn một tháng rưỡi nữa là ngày tình nhân. Tôi nghĩ ngay, sẽ viết một bài về Cô Chú cho ngày đó. Tối đó, tôi chọn cái tựa “gừng già, gừng thanh,” và viết ngay phần cuối của bài này. Nhưng ngày tình nhân đã bay vèo ngang cái chrome book của tôi trên đôi cánh Cupid, mà tôi còn chưa viết xong. Nay viết phần đầu, nối với phần sau, làm nén hương tiễn Chú.

Khuya thứ Bảy, 15 tháng Ba 2014, thức dậy sớm để làm việc như mọi khi, thấy điện thư của Tuần báo Sống báo tin Chú đi, tôi không muốn tin. Vì Chú mới bắt tay tôi hồi 11 tháng Giêng 2014. Tôi còn hỏi, Chú đã đọc sách sử tôi biếu chưa. Chú nói:

- Đọc rồi. Nhưng trong đó, có nhiều điều cần phải coi lại! Không hẳn như tác giả viết.

Tôi định sẽ đến chơi và nghe Chú nói về những điều Chú nghĩ là không chính xác trong quyển sách đó. Thời gian keo kiệt với Chú, tàn nhẫn với thế hệ chúng tôi. Bây giờ, ai sẽ nói cho thế hệ chúng tôi những điều cần phải coi lại, khi những nhà sử học thực thụ đã sống trong lịch sử và đứng giữa lịch sử như Chú cứ lần lượt bay xa…? Tôi ngưỡng mộ bài Chú viết trong Báo Xuân của Giai Phẩm Xuân Sống 2012. Chú kể lại “Mùa Xuân trong Biệt thự số 5,” khơi mạch cho tình người giữa những đốn mạt nhất của trại tù cải tạo. Với tâm tình nhân bản trong bài viết, Alpha Non-Nước-Hồng-Hà - tên theo đặc lệnh truyền tin của Chú - đã cởi trói cho những uất nghẹn của dân tộc. Buông xã mà không buông lơi. Để những ngày Chú bị biệt giam được chuyển mình, cất cánh. Để dân tộc hoá kiếp, đầu thai, làm kiếp mới, tốt đẹp hơn.

Bây giờ, có “rãnh ghé chơi,” tôi cũng không còn gặp Chú. Trước nay, nhà Cô Chú ‘xa' nhà chúng tôi vì thời gian của chúng tôi eo hẹp, thì nay, ‘xa’ thêm một chút, vì Chú đã dọn qua một không gian khác. Rất xa. Cô Yến Tuyết ơi, Cô hãy giữ lòng mãi ấm với tình yêu của Chú. Có nói gì thì cũng phù vân. Nhưng xin Cô đừng quỵ ngã, Cô nhé!

gừng già, gừng thanh

Mảnh vườn bao quanh ngôi nhà xinh xắn, như chiếc khăn choàng quanh bờ vai người con gái mảnh mai. Giản dị.

Trong ngôi nhà đó, Cô Chú chung nhau những trang báo, tập thơ, và đời thanh tịnh.

Ngoài vườn, những bức phù điêu long lanh ấm lạnh. Những băng ghế xinh xắn đầy nghệ thuật quyến gọi tình yêu. Những cây nêu Mỹ vươn tay múa nắng, xòe lộc đỏ, rủ hương thanh bình xuống tượng Phật. Những ấm trà ủ ngàn năm văn hóa Đông phương nương mình theo hàng cột ở hiên sau. Hòn non bộ róc rách, hút hết căng thẳng đời thường.

Phía trước nhà, Cô Chú trang hoàng theo lối Mỹ. Tôi gọi là ‘hài hoà văn hoá,’ tiền Tây hậu Ta. Cả hai cùng chăm sóc vườn. Cô lo mỹ thuật. Chú lo bảo trì.

Cô hiếu khách, ra tận ngõ đón. Chú hiền hoà, cầm giày của khách cất vào trong nhà. Những nghĩa cử thật nhẹ nhàng, kín đáo, thanh tao, ân cần. Người đến khó quên, người về tâm ở.

Cô Chú đã qua nhiều chông gai, ngăn cách. Để một phần ba đẹp nhất của cuộc đời được lắng dịu bên nhau giữa khu vườn này. Một phần thưởng của Trời Đất.

Chú thích đọc sách, làm vườn, viết lách, và làm truyền thông. Cô vẫn còn đi làm. Chú không chịu nghỉ hưu. Hưu, mà vẫn làm việc. Việc mà người ta gọi là ‘vác ngà voi.’

Gừng già, gừng thanh. Thanh nên bền, chặt, một chữ đồng.

Nên đi vay. VAY. Một chữ T. T là Tình, là Thanh, là Ta, là Tất cả. VAY một chữ T. VAYT.

VAYT. Vì Anh Yêu Tôi. Vì Ấy Yêu Tôi. Vạn Ân Ỷ Tim. Vì Ánh Yêu Tuyết. Vũ Ánh Yến Tuyết.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT