Đạo và Đời

Hạnh phúc của đạo Phật

Wednesday, 12/02/2020 - 07:31:18

Nói đến hạnh phúc của đạo Phật, tôi xin nhắc qua hình ảnh Bồ Tát Di Lặc. Ngài ngồi với sáu đứa bé, đứa thì móc lỗ tai


Bài SƯ ÔNG TRÚC LÂM

Nói đến hạnh phúc của đạo Phật, tôi xin nhắc qua hình ảnh Bồ Tát Di Lặc. Ngài ngồi với sáu đứa bé, đứa thì móc lỗ tai, đứa thì móc lỗ mũi, đứa thì móc mắt, đứa thì chọc lét… Chúng nó làm gì mặc nó, Ngài vẫn cười. Trong khi chúng ta đối với những thứ đẹp mắt, vui tai, vừa miệng… thì vui mừng cho là hạnh phúc, ngược lại thì khó chịu bực bội cho là bất hạnh phúc. Bồ Tát Di Lặc lúc nào cũng vui cười, vì mọi thuận nghịch đối với sáu căn của Ngài đều không trở ngại, không buồn khổ.
Vậy chúng ta nên nhìn đời bằng cách nào để không buồn chán, để không muốn tự tử, để vui sống?
Đa số chúng ta với cặp mắt quen nhìn ra ngoài, ít nhớ ngó lại mình. Bởi vậy, lúc nào cũng thấy người này có khuyết điểm này, người kia có khuyết điểm kia. Ngược lại, cái xấu của mình thì mau quên, cái tốt của mình thì nhớ mãi. Cho nên giúp ai việc gì thì nhớ hoài, còn ai giúp mình thì không nhớ. Do đó mà sinh ra cái bệnh kể công mình và quên ơn người.

Cái ơn lớn nhất là ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà cũng muốn quên nữa. Hằng ngày chúng ta không nghĩ đến chuyện hiếu thảo với cha mẹ, mà cứ dạy con phải có hiếu với mình.
Muốn có quan niệm sống phù hợp với đạo lý và hữu ích cho đời, thì chúng ta phải có thái độ nhìn đời cho thấu đáo. Như Khuất Nguyên thấy người đời đục cả, chỉ một mình ông trong; người đời mê cả chỉ một mình ông tỉnh. Như vậy, “cái ta” của ông to cỡ nào? Do “cái ta” to quá nên không thông cảm được ai và cũng không chịu nổi với mọi người, phải trốn mọi người bằng cách trầm mình xuống sông Mịch La để chết.
Vậy chúng ta muốn sống với mọi người cho vui thì phải làm sao? Phải nhìn thấy cái dở và quên cái hay của mình thì tự nhiên “cái ta” tự hạ thấp. “Cái ta” mà thấp thì đâu còn cách biệt với ai. Ai ai mình cũng có thể sống được. Thấy mình dở nhiều nên gần ai cũng có cái để mình học hỏi. Nhờ vậy mà mình cảm thông với người.
Bài tụng Vô Tướng trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có dạy:
Dich:

Nếu người thật chơn tu
Không thấy người đời lỗi
Nếu thấy lỗi của mình
Lỗi mình đến bên trái
Người sai ta không sai
Ta sai tự có lỗi
Chỉ dẹp tâm mình sai
Dứt trừ phiền não sạch
Yêu ghét chẳng bận lòng
Duỗi thẳng hai chân nghỉ.

Kinh A Hàm cũng như kinh Hoa Nghiêm có đoạn kể:
“Sau khi Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài nhìn xuống đầm sen, thấy có những hoa đang trổ tỏa hương thơm, có hoa đang còn búp, có hoa mới ngoi lên khỏi mặt nước, có hoa còn ở trong nước, có cái còn là ngó sen ở dưới bùn… Nhưng Phật kết luận rằng tất cả những hoa sen đó cái nào rồi cũng trổ hoa thơm đẹp như nhau.”
Chúng ta thấy Phật nhìn đời hết sức lạc quan. Dầu là hoa sen, đang là cái ngó còn vùi dưới bùn hôi, mà Ngài cũng thấy nó sẽ lên khỏi nước, trổ hoa đẹp và có hương thơm. Cũng vậy, chúng sanh người đã tu hành tiến bộ khá ví như hoa sen vừa lên khỏi nước, người đang tu hành nửa chừng ví như hoa sen còn nằm trong nước, người mới phát tâm tu ví như hoa sen vừa ra khỏi bùn, người chưa phát tâm tu ví như hoa sen còn ở dưới bùn.
Nếu tu tất cả đều sẽ thành Phật, do thấy như vậy nên đức Phật đem hết khả năng ra giáo hóa cho tất cả. Ngài giáo hóa rồi, còn dặn dò đệ tử sau này phải luôn luôn truyền bá đừng để cho ngọn đèn chánh pháp lu tắt.
(Trích từ sách song ngữ True Happiness - Chân Hạnh Phúc của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, được Thích Nữ Thuần Bạch soạn dịch, do Thiền Viện Diệu Nhân phát hành, 4241 Duncan Hill Road, Rescue, CA 95672)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT