Đời Sống Việt

Hành Trình Đi Về Cõi Chết (kỳ 1)

Wednesday, 20/05/2015 - 07:38:21

Trước những sự kiện nóng hổi của thời đại hôm nay, chúng ta nghĩ gì về cái chết? và đã chuẩn bị cho mình một cái chết như thế nào chưa? Xin mời các bạn cùng tham dự buổi nói chuyện về "Hành trình cuối đời" của linh mục Nguyễn Thanh Sơn

Phượng Vũ ghi lại nhân buổi nói chuyện của L.M. Nguyễn Thanh Sơn, Giảng sư trường Y khoa Đại Học UCI, Tiến sĩ Thần Học Luân Lý. Linh mục Trưởng Phòng Tuyên Úy Bịnh viện UCI

"Không ai muốn chết. Thậm chí cả những người muốn tới thiên đường cũng không muốn phải chết để được lên đó. Và cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai có thể trốn thoát..." Từ ý tưởng trên của Steve Jobs, tôi chợt nhớ đến lời bài thánh ca: “Khi Chúa thương gọi con về, lòng con hân hoan như trong một giấc mơ” (theo ý thánh kinh) nhưng có nhiều người đã sửa đùa lại: “Khi Chúa thương gọi con về, ngu sao về, ngu sao về?” Nó nói lên một thực tế là đứng trước cái chết, bản năng sinh tồn trỗi dậy, con người bỗng cảm thấy "Sao mà yêu quá đời này!" nên ai tự tử nhảy xuống sông mà biết bơi, chắc chắn sẽ lo lội lên bờ liền! Ai cũng biết chết là 1 điều chắc chắn sẽ xảy đến cho mỗi người, không ai thoát được và cái chết có thể đến bất chợt, tình cờ như “vết mực nào xóa bỏ không hay“nhưng người ta lại cố tình giả đò ngó lơ, coi như không quen biết nó. Ngày xưa người ta thường tránh nhắc về cái chết và sợ nói về nó, nhưng trong xã hội văn minh hiện nay, người ta đang nhắc đến nó với luật trợ tử, an tử như là 1 tin nóng. Người ta đòi hỏi phải có 1 cái chết phẩm chất . Tin tức phổ biến mới đây cho thấy ở Đức, người ta vừa thông qua luật An Tử để BS có thể giúp người bệnh (nhất là những bệnh nhân ung thư hoặc mắc bệnh nan y bất trị gây đau đớn nhiều) có thể chết từ từ và nhẹ nhàng bằng cách cho tiêm thuốc giảm đau tăng liều dần dần để người bệnh bớt đau, bình an rồi từ từ đưa đến cái chết êm đềm. Riêng ở California đã có 3 dân biểu đệ trình dự luật An Tử. Trước những sự kiện nóng hổi của thời đại hôm nay, chúng ta nghĩ gì về cái chết? và đã chuẩn bị cho mình một cái chết như thế nào chưa? Xin mời các bạn cùng tham dự buổi nói chuyện về "Hành trình cuối đời" của linh mục Nguyễn Thanh Sơn

Tình trạng y tế
Tình trạng y tế của Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung mỗi ngày một tiến bộ vượt bực. Những phương pháp chẩn bệnh và dự đoán bệnh càng ngày càng tiến triển nhiều như máy MRI giá cả vài triệu đô nhưng bịnh viện nào cũng có, thậm chí có bệnh viện còn có vài cái, nên chi phí y tế cũng tăng rất cao. Bây giờ bịnh nhân đến phòng mạch BS khám bệnh sẽ được gửi đi lấy thử nghiệm để hỗ trợ BS trong việc chẩn đoán bịnh chính xác hơn. Hiện nay người ta có nhiều phương pháp khác nhau để hỗ trợ sức khỏe cho con người: trị bệnh, nén bệnh, ngừa bệnh, giữ sức khỏe, dưỡng sinh nhân tạo... diệt bệnh.
Trong thời đại này, đặc biệt tại Hoa Kỳ, số người được sống và chết tự nhiên trong hoàn cảnh an bình ngày càng hiếm. Phần lớn người ta ra đi dần mòn lở loét ở viện dưỡng lão với các thứ bệnh mãn tính hay trong khu đặc biệt ICU (Intensive Care Unit) của bịnh viện, đang khi hồi sinh nhân tạo, hay trên bàn mổ v. v... Riêng ở Mỹ 10% tổng sản lượng quốc gia đổ vào y tế, nhưng phần lớn chi phí khổng lồ này lại dồn về 30 ngày cuối đời (chiếm 90 % tổng số chi y tế). Điều này cho thấy những ngày cuối đời rất quan trọng và nền y tế càng văn minh, người ta càng chú trọng đến giai đoạn này để chuẩn bị cho người bệnh được phục vụ cao nhất , được có thời gian “êm đềm” nhất, trước khi “chia tay cùng đời sống này”! Nó mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc kiểu người Việt thường nói “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng chênh lệch đáng nói là chỉ có 10% dân số được hưởng sự phục vụ này.

Tư tưởng sai lầm:
- Nhiều người hiểu lầm phúc âm sự sống nghĩa là làm hết sức mình để kéo dài cuộc sống. Chống lại sự chết bằng bất cứ giá nào, dù là chỉ để nằm trên giường thoi thóp. Kiểu Việt Nam mình thường nói "Còn nước, còn tát", nhưng tát được cái gì? Và mục đích tát để làm gì? Cái chết có lẽ là phát minh tốt nhất của sự Sống. Nó là tác nhân thay đổi của cuộc sống. Nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới. Người sống hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào (Mark Twain). Quả vậy, tôi biết có những bịnh nhân ung thư can đảm đối diện với cái chết, chờ đợi nó mà không hề sợ hãi hoặc âm thầm tự đi tìm nó.
- Khi trong nhà có người bệnh, người ta đi cầu khấn đủ nơi, đủ chỗ để xin phép lạ chữa lành để tin rằng mình thánh thiện. Thực ra người đạo đức tốt lành không sợ chết. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã kêu gọi mọi người chấp nhận sự chết như là một quy trình tự nhiên “có sinh có diệt”. Ngài cũng đã từ chối những phương pháp hô hấp và trợ sinh và Ngài đã qua đời an bình tại nhà, không gắn bất cứ ống khí quản hay dưỡng sinh nhân tạo nào. Alfred Adler cũng đã nói: “Cái chết thực sự là lời chúc phúc lớn lao dành cho nhân loại, không có nó không thể có sự tiến bộ. Những người bất tử sẽ không chỉ ngăn trở và làm thối chí người trẻ tuổi, họ còn thiếu đi sự kích thích cần thiết để sáng tạo."

Cách nhìn về đau khổ:
- Sống theo nhân phẩm, dùng những ngày cuối đời sống trong an bình, được gặp những người thân yêu. Tâm tình cho hết những điều "không nói được", những điều làm lòng ta đau đớn, kẻo muộn rồi :
"Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi." (LTH)
Bây giờ là lúc tâm tình cho hết để lòng khỏi "ngậm ngùi", rồi nhẹ nhàng ra đi bình an.
- Có một số người theo Công Giáo cho rằng chấp nhận đau khổ để "vác thánh giá theo chân Chúa" (ví dụ phải chịu đựng vợ/chồng, con cái; phải chịu đựng ốm đau bệnh tật dày vò...) Không, điều này không đúng. Ta cần phải tìm cách vượt qua đau khổ, không ai muốn "ôm" thánh giá, "ôm" đau khổ hay đau đớn hết, kể cả Chúa (ngày xưa ở vườn cây dầu, Chúa cũng đã từng xin Chúa Cha "cho con khỏi uống chén đắng này"). Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm này: Chúa yêu ta nên mới dựng nên ta, do đó Chúa dựng nên con người để cho con người được sống hạnh phúc chứ đâu phải để chịu đựng khổ đau. Chúng ta đứng ngoài nỗi đau đớn nên ta khuyên nhủ dễ dàng vì chúng ta chưa trải qua những cơn đau đớn, chúng ta chưa “nếm” nó, chưa có kinh nghiệm gì về nó. Nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói 1 câu vô cùng thấm thía: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
Đức Giáo Hoàng Francis mới đây trong cuộc trả lời phỏng vấn về việc ngài có thể bị ám sát, ngài đã trả lời thành thật: “Chúa là Đấng coi sóc con. Tuy nhiên, nếuý Chúa muốn con phảichết và họ gây ra cho con mộtcái gìđó thì con xin Chúa một hồngânđó làđừng làm cho con bịđauđớn. Vì con là một con người rất nhát sợ khi bịđớnđau về thể lý".
- Sự chết chính là đau khổ tột đỉnh, cho nên chịu vác thánh giá là chấp nhận sự chết. Chúa Jesus nói “Chịu vác thánh giá là chết với ta” (Tín lý thần học). Cuộc sống là bí ẩn, sự chết là chắc chắn. "Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài". Trong bản tuyên ngôn về “tự kết”, Bộ Giáo Lý Đức Tin không những coi việc khước từ những phương pháp kéo dài sự sống vất vưởng là đúng lương tâm mà còn khuyến cáo là việc lệ thuộc một số phương pháp chữa trị theo khoa học cũng là vô luân.

Những thắc mắc liên quan đến "Hành trình về cõi chết":
Khi tim bị ngưng đập, con người lập tức đối diện với cái chết, có 3 cách :
- Đi tự nhiên (AND)
- Lệnh không hô hấp (DNR), 2 cách này tương tự nhau.
- Lệnh hô hấp (CPR)

Khi nào cần hô hấp nhân tạo (CPR), máy trợ thở hay mở đường khí quản?
- để cho các phương pháp chữa trị có cơ hội giúp bịnh nhân hồi phục
- để có thời giờ chữa bịnh và dự lượng
- để điều quản người hiến cơ phận (organ donors)
- để cho gia đình có thời giờ chuẩn bị hay chờ đợi gắp người thân (mua thời gian)
Ngoài ra không phải bất cứ trường hợp nào tim ngưng đập đều cần CPR. Với kinh nghiệm tuyên úy trong bịnh viện, cha cho biết CPR không phải nhẹ nhàng giống như trên tivi biểu diễn. Đôi khi rất đau lòng khi nhìn một ông Mỹ to nặng 200 lbs giẫm đạp lên 1 bà cụ VN gầy yếu nhỏ xíu, vì người ta cần phải dùng tới sức mạnh, có khi cần tới cả điện giật để làm cho trái tim như quả bóng xì hơi phải bật lên để đập lại. Có thể cứu được lúc đó, nhưng sẽ chết vài ngày sau, nhất là đối với các cụ già yếu. Có nên phải trả giá sống thêm vài ngày trong hôn mê hay thoi thóp mà thân thể bầm giập, có khi vỡ hết cả lồng ngực, phổi, da bị tím bầm khắp nơi do vỡ mạch máu ?
Nghe tới đây tôi chợt nhớ khi làm volunteer cho TT St Alsem, một buổi sáng mọi người trong phòng đang tập thể dục, bỗng nghe 1 tiếng “rầm” ngoài hành lang, 1 ông cụ 80 tuổi đang đi bỗng nhiên bị té và bất tỉnh. Lập tức 911 được gọi tới, họ làm CPR rồi đưa ông cụ vào nhà thương. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao những nhân viên đi theo xe cứu thương (để làm CPR) luôn là những người trẻ, khỏe mạnh. Tuần sau tôi đại diện TT đến nhà quàn gửi vòng hoa và chia buồn với gia đình. Khi gặp người con, tôi hỏi thăm về diễn tiến bệnh tình của ông cụ. Người con cho biết:
- Ba em có tỉnh lại nhưng rất yếu, rồi sau đó lại tiếp tục làm CPR thêm mấy lần nữa. Em rất đau lòng khi nhìn cảnh họ làm CPR cho ba, cuối cùng ba em vẫn đi. Nếu em biết như vậy em đã không để ba phải làm CPR để ba đi nhẹ nhàng và bình an thì tốt hơn
Ngay cả việc dùng máy trợ thở hay mở đường khí quản cũng vẫn có những mặt không tốt của nó, nhất là việc bị nhiễm trùng và những phương pháp này thường gây tốn kém rất lớn. Đó là lý do tại sao 90% ngân sách y tế khổng lồ lại chui vào đây. Có 1 bà cụ khoe với cha tuyên úy là các con bà đã cho áp dụng đủ mọi cách để cứu bà sống lại, bill gửi về giá cả triệu đô. Bà cụ tự hào mạng sống của mình giá cả triệu đô, để bà cụ sống thêm 5,6 tháng nữa. Đó có phải là cái giá đáng phải trả không? Chưa kể là tiền chi phí này có thực do các con cụ trả không? Hay phần chắc là do quỹ Medi- Medi trả. Gây hao tốn quá lớn cho ngân sách y tế quốc gia có phải là điều nên làm, nếu thực sự biết nghĩ tới những thành phần khác trong xã hội cũng đang có nhu cầu về y tế. Có nhiều người xài tiền theo kiểu "của người bồ tát, của mình lạt buộc", nghĩa là xài tiền túi của mình thì cân nhắc tiết kiệm tối đa, còn xài tiền của người khác, của công quỹ thì rộng rãi, từ bi như "bồ tát", nghĩa là xài thoải mái, vô tội vạ vì mình có bỏ ra đồng xu nào đâu! Tôi nghĩ đây cũng là 1 việc 'lỗi đức công bằng” nhất là phải tự hỏi mình đã đóng góp bao nhiêu cho đất nước này mà lại muốn nhận quá nhiều như vậy?

Khi nào cần đặt ống dinh dưỡng ở mũi hay ở bụng?
- Không có bệnh nặng bất trị
- Có khả năng tiêu dùng dinh dưỡng. Nếu thận không có khả năng lọc, người sẽ bị phù to lên
- Không phải ở thời gian cuối đời
Các cụ già hay bị lộn giữa thở và nuốt, đôi khi bị sặc cũng gây chết người. Ngoài ra đặt đường ống qua mũi cũng dễ gây nhiễm trùng khí quản, thường chỉ 2 tuần, đó là chưa kể việc gây khó chịu, vướng víu cho các cụ.
Còn mổ đặt ở bụng thì các cụ già rồi, cái "mớ bòng bong" trong bụng nhiều khi cũng rối tinh. BS mổ xong không biết tìm chỗ nào cho đúng để bỏ ống dinh dưỡng đúng chỗ, có khi vì vậy mà lại sinh ra “tai nạn” chết người. Thống kê (2009 - 2010) cho thấy tỷ lệ người sống lâu trong những ngày cuối đời cao hơn, nếu được để yên.
Nhắc tới vụ đặt ống trợ thở và ống dinh dưỡng, tôi lại nhớ đến trường hợp của má tôi. Má tôi bị bệnh đau ở 2 bàn chân, nó gây cho bà khó chịu và đau đớn rất nhiều. Uống thuốc hoài không hết, BS cho biết chỉ còn cách mổ thôi, nhưng bà bị bệnh tiểu đường nên BS cảnh giác là sau khi mổ, tiểu đường có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tánh mạng. Các con cố gắng cản ngăn không cho bà mổ, nhưng bà cứ nằng nặc đòi tôi phải gửi tiền về để bà đi mổ. Tôi phải điện thoại về nói chuyện với má :
- Con không tiếc tiền gửi về cho má đi mổ, nhưng BS đã cảnh giác má mổ có thể khỏi, nhưng có thể má sẽ đi luôn, má đã suy nghĩ kỹ chuyện này chưa?
- Con ơi! má suy nghĩ kỹ lắm, má già rồi. Nếu Chúa cho sống thì sống mạnh khỏe, còn sống mà đau đớn như vầy má cũng không ham. Con cứ gửi tiền về cho má đi mổ, nếu Chúa thương cho má bình phục thì tốt. Còn không, nếu có chết má cũng chấp nhận, và không tiếc nuối gì nữa.
(còn tiếp tuần sau)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT