Đời Sống Việt

Hành Trình Đi Về Cõi Chết (kỳ 2)

Thursday, 28/05/2015 - 08:40:46

Tôi không kỳ vọng để khỏi bị thất vọng về con cái ở xứ Mỹ. Sau này tôi nhớ đã đọc được trên net câu nói nghe đau lòng nhưng thực tế: “Các bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.”

Phượng Vũ ghi lại nhân buổi nói chuyện của L.M. Nguyễn Thanh Sơn, Giảng sư trường Y khoa Đại Học UCI, Tiến sĩ Thần Học Luân Lý. Linh mục Trưởng Phòng Tuyên Úy Bịnh viện UCI

Trước đó mấy tháng tôi đã mua vé máy bay để mấy mẹ con về VN thăm ngoại vào dịp hè. Tôi muốn các con tôi gắn bó với quê hương, với nguồn cội bằng thực tế và tiếp xúc chứ không bằng hình ảnh hay nghe nói. Thời đó email chưa phổ biến, điện thoại vừa đắt vừa khó khăn. Sau khi má mổ tôi gọi về theo dõi, hỏi thăm từng ngày, thấy tình hình diễn tiến khả quan tốt đẹp tôi cũng mừng. Nghe chị tôi kể lại, má tôi thấy khỏe còn vui vẻ lên kế hoạch khi nào mấy mẹ con tôi về sẽ làm tiệc lớn ăn mừng má mổ thành công. Nghe vậy tôi yên tâm lo chuẩn bị mua sắm hành trang cho mấy mẹ con về VN. Một buổi chiều tôi từ trường về nhận được tờ điện tín với những ký hiệu không thể đọc được, tôi hốt hoảng chạy ra bưu điện: "Má bị hôn mê, sắp chết". Tôi bàng hoàng, dù đã biết cảnh giác của BS từ trước, tôi quay quắt không biết có nên tự trách mình đã đồng ý cho má đi mổ không? Tôi gọi về nhà và được biết chỉ còn 1 hôm nữa là má xuất viện, bỗng dưng tiểu đường gây biến chứng rồi tình hình xấu đi rất nhanh và má rơi vào hôn mê. BS điều trị bó tay và cho chuyển qua BV khác để có phòng săn sóc đặc biệt: tiếp ống dưỡng khí và ống dinh dưỡng. Nhà cần tiền gấp để lo chi phí ở BV mới, tôi phải vội chạy ra nhà băng rút tiền để gửi về nhà. Cả đêm hôm đó tôi gối đầu trên nước mắt trăn trở không biết tôi đã làm đúng hay sai khi chiều theo ý má để má đi mổ? Tôi đã cẩn thận điện thoại nói chuyện trực tiếp với má, nghe má trả lời phân tích có lý có tình nên tôi mới chiều theo ý má để má vui. Tôi quan niệm khi ba má ở tuổi già, còn có thể làm được gì cho ông bà vui lòng, tôi luôn làm tối đa, để sau này khỏi ân hận. Tôi biết người già nhu cầu vật chất không cao, ăn uống cũng chẳng được bao nhiêu, nên nhu cầu niềm vui tinh thần là quan trọng nhất nên tôi luôn cố gắng dành thời gian cho ba má. Tôi về VN làm sinh nhật, làm lễ thượng thọ cho ba má, dẫn ba má đi chơi những nơi ba má thích, sau này thì chỉ còn ngồi ăn cơm chung với ba má, lắng nghe ba má tâm tình kể chuyện buồn vui... Tôi làm những chuyện này thấy ba má vui nên lòng cũng vui , vì biết đó là “niềm vui của tuổi già” chứ không phải như có người nói “để sau này con cái bắt chước trả hiếu lại như vậy”. Tôi không kỳ vọng để khỏi bị thất vọng về con cái ở xứ Mỹ. Sau này tôi nhớ đã đọc được trên net câu nói nghe đau lòng nhưng thực tế: “Các bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.”
Với ý muốn đem niềm vui và dành thời gian nhiều cho ba má ở tuổi già, nên thời đó tôi về VN “như đi chợ” (có lẽ tôi bị nghèo vì khoản này), nhất là những lúc ba má ốm đau. Bây giờ phải chi má còn tỉnh, tôi sẽ ráng bay về! Tôi không thể xin phép nghỉ đi VN bây giờ rồi tháng tới lại đi với các con . Nếu tôi không đi, chúng sẽ bỏ vé máy bay không đi luôn. Tôi ứa nước mắt nhủ thầm: “Má ơi, con sắp đem mấy đứa cháu ngoại về thăm má, sao má không chịu đợi tụi con hả má?" nhưng rồi nghĩ lại tôi cũng thấy lòng được an ủi khi nhớ lại lời ba má thường nói với tôi: "Ba má cám ơn con gái đã quan tâm và làm cho ba má vui thỏa hết các nguyện vọng của tuổi già. Bây giờ ba má có chết cũng vui lòng không có gì luyến tiếc. Nếu sau này vì ở xa mà không gặp ba má lúc ra đi thì con cũng không nên áy náy làm gì, ba má hiểu lòng con." Tối nào tôi cũng ôm điện thoại gọi về VN nói chuyện với ba, tôi thương ba quá, vì sau khi má đi rồi ba sẽ cô đơn nhiều hơn trong lúc tuổi già xế bóng. Sau hơn 1 tuần tiếp dưỡng khí và dinh dưỡng tình hình má mỗi lúc một tệ hơn, ba tôi kể:
-Tội nghiệp má lắm con ơi! Người chằng chịt những dây nhợ kim chích khắp nơi, bây giờ lại còn bị phù to lên nữa. Ba còn xót ruột vì mỗi ngày phải tiêu tốn biết là bao nhiêu tiền của con vô trong vụ này.
- Ba đừng xót ruột vì tiền, nếu cứu được má con rất sẵn lòng dù có phải đi vay nợ. Ba nhắc chị X. hỏi BS kỹ lại xem tình trạng của má có còn chút hy vọng gì không?
Hôm sau chị tôi cho biết tình trạng bệnh má, BS chịu thua rồi, rút ống ra thì vài tiếng sau bà sẽ đi. Còn để ống thì không biết đến bao giờ? Có thể bà sẽ ra đi bất chợt lúc nào không biết.
Tôi đau lòng trước tình trạng hiện nay của má, tôi nhớ má đã nói với tôi: “Má chấp nhận chết, không tiếc nuối gì cả”, chắc má không muốn nằm chờ chết dai dẳng khổ sở kiểu này. Đôi khi cần phải tỉnh táo để quyết định, tôi cầu nguyện, suy nghĩ và hôm sau gọi nói chuyện với ba:
-Ba ơi, tình trạng của má không còn hy vọng gì nữa. Con đề nghị rút ống ra, đem má về nhà, con cháu tụ họp tâm tình nói chuyện với má, đọc kinh cầu nguyện cho má để má ra đi bình an ở nhà, ba thấy sao?
- Ừ ba thấy con nói hợp lý, chứ để má như vầy hoài ba thấy tội quá! Bây giờ tay chân má có vài chỗ bị phù, nứt rướm máu.
Nhưng không ngờ đề nghị "rút ống" của tôi bị cô em phản đối quyết liệt: "Như vậy là chị ấy muốn giết má. Chị ấy tiếc tiền nên muốn giết má cho sớm. Giết người là lỗi luật Chúa, là phạm tội... Người ta nói "còn nước, còn tát"..." Trời ơi! Tôi nghe kể lại mà tim nhói đau như có ai bóp nghẹt, khi bị gán cho cái tội "muốn giết má". Chúa ơi, nghe sao mà "lòng đau, rạn vỡ"! Ba tôi và chị tôi nghe phạm tội "giết người" thì sợ quá, không dám có ý kiến. Tôi không hề sợ phạm tội giết người, tôi tin Chúa nhân từ thấu hiểu lòng tôi. Tôi không muốn má ra đi bất chợt trong phòng bịnh viện cô đơn lạnh lẽo,với đủ thứ dây nhợ, kim chích chằng chịch, máy móc chung quanh. Ai cũng sợ cái chết, nhưng chết trong khi thân xác mình bị hành hạ và tâm hồn không được bình an thì lại càng đáng sợ hơn. Tôi muốn má được về ngôi nhà thân yêu của mình, nằm nhẹ nhàng bình yên đó nghe con cháu vây quanh nói lời từ biệt, tôi sẽ gọi về nói chuyện với má, tôi tin má sẽ nghe được lời tôi nói vì có 1 mối dây linh thiêng để người dù hôn mê vẫn nghe được người thân yêu nói với mình, tôi đã có kinh nghiệm này, rồi mọi người cầu nguyện cho má để má ra đi nhẹ nhàng bình an. Nhưng bây giờ tôi không được quyền có ý kiến, tôi chỉ biết im lặng nhẫn nhịn và cầu nguyện.
Vài hôm sau có một soeur, bạn của cô em đến thăm, nhìn thấy tình trạng của má tôi, bèn nói với cô em: “Sao Chúa đã muốn gọi bà về, không để cho bà ra đi nhẹ nhàng mà còn rán “níu kéo” chi để bà phải chịu đựng khổ sở như vầy! Tội cho bà quá!" Lúc đó cô em tôi mới ngộ ra và chịu cho rút ống.
Tôi kể lại chuyện này vì có nhiều người đức tin chưa trưởng thành hiểu sai lệch, cứ tưởng là sự sống Chúa ban càng kéo dài càng tốt và chống lại cái chết cho tới cùng. Cha giảng thuyết đã nhấn mạnh: “Tất cả những gì trái với tự nhiên để cắt ngắn sự sống hay để kéo dài sự sống đều là trái với tín lý giáo hội.” Bạn thân tôi theo đạo Phật cho rằng nếu đã tới giờ ra đi, mà không đi được thì linh hồn sẽ rất đau khổ, như bị “đọa”, tôi chỉ nhìn thân xác với đủ loại kim, ống, dây nhợ, rồi lở loét cũng đủ thấy quá khổ đau rồi. Ngày nay vì lý do nhân đạo và luân lý người ta khuyên không nên kéo dài sự sống, hãy để người bệnh ra đi thuận theo tự nhiên là tốt nhất.

Khi nào từ chối những phương pháp trị liệu?
- Khi quá nặng nề, người bệnh bị công kích nhiều, hay bất cân xứng (tốn quá nhiều tiền).
- Khi cần giảm bớt các triệu chứng đau đớn, khó chịu

Bệnh viện làm gì khi sự chết gần kề?
- Làm giảm đau và bớt áp lực tâm lý. Hiện nay các trường đại học y khoa ở Mỹ, các BS chuyên khoa về những ngày cuối đời được đào tạo riêng để họ rành về tâm lý, an sinh

Khi nào dùng chuyên khoa An Trị (Palliative care)?
Khi không còn chữa bệnh được nữa, An Trị trở nên một tiến trình giúp bệnh nhân ra đi một cách an bình và tự nhiên, giúp xoa dịu nỗi đau của bịnh nhân. Chuyên khoa này mới có ở Mỹ khoảng 10 năm nay, cho bịnh nhân có quyền chọn cách an trị, chọn ưu tiên cho cơ thể và tâm trí thoải mái hơn là chữa bịnh. Lúc đầu mới nhập viện: Chữa bịnh - An Trị. Lúc sau thì ưu tiên đảo ngược: An trị - Chữa bịnh. Khi sự chết gần kề An trị càng được nâng cao (kill the pain not kill the patient)

Khi nào cư trị (hospice)?
Trong vòng 6 tháng của thời kỳ cuối đời tạo một không gian êm đềm giúp bệnh nhân thoải mái tối đa, không sợ hãi, luôn trông cậy. Đây là lúc quan trọng của vai trò tôn giáo để giúp bệnh nhân yên lòng ra đi về thế giới mới. Mục vụ bịnh nhân (Pastoral Care) là “Trung tâm điểm của giáo hội Công Giáo” nhưng còn quá nhiều thiếu sót, nên cần sắp đặt lại ưu tiên cho người bệnh, kẻo đi ngược lại với truyền thống giáo hội. Ngày xưa giờ chót của Chúa, ngài cũng kêu gọi môn đệ hãy thức tỉnh với ngài, hãy ở cùng ta vì lòng ta buồn sầu đau đớn. Đây là lúc người bệnh cần sự ủi an và nâng đỡ tinh thần nhiều nhất về phương diện tâm linh.
Người thân có đồng hành với bệnh nhân không? Đây là giai đoạn quan trọng trong đời, người bệnh cần đến sự có mặt, cần đến tình thương của những người thân yêu ở cận kề bên để người bệnh cảm thấy ấm áp với tình thân chung quanh, chứ không phải đợi chết xong rồi lo làm ma chay đình đám, khóc lóc thương tiếc.

Bạn đã để lại "Di chúc y tế" chưa?
Theo thống kê chỉ có 5% dân Mỹ để lại “Di chúc Y Tế”, người Việt Nam thì chắc còn ít hơn nữa, 1%?
Ai cần để lại "Di chúc y tế?' Thưa tất cả mọi người, vì không ai biết mình sẽ ra đi lúc nào, ngay cả người trẻ tuổi. Hiện nay bịnh viện UCI có tới 8 unit ICU (hơn 1/3 bịnh viện). Những người vào ICU rồi, đa số đều “ra đi không trở lại” và tỷ lệ người trẻ chiếm hơn 70%, cỡ khoảng 50 tuổi là nhiều nhất. Cha cho biết dạo này người trẻ bịnh chết nhiều lắm. Vậy "Di chúc y tế" không phải chỉ cho người già mà cả người trẻ vừa và rất trẻ cũng đều cần như nhau.
Khi được đưa vào bịnh viện câu hỏi đầu tiên là bạn đã có “Di chúc sức khỏe” (Advance Health Care Directive) chưa? Nếu có rồi thì moi việc sẽ tuân theo ý kiến của bạn trong đó mà thi hành vì đây là luật. Ở Mỹ mọi thứ đều phải ghi xuống giấy, ký tên rõ ràng chứ không thể nói bằng miệng được. Nếu không có nó bạn sẽ gặp nhiều rắc rối mà bạn không ngờ tới: trước những quyết định quan trọng về điều trị, không biết ai là người có thẩm quyền chính, nhiều phiền phức tranh chấp có thể xảy ra. Ngoài ra bạn còn có thể bị “dụ dỗ” với những cách điều trị mà bạn không hề thich trước đó, hay có thể bạn sẽ bị “cư xử” với những điều mà bạn không hề muốn như trường hợp: con gái duy nhất của danh ca Whitney Houston mới 22 tuổi vừa nhận được gia tài của mẹ để lại khoảng vài chục triệu đô chưa được bao lâu thì cô bị stroke, hôn mê, cô không để lại di chúc y tế, nên tình trạng sức khỏe của cô không ai thay cô quyết định được hết ( kể cả thân nhân của cô ). Vậy bạn hãy khôn ngoan chuẩn bị cho mình một kế hoạch để đến một noi mà chắc chắn bạn sẽ đến và phải đến như một "hẹn hò lần cuối" không từ khước được.
Bạn có thể lên www.agingwithdiginity.org để order “Five Wishes” (5 nguyện vọng), có bản tiếng Việt và điền vào ngay hôm nay. Năm nguyện vọng là một dụng cụ truyền thông tốt cho bạn và gia đình, bạn bè và bác sĩ để nói về mong muốn của bạn. Nó bảo vệ người thân tránh sự lựa chọn khó khăn khi không biết mong muốn của bạn. Ngoài ra bạn có thể hiến tặng bất kỳ cơ phận thân thể mình như một kỷ niệm để lại cho đời, sau khi bạn đã "chia tay với đời sống này". Nó độc đáo ở chỗ cho phép bạn nói với những người thân yêu của bạn những điều mà bạn khó nói bằng lời, và giúp cho bạn bày tỏ ý kiến bạn muốn được ghi nhớ hay lễ tưởng niệm ra sao, bạn muốn mặc bộ áo nào, hoặc bạn có thể nêu tên 1 bài hát, 1 bài thơ mà bạn yêu thích đặc biệt và muốn được nghe nó trong buổi tiễn đưa bạn vì đây là buổi “hẹn hò lần cuối” của bạn với cuộc đời, hãy để nó diễn ra như ý bạn thích. Lúc này đây bạn có thể tự do bộc lộ tình yêu chất chứa trong tim bạn vì "Tình yêu là thứ duy nhất chúng ta có thể mang theo mình khi ra đi, và nó khiến kết thúc trở thành dễ dàng".
Cầu chúc bạn có một "hẹn hò lần cuối" đẹp như mơ, êm đềm, như ý và lãng mạn :
"Xin vĩnh biệt mọi người.
Tôi ra đi lần cuối không bao giờ trở lại.
Tôi đã choàng vào vòng hoa tươi.
Đã khoác vào chiếc áo tân hôn.
Đây là giờ tôi đến với Người.
Mang theo chỉ có mỗi con tim."(T.C. phỏng theo thơ Tagore)
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT