Đạo và Đời

Lễ Thăng Thiên

Wednesday, 05/06/2019 - 07:00:42

Lễ Thăng Thiên hay Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được cử hành bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh. Vì thế lễ này luôn luôn rơi vào ngày Thứ Năm và lễ này luôn luôn


Chúa về trời không có nghĩa là Ngài đã rời xa chúng ta. Ngài vẫn hiện diện với chúng ta cho tới tận thế. Hình chụp tại Park City, Utah. (Getty Images)


Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Lễ Thăng Thiên hay Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được cử hành bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh. Vì thế lễ này luôn luôn rơi vào ngày Thứ Năm và lễ này luôn luôn là lễ trọng và lễ buộc. Tại một số quốc gia lễ này được coi như là ngày lễ nghỉ. Nhưng có những quốc gia ngày lễ này không được coi như ngày lễ nghỉ, cho nên các đấng bản quyền tại Giáo Hội địa phương đã chuyển Lễ Chúa Giêsu Lên Trời vào Chúa Nhật ngay sau đó cho tiện việc cử hành.

Tại Giáo Hội Hoa Kỳ nơi chúng ta đang sống lễ này đã được chuyển từ Thứ Năm sang Chúa Nhật, nhưng vẫn còn một số giáo phận miền Đông Hoa Kỳ vẫn giữ ngày Thứ Năm. Lễ Thăng Thiên dù được cử hành vào ngày Thứ Năm hay Chúa Nhật sau đó, đều hướng về một biến cố đã được tường thuật trong Kinh Thánh Tân Ước, đó là sau khi sống lại bốn mươi ngày, Chúa Giêsu đã lên trời trước sự chứng kiến của các môn đệ và việc lên trời này kết thúc sự hiện diện của Ngài giữa loài người nơi trần thế.

Câu nói Chúa về trời là để kết thúc sự hiện diện của Ngài nơi trần thế dễ làm chúng ta hiểu lầm. Quả thật, chúng ta không còn nhìn thấy Chúa như các môn đệ đã nhìn thấy Ngài bằng xương bằng thịt như khi Ngài còn ở nơi trần gian với họ. Nhưng đừng hiểu rằng Chúa về trời có nghĩa là Chúa vắng mặt, đi biệt tăm biệt tích, không còn hiện diện một tí nào ở nơi trần gian này nữa. Chúa về trời không có nghĩa là Ngài đã rời xa chúng ta, không có nghĩa là Ngài được bốc đi từ một điểm này sang một điểm khác, không có nghĩa là Ngài phải bay từ một điểm ở dưới đất để lên trời. Sự việc Chúa lên trời chỉ nói lên một điều là Chúa đã hoàn tất sứ mạng của Ngài ở trần thế và giờ đây Ngài được tôn vinh. Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, để rồi bằng chính quyền năng Thiên Chúa của Ngài, Ngài sẽ hiện diện với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế. Cũng giống như việc Chúa sống lại, cần phải có đức tin thì mới chấp nhận được biến cố này, thì việc Chúa lên trời cũng cần phải có đức tin để có thể lãnh hội được ý nghĩa của sự kiện này.

Có một gia đình hôn nhân khác đạo: Mẹ là đạo Công Giáo, bố không theo đạo nào hết. Ông không tin vào Chúa và luôn miệng nhạo báng những việc thờ phượng kính mến Chúa. Trái lại vợ ông tìm hết mọi cách để giữ đạo. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Họ có một đứa con trai duy nhất luôn hiếu thảo với cả bố lẫn mẹ. Một hôm cậu con trai lâm bệnh hiểm nghèo, cậu hỏi bố rằng, “Bố ơi trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian này nữa, con xin bố dạy con phải tin ai? Theo bố hay theo mẹ? Theo bố thì chẳng có thiên đàng, chẳng có Chúa hay có gia đình để được yêu thương ở đời sau! Còn tin theo mẹ thì có Thiên Chúa là Cha, có cõi trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với mọi người thân yêu. Vậy con phải tin theo ai?”

Người cha quá sững sờ và kinh ngạc. Ông ôm con vào lòng và nói, “Con hãy tin theo mẹ, con yêu của cha!”
Đứa bé liền nói tiếp, “Nhưng nếu bố không tin theo mẹ, thì làm sao con có thể gặp bố ở trên thiên đàng được?”
Trước lời đơn sơ và chân thành của cậu bé, người cha đã không cầm được nước mắt, ông biết đây là một lời van xin và nhắn nhủ của con ông. Những lời nói của con ông đã đánh động tâm hồn ông. Ông đã suy nghĩ lại và chọn con đường tin vào Chúa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT