Tiêu Thụ

Nên có Medi-Cal hoặc Medicare? (bài 2)

Friday, 11/12/2015 - 08:03:21

Trở lại với thắc mắc nêu ra ở đầu bài, câu trả lời ngắn nhất: Đây là sự phân công giữa 2 cấp chính quyền liên bang và tiểu bang.

Bài ERIC TRẦN

Tiếp nối bài trước về sự liên hệ giữa Medi-Cal và Medicare, chúng tôi thấy nhiều người thắc mắc: “Tôi đang có Medi-Cal và được hưởng mọi dịch vụ y tế miễn phí 100%, tại sao lại phải có thêm Medicare nữa?” Trước khi vào bài, chúng tôi xin minh định về cách dùng từ ngữ:

Sự liên hệ giữa Medicare và Medi-Cal xem ra phức tạp nhưng là một sự phân công rất hợp lý.



- Medi-Cal là chương trình y tế của chính phủ tiểu bang California điều hành từ thủ phủ Sacramento. Các tiểu bang khác cũng có chương trình y tế tương tự, nhưng được gọi là Medicaid. Nói một cách khác, Medi-Cal chính là Medicaid ở California.

- Medicare là chương trịnh y tế của chính phủ liêng bang điều hành từ thủ đô Washington.
- Hai chữ Medicaid và Medicare khá giống nhau về cách viết, có thể gây nhiều lầm lẫn. Quả thực, trong khi làm việc, chúng tôi đã gặp nhiều “đồng hương” Việt Nam trên đất Mỹ lầm lẫn gọi Medicaid là Medicare. Nên để dễ phân biệt, chúng tôi xin dùng chữ Medi-Cal thay vì Medicaid, khi đối chiếu chương trình y tế cấp tiểu bang với chương trình y tế cấp liên bang.

Trở lại với thắc mắc nêu ra ở đầu bài, câu trả lời ngắn nhất: Đây là sự phân công giữa 2 cấp chính quyền liên bang và tiểu bang.

Trách nhiệm tiểu bang

Sự săn sóc y tế dành cho cư dân (dù mới chỉ là thường trú nhân) dưới 65 tuổi thuộc trách nhiệm của chính quyền tiểu bang, như California, Oregon, Arizona, Utah, Texas…... Trong độ tuổi này, nếu bạn không đủ khả năng tự mua bảo hiểm sức khỏe, bạn sẽ được cấp Medi-Cal. Để có Medi-Cal, bạn chỉ cần 1 điều kiện: No Income hoặc Low Income, tức là thuộc thành phần lợi tức thấp.

Nếu được hưởng Medi-Cal toàn phần, bạn sẽ không phải trả bất cứ một thứ chi phí y tế nào, tất cả đều là “miễn phí”. Thực ra, các dịch vụ y tế vẫn rất đắt đỏ, nhưng thay vì để bạn móc túi trả tiền thì chính phủ tiểu bang xuất quĩ Medi-Cal ra chi trả. Chính vì sự “miễn phí” này mà phát sinh nhiều lạm dụng, chẳng hạn: Đi bác sĩ quá nhiều, cả những khi không cần thiết; Hở một chút là khai bệnh để lấy thuốc, không phải chỉ cho mình mà cho cả thân nhân bạn bè ở…. Việt Nam. Nếu phải bỏ tiền ra – dù chỉ $10 để “copay” mới được gặp bác sĩ, hoặc mới mua được một món thuốc, thì tình trạng lạm dụng chắc chắn sẽ bớt hẳn hoặc không bao giờ xảy ra nữa.

Trách nhiệm liên bang

Với những người từ 65 tuổi trở lên, trách nhiệm săn sóc y tế lại thuộc chính phủ liên bang, gọi theo tên của tổng thống đương nhiệm như chính phủ Obama, chính phủ Bush, chính phủ Clinton…. Điều kiện để được hưởng Medicare là: Phải có quốc tịch Hoa Kỳ hoặc nếu chưa có quốc tịch thì phải có thời gian đi làm đóng thuế ít nhất 10 năm và ít nhất 65 tuổi.

Tuy đòi hỏi nhiều điều kiện, nhưng Medicare lại không cung cấp nhiều quyền lợi bằng Medi-Cal: Người có Medicare được giúp 80% tốn phí, 20% còn lại phải tự mình chi trả.
Ngoài ra, Medicare còn nhiều phức tạp khác:

- Medicare có 4 phần: Part A, Part B, Part C, và Part D. Mỗi phần phụ trách một loại dịch vụ: Part A trách nhiệm bệnh viên, Part B trách nhiệm bác sĩ, xét nghiệm, Part D trách nhiệm tiền thuốc, Part C trách nhiệm những chi phí bổ túc….(Nguyên việc Part D được viết trước Part C cũng đã là một rắc rối khó hiểu rồi.)

- Medicare không miễn phí. Người thụ hưởng phải trả tiền hàng tháng, ít nhất $104.90 cho Part B, và nhiều khoản tiền khác cho Part C và Part D.

Vậy, nếu đang được hưởng Medi-Cal với những ưu tiên tối đa dành cho người “no income” hoặc “low income”, bạn có muốn xin thêm Medicare khi lên tới 65 tuổi và đã có quốc tịch không? Ai cũng có ngay câu trả lời là: KHÔNG! Tuy nhiên, khi đã đủ điều kiện, bạn không thể từ chối, mà bạn BẮT BUỘC phải làm đơn xin Medicare. Bởi vì, “quả bóng” bây giờ đã lăn qua sân liên bang! Chính phủ tiểu bang sẽ tiết giảm được rất nhiều tiền nếu không phải chi trả tât cả mọi tốn phí y tế cho bạn.

Trách nhiệm tiểu bang và liên bang

Phần trên, chúng tôi nêu ra trường hợp một người có quốc tịch đang “ăn” Medi-Cal nay lên tới 65 tuổi, và buộc phải xin thêm Medicare. Chúng tôi nói “buộc phải xin thêm Medicare”, chứ không nói buộc phải bỏ Medi-Cal. Bởi vì vẫn thuộc thành phần “no income” hoặc “low income”, đương sự vẫn giữ được Medi-Cal, trong lúc có thêm Medicare. Hai chương trình bảo hiểm này sẽ có tác dụng với người thụ hưởng như sau:
- Medicare là bảo hiểm chính cấp (primary insurance) và Medi-Cal là bảo hiểm thứ cấp (secondary). Có nghĩa là, tất cả các chi phí y tế sẽ do Medicare trả trước, phần còn lại sẽ do Medi-Cal chi trả hết. Như trên đã nói, Medicare chỉ trả 80% chi phí, 20% còn lại lẽ ra thuộc trách nhiệm bệnh nhân thì nay sẽ được Medi-Cal “thầu” giúp.

- Bảo phí Part B, Part D…. của Medicare cũng sẽ được Medi-Cal “thầu” luôn.
- Rốt cuộc, đối với người thụ hưởng có Medicare và Medi-Cal, bảo phí hàng tháng và chi phí dịch vụ là $0.00, hệt như khi đương sự chỉ có Medi-Cal.

- Khác biệt chỉ là sự chuyển đổi trách nhiệm giữa hai cấp chính quyền tiểu bang và liên bang mà thôi.
Đó là trường hợp những người được cả chính phủ liên bang lẫn tiểu bang “âu yếm”. Một số đông người dân Mỹ cao niên không được như vậy: Họ chỉ có Medicare, và đối mặt với muôn sự rắc rối từ Part A, Part B, Part D và Part C… Lần sau chúng ta sẽ nói thêm chi tiết về các Parts này.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT