Đạo và Đời

Người phong hủi và tôi

Wednesday, 11/02/2015 - 07:08:17

Thật bất ngờ! Lời van xin của anh đẹp ý Chúa Giêsu, nên Ngài không hỏi anh bất cứ một điều gì khác. Ngài đã trả lời tức khắc: “Tôi muốn. Anh sạch đi.” Lòng thương xót của Chúa không chậm trễ, không trì hoãn nếu lời van xin của con người đem lại hạnh phúc thực sự. Và anh đã được chữa lành.

Bài LM TRỊNH NGỌC DANH

Kéo lê cuộc sống cô đơn tủi nhục, bị khinh chê hất hủi, sống trong tuyệt vọng, nhưng anh vẫn mong có một ai đó có thể giúp anh thoát khỏi cuộc sống tủi nhục đau khổ với căn bệnh phong hủi của anh. Thế rồi một ngày, anh nghe người ta đồn có một ông Giêsu có thể chữa lành mọi thứ bệnh tật. Một chút hy vọng lóe lên. Dịp may đã đến. Biết ông Giêsu sẽ đi qua chỗ anh đang sống. Anh quyết định đi tìm gặp. Lòng anh rạo rực xôn xao. Anh muốn được chữa lành nhưng anh lại cảm thấy bất xứng để xin ông Giêsu thương xót đến anh. Anh không dám mạnh dạn xin Ngài chữa lành cho anh như bao nhiêu người khác đã xin.
Nhìn thấy ông Giêsu, anh vội quỳ xuống, úp mặt xuống đất và thưa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Đây có phải là một lời van xin tỏ vẻ bất cần, được thì tốt không được cũng chẳng sao! Không. Đây là một lời cầu khẩn tuyệt vời: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể.” Anh phó thác hoàn toàn vào ý muốn của Chúa hơn là ý muốn của riêng anh. Anh tin vào quyền năng của Ngài có thể chữa lành cho anh nếu Ngài muốn. Anh không đặt với Ngài một điều kiện nào; ngược lại, anh tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào ý muốn, vào quyền năng và vào lòng thương xót của Ngài.
Thật bất ngờ! Lời van xin của anh đẹp ý Chúa Giêsu, nên Ngài không hỏi anh bất cứ một điều gì khác. Ngài đã trả lời tức khắc: “Tôi muốn. Anh sạch đi.” Lòng thương xót của Chúa không chậm trễ, không trì hoãn nếu lời van xin của con người đem lại hạnh phúc thực sự. Và anh đã được chữa lành.
Còn niềm vui sướng nào bằng! Bất chấp lời ngăn cấm của Chúa Giêsu, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Ngài không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Chính vì lý do ấy mà Chúa Giêsu ngăn cấm anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả.” Tiếp sau, Ngài ra lệnh cho anh: “Hãy trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Sau khi chữa lành, Chúa Giêsu muốn anh được sống hòa nhập với cộng đoàn bằng sự xác nhận của các vị tư tế, đồng thời chu toàn bổn phận chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa để làm chứng về Ngài qua việc anh được chữa lành.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài không bao giờ muốn nhìn thấy con người phải đau khổ. Ngài đã nhìn thấy niềm hạnh phúc của con người nơi sự đau khổ mà họ phải chịu khi họ tin tưởng phó thác và tuân phục thánh ý Ngài.
Xưa có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: “ Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con.” Một hôm, người ta dẫn ông đến mồ của thánh Thomas thành Cantobery để xin thánh nhân làm phép lạ chữa lành đôi mắt cho ông. Ông được nhận lời: đôi mắt vụt sáng lên ngay. Nhưng sau những giây phút vui mừng sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ: “Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con,” nên ông vội vàng trở lại trước mộ của thánh Thomas, xin được hóa mù lại, nếu điều đó có lợi cho phần rỗi của ông hơn là được sáng mắt.
Đôi mắt ông lại hóa nên mù như trước, nhưng từ đó, đời sống trở nên thánh thiện hơn. (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng)
Không biết sau khi được chữa lành, niềm tin và lòng tín thác của anh phong hủi được chữa lành có còn vững vàng như trước khi anh chưa được chữa lành hay không! Anh có đi trình diện với tư tế để hòa nhập với cộng đoàn, có tạ ơn Thiên Chúa và làm chứng về Thiên Chúa hay lại như chín người phong hủi được chữa lành nhưng không thấy trở lại tạ ơn Thiên Chúa, hay như người đầy tớ độc ác được chủ tha nợ lại không biết tha nợ cho anh em mình! Anh được sạch vĩnh viễn, được hòa nhập với cộng đoàn hay lại tái bị phong hủi về tâm linh!
Cũng như tôi, khi nhận bí tích Thanh Tẩy, tôi đã được Chúa nắm tay kéo lên khỏi bệnh phong hủi ô uế của tâm hồn để được làm con cái Thiên Chúa, thế nhưng tôi lại quay trở lại với bệnh phong hủi của tôi khi tôi từ bỏ thánh ý Thiên Chúa để sống theo ý riêng của tôi. Chúa muốn cho tôi sống hạnh phúc được cứu rỗi, nhưng tôi không muốn; thế là ý Chúa và ý tôi không hòa hợp.
Khi tôi không làm, không sống theo ý muốn của Thiên Chúa là tôi chối từ lòng thương xót của Ngài để sống tự mãn kiêu căng với ý riêng của mình khi tôi nói: con muốn sao Chúa không làm theo ý con. Tôi muốn sống cách biệt với cộng đoàn khi tôi khước từ luật mến Chúa yêu người, khi tôi sống tham lam ích kỷ hận thù ghen ghét, như thế tôi là người tự cô lập mình với cộng đoàn bằng cuộc sống tự mãn kiêu căng, bằng một con tim vô cảm.
Một nhà thờ hay một hội đường thường phải quyên góp tiền để chi phí các sinh hoạt. Tại một hội đường Do thái nọ, người ta không không quyên tiền theo cách chuyền tay nhau chiếc giỏ quyên tiền như thường thấy ở các nhà thờ Kitô giáo. Cách quyên tiền của họ là bán vé vào cửa nhân các dịp lễ trọng, vì vào những dịp ấy, rất đông tín đồ đến hội đường và đây cũng là dịp cho người ta tỏ ra hào phóng.
Đúng vào một dịp lễ ấy, một cậu bé hớt hả chạy đến hội đường để tìm cha cậu: “Thưa bác, con có một chuyện quan trọng cần gặp ba cháu.” Cậu cố giải thích cho người gác cửa, nhưng ông đứt khoát không cho cậu vào vì cậu không có vé: “Những người không mua vé như chú mày thì luôn phịa ra những lý do này lý do nọ để vào lậu!” Cậu bé cố năn nỉ: “Xin bác làm ơn cho cháu vào. Chuyện khẩn cấp lắm bác ạ. Cháu chỉ vào một phút rồi ra ngay thôi.” Người gác cửa cảm thấy hơi xiêu lòng. Ông nói: “Thôi được.Nếu vậy thì vào nhanh lên. Nhưng nếu tao thấy mày cầu nguyện trong đó thì đừng có trách!”
Trong thánh lễ ngày 9/1/2015 tại nhà nguyện Santa Marta, ĐTC Phanxicô đã nói: “Tâm hồn họ trở nên chai đá vì họ đang khép kín trên chính mình, họ không mở ra với tha nhân. Và họ tìm cách tự bảo vệ mình với những bức tường mà họ dựng nên chung quanh họ.” Đó là những người mắc bệnh “soi gương,” là những kẻ tự kiêu về tôn giáo. Khi con tim tôi trở nên chai cứng vì vô cảm, vì không có khả năng yêu thương, nó sẽ trở nên bất an, mất tự do: “Khi con tim trở nên chai cứng, nó mất tự do vì người đó không có khả năng yêu thương. Và con tim ra chai cứng vì họ đã không học được cách yêu thương.”
Lạy Chúa, bệnh phong hủi lại tái phát nơi tâm hồn con bằng những triệu chứng “soi gương” và tự kiêu về tôn giáo. Con đã càng ngày càng sống bất an, sống xa lánh cộng đoàn bằng cuộc sống vô cảm với những nỗi khổ của anh em. Con cũng van xin Chúa như người phong hủi đã xin: Nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành cho con” và bằng bí tích Hòa Giải, Chúa vẫn luôn trả lời: “Ta muốn, con hãy sạch đi!”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT