Đời Sống Việt

Người Yêu Bé Nhỏ Của Tôi!

Wednesday, 05/08/2015 - 08:14:09

Mỗi lần ru BB ngủ, tôi phải ráng nhớ lại mấy câu ca dao ngày xưa để hát ru. Bây giờ nghe lại thấy có những câu sao đơn sơ thật thà đến "ngô nghê" nhưng cảm động quá chừng chừng!

“Viết cho BB Quỳnh Anh tí xíu của ngoại vừa tròn 1 tuổi“

Phượng Vũ

Ngày con chào đời, bạn bè của ba mẹ gọi con là Bánh Bao (BB) vì nhìn hình con trên Facebook thấy 2 má no tròn giống Bánh Bao. Khi mới sinh, tóc BB đã nhiều, sau này lớn lên chút nữa tóc BB dài thêm, nhiều và đen mướt, nên ai cũng trầm trồ khen. Đa số baby tóc rất ít, loe hoe vài sợi, nhiều khi phải nhờ mặc áo đầm mới biết là con gái, còn “cục cưng” của ngoại, tóc “bom bê” dày và đen nhánh. Nhìn hình, ai cũng nói con xinh như Búp Bê Nhật, nên Ngoại gọi con là Búp Bê, viết tắt cũng là BB. Ba con thuộc loại ít tóc nên rất “cưng” tóc BB, mỗi lần tóc BB dài, mẹ phải tỉa ngắn bớt thì thế nào cũng bị ba con cằn nhằn tiếc rẻ! Đúng là người ít tóc mới thấy hết giá trị của từng sợi tóc quý là chừng nào. Thời gian đầu BB chỉ bú và ngủ thiệt nhiều, thỉnh thoảng ngoại thấy BB cười trong mơ thiệt dễ thương (chắc là BB đang cười với boyfriend hả?). Lên 3 tháng BB khôn hơn một chút, biết “nhớ” biết “hờn”, ngoại đi chơi Bahamas 1 tuần, về gặp lại, BB chắc nhớ ngoại nên nhìn rồi hờn, quay mặt đi chỗ khác, nước mắt long lanh ứa ra.
Sáu tháng BB biết lật, có khi BB nhanh quá, ba mới vừa đặt BB trên salon, BB lật cái vèo rớt xuống đất cái “bịch” làm cả nhà hết hồn. Chắc BB muốn nếm thử “thú đau thương”, bị té đau sẽ được thương nhiều hơn? BB khóc mà hai môi nhỏ xíu “mếu” trề ra nức nở, ngó thấy thiệt thương hết sức! Ngoại phải ôm BB thật sát vào lòng, luôn miệng nói “Thương, thương “cục cưng” nhiều lắm, thương, thương...”. Khi nghe “thương, thương” nhiều lần êm tai, BB liền giảm volume từ từ rồi nín luôn vì BB vốn là con người sống nhiều về tình cảm (giống ngoại mà!) rồi rơi vào giấc ngủ êm đềm trong vòng tay và tiếng ru à ơi của ngoại. "Nhìn trẻ thơ ngủ yên trong tay là lúc lòng ta cảm thấy lòng bình yên nhất". Mỗi lần ru BB ngủ, tôi phải ráng nhớ lại mấy câu ca dao ngày xưa để hát ru. Bây giờ nghe lại thấy có những câu sao đơn sơ thật thà đến "ngô nghê" nhưng cảm động quá chừng chừng!
"Đưa tay mà bứt cọng ngò,
Thương em muốn chết, giả đò ngó lơ."




Thế hệ ngày xưa người ta yêu nhau kín đáo, nhưng sâu lắng biết bao và tình thường bền chặt. Còn thời nay cái gì cũng ào ào, vội vàng, làm mất hết tính chất lãng mạn, êm đềm của cuộc sống. Ngay cả tình yêu cũng vội đến, vội đi nhanh như hỏa tiễn :
"Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!
Vội vã tìm nhau, vội vã rời..."
Sau này lật giỏi rồi, BB bắt đầu tập ngóc đầu lên, “ôi! cái đầu sao mà nặng quá !" BB tập rất cực, nhưng tôi thấy BB vẫn rán, mỏi quá BB gục xuống nghỉ một chút rồi lại ngóc tiếp. Vậy là BB giỏi, biết kiên trì, giống như cuộc đời muốn “ngóc đầu lên” cũng phải bỏ ra nhiều công sức gian nan, vất vả con à !
Ngoại dặn mẹ mỗi tối trước khi ngủ tập đọc sách cho BB nghe để trở thành thói quen tốt, mẹ kể bây giờ BB thích nghe đọc sách lắm. Khi BB biết ngồi, BB tự lật sách “ê, a” đọc một mình. Ngoại sẽ sắm sách từ từ cho BB và con sẽ có 1 tủ sách riêng tha hồ mà đọc. Như vậy là lớn lên BB cũng sẽ mê đọc sánh và yêu văn chương chữ nghĩa giống ngoại, rồi BB cũng sẽ biết yêu những nét đẹp của tâm hồn..., làm sao mà ngoại không cưng BB cho được, cục cưng yêu quý của ngoại!
Nhưng sao nghe người ta nói “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để buốt trái tim", nghe mà thấy xót xa quá! Vậy là những người sống có lòng tốt thường dễ bị “buốt trái tim” sao? Tôi không muốn BB bị “buốt trái tim”, nhưng tôi cũng không muốn BB trở thành vô cảm với những người chung quanh. Thật là đau lòng khi tôi đọc tin trên báo: Ở Úc, cô con gái ở chung nhà với mẹ (bà Liên 54 tuổi) bị giết chết ở phòng bên cạnh, mà con gái bà khi đi làm về nấu bánh pie gà ăn rồi đi tắm, cho chó ăn, texting cho bạn, xem tivi... Đến sau nửa đêm mấy con chó kêu đòi ra ngoài, cô bật đèn lên dẫn chó ra, nhờ có ánh sáng đèn, cô mới ngó vô phòng mẹ thì thấy bà đã bị giết chết máu khô tự lúc nào! Nếu cô gái còn chút quan tâm tới mẹ, thì tệ ra sau khi ăn tối cũng ngó qua phòng mẹ hỏi han vài câu thì tình trạng đâu đến nỗi bi thảm như vậy! Chẳng lẽ một chút ân cần hỏi han cha mẹ cũng không có giờ sao? Nghe sao muốn khóc khi thấy thế hệ con cái bây giờ thờ ơ lạnh lùng với cha mẹ đến vậy. Đúng là "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, về già mới biết lòng con cái.” Tục ngữ VN có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” nhưng nửa sau câu ấy đã bị đời sống văn minh thổi bay mất tiêu rồi! " Người nào cũng yêu con, nhưng người có văn hóa mới biết thương yêu cha mẹ!” (LNĐ). Chẳng lẽ đời sống vật chất càng cao, trái tim con người càng teo nhỏ lại sao ? Nhật đang cố gắng chế tạo ra những robot sao cho có tình cảm như người thật, còn người thật lại đang sống giống như robot?
BB lên 9 tháng, 2 cái răng cửa bắt đầu xuất hiện, làm nụ cười của BB càng “quyến rũ” hơn, nhất là lại điểm thêm “đồng xu” tí xíu bên má phải. Tôi thấy trên đời không có gì đẹp bằng nụ cười trẻ thơ, nhìn nó đáng yêu làm sao!. Những lúc thấy đời u buồn, chỉ cần nhìn thấy “nụ cười thiên thần” của BB, được ôm BB vào lòng là tôi thấy mọi nỗi buồn đều tiêu tan. Bởi vậy tôi cảm thấy BB chính là “mặt trời bé con” của tôi, sưởi ấm tâm hồn tôi những khi u ám, giống như bài hát “You Are My Sunshine” mà tôi rất thích vì nó đơn giản dễ thương và đầy ý nghĩa:
”You are my sunshine, my only sunshine
You make me happy when skies are grey
You never know, dear, how much I love you
Please don't take my sunshine away.”

Tôi nhớ có lần cho lớp ESL tập hát bài này để thay đổi không khí, học viên yêu cầu giải thích chữ “dear” trong bài hát? - "Có thể hiểu là người nào mình cảm thấy thân thương nhất!" Vậy là 1 học viên bèn nói “Vậy từ nay em sẽ gọi cô là “My dear teacher”. Nghe sao mà thấy ấm lòng, đó là “phần thưởng tinh thần” (không thể mua được) mà những người volunteer được nhận khi cho đi thời giờ của mình để đến với lớp học. Tôi cảm thấy thế hệ xưa sống “tình cảm” hơn, còn thế hệ mới đời sống càng văn minh, máy móc càng tân tiến hiện đại : I phone, I pad...lúc nào cũng khởi đầu bằng chữ I, nên con người chỉ lo nghĩ đến cái I (tôi) của mình trên hết , ít nghĩ đến người khác nên đời sống tinh thần càng ngày xuống cấp trầm trọng.
Làm sao cha mẹ có thể “hiểu hết” những suy nghĩ của thế hệ con cái hôm nay, chỉ đành nhìn nhau mà than: “Ta lạc mất con rồi”! Chúng chỉ nhớ tới cha mẹ khi chúng cần điều gì đó nơi cha mẹ. Chữ "hiếu" hình như không còn nằm trong tự điển của những người trẻ hôm nay mà cha mẹ thì học hoài mà vẫn chưa thuộc được lời khuyên: "Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.”
Tết Việt Nam vừa rồi, tôi đã sắm cho BB bộ áo dài khăn đóng, rồi áo bà ba nón lá để BB đội. BB rất thích mặc đồ VN, nên khi mặc áo dài BB trông rất “duyên dáng”, rồi mặc áo bà ba, đội nón lá trông BB dễ thương như 1 cô gái miền Nam chân quê, tha hồ để tôi chụp hình “BB của ngoại biểu diễn thời trang”. Khi BB mặc những y phục Việt Nam, tôi như được nhìn thấy lại quê hương thân thương của mình dù nó ngàn trùng xa cách. Nhân nói tới cách ăn mặc tôi nhớ lại hình như mốt mặc thời nay của giới trẻ càng hở nhiều càng tốt, càng khoe nhiều càng hay, thậm chí ở Hà nội có cô ra đường nửa trên chỉ mặc áo ngực, càng ngày con người ta sống càng hời hợt chỉ chú trọng bên ngoài . Có bản tin cho biết hằng trăm cô gái trẻ phát cuồng khi nhìn thấy 1 chàng cảnh sát đẹp trai. Vậy là họ nhào xuống đường gây tắc nghẽn giao thông để được chụp hình chung với anh chàng cảnh sát đẹp trai đó. Ngày trước tôi nhớ chỉ có đàn ông mới "háo sắc" thôi, nhưng thực ra những anh chàng chỉ chú trọng tới vẻ đẹp bên ngoài của phụ nữ mà quên đi nét đẹp tâm hồn bên trong thì cả đời họ cũng sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thực sự, như lời tâm sự của một cô gái:
"Mình giống nhau trái tim
Nhưng không cùng nhịp đập.
Em tìm kẻ chung tình
Anh ưa nhìn dáng dấp " (TTT)
Tết mọi người ăn uống rộn ràng, BB sau khi thay đổi y trang cũng được ngồi “ghế cao” tham dự bàn tiệc, nhìn mọi người ăn, BB cũng háo hức đòi ăn, nhưng mẹ kỹ quá nên không cho BB ăn gì hết, BB chỉ được bú sữa và ăn baby food do mẹ nấu ( thiệt chán phèo! không hấp dẫn gì hết! ) Tội nghiệp nhìn BB thèm thuồng ngó anh Bảo Hy hơn BB có 6 tháng mà cũng được chễm chệ ngồi bốc món nọ, món kia bỏ vô miệng. Thấy BB tiu nghỉu tội quá, cầm lòng không đặng, tôi bèn lên “kế hoạch” chớp nhoáng cho BB “ăn vụng”. Đợi mẹ lu bu vô bếp dọn dẹp, tôi lấy một chút súp, một dĩa trái cây rồi bồng BB ra ghế băng khuất ở góc sân sau. Thấy vậy, BB cũng thông minh nên đoán biết được tình hình không “bla..bla” ồn ào, mà im re chờ đợi. Tôi đút súp tới đâu BB há miệng chờ tới đó, nhìn cái miệng hồng hồng nhỏ xíu của BB “hau háu” há ra đợi giống mỏ chim, sao thấy ghét gì đâu! Chắc ăn vụng ngon hơn ăn thiệt nên BB ăn rất giỏi, tôi nạo chuối và đu đủ chín, nghiền nát cho BB ăn ít miếng, BB háo hức vừa ăn, vừa khoái chí cười toe, khoe 2 cái răng nhỏ xíu thấy ghét quá chừng à! Cuộc sống đôi khi cũng nên "phá lệ" chút xíu cho đời vui, chứ cứ đều đều một nhịp hoài như bản nhạc không có nốt cao, nốt thấp thì cũng chán lắm! Ăn xong chùi mép sạch sẽ, 2 bà cháu “cum đầu” mừng chiến thắng “chuyến ăn vụng” đã thành công mỹ mãn, không bị mẹ phát hiện.
BB càng lớn càng khôn, biết phản đối bằng hành động cụ thể, rất quyết liệt chứ không phải bằng thái độ thụ động như lúc nhỏ nữa. Chúa nhật tôi qua chơi với BB, tới giờ đi dạy Việt Ngữ, tôi kêu mẹ để trả BB lại, BB nghe hiểu, thấy mẹ tới, lắc đầu quầy quậy, rồi nhanh chóng một tay luồn ra sau lưng ngoại ôm chặt cứng, cái đầu thì cúi xuống úp mặt vào vai ngoại “ư ử' như con mèo con sắp bị bắt, hai tay bám chặt vô ngoại không chịu buông ra. Ngó thấy thiệt thương! Mẹ nói "không biết ai dạy mà sao nó khôn quá chừng!" rồi bồng BB dứt ra khỏi ngoại, BB khóc nức nở, 2 tay cứ đưa về phía ngoại với theo, làm sao mà ngoại đành lòng “dứt áo ra đi” cho được? (Tôi mỉm cười thầm nghĩ đây chắc cũng là hình thức “đấu tranh nhân quyền” của baby để bày tỏ nguyện vọng nhưng cũng quyết liệt không khoan nhượng à nghen!). Lần sau rút kinh nghiệm tôi phải “bye” BB sớm hơn trừ hao “thời gian lưu luyến”. Đợi mấy năm nữa BB lớn hơn, ngoại sẽ dắt BB theo ngoại đi học Việt Ngữ, để con sẽ biết nói, đọc, viết tiếng Việt giỏi và biết những truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Vì BB không chỉ là người Việt Nam qua màu da vàng, hay qua cái tên mà con phải là người Việt Nam từ trong tâm hồn .
Sắp đầy năm rồi, bây giờ BB khôn lên từng ngày, BB biết vòng tay “ạ” thật to. Mẹ kể ở nhà nội chơi tới tối muốn về, chỉ cần nghe ba mẹ nói “Thôi đi về” là BB hiểu liền, không cần ai nhắc, tự động khoanh tay “ạ” lia lịa hết bà nội, tới ông nội, vì BB hiểu đó là “điều cần làm” trước khi về. BB là người VN nên phải được dạy theo phong tục VN, chứ không theo kiểu Mỹ rồi sau này gặp ai cứ “say Hi”, chẳng hề biết cúi đầu chào người lớn là gì? Từ năm 2015 may mắn ở khu Little Saigon (Westminter School District) bắt đầu có “Chương Trình Hội Nhập Song Ngữ Tiếng Việt” từ mẫu giáo cho đến lớp 6. Học sinh sẽ được giảng dạy bằng Anh Ngữ 50% và bằng Việt Ngữ 50%, giúp các em có những kỹ năng giỏi về đọc, viết và nói cả 2 ngôn ngữ. Các học sinh có dịp hiểu biết về cả 2 nền văn hóa, đặc biệt biết rõ hơn về văn hóa cội nguồn của mình. Điều này có lợi cho các em vì học sinh biết từ 2 ngôn ngữ trở lên sẽ thông minh hơn các học sinh chỉ biết 1 ngôn ngữ.
Bây giờ BB “học” mọi thứ rất nhanh, bắt đầu biết “mi gió”, nhìn bàn tay nhỏ xíu đưa lên miệng rồi đưa ra mi gió, thấy ghét quá chừng, rồi còn biết vỗ tay hát “bla... bla” theo ngoại. Dễ thương như vậy không mê BB làm sao được nên bây giờ tôi mới hiểu thấu câu nói của mấy bà bạn trước đây “Tôi mê cháu tôi nhất trên đời!”. Thỉnh thoảng bận đi xa không qua thăm BB được là tôi thấy lòng cồn cào nỗi nhớ kiểu “nhớ gì như nhớ người yêu”, bởi vậy tôi mới gọi BB là “người yêu bé nhỏ”, người yêu này thú vị hơn vì chỉ làm mình vui, chứ không làm mình buồn. Trong những dòng sông tình thương của đời người, không có dòng sông nào êm đềm tha thiết bằng "dòng sông tình thương bà cháu". Nó có những cơn sóng yêu thương nhẹ nhàng, êm ái vỗ về "mơn man" tâm hồn con người khi bước vào "tuổi thu phai"
Tuần rồi con gái mới foward video clip hình ảnh BB đứng trước gương closet trong phòng ngủ soi gương, rồi làm duyên cười một mình và tự hôn mình. Hình ảnh vừa lạ vừa dễ thương làm sao! BB của ngoại sao nhiều“sáng kiến” quá! Nhưng tôi tán đồng ý tưởng phải biết "tự thương" mình. Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương và tôn trọng chứ không phải để bị "lạm dụng", bị coi thường rồi suốt đời cứ "chịu đựng, nhẫn nhục" vì chồng vì con. Sao thấy bất công cho phụ nữ vì phải chịu nhiều thiệt thòi quá! Phải học "yêu thương lấy mình", điều này tôi cũng phải qua bao nhiêu năm chiêm nghiệm mới làm được đó bạn ơi! TCS đã nói “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” mà ngu dại, mà dành cho buồn khổ, nên nhớ đừng bao giờ “tự làm khô héo tôi đây!” phải mở rộng vòng tay tới bạn bè, và phải biết "tự thương" mình mà sống "ung dung":
Bạn ơi xin hãy vứt hết nỗi buồn,
Xóa tan đi bao đêm trường,
Bước ung dung trong cuộc đời ... (LHH)
Mùa hè CA sắp tới, BB biết “điệu đàng” có nơ hồng trên tóc, đội nón hồng, mang kiếng mát màu hồng. Ô là la! BB là “pink girl” rất dễ thương nên BB đi đâu cũng có “fan” ái mộ, ở nhà thờ, ở nhà hàng, ở bịnh viện (khi đi thăm baby) mấy cô y tá Mỹ thấy BB ngang qua: “Wow, she's so cute”. Ngoại khen con hơi nhiều nên dễ bị nói "Mèo khen mèo dài đuôi" nhưng tính ngoại "có sao nói vậy". Bây giờ ngoại sắp chê BB đây: Đó là BB “ích kỷ” quá chừng, đi thăm baby (cousin) thấy mẹ bồng baby, con khóc đòi đẩy baby ra, đòi mẹ lại. Mẹ đưa baby cho ngoại rồi bồng con, nhưng khi thấy ngoại bồng baby, con lại khóc lớn hơn đòi đẩy baby ra không cho ngoại bồng luôn, nghĩa là BB muốn “độc quyền” mọi thứ cho một mình BB thôi! Vậy mà người ta nói "nhân chi sơ tính bổn thiện", thực ra "nhân chi sơ tính ích kỷ" nên con người cần phải được giáo dục từ nhỏ thì mới biết hướng tới "vị tha", biết chia sẻ với người khác. Trẻ em không được quan tâm giáo dục sớm sẽ dễ bị hư hỏng, đặc biệt trẻ em quan sát rất giỏi và có khuynh hướng "bắt chước", nên người lớn phải lo làm gương tốt cho trẻ soi. Bà Melinda (vợ tỷ phú Bill Gate) hướng dẫn các con cùng đi trong những chuyến từ thiện, cho các con chứng kiến cảnh những gia đình nghèo khổ ở Ấn Độ hay ở Phi châu. Bà còn khuyến khích các con làm từ thiện bằng chính những đồng tiền “nhỏ bé” chúng có hằng tuần (Báo Time). Nhân nói về những cảnh nghèo khổ, tôi nhớ mới nhận được email từ 1 học sinh cũ: “Thế kỷ 21 giữa lòng thành phố Sài Gòn... Hoài Thanh 16 tuổi, bị di căn ruột, đang trong những ngày chót kiệt sức, mà vẫn lạc quan an ủi mẹ và nhắn: “nếu con “đi”, cô xin giúp mẹ con cái quan tài cho mẹ khỏi đi vay nha cô”. Đọc tới đây tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, tôi đã từng nghe quá nhiều lần: xin tiền để có cơm ăn, áo mặc, chăn ấm, để đóng viện phí, học phí... nhưng chưa bao giờ tôi nghe ai "xin quan tài cho chính mình" vì thương mẹ quá nghèo! Nghe sao đau lòng quá! Trong khi đó con các cán bộ CS thì ăn chơi xa xỉ, xài tiền như giấy lộn, nếu chúng dính vào ma túy, đua xe, phạm pháp... cha mẹ lập tức dùng quyền và tiền để bao che cho chúng nên chúng càng ngày càng hư hỏng nặng, vì cha mẹ làm gương xấu cho con.

Cuộc sống là như thế đó, mặt sáng mặt tối đan lẫn vào nhau, ước mong sau này lớn lên BB luôn nhớ chọn đứng về phía ánh sáng nha con và nhớ luôn biết sống “nhẹ nhàng từ tâm” trong cuộc sống hằng ngày của mình. Khi sống có Tâm: biết chia sẻ, biết cho đi con người luôn luôn được hạnh phúc từ bên trong tâm hồn và đó chẳng phải là cùng đích mà mỗi người trong cuộc sống này đều mong muốn đạt tới sao?

Lời ước ngoại dành cho BB “ngàn lần yêu thương” của ngoại là ăn giỏi chóng lớn. Và "mai sau dù có bao giờ..." trong tim bé nhỏ của BB luôn có 1 góc dành cho gia đình và nhớ thêm 1 góc nhỏ nữa dành cho quê hương Việt Nam cội nguồn của con. BB ơi! ngoại mong con sau này hãy luôn cố gắng sống từng ngày sao cho "Tâm sáng", vì chính tâm hồn mỗi con người mới xác định được mức độ "giàu có" trong cuộc sống của mình. Phần tương lai, con hãy giao vào trong tay Chúa nha con, "cục cưng" vô cùng yêu quý của ngoại!

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT