Tiêu Thụ

Quỹ An Sinh Xã Hội Không Còn Tiền?

Friday, 18/02/2011 - 07:21:21

Tại sao lại phá sản?Chuyện tài chánh quốc gia tuy lớn lao, nhưng nó cũng không ra ngoài qui luật: Làm ít tiêu nhiều thì phải ăn lạm vào tiền ...

Eric Trần/Viễn Đông

Nhiều nhà phân tích tài chánh cho rằng, Quỹ An Sinh Xã Hội (ASXH) Hoa Kỳ đang tiến đến bờ phá sản. Những thế hệ sau này có thể không còn được lãnh tiền hưu nữa. Chuyện này thực hư ra sao? Và có ảnh hưởng gì tới chúng ta?


Tại sao lại phá sản?
Chuyện tài chánh quốc gia tuy lớn lao, nhưng nó cũng không ra ngoài qui luật: Làm ít tiêu nhiều thì phải ăn lạm vào tiền để dành, nếu vẫn may mắn còn tiền để dành. Trong mấy năm nay, kinh tế suy thoái, người đi làm ít hơn, nên tổng số tiền đóng góp cho Quỹ ASXH phải ít đi một cách tương ứng. Bên cạnh đó, số tiền chi ra cho người đến tuổi hưu không giảm bớt, mà có thể còn nhiều hơn (do mỗi ngày mỗi thêm số người đến tuổi hưu, trong khi số người đã hưu trước đó vẫn còn sống do y tế tiến bộ, tuổi thọ con người được nâng cao). Cứ thế, mỗi năm thiếu hụt mỗi chút… cho đến một ngày, cái quỹ tiền đó không còn đồng nào để chi ra nữa.
Theo tính toán của các chuyên gia tài chánh Hoa Kỳ, thì Quỹ ASXH chỉ còn khả năng chi trả đều đặn cho đến năm 2037 mà thôi, nghĩa là còn 26 năm nữa, sau đó sẽ thiếu hụt 22%. Tình trạng đó tiếng chuyên môn gọi là … phá sản (bankrupt). Nếu còn sống đến thời gian đó, thì tiền hưu bạn lãnh chỉ là 78% so với số tiền đang lãnh hiện nay. Trong các năm tiếp đo,ù tình trạng thiếu hụt sẽ tích lũy nhiều hơn, khiến cho tiền hưu bạn lãnh được chỉ còn 74%, 70 hoặc 60% mà thôi.
Nghĩ tới 26 năm trước mặt, có thể nhiều người sẽ yên trí tự nhủ, “Ôi! Lo bò trắng răng. Đến ngày đó lão đã đi mất đứt rồi!”. Đúng vậy, cứ so lại số tuổi hiện nay, và dự trù tuổi thọ của mình là biết ngay. Nhưng những người hiện đang ở tuổi 40, thì chắc chắn phải lo rồi: Hãy cứ tưởng tượng, bây giờ cong lưng đi làm đóng thuế, chờ đến ngày già đòi tiền hưu, chính phủ lại … cười trừ thì không hiểu làm sao? Chẳng lẽ lại … làm loạn?
Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự an ủi: Đó là sự tính toán dựa trên những con số giả định về tình hình kinh tế tiếp tục suy thoái, số người đi làm không tăng, trong khi số người về già lãnh lương hưu cứ tiếp tục sống… Phải rồi, tại sao không suy nghĩ một cách lạc quan hơn: Kinh tế sẽ bốc lên, người đi làm nhiều, thuế thu vào tăng; và nói dại, lỡ xảy ra một biến cố nào đó khiến người cao niên được gọi về “chầu trời” nhiều, thì số chi ra sẽ ít đi. Lúc đó Quỹ ASXH không còn thiếu hụt, thì lo gì quyền lợi của mình bị cắt giảm? Dù sao cũng còn 26 năm, với biết bao nhiêu thay đổi!
Bạn nghĩ đúng, 26 năm là biết bao thay đổi; có điều không biết là thay đổi tiêu cực hay tích cực mà thôi. Nhưng tại sao không nghĩ tới những thay đổi tích cực có thể biến đổi cục diện thành sáng sủa hơn? Nhìn về tương lai ai cấm bạn ước mơ?

Diễn trình phá sản của Quỹ ASXH

Nhưng những sự kiện sau đây thực đã xảy ra và đang xảy ra: Không cần phải chờ tới năm 2037, Quỹ ASXH hiện đã thiếu hụt và thiếu hụt từ nhiều thập niên rồi. Sở dĩ quyền lợi của người về hưu chưa bị cắt giảm, là vì chính phủ đã phải nhiều lần ra tay can thiệp bằng cách tăng thuế:
Năm 1977, tức là cách đây 34 năm, khi thấy Quỹ ASXH thiếu hụt, Tổng Thống Jimmy Carter đã buộc người đi làm phải để dành nhiều hơn, cụ thể là nâng thuế ASXH. Ông tổng thống hứa hẹn, tăng thuế như vậy là bảo đảm có đủ tiền cân bằng chi thu cho tới năm 2030, tức là hơn 50 năm sắp tới.
Nhưng hóa ra ông tổng thống lạc quan … tếu. Bởi vì chỉ có 6 năm sau, thì Quỹ ASXH lại thiếu hụt, chi nhiều thu ít, khiến cho vị tổng thống đương thời, ông Ronald Reagan lại phải tăng thuế ASXH một lần nữa vào năm 1983! Tuy không dùng chữ “tăng thuế”, mà chỉ là đẩy mạnh tiến độ tăng thuế đưa ra từ thời ông Carter 6 năm trước, nhưng thực chất có khác gì tăng thuế đâu?
Ấy vậy mà vẫn không cứu nổi cái quỹ ASXH èo uột: Tổng kết năm 2010, những tài liệu chính thức sốt dẻo nhất của các cơ quan liên hệ cho hay ASXH lại thiếu hụt. Ông Richard W. Stumpf, giám đốc Financial Benefits ở Wichita, Kansas, cho biết, “Năm 2010 là năm đầu tiên, Quỹ ASXH phải bán đi một số giấy nợ, để có đủ tiền trang trải hết các quyền lợi của người về hưu”. Số giấy nợ đây là những tấm công trái phiếu (treasury bonds), hiểu một cách đơn giản là tiền để dành của quỹ ASXH. Bán giấy nợ để lấy tiền trang trải, điều đó có nghĩa là cái quỹ này đang phải ăn lậm vào “tiền để dành”.
Và nếu không có gì thay đổi, thì đến năm 2037, số “tiền để dành” ấy sẽ cạn kiệt, để rồi năm kế đó, quỹ sẽ hụt 22%.
Thưa các bạn,
Chúng tôi đã hết sức tóm tắt với những chi tiết rất căn bản về một tình trạng phức tạp của hệ thống an sinh xã hội Hoa Kỳ. Diễn tiến này đương nhiên ảnh hưởng tới mọi người chúng ta, ngay cả những người đi làm “bé mọn”. Lần sau, chúng tôi sẽ bàn tới một vấn đề cụ thể hơn: Làm thế nào để về hưu có lợi nhất?

Eric Trần

Erictran15751@gmail.com


© ViễnĐôngDailynews

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT