Đời Sống Việt

“Sân Chơi Chung” cho mọi người diễn tả các quan điểm

Brian Đinh/Viễn Đông Monday, 09/07/2012 - 08:29:01

Yuli cất giọng: “Đừng nói anh chẳng xứng. Anh thật tuyệt vời và xứng đáng. Ngoài ra, đây là cách thức tôi có thể diễn đạt tốt nhất tâm hồn này cho anh”.

Brian Đinh/Viễn Đông

SANTA ANA - Vào mỗi ngày Thứ Năm đầu tháng, Common Ground (Sân Chơi Chung) tổ chức đêm trình diễn open mic (micro mở máy cho mọi người tham gia). Có năm tới sáu người lên sân khấu trình diễn. Trước khi bắt đầu chương trình này, các vị khách có thể ghi tên tham gia một mục trong phần open mic, trong đó họ sẽ có bốn phút để trổ tài của mình, giữa những tiết mục trình diễn của chương trình. Khẩu từ (spoken word), một dạng thức thơ được sử dụng để diễn đạt ý kiến bình luận xã hội, là một mục được ưa thích nơi những người trình diễn, cũng như nơi các thành viên cử tọa.
Theo Phi Hồng Sử, một trong những người tổ chức chương trình này cho biết, thì Common Ground là do người Việt Nam điều hành, được tập hợp bởi “các nghệ sĩ, các nhà hoạt động, và các thành viên cộng đồng, những người này muốn cung cấp một không gian dành cho việc biểu đạt và giao lưu có tính cách nghệ thuật”. Loạt tiết mục open mic bắt đầu từ tháng 8 năm 2010.


Brian Đinh đọc bài viết về vụ biểu tình chống Wal-Mart ở Chinatown trong buổi open mic đêm 5-7-2012 ở Santa Ana - ảnh: Austin Quan (gửi cho Viễn Đông)

Hôm Thứ Năm tuần qua, chương trình này tập trung vào chủ đề “những quan điểm”. Trong số năm người trình diễn, có Hatefas Yop của nhóm thi đua đọc thơ mới sáng tác (slam poetry), mang tên “DUENDE!” của thành phố Long Beach; có Yuki Akaishi, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác ca khúc; và Audrey Kupo, một nhà thơ. Bản thân tôi cũng ghi danh tham gia một mục open mic.
Người trình diễn đầu tiên của đêm ấy là Hatefas, một sinh viên Mỹ gốc Cam Bốt. Cô trình diễn bốn bài, nội dung nói về căn tính bản thân, lịch sử Cam Bốt, và về cha mẹ cô.
Trong một bài, cô thách đố hình ảnh mô tả Cam Bốt như là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá tan hoang. Cô nói: “Sau một cuộc diệt chủng văn hóa suốt bốn năm, Cam Bốt vẫn sống. Đất nước đang hô hấp, hít vào và thở ra. Cô hít lấy hương thơm của những đóa hoa sen xinh đẹp, nở rộ trên đất nước của cô. Cô hít vào âm nhạc của sáo. Cô hít lấy chính sự sống”. Hatefas lặp lại: “Cam Bốt không phải là diệt chủng”.
Rồi cô trình diễn một bài, trong đó cô xin lỗi về chuyện bị trôi giạt xa khỏi người cha của mình. Nghẹn ngào vì nước mắt trào tuôn, cô dừng lại để lấy hơi thở. Cử tọa búng tay tỏ bày lòng yêu mến của họ.
Hatefas tiếp tục diễn sang một bài khác, hít sâu giữa mỗi câu. “Tôi ao ước có một ngày, khi [cha mẹ tôi] có thể nói lên rằng họ được hạnh phúc. Tôi ước mong cho một ngày, mẹ cha có thể công khai kể lại cho tôi nghe những câu chuyện của họ. Tôi mơ ước một ngày, từ trên sân khấu nhìn ra và tìm thấy được cha tôi nheo mắt nhìn lại phía tôi, nhưng ngày ấy sẽ còn phải đến”.
Suy nghĩ về mục trình diễn của mình, Hatefas nói: “Tôi tự cho phép mình trở nên hoàn toàn dễ bị tổn thương trên sân khấu, và được nghênh đón bằng tình yêu thương và sự chấp nhận”. Cô giải thích rằng kinh nghiệm cô có được tại Common Ground nhắc cho cô nhớ rằng “đúng là thế giới có lưu ý đến một phụ nữ Mỹ gốc Khmer sống sót tại đại học, vẫn phải vất vả đi tìm nguồn cội của mình”.
Tôi theo sau mục biểu diễn của Hatefas, và đọc một tiểu phẩm kể chuyện tôi tham gia một cuộc biểu tình chống đối việc xây cất một chi nhánh Wal-Mart tại phố Chinatown ở Los Angeles. Không phải mọi người, kể cả những cư dân của khu Chinatown, đều đồng ý với cuộc tuần hành ấy. Tôi đặt ra một số câu hỏi cho cử tọa. “Tôi có thể đứng lên tranh đấu như thế nào cho một cộng đồng khi chính cộng đồng ấy đa dạng hết sức trong những niềm tin tưởng của họ? Tôi có thể đứng lên đấu tranh như thế nào cho một cộng đồng, khi có nhiều thành viên của cộng đồng ấy thậm chí có lẽ không đồng ý với chuyện tôi làm?”.
Là một người mới xuất hiện trên sân khấu, tôi thường vấp váp khi diễn tả lời lẽ của mình. Nhưng thay vì lăn dầm trong vũng sai sót của mình, tôi nghĩ tới chuyện làm sao để đến lần tới mình sẽ trình diễn hay hơn, vì tôi đã biết rằng dứt khoát sẽ có một lần sắp tới đây.


Ca nhạc sĩ Yuki Akaishi hát bài “Serenade You” do cô sáng tác trong buổi open mic đêm 5-7-2012 ở Santa Ana - ảnh: Austin Quan (gửi cho Viễn Đông)

Sau đó trong đêm trình diễn, Yuki, một sinh viên người Mỹ gốc Nhật đã tốt nghiệp trường đại học UCLA, làm tăng thêm khí thế sôi nổi bằng những ca khúc lạc quan hấp dẫn của mình. Cô hát một phiên bản mới “Pumped Up Kicks” của Foster the People, một ca khúc được ưa chuộng mà cử tọa có thể công nhận và thưởng thức. Rồi cô hát “Serenade You”, một bản tình khúc cô soạn cách đây năm năm, khi bạn trai cô bảo cô rằng giọng ca của cô “quá hay”, và anh không xứng đáng với cô.
Yuli cất giọng: “Đừng nói anh chẳng xứng. Anh thật tuyệt vời và xứng đáng. Ngoài ra, đây là cách thức tôi có thể diễn đạt tốt nhất tâm hồn này cho anh”.
Khi được hỏi cô cảm thấy thế nào về khung cảnh của Common Ground, Yuki nói: “Common Ground là một không gian tuyệt diệu để qui tụ cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu ở Quận Cam lại với nhau, và đem lại sức lực khả năng cho cộng đồng này thông qua việc diễn tả nghệ thuật”.
Audrey – một nhà thơ được nhận diện như là một người Mỹ gốc Đài Loan, một phụ nữ đồng tính thuộc thế hệ thứ hai – kết thúc chương trình trình diễn. Cô bắt đầu diễn bài khẩu từ của mình: “Lời khen tặng đó, mà tôi biết sẽ khiến mình giận dỗi: Chao ơi, cô nói tiếng Anh hay quá... Cô học ở đâu mà nói giỏi như vậy?”. Rồi cô xưng ra rằng cô sinh ra ở đây, cô học thuộc thơ như thuộc “những đường chỉ tay của mình vậy”.
Cô hỏi tiếp: “Bạn có biết ngôn ngữ này làm cho tôi tốn kém như thế nào không? Tôi là người Hoa thế hệ thứ nhất mù chữ. Tôi không đọc được những bài thơ của ông nội tôi. Tôi sống cách xa 6776 dặm từ nhúm tro tàn cốt của bà nội tôi, và tôi vẫn cứ đi tìm một thứ tiếng, trong đó tôi còn có thể nói ra chữ quê nhà bằng một cái lưỡi cảm thấy như chính là cái lưỡi của mình vậy”.
Suy nghĩ về bài thơ của cô “Tiếng Mẹ Đẻ”, Audrey giải thích rằng bài này là “một thách thức thăm dò cách tri nhận những người Mỹ gốc Á Châu như là những người vĩnh viễn là ngoại quốc, và những kinh nghiệm của tôi về chuyện không được xem như là một người Mỹ trọn vẹn đầy đủ”. Cô nói tiếp: “Ngôn ngữ ấy cứ tiến hóa để bao hàm luôn cách thức tôi hiểu người Mỹ gốc Á Châu là gì, và đặc biệt thế hệ thứ nhì có nghĩa là gì”.
Audrey thổ lộ thêm: “Tôi thích có thì giờ để chan hòa với nhau và thảo luận về những chủ đề của đêm trình diễn. Hầu như đây là một buổi đàm thoại cộng đồng, chứ không phải chỉ là chuyện người ta lên sân khấu mà nói với một cử tọa”.
Đêm trình diễn open mic kế tiếp là vào Thứ Năm, ngày 2-8-2012, tại Trung Tâm Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, tọa lạc ở số 1600 đường North Broadway, thành phố Santa Ana. Ghi danh tham gia open mic sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ 30, và cuộc trình diễn mở màn lúc 7 giờ 30. Dịp văn nghệ này mở cửa miễn phí cho mọi người đến tham dự. - (BĐ)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT