Văn Nghệ

Xem vở opera “Trong Bụng Ngựa”: Ngôi sao opera gốc Việt Nam tỏa sáng

Thursday, 26/08/2021 - 09:23:06

Chờ đợi mãi, xem và nghe biết bao nhiêu buổi phỏng vấn và quảng cáo trên facebook và youtube, rồi thì cũng tới.


Hai vợ chồng anh chăn ngựa và bài toán khó. (Photo: Anvi Hoàng)

Bài NHƯ AN


Chờ đợi mãi, xem và nghe biết bao nhiêu buổi phỏng vấn và quảng cáo trên facebook và youtube, rồi thì cũng tới. Tới ở đây là vở opera ngắn còn gọi là chamber opera mang cái tên độc đáo “Trong Bụng Ngựa” hay “What the Horse Eats” do giáo sư PQ Phan viết nhạc và vợ của ông là nhà văn Anvi Hoàng đồng viết lời kịch bản với ông. Ngày thứ Bảy ngày 21 tháng 8 vừa qua, vở opera này được trình diễn trên sân khấu nhưng không có khán giả ở rạp (chỉ có những người thuộc trường nhạc) mà phần đông là khán giả xem qua mạng internet.


Vở opera này thật độc đáo đối với người Việt Nam, mà có lẽ cũng đối với người bản xứ Mỹ nữa, vì hiếm khi nào có tiếng nói Việt Nam trong địa hạt opera. Nhà soạn nhạc PQ Phan là người đầu tiên và độc nhất đã viết liền 2 vở opera có chủ đề Việt Nam: vở grand opera The Tale of Lady Thị Kính trình diễn lần đầu vào tháng 2 năm 2014, và vở chamber opera What The Horse Eats trình diễn lần đầu hôm nay, 21 tháng 8, 2021.


Trong Bụng Ngựa đưa ra câu chuyện có thật xảy ra ở Việt Nam vào những năm 1944-45 khi người Nhật đang thay người Pháp chiếm đóng Việt Nam. 1945 là năm có nạn đói Ất Dậu, với hai triệu người chết đói. Một anh chăn ngựa có tài được vời đến chăn con ngựa quí của viên đại úy Nhật đang cai quản một vùng quê Bắc Việt. Ngựa thì được ăn thóc ngon phủ phê, trong khi người - gia đình anh chăn ngựa gồm hai vợ chồng và đứa con sơ sinh – thì phải nhịn đói. Anh đành đánh tráo trấu lấy thóc đem về cho vợ con. Không may, con ngựa chết. Ông đại úy Nhật mổ bụng ngựa ra xem thấy còn sót trấu trong đó, đoan quyết là do anh chăn ngựa đánh tráo thóc. Mạng đền mạng - dù là mạng ngựa - anh chăn ngựa bị trói nhét vào bụng ngựa may lại, một cái chết đau thương.



Nhạc trưởng Henry Cheng trong một buổi tập. (Photo: Anvi Hoàng)


Vở opera có 5 vai: viên đại úy Nhật, hai vợ chồng anh chăn ngựa, và 2 người dân làng. Hai vai nam chính và hai vai dân làng thì do người bản xứ đóng, riêng vai vợ anh chăn ngựa thì do Bích Vân, ca sĩ gốc Việt, đóng. Dàn nhạc gồm 8 người đa số là dân bản xứ nhưng nhạc trưởng là người Mỹ gốc Đài Loan. Đặc biệt là nhạc trưởng Henry Cheng đang là chỉ huy dàn nhạc thính phòng ở Đức, bay qua Bloomington, Indiana để điều khiển chương trình Trong Bụng Ngựa. Ngay hôm sau lại đi về.


Phần lớn những nghệ sĩ này đều xuất thân từ trường nhạc Jacobs thuộc Indiana University, nơi giáo sư Phan đang giảng dạy bộ môn Sáng Tác. Quí độc giả muốn biết thêm về dàn nghệ sĩ này và cảm tưởng của họ khi học và hát những vai trò mới trong một vở opera mới toanh, xin vào link dưới đây để xem:

https://www.youtube.com/watch?v=gqIINMaQZUw


Cốt truyện


Chuyện kể thì rất giản dị nhưng làm sao cho thành ra môt câu truyện trình diễn trên sân khấu thì khó. Nó đòi hỏi phải tưởng tượng ra những tình huống và lời lẽ sao cho hợp lý và nói lên được tâm tư nhân vật. Cốt truyện và đối thoại ở đây đã được viết rất liền lạc, sôi động và hấp dẫn; trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi đã nói lên được hết điều tác giả muốn nói: Tình thương quan trọng hơn là tất cả những thứ khác.


Nhân vật đại úy Nhật do giọng bass-baritone Carl DuPont thủ diễn, dù buồn nhớ quê hương nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần tôn trọng kỷ luật và danh dự đến cứng nhắc. Lời hát được viết thật xít xao cho nhân vật. Từ đầu tới cuối, người ta thấy được tâm tư và lý luận của con người quân đội, tinh thần công bằng, mạng đổi mạng của nhân vật.



Đầu hàng số mệnh (Photo: Anvi Hoàng)

Nhân vật anh chăn ngựa do tenor Brian Arreola và người vợ do giọng soprano Bích Vân thủ diễn. Những bài arias diễn tả tâm trạng nhân vật được viết rất xúc tích, lột tả được tình cảm khi thì phẫn nộ, lúc hào hùng đề cao nhân phẩm và danh dự, lúc ai oán thương tâm khi nghĩ về tình cảnh đói khát của gia đình, nhất là đói sữa của đứa con sơ sinh.


Có lẽ phần dàn cảnh cuối cùng của vở “Trong Bụng Ngựa” là phần khó diễn đạt nhất. Với phương tiện hạn hẹp thời Covid, chuyện đem một con ngựa thật lên sân khấu là điều không tưởng. Cũng như cảnh mổ bụng ngựa là một cảnh khó thực hiện. Ở đây nhà dàn cảnh dùng những hình ảnh biểu tượng nhiều hơn. Người đóng vai con ngựa trắng được dựng đứng lên và chiếc áo choàng trắng tượng trưng cho phần bụng ngựa được mở toang cho thấy 5 cuộn vải đỏ như 5 dòng máu tuôn ra, và anh chăn ngựa bị nhét vào “bụng ngựa”. Từ lúc tưởng tượng quang cảnh này đến lúc hiện thực trên sân khấu là một bước dài. Hy vọng những lần diễn sau, cảnh này sẽ được hiện thực hoàn hảo hơn để cảm xúc của khán giả khi nghe toàn bộ các nhân vật phát biểu ý tưởng của mình trên sân khấu được sâu lắng hơn.


Âm nhạc

Âm nhạc là linh hồn của một vở opera. Giáo sư PQ Phan là nhà soạn nhạc được giới yêu nhạc “mới” quốc tế biết đến nhiều và tôn trọng. Ông đã đạt nhiều giải thưởng âm nhạc lớn quí. Có thể nói ông là một phù thủy âm nhạc vì với kiến thức sâu rộng về mọi khuynh hướng âm nhạc kim cổ trên thế giới, ông có thể viết lên những khúc nhạc thích hợp cho từng cảnh tượng và tâm trạng, đặc biệt là dùng chính âm nhạc của một văn hóa nào đó cho nhân vật thuộc về văn hóa đó. Thí dụ như ông đã dùng âm nhạc kabuki (nghệ thuật tuồng hát cổ điển của Nhật) đặc thù để viết lên những khúc arias cho nhân vật đại úy Nhật.


Kết tội  (Photo: Anvi Hoàng)

Đối với lỗ tai của một người nghe nhạc bình thường như... tôi, không phải lúc nào tôi cũng nghe ra được những cái hay của âm nhạc họ Phan. Ngạc nhiên thay, tôi thấy âm nhạc của vở Trong Bụng Ngựa rất hay, ít nhất là tôi thấy âm nhạc ấy nói lên được cái hồn của những cảnh tượng tôi thấy trước mắt. Ai muốn hiểu thêm về âm nhạc PQ Phan, có thể vào link dưới đây xem cuộc phỏng vấn của tenor Brian Arreola, người đã mô tả khá kỹ lưỡng âm nhạc này và cảm tưởng của ông khi tập hát:



https://www.youtube.com/watch?v=OVd0idO0Ljk


Nhân vật

Cả ba giọng chính của vở opera đều là những nghệ sĩ opera có huấn luyện trường lớp bài bản, có bằng cấp từ cử nhân cho đến tiến sĩ âm nhạc. Nhưng Carl DuPont và Brian Arreola có lợi thế hơn Bích Vân nhiều vì họ được sinh hoạt nhiều trong môi trường học thuật âm nhạc trong khi Bích Vân không có đất dụng võ mà thường xuyên phải hát loại âm nhạc khác, bỏ quên opera.

Vai của Carl Dupont thuộc loại “nghiêm trọng”. Giọng bass của anh thật thích hợp và anh diễn rất tròn vai. Có những lúc anh phải chuyển qua giọng “falsetto” nghe thật lạ. Tôi được giải thích rằng đó là lối nhạc kabuki, có những khúc lên thật cao bất thình lình, rất khó hát.


Đền tội  (Photo: Anvi Hoàng)

Giọng tenor của anh Brian Arreola thì rất tình cảm, rất thích hợp với tâm tình người cha đau khổ, bị dằng xé giữa tình thương con và danh dự. Có thể nói khúc aria dài mà anh hát song ca với Bích Vân là cao điểm của vở hát vì quá hay.

Và hôm đó, Bích Vân đã để lại một dấu ấn tuyệt vời trong vai người mẹ khốn khổ, không có sữa cho con bú vì chỉ biết ăn rễ cây qua ngày. Không thể tưởng tượng được với vóc người nhỏ bé gầy ốm như vậy mà Bích Vân có thể vận dụng “công lực” đế hát lên những nốt nhạc cao vòi vọi bằng giọng hát thật hùng hồn khi từ chối làm điều trộm cắp, và thật buồn khổ khi nhìn lại đứa bé không còn sức để khóc. Đứng bên giọng tenor mạnh mẽ của Arreola, Bích Vân không hề thua kém chút nào. Bích Vân làm chúng ta hãnh diện có một giọng hát có thể cống hiến cho kho tàng nghệ thuật nước Mỹ. Chẳng những thế, cô vào vai thật xuất sắc, gây ấn tượng mạnh nơi khán giả.

Một giờ đồng hồ xem vở opera Trong Bụng Ngựa, khán giả được thỏa mãn về nhiều phương diện: nghe nhạc quá hay, nghe những giọng hát tuyệt kỹ, thấy trước mắt cảnh tượng mà có lẽ chúng ta ít khi nào tưởng tượng nổi đã có những chuyện như vậy xảy ra. Ý tưởng đem về nhà: chúng ta cần gióng lên tiếng nói để thế giới bớt đi những cảnh người bóc lột người và tình thương quí giá hơn tất cả những giá trị trên đời.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT